Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Không gian và thời gian

-

Vừa qua, sau hơn một năm tạm dừng Khóa thiền vì dịch bệnh Covid-19, sáng ngày 27/3/2022 (nhằm ngày 25/02/ năm Nhâm Dần), nhân Khóa tu đầu tiên của năm, TT. TS. Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh TW GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã tiếp tục thuyết giảng loạt bài về PHÁP SỐ tại chùa Từ Tân (90/153 đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM). Với đề tài KHÔNG GIAN & THỜI GIAN, Thượng tọa đã chỉ ra khái niệm, đặc điểm, vai trò của Pháp số này đối với cuộc đời tu hành của mỗi người. Nhờ đó, chúng ta sống có trách nhiệm với Phật pháp, với chúng sinh hơn, không để lãng phí một phút giây nào trong cuộc đời mình.

 Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa định nghĩa, không gian là địa điểm ta đo đếm, xác định được. Thời gian là vô hình, không đo đếm, xác định, sờ chạm được. Ta cứ bị nhầm là đồng hồ để đo thời gian, thực chất đồng hồ chỉ đo chính nó, không đo được thời gian. Ta chỉ dựa vào sự thay đổi của vạn vật để biết có một cái hiện hữu gọi là thời gian. Đến bây giờ, không ai biết hay định nghĩa đúng được về nó cả.

Không gian trải rộng, dễ hiểu, ta có thể thấy được. Thời gian trôi qua dần dần, ta chỉ có thể cảm nhận, hiểu nó bằng trí tuệ, chứ không thể nghe, nhìn, cầm, nắm. Khái niệm thời gian rất tinh tế, thú vị, trừu tượng. Hiểu kỹ được khái niệm không gian và thời gian, ta sẽ hiểu được nhiều triết lý trong cuộc sống, hiểu về khoa học, nghệ thuật, đạo lý, cũng như tâm lý của mình.

Ví dụ như nghệ thuật, có những loại hình nghệ thuật dựa vào không gian như hội họa, điêu khắc, kiến trúc. Có những loại hình nghệ thuật dựa vào thời gian như âm nhạc. Cũng có những loại hình nghệ thuật vừa dựa vào không gian, vừa dựa vào thời gian như khiêu vũ, múa,..

Đi vào cuộc sống, sự kiện gì cũng gắn với không gian, thời gian. Như nói về con người, đầu tiên phải có thông tin thời gian sinh, địa điểm sinh. Hay xây nhà cũng phải xác định xây ở đâu, khi nào. Gắn trên không gian, thời gian đó, nó liên quan đến sự kiện, nhân vật, tâm lý. Tương tự với rất nhiều ví dụ cụ thể, Thượng tọa khẳng định, chúng ta không nên gắn một không gian, thời gian, tâm lý tại một thời điểm cụ thể áp đặt cho cả một đời người. Đó là sai lầm.

Tức là khi đánh giá một sự vật, sự việc, ta phải xét trên nhiều yếu tố: không gian, thời gian, tâm lý… mới khách quan. Không xem xét, chỉ đánh giá chung chung, coi đó là điều vĩnh hằng, phổ quát sẽ dẫn đến kết luận sai. Như nói về Nhân quả, gieo nhân nào gặt quả nấy, đó là một chân lý phổ quát, không thay đổi. Nhưng vô số điều khác không phải là vĩnh hằng, phổ quát thì ta phải cẩn thận khi nhìn nhận. Nếu không khi ta mở lời, nó bỗng trở thành tội. Bởi vì con người ta thay đổi, thấy họ xấu đó, nhưng mai mốt họ tốt rồi mà ta không hay và cũng có ngược lại, nên ta bớt chủ quan.

Không gian, thời gian cũng là yếu tố giúp chúng ta gặp gỡ được nhau trong cuộc đời này. Ta hay nói gặp nhau là nhân duyên từ kiếp trước. Thực ra, ngoài nhân duyên, để gặp nhau còn phải hội đủ cả 2 yếu tố: không gian và thời gian nữa chứ không phải dễ. Vì đã kết duyên lành với nhau trước đó nên trong không gian, thời gian này, mọi người hãy yêu thương, giúp đỡ, cùng nhau tu tập, làm điều thiện, phát những lời nguyện cao thượng. Đừng để vì một lí do gì rồi lại xa nhau.

Thời gian và không gian vừa hữu hạn, vừa vô hạn. Như ta đóng khung chùa Từ Tân thì không gian chùa là hữu hạn. Hay Khóa thiền của ta kéo dài chỉ hai, ba ngày cũng hữu hạn. Nhưng nói đến tính chất của không gian và thời gian, nó là vô hạn. Cái vô hạn này như thế nào, đầu óc chúng ta không bao giờ hình dung hết được.

Trong kinh điển của đạo Phật, từ xưa đã nhắc đến cái vô hạn của không gian và thời gian. Nhưng đầu óc chúng ta không đủ dung lượng để chứa hết độ lớn lao của vũ trụ. Cố gắng hiểu, ta không phát điên, cũng căng thẳng đến vỡ đầu. Hôm nay, khoa học mới mơ hồ đến được gần khái niệm về sự vô hạn của không gian, vũ trụ nhưng kinh Phật thì đã nói từ rất lâu. Điều này khiến ta kinh ngạc vô cùng. Thời gian cũng vậy, ta không bao giờ đếm hết. Chỉ có sự chứng ngộ của Phật mới đạt đến cái vô hạn của không gian và thời gian. Đây là điều tuyệt vời của Phật Pháp mà ta không thể tìm thấy ở đâu khác.

So với vũ trụ, chúng ta nhỏ bé như hạt bụi. Nhưng giác ngộ rồi, vô tận của vũ trụ lại nằm trong bàn tay ta. Nên một Đấng Giác ngộ sẽ trở thành tuyệt đối, vô biên như vũ trụ. Sự giác ngộ vĩ đại vậy nên ta có tôn kính Đức Phật triệu triệu lần cũng không đủ. Tâm tôn kính đó rất nhỏ bé, không đáng gì so với sự giác ngộ vô hạn của Ngài. Mỗi ngày cố gắng khởi tâm tôn kính Phật tuyệt đối, ta cũng được cái phước để giác ngộ tuyệt đối. Nền tảng của sự tu hành bắt đầu từ chính chỗ này.

Vì tâm không thanh tịnh, đầu không đủ trí tuệ nên ta đừng cố hình dung ra sự vô hạn của không gian và thời gian. Ta chỉ hiểu một phần đủ để mình trở thành một người tu hành đàng hoàng, thánh thiện, đạo đức. Ví dụ, trong cái bao la, vô tận của không gian và thời gian, ta có một yếu tố là tái sinh. Đừng cố hỏi mình đã tái sinh bao nhiêu kiếp, còn bao nhiêu kiếp,… bởi khoa học còn chưa chứng minh được. Cho nên, quy luật tự nhiên này ta chỉ tiếp nhận thôi.

Cố gắng đi sâu vào cái vô tận của không gian và thời gian chỉ làm não ta quá tải. Nên ta biết có luân hồi, nhân quả là được. Chừng đó thôi cũng đủ để ta tu, sống một đời đạo đức, biết yêu thương, giúp đỡ, tử tế với mọi người. Đây cũng là cách ta chuẩn bị cho sự tái sinh mới tốt đẹp hơn ở kiếp sau. Nghĩa là kiếp này ta chuẩn bị nhân quả để xây dựng kiếp sau hoàn hảo hơn. Còn cái tuyệt đối, vô hạn của không gian, thời gian, hãy để cho cái tâm chứng ngộ của ta trả lời.

Vậy giữa cái không gian, thời gian vô hạn này, điều gì cho ta trở thành hữu hạn, tầm thường, không thể cố gắng để vươn tới cái vô hạn? Đó chính là bản ngã, sự vô minh. Nên muốn tìm tới cái vô hạn, không phải cố gắng học cho nhiều, bởi cái học trong một đời không đủ để đưa ta tới cái vô hạn. Tu làm sao để được vô ngã mới giúp ta đạt đến cái vô hạn. Còn kiến thức dù nhiều tới đâu cũng mãi là hữu hạn. Học giống như luân hồi tái sinh, ta chỉ cần đủ trong một chừng mực, chứ không thể dùng nó để đi đến cái vô hạn.

Còn một vấn đề nữa là tại sao Phật và các vị A La Hán đều chứng ngộ được vô ngã nhưng lại khác nhau về thần lực, trí tuệ? Đó là bởi chứng ngộ, đạt được vô ngã hoàn toàn thì tâm của các vị ấy nhỏ đến tuyệt đối của cái nhỏ. Vì là tuyệt đối của cái nhỏ nên nó trở thành tuyệt đối của cái lớn. Lúc ấy, các vị có cảm giác mình bao hàm được hết cả không gian, thời gian của vũ trụ vào trong tâm nhưng thực ra, những sự tình trong không gian, vũ trụ ấy chỉ có Phật mới thấy hết được. Tức là Phật và các vị A La Hán đều thấy như toàn bộ không gian, thời gian, vũ trụ đã nhiếp hết một chỗ. Còn cái gì cụ thể trong đó, chỉ Phật mới thấy được chi tiết, tường tận. Đây chính là chỗ khác nhau giữa Phật và các vị A La Hán.

Cảm nhận như tâm nhiếp hết cả không gian, thời gian của vũ trụ gọi là bản thể. Biết được cái chi tiết trong không gian, thời gian đó gọi là dụng. Nên về bản thể của sự giải thoát, Phật và các vị A La Hán giống nhau. Về cái dụng, các vị A La Hán lại cách rất xa so với Phật. Điểm tạo nên sự khác biệt này chính là nhân quả đời xưa, mà đầu tiên chính là ba tâm hạnh căn bản.

Người khẳng định, khi ta tôn kính Phật tuyệt đối, yêu thương chúng sinh vô hạn, khiêm tốn tột cùng, sau này mọi thứ đạt được cũng tuyệt đối. Nghe ba tâm hạnh này, ta hiểu sơ thôi nhưng thực hành dần dần rồi sẽ thấm. Như yêu thương chúng sinh vô hạn, đầu ta phải nghĩ, miệng ta phải nói thì nó mới nằm trong ý nghĩ. Muốn nó biến thành bản chất tâm hồn, đòi hòi trong cuộc sống thực tế bao nhiêu điều thương ghét, trách nhiệm, nghĩa vụ, tâm ta phải mở lòng đến vô hạn.

Nói đơn giản, người cư sĩ có trách nhiệm bắt buộc phải lo cho vợ chồng, con cái mình. Đó là trách nhiệm của máu thịt, bản năng, luân lí, xã hội đặt ra. Những cái bên ngoài không liên quan, họ không có trách nhiệm. Còn bậc Thánh, ngoài trách nhiệm với gia đình, cái tâm họ mở ra, trách nhiệm không giới hạn với cả bên ngoài. Nên khi gặp một người khó khăn, trong đầu họ không bao giờ có ý từ chối giúp đỡ. Đây cũng là sự khác nhau giữa người đi tìm sự tuyệt đối của từ bi với người không đi tìm sự tuyệt đối của từ bi.

Thấy một người khổ, người không đi tìm cái từ bi tuyệt đối, trong tâm tự khởi lên một lý luận để khước từ trách nhiệm với họ. Người đi tìm sự từ bi tuyệt đối tự nhiên trong tâm thấy mình phải có trách nhiệm. Dù lúc đó, họ không đủ điều kiện để lo nhưng trong lòng rất muốn lo, muốn gánh vác trách nhiệm và không để tâm mình có một ý niệm là vô trách nhiệm. Đây là điều rất khó, là sự thử thách của cuộc sống đối với đạo lý.

Tâm ta đón nhận trách nhiệm hay tìm một lí do để khước từ trách nhiệm với cảnh khổ của mọi người xung quanh? Sự khác nhau giữa phàm phu và bậc Thánh cũng nằm ở đây. Giờ mỗi ngày, ta nghiệm lại nội tâm, lúc nào cũng phải sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm với cuộc đời. Dù sức khỏe, khả năng kinh tế chưa đủ nhưng tâm ta vẫn tác ý đón nhận. Dần dần Phật sẽ gia hộ, giao cho ta trách nhiệm, năng lực, cơ hội để chăm sóc được mọi người. Gỡ được nội tâm đó, ta có cơ hội tìm được về cái vô hạn tuyệt đối. Sau này đắc đạo, tự nhiên trí tuệ của ta cũng đào sâu vào từng chi tiết trong không gian và thời gian.

Nói về cách phân chia, ta có không gian kỹ thuật và không gian tâm lý, thời gian kỹ thuật và thời gian tâm lý. Không gian kỹ thuật được hiểu như ta có 10 người trong ngôi nhà 100 mét vuông. Nếu tính theo tiêu chuẩn của con người thì không gian này chật. Đây chính là không gian kỹ thuật. Nhưng trong không gian này, ai cũng yêu thương, giúp đỡ nhau thì nó lại rộng. Ngược lại, nếu mọi người ghét bỏ, ganh đua nhau thì không gian này chật. Đây là không gian tâm lý.

Hay nhiều người nói thế giới này không đủ nuôi 20 tỉ người. Tức là, người ta ước tính Trái đất không gánh nổi mức độ tiêu thụ năng lượng, lương thực, mức độ tàn phá rừng, gây ô nhiễm môi trường của 20 tỉ người. Nên ta nói Trái đất ngày càng chật chội. Nhưng nếu 20 tỉ người biết đến chùa nghe pháp, ngồi thiền, sống phúc thiện thì Trái đất vẫn rất rộng (đó là tâm linh). Đây chính là không gian tâm lý.

Thời gian kĩ thuật và thời gian tâm lý cũng vậy. Như khi ngồi thiền mà tâm chưa yên, ta cứ liếc đồng hồ thấy sao ngồi lâu vậy, trong khi mới có 20 phút. Nhưng khi tâm ta yên rồi, ngồi thiền ta cứ cầu mong đồng hồ chậm lại, đừng đến giờ xả thiền để được thiền lâu hơn. Hay sống trên cõi người này, lúc nào cũng phải lo trước nghĩ sau, tranh giành hơn thua, ta thấy cuộc đời sao mà dài thế. Nhưng lên cõi trời, mọi thứ nhẹ nhàng, an lạc, hạnh phúc, ta lại thấy 100 năm trôi qua quá nhanh. Thời gian tâm lý và thời gian kĩ thuật khác nhau là vậy.

Không chỉ khác nhau về cảm giác, khái niệm không gian và thời gian ở các cõi cũng khác nhau. Bởi vậy, các vị Thánh muốn tương tác với chúng ta rất khó. Chỉ khi nào chúng ta xứng đáng, các Ngài mới gia hộ cho. Xứng đáng ở đây là chúng ta tham dự Khóa tu đều đặn, nghiêm túc, tu hành đàng hoàng. Cái tâm sáng ấy sẽ thúc đẩy các vị vượt qua rào cản của hai cõi để theo dõi, dìu dắt, gia hộ cho ta.

Bình thường, hai cõi rất khó tương tác nên các Ngài bỏ qua, để ta tự bơi với cuộc đời mình. Ta gieo nhân nào thì gặt quả nấy, sướng khổ tự tạo dựng. Nên việc ta cầu nguyện Thần Thánh nhiều khi ít linh nghiệm bởi 2 lí do: một là hai cõi khó tương tác, hai là bởi ta không xứng đáng để Thần Thánh quan tâm.

Thượng tọa nhấn mạnh, không gian trải rộng vô biên, thời gian trôi dài vô tận, nhưng đều hội tụ tại một điểm là Niết Bàn. Khi đắc đạo, nhập Niết Bàn, đến nơi hội tụ của không gian, thời gian, các vị Thánh trở thành tất cả chúng sinh, Pháp giới và vũ trụ, bởi chúng sinh các cõi giới đều trong không gian, thời gian vô tận. Nghe đến đây, ta càng thấy tôn kính những Bậc Giác Ngộ. Lễ lạy các vị với tất cả lòng thành kính cao tột của mình, ta được cái phước rất lớn.

Để vào được Niết Bàn, ta phải đi qua con đường Tứ thiền, nhập từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, chứng được Tam minh mới đến Niết Bàn. Nhưng muốn đi đúng, ta phải biết đầu đường nằm ở đâu. Đi sai, dù tu vất vả nhiều kiếp, ta cũng không đạt được kết quả gì. Mọi người phải nhớ, đầu đường nằm ở chính mình, không phải ở bên ngoài. Và để tìm được chính mình là một quá trình tu tập rất dài của công đức, đạo đức và công phu Thiền định.

Đó là người tu thiền đúng phương pháp, có đủ công đức, dần dần tự nhiên có trạng thái buông lỏng toàn thân, cảm giác rỗng rang. Lúc này, cái chính mình hiện ra, là đầu đường để ta bước đến mục tiêu nhập định. Ngoài ra, mỗi ngày biết tác ý, tu tập ba tâm hạnh căn bản là tôn kính Phật tuyệt đối, yêu thương chúng sinh vô hạn, khiêm tốn tột cùng cũng giúp ta tìm được chính mình.

Tóm lại, không gian và thời gian là cặp phạm trù rất quan trọng. Đi trong luân hồi sinh tử lúc nào cũng gắn với không gian, thời gian. Nên ở một nơi nào, thời điểm nào đi chăng nữa, đã là người tu tập đạo lý của Phật, lúc nào ta cũng phải nguyện lòng yêu thương, phụng sự, cống hiến tất cả cho chúng sinh, một lòng hoằng dương Phật Pháp để xây dựng thế giới thành tinh cầu giác ngộ.

Quả thực đây là bài Pháp rất khó. Mỗi một khái niệm, mỗi đạo lý đều rất trừu tượng. Do vậy chúng ta cần nghiêm túc học hỏi, ghi chép đạo lý, thực hành một cách cẩn thận, tinh tấn. Đồng thời, thường xuyên kính lễ Phật, xin Ngài gia hộ để bản thân có thể lĩnh hội đúng từng đạo lý. Có vậy, việc tu hành mới nhanh chóng tiến bộ, con đường đi đến giác ngộ cũng trở nên ngắn hơn.

Có thể nói, cuộc sống của chúng ta luôn gắn liền với không gian và thời gian nhưng bản thân chúng ta lại hờ hững, không để tâm đến hai phạm trù này. Hôm nay, nhờ sự phân tích tường tận, tỉ mỉ của Thượng tọa mà chúng ta mới có sự nhìn nhận, hiểu rõ hơn về khái niệm, đặc điểm, cũng như vai trò của hai phạm trù KHÔNG GIAN & THỜI GIAN có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp tu hành của mình. Thời gian đi qua rồi không thể lấy lại được nên từ hôm nay, chúng ta biết trân trọng từng phút giây, sống hết mình vì đạo Pháp, vì chúng sinh và quê hương của mình để mỗi nơi ta đến, sẽ chỉ có tình yêu thương và hạnh phúc ngập tràn./.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất