Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápĐắk Nông: TT. TS. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Quảng...

Đắk Nông: TT. TS. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Quảng Phước

-

Tối ngày 12/04/2022 (nhằm ngày 12/03/ Nhâm Dần), nhân lễ động thổ đặt đá xây dựng Hậu tổ & Linh đường, nhận lời mời của TT. Thích Quảng Tuấn – Ủy viên Thường trực HĐTS TW GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông, TT. TS. Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chính TW GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã quang lâm đạo tràng thuyết giảng đề tài TU HÀNH TỪ THẤP LÊN CAO tại chùa Quảng Phước (thôn Thuận Nam, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông), với sự tham dự của khoảng 1.000 Phật tử từ các tỉnh thành quy tựu về thính Pháp.

 Trời về chiều, đoàn người từ khắp nơi đổ về càng đông. Trong thoáng chốc cả khuôn viên chùa tấp nập người qua lại, ai nấy tự tìm cho mình một chỗ ngồi thích hợp và chờ đợi để được nghe giảng Pháp.

Nhằm tạo điều kiện cho bà con nhân dân địa phương có chỗ lễ bái sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh, được sự quan tâm của chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN tỉnh Đăk Nông, chùa Quảng Phước được thành lập vào năm 2011 trên mảnh đất khai hoang của bà con miền Bắc đi theo vùng kinh tế mới năm 1986. Đặc biệt, tên “chùa Quảng Phước” do cố Trưởng lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Nhơn – Viện chủ Tổ đình Thiên Đức (Bình Định) đề bảng. Trải qua bao biến thiên của thời gian, đến nay những công trình thờ tự đã xuống cấp cũ kỹ, và hư hỏng nặng.  

Mặc dù kinh phí còn hạn hẹp nhưng ĐĐ. Thích Vạn Hiển – UV BTS GHPGVN tỉnh Đắk Nông; Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Đắk Song, Trụ trì chùa Quảng Phước đã gửi công văn lên Chính quyền địa phương và các cấp Giáo hội xin được phép xây dựng Hậu tổ & Linh đường cho khang trang hơn, có nơi cho bà con Phật tử, nhân dân địa phương tu học và giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên.

Đúng 19h00”, Đại đức Trụ trì tác bạch thỉnh sư đăng đàn thuyết giảng.

Buổi Pháp thoại có sự tham dự chứng minh của: ĐĐ. Thích Nhuận Trí – Ủy viên Ban Nghi lễ TW GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Trưởng BTS GHPGVN huyện Tuy Phước, Trụ trì Tổ đình Thiên Đức; Chư tôn đức Trụ trì các Tự viện trong và ngoài huyện; cùng Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang (BRVT).

Ngoài ra, còn có sự tham dự công quả của hơn 100 em Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang khu vực phía Nam.

Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, ĐĐ. Thích Nhuận Trí giới thiệu đôi nét về Thượng tọa Giảng sư đến với toàn thể hội chúng.

Tiếp đến, trước khi đi vào đề tài thuyết giảng, TT. TS. Thích Chân Quang bày tỏ niềm yêu kính lên cố Hòa thượng Tôn sư (Hòa thượng thượng Thiện Hạ Nhơn) – Người đã biến một mảnh đất hoang thành một ngôi chùa, biến một nơi cằn cỗi thành nơi gieo mầm của tình yêu thương, tri thức, đạo đức. Không chỉ riêng chùa Quảng Phước, Hòa thượng còn đi khắp Tây Nguyên, dựng lại và xây mới rất nhiều chùa. Công đức bậc thạch trụ tòng lâm Tổ đình Thiên Đức đã dành cả cuộc đời cho Đạo pháp và Dân tộc quá lớn, phải có phúc lắm chúng ta mới được làm con cháu của Ngài.

Nhìn cảnh chùa hôm nay, Người rất vui mừng vì hàng hậu bối đang tích cực gìn giữ, phát huy rất tốt cơ ngơi, sự nghiệp mà Hòa thượng để lại. Không những vậy, mà còn khiến cho nó ngày càng rực rỡ, huy hoàng, rộng lớn. Người hy vọng tới đây, công trình tu bổ, xây dựng Hậu tổ & Linh đường của chùa sẽ được tiến hành thuận lợi, suôn sẻ.

Thượng tọa khẳng định: quý Thầy trong chùa tuy còn trẻ nhưng vừa biết tu hành, thúc liễm giới hạnh trang nghiêm, vừa biết hoằng Pháp lợi sinh, thật là cái phúc lớn cho mọi người nơi đây. Vậy mới nói nơi nào có ngôi chùa đàng hoàng, có một vị chân tu, cái phước đó lan tỏa cả một vùng. Ở nước ta, nơi nào có người, có làng thì nơi đó có chùa. Chùa giúp định hình văn hóa, lối sống, tinh thần của người dân. Người Việt Nam ta hiền lành nhưng kiên cường, bất khuất chính bởi ảnh hưởng từ tinh thần của đạo Phật.

Phật giáo chính là một văn hóa lớn không chỉ của dân tộc ta, mà của cả thế giới. Ngay cả những người tri thức nhất thế giới cũng đều ca ngợi đạo Phật không tiếc lời bởi họ đủ tư duy, trí tuệ để hiểu về đạo Phật. Chúng ta trí tuệ thấp hơn nên hiểu đạo Phật cạn cợt, không được đầy đủ, sâu sắc. Nếu đủ trí tuệ, ta sẽ thấy đạo Phật là một tôn giáo, một văn hóa của nhân loại bởi nó đem lại rất nhiều lợi ích cho chúng sinh.

Đầu tiên, tu theo đạo Phật, tâm hồn ta thay đổi, làm ta trở nên đạo đức hơn. Lợi ích này nghe đơn giản nhưng nó lại là vấn đề sống còn của thế giới này. Nếu loài người không có đạo đức thì chiến tranh, xung đột xảy ra khắp nơi, thế giới vì vậy mà tận diệt. Vậy nên, thế giới của chúng ta vẫn tồn tại bởi người có đạo đức nhiều hơn người không có đạo đức. Theo đó, mọi người biết quan tâm, chăm sóc nhau, chung tay xây dựng, bảo vệ thế giới này. Sống với những người có đạo đức, ta cảm thấy hạnh phúc, yên tâm, cuộc sống của ta cũng chất lượng, đáng sống hơn. Nên nói đạo Phật cho ta đạo đức là ý nghĩa cực kì lớn đối với thế giới. Đây cũng là giá trị đầu tiên của đạo Phật.

Thứ hai, đạo Phật cho ta phương pháp, con đường, cách thức để thay đổi số phận của mình từ xấu thành tốt, từ nghèo hèn thành giàu sang. Thông qua Luật Nhân Quả, ta biết gieo nhân tốt, biết làm nhiều điều phúc thiện, bố thí giúp người, đắp cầu, làm đường, v.v.. Khi cái phước đến, may mắn cũng đến, làm ta đỡ bận tâm, đỡ vất vả, đỡ nghèo hèn.

Chúng ta bình đẳng trước pháp luật nhưng lại có đẳng cấp khác nhau trong trời đất. Đó là vì chúng ta sai biệt nhau về “phước”. Nếu ta tu theo đạo Phật, lễ kính Phật mỗi ngày với niềm tôn kính cao tột, biết khiêm hạ, tôn trọng mọi người, bỗng cái phước ngầm của ta cũng thay đổi. Ta trở thành người ở đẳng cấp cao hơn trước. Nếu như trước kia mọi người khinh thường, ghét bỏ ta, thì nay mọi người thấy ta bắt đầu tôn trọng, quý mến.

Thứ ba, đến với đạo Phật, ta cũng bớt xấu. Người biết tu, biết yêu thương, nhường nhịn, cư xử đúng mực với mọi người, sau 5 năm gương mặt trở nên đẹp liền. Bình thường muốn đẹp ta phải tốn rất nhiều tiền cho việc thẩm mỹ. Tuy nhiên, thẩm mỹ có khi không đẹp lên mà còn để lại tật, thậm chí mất mạng. Nhưng nếu dùng số tiền làm đẹp đó để giúp người, gương mặt ta tự nhiên đẹp dần lên. Vậy mới nói, đạo Phật làm thay đổi cuộc đời, thân phận và cả sắc dáng của ta.

Thứ tư, đạo Phật khai mở trí tuệ, giúp ta thay đổi đầu óc trở nên thông minh, bớt vô minh. Nhờ lễ kính Phật, tôn trọng mọi người, biết ca ngợi cái hay của người khác, biết thấy lỗi của mình để sám hối, biết chia sẻ cái hay cho người khác mà não mở ra, trí tuệ ta theo đó tăng lên. Nếu để ý, ta thấy trong cuộc sống này, người có giá trị xã hội là người có trí tuệ. Bằng cấp, địa vị cao, được mọi người trọng vọng là biểu hiện của trí tuệ, là sự công nhận của xã hội với tri thức mà họ có. Nên trong cuộc sống này, thứ có giá trị cao không phải vật chất, mà là trí tuệ.

Như vậy, nhờ đạo Phật, ta được 4 lợi ích. Đầu tiên là thay đổi được đạo đức, được mọi người yêu kính, coi trọng. Hai là thay đổi thân phận, giúp bớt được 4 cái: nghèo, hèn, xấu, ngu và tăng trưởng được 4 thứ: đạo đức, sự sang trọng, gương mặt đẹp và trí tuệ. Ba là đạo Phật mở ra cho ta nhiều lựa chọn về thế giới tương lai của mình. Nếu không có đạo Phật, ta cứ sống như cũ, cứ tham, sân, si, đầu thai tới lui mãi luẩn quẩn cõi này mà không có nhiều lựa chọn. Chết đọa súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, hoặc giỏi lắm là đầu thai trở lại làm người. Cái nghiệp đẩy ta đi vì ta không biết tu hành, không biết đạo Phật.

Giờ biết đạo Phật, biết làm phước giúp người; biết khiêm hạ, nhận ra lỗi mình; biết sám hối, lễ kính Phật; biết đến chùa tu hành trong sự hướng dẫn của quý Thầy Cô, bỗng phước ta tăng lên, thế giới tương lai mở ra các cõi trời, ta không còn bị luẩn quẩn giữa cõi người đầy đau khổ với súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục nữa. Sau khi chết, bỗng trí tuệ mở ra, giúp ta nhìn rõ nhiều cõi giới. Ta không bị cái nghiệp đẩy đi nữa mà được quyền lựa chọn trở lại cõi người với một thân phận vinh quang hoặc lên cõi trời ở với Chư Thiên, sống một cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Đây là cái khác biệt giữa người biết Phật Pháp và người không biết Phật Pháp.

Thứ tư, đạo Phật cho ta một lợi ích rất vĩ đại, đó là chuyển từ phàm thành Thánh. Đây mới thật sự là cái ta cần nơi đạo Phật. Nhờ đó, ta tự tại, ung dung, đầy đạo đức, trí tuệ, đi lại và làm được mọi thứ trong các cõi tùy ý. Để làm Thánh, hiểu Thánh, tâm ta phải tương đồng với Thánh, tức là rất thanh tịnh. Đồng thời, đạo đức ta phải cực kì sâu dày, trí tuệ cực kì sáng suốt, đời sống ta cực kì tự tại, cảm ứng của ta ngập tràn trời đất chứ không phải đơn giản.

Để được 3 lợi ích đầu tiên, ta phải tu hành mất 5 năm, 10 năm, có khi cả đời. Nhưng để chuyển thân phận từ phàm thành Thánh, ta phải tu 10 kiếp cũng chưa biết đạt hay không. Nhưng đã đến với đạo Phật, ta phải đi con đường này, không ai được quyền khờ dại giữ mãi thân phận phàm phu. Chìa khóa giúp ta đi từ phàm phu lên Thánh chính là chùa – nơi có Phật pháp, có sự tu hành, có những bậc chân tu, có Tôn tượng của Đấng Từ Phụ để ta lễ lạy với lòng tôn kính tột cùng.

Thượng tọa nhấn mạnh, 3 lợi ích đầu tiên đạo Phật cho ta rất cần, nhưng tu để chứng Thánh mới là mục tiêu chính của đạo Phật. Nhưng đến chùa mà nói con đi tu để thành Thánh thì rất ít người hiểu. Vì vậy, trách nhiệm của vị thầy là dẫn dắt người Phật tử tu hành từ thấp lên cao một cách từ từ, đừng đột ngột giao cho người mới tu ý niệm, phương pháp, vị trí cao. Không cẩn thận, họ phát điên luôn. Mà muốn dạy từ thấp đến cao, vị thầy buộc phải biết rõ 4 lợi ích mà đạo Phật mang lại, biết tu tập, thực hành kĩ phương pháp từ thấp đến cao.

Nghĩa là, đầu tiên vị thầy phải có đạo đức, có giới hạnh rất sâu sắc. Vị thầy mà còn tham sân si thì không dạy được ai. Ví dụ, để dạy đệ tử không tham, phải xem trong đời sống của vị thầy còn tham không, đã buông xả chưa; vị thầy có biết bố thí, cúng dường không? Hoặc bảo đệ tử không được sân si, ta chỉ cần nhìn trong đời sống vị thầy có hiền lành, tử tế; có biết nhẫn nhục, yêu thương mọi người không? Nếu như vị thầy không làm được mà vẫn bắt đệ tử làm chỉ khiến họ khó chịu, không phục. Còn vị thầy làm được, nói gì đệ tử cũng nghe. Họ sẽ nhìn vào chính vị thầy của mình làm tấm gương để học hỏi, tu tập theo.

Thứ hai, để thay đổi được thân phận, bớt nghèo, hèn, ngu, xấu nhờ vị thầy dạy ta Nhân quả chi tiết, kĩ lưỡng. Bản thân vị thầy cũng là tấm gương về việc thực hành, tin theo Nhân quả. Bên cạnh đó, lí luận của vị thầy cũng phải khoa học, chặt chẽ thì người đệ tử mới tin và biết làm phước từ những điều nhỏ nhất mà không chấp công, không tiếc công sức, tiền bạc. Làm phước suốt cuộc đời, ta mới có lợi ích thứ ba, cõi giới trong vũ trụ mở ra cho ta lựa chọn đi trong luân hồi.

Để đến được lợi ích thứ ba này, áp lực nơi vị thầy rất lớn. Bên cạnh việc tu hành, còn phải rất giỏi lí luận, am tường mọi lĩnh vực, tích cực làm phước, sống yêu thương, phụng sự mọi người.

Nhưng để đến cái thứ 4, nếu vị thầy chứng Thánh rồi sẽ có cách dạy đệ tử từ bỏ thân phận phàm phu, tiến lên vị trí bậc Thánh. Nếu vị thầy chưa chứng Thánh thì có 2 lựa chọn: một là không bao giờ dạy về cách tu làm Thánh, hai là vị thầy đang tu để thành Thánh và chia sẻ lại con đường đó cho mọi người.

Thượng tọa khẳng định, vị thầy mà không dạy con đường chứng Thánh thì thật là thiệt thòi cho người đệ tử, bởi chứng Thánh là lợi ích quan trọng nhất khi đến với Phật Pháp. Vị thầy chưa chứng Thánh nhưng lấy cuộc đời tu hành của mình để hướng dẫn, dìu dắt đệ tử thì thật là hạnh phúc cho mọi người. Và để chứng Thánh, ta phải đi bằng con đường thiền định, nhiếp tâm nhập định chứ không có con đường nào khác. Không chỉ trong đạo Phật, “thiền định” còn được cả ngoại đạo, người trí thức, doanh nhân… yêu thích, xem đây là một cái gì rất sâu sắc, tinh tế, văn minh. Vì vậy khi nói về thiền, ta phải cẩn thận. Tu để nhiếp tâm mà tu sai, ta không được lợi ích. Nguy hiểm hơn, bộ não ta hư liền.

Thiền là con đường chính xác đưa ta đi từ phàm lên Thánh. Nhưng con đường này rất khó, để không bị sai lầm thì hằng ngày, ta phải quỳ trước Phật mà xin Ngài gia hộ. Đồng thời, ta phải huân tập khởi tâm yêu thương mọi người, khiêm hạ (luôn coi mình chỉ là cát bụi, cỏ rác), chăm chỉ làm việc thiện mà không chấp công. Có vậy, con đường tu hành của ta mới đúng đắn, không bị lầm.

Đây thực sự là một bài Pháp thoại quan trọng với cả người đang và chưa tu theo đạo Phật. Với người chưa biết, bài Pháp giúp mọi người hiểu rõ đạo Phật, thấy được lợi ích của mình sau khi tu hành. Nhờ đó, mọi người tỉnh táo, sáng suốt, tin tưởng lựa chọn tu theo đạo Phật, không bị lạc vào tà đạo. Với người đang tu theo đạo Phật, bài Pháp cho mọi người thấy mình đã chọn được con đường tu đúng đắn. Từ đó, mọi người yên tâm tu hành, biết cách vượt qua mọi nghịch cảnh để đến được mục tiêu giác ngộ, chứng Thánh.

Ngoài ra, bài Pháp thoại cũng cho thấy những áp lực to lớn mà các vị thầy Trụ trì phải gánh để có thể giúp người đệ tử đạt được những lợi ích trong việc tu hành. Để vượt qua được áp lực, bản thân vị thầy cũng phải nghiêm túc tu hành, trau dồi kĩ năng, kiến thức, luôn thúc liễm thân tâm, làm gương cho hàng đệ tử; biết đặt Phật Pháp và lợi ích của chúng sinh lên hàng đầu. Có vậy, mọi người mới tin tưởng, yêu kính thầy. Việc giáo huấn, hoằng pháp của thầy nhờ đó cũng trở lên dễ dàng, thuận lợi hơn.

Qua bài Pháp thoại quý giá này, hy vọng các Phật tử sẽ đạt được những lợi ích do sự tu hành đúng đắn mang lại, rồi sẻ chia cho mọi người cái cảm nhận “Chùa” là một thực thể tâm linh vững mạnh, ngày càng lớn rộng, mà khắp nơi Phật tử hướng về như một quê hương tinh thần./. 

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất