Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủChia sẻKỹ năng sốngKỹ năng giao tiếp: LÀM CHỦ LỜI NÓI

Kỹ năng giao tiếp: LÀM CHỦ LỜI NÓI

-

Trong khi nói chuyện, chúng ta nên khen điều tốt của người hơn là chê bai, chỉ trích.

Vì sao như vậy? Vì lời chê bai, chỉ trích thường làm buồn lòng người khác và gây nên sự bất hòa. Hơn nữa, theo Luật Nhân Quả, nếu chê ai điều gì, chúng ta sẽ mắc những điểm xấu giống như vậy. Ngược lại, nếu khen điểm tốt của người, chúng ta sẽ được những điều tốt ấy. Bởi vậy, trong giao tiếp, chúng ta cứ nhìn vào ưu điểm của người khác để có lời khen ngợi, đừng bao giờ chỉ chăm chăm vào những điểm xấu của họ.

Trong lời nói còn có một “bệnh” đáng để ý nữa là nói nhiều. Chúng ta phải hiểu rằng, giá trị của lời nói nằm ngay trong việc làm của chúng ta. Hay nói cách khác, việc làm chính là cái gốc giá trị của lời nói. Lời nói có giá trị là lời nói có sức thuyết phục đối với người khác. Cái gốc giá trị của lời nói nằm ở việc làm của mỗi người. Đó là việc làm bố thí, vị tha, thương yêu giúp đỡ người khác một cách tận tụy, đối xử tử tế với tất cả mọi người,… Trong cuộc sống, có nhiều người rất khéo nói, nói rất nhiều nhưng không làm được bao nhiêu. Đó là những lời nói không có giá trị. Chúng ta không cần nói nhiều nhưng làm tất cả mọi điều giúp đỡ người khác, lời nói của chúng ta chắc chắn sẽ có giá trị, có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Ví dụ, chúng ta sống một đời bố thí, buông xả, không bao giờ giữ bất cứ cái gì cho riêng mình. Khi nhìn thấy một huynh đệ sống ích kỷ, không bố thí quảng đại, không buông xả, chúng ta chỉ khuyên một câu nên sống một đời buông xả, rộng rãi bố thí, đừng giữ cái gì cho riêng mình, một câu nói ngắn thôi nhưng người ấy đã hiểu ra và thay đổi. Sức mạnh của lời khuyên ấy nằm ở những việc làm bố thí, ở cả một đời sống vị tha của chúng ta. Hiểu như vậy, chúng ta không nên nói nhiều. Mỗi ngày, chúng ta nên tổng kết lại mình làm được bao nhiêu việc tốt. Nếu cân đối lại, thấy mình đã nói nhiều hơn làm việc tốt, chúng ta sẽ khắc phục hôm sau sẽ làm nhiều hơn nói, để lời nói không mất giá trị.

Hơn nữa, nói nhiều cũng là biểu hiện của “bệnh” chấp ngã, lúc nào cũng muốn người ta phải để ý đến mình, thấy mình là người quan trọng. Người nói nhiều không những dễ bị sai lầm mà còn làm phiền người khác. Đây là một loại “bệnh” cần phải sửa. Hằng ngày, chúng ta phải có ý thức sám hối, sửa chữa mới vượt qua được. Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít người rất ham nói, ham biện luận. Nhưng đó là loại người biện luận rỗng, cố nói để thuyết phục người nghe tin vào lý luận của họ. Đó là những người giả dối, lừa đảo mà chúng ta cần phải tránh.

Một vị Giảng sư đã nói: “Muốn thuyết pháp, trước hết phải biết im lặng”. Nghĩa là người nói phải làm chủ được lời nói của mình, làm chủ được tâm hồn mình, sống mà không còn mong cầu điều gì hết, không còn mong cho người khác phải tin theo mình, phải tu theo mình, không thấy mình là quan trọng nữa. Người sống được như vậy, họ thuyết phục người khác bằng chính nội tâm có tu hành, buông xả của mình chứ không hoàn toàn bằng lời nói.”

Trích bài “Làm chủ lời nói”, bộ sách “Tâm lý đạo đức”

– Thượng tọa Thích Chân Quang.

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất