Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangCác hoạt động Phật sự khácLễ kết nghĩa tình linh sơn pháp lữ đại thừa

Lễ kết nghĩa tình linh sơn pháp lữ đại thừa

-

Chiều ngày 15/07/2017, (nhằm ngày 22/06/năm Đinh Dậu), Lễ kết tình Linh sơn Pháp Lữ Đại Thừa đã được tổ chức tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (Vĩnh Long) trong không khí nghiêm trang, ấm cúng, với sự tham dự của chư tôn đức Tăng Ni Tông môn Pháp phái, của hơn 700 thiền sinh tham gia khóa tu Thiền lần IV, cùng gần 100 em học sinh tham gia Khóa sinh hoạt đạo đức mùa hè tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi và đông đảo phật tử thuộc đạo tràng chùa Phật Ngọc Xá Lợi, đạo tràng Thiền Tôn Phật Quang và phật tử từ các tỉnh thành lân cận.

Đây là dịp để các tông môn, pháp phái có cơ hội ngồi lại trong thâm tình pháp lữ đại thừa để chia sẻ nhau về lý tưởng xuất trần, sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh, sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, và lấy đạo tình tăng lữ làm dây liên lạc nối kết trên tinh thần hoằng dương Phật đạo, phổ độ chúng sinh.

Buổi lễ là một minh chứng cho thấy tình yêu thương vô hạn giữa con người với con người trong đạo, trong xã hội. Tình yêu thương này sẽ giúp mọi người biết khởi tâm tu hành tinh tấn, một lòng đoàn kết lo cho đạo, cho đời. Đồng thời, góp phần xây dựng một gia đình đạo Phật lớn trong cộng đồng.

Đây là lễ kết nghĩa giữa HT Thích Viên Giác – trụ trì chùa Từ Tân (TP HCM), HT Thích Minh Thiện – trụ trì chùa Thiên Châu (Long An), TT Thích Phước Hạnh – trụ trì chùa Phật Ngọc Xá Lợi (Vĩnh Long), TT Thích Chân Quang – trụ trì Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT), TT Thích Thiện Quang – trụ trì chùa Bảo Long (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), TT Thích Giác Minh – trụ trì chùa Phong Hòa (Đồng Tháp).

Đến chứng minh và tham dự buổi lễ có: HT Thích Viên Giác – Ủy viên Ban hoằng pháp T.Ư GNPGVN, Chủ tịch Hội cựu sinh viên Học viện tại TP Hồ Chí Minh, Viện chủ chùa Từ Tân TP Hồ Chí Minh; HT Thích Minh Thiện – Ủy viên Hội đồng trị sự GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An; TT Thích Phước Hạnh – Phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang tỉnh BR-VT; TT Thích Thiện Quang – Trưởng Ban Nghi Lễ GHPGVN quận Gò Vấp – TP. HCMTrụ trì chùa Bảo Long; TT Thích Giác Minh – Trụ trì chùa Phổ Hòa tỉnh Đồng Tháp; và NS TN Linh Liên – nguyên Chánh văn phòng BTS PG tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ra, còn có Chư tôn đức Tăng tại Bổn tự, Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang đồng tham dự.

Về phía Lãnh đạo các cấp chính quyền có: Ông Trương Văn Sáu – Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long; ông Lữ Quang Ngời – Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; ông Lê Quang Đạo – Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long; ông Trần Thanh Lâm – Trưởng Phòng Tôn Giáo Dân Tộc Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc VN tỉnh Vĩnh Long; ông Võ Thanh Vân – Phó Trưởng Ban Dân Vận Tỉnh Ủy tỉnh Vĩnh Long; Ông Nguyễn Văn Sang – Nguyên trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Vĩnh Long, cùng các thiện nam, tín nữ, phật tử gần xa đồng tham dự buổi lễ.

Sau khi hội chúng đồng khởi thân nghiêm trang niệm Phật cầu gia hộ, nghệ sĩ Tài Lưu, pháp hiệu là Năng Hiếu đã mở đầu cho chương trình bằng nhạc phẩm “Miền Tây kết nghĩa Linh sơn”. Bài hát cho thấy tình nghĩa huynh đệ thật đẹp đẽ, cao quý, không gì so sánh được. Ấy là:

 Phước lành ban rải muôn nơi

Hạnh từ trải khắp nẻo đời chông gai

Chân thành cảm hóa tâm người

Quang minh chánh đại đời đời tôn vinh.

 Trong đạo Phật, tình huynh đệ cao đẹp được gọi là “đạo tình Pháp Lữ”. Nó không gì sánh bằng bởi lẽ cuộc đời của các Ngài đã gắn bó, hiệp lực với nhau trên bước đường hành đạo để đem khí chất của bậc thượng nhân, lòng từ bi của Bồ tát nhằm giáo hóa chúng sinh, gìn giữ mạng mạch Phật Pháp, cũng như xiểng dương Chánh Pháp đến khắp nơi.

 Với niềm tin Chánh Pháp của Chư Phật luôn tồn tại giữa dòng chảy vô tận của sự sống, trên tinh thần đồng sự đồng hành, các vị gắn bó với nhau từ lúc nào không hay. Có thể nói, cuộc đời và đạo nghiệp của mỗi vị đã giúp Tăng ni, Phật tử hữu duyên, biết phát khởi tâm tu hành tinh tấn, đoàn kết, một lòng chung lo Phật sự. Đặc biệt là vững vàng đạo nghiệp, sẵn sàng tiến bước trên con đường giải thoát để làm cho cuộc đời tươi sáng hơn.

Kết thúc phần tuyên bố lí do, ĐĐ Thích Thiện Tâm đại diện cho tông phong, pháp phái đạo tràng Phật Ngọc Xá Lợi dâng lên lời tác bạch. Đại đức khẳng định:

Tình Linh Sơn trăm năm khó gặp

Nghĩa Pháp Lữ vạn kiếp khó tìm

Chính vì tình Linh Sơn Pháp Lữ khó tìm nên toàn thể Chư tôn đức thuộc hàng tông phong như vỡ òa trong hạnh phúc khi được quỳ trước những Bậc tôn túc đáng kính của tuệ giác. Không bút mực nào tả hết những gì mà các vị Sư Bác, Sư Thúc, Sư Phụ của mình đã hi sinh, cống hiến cho đời, cho đạo. Vậy nên, hàng đệ tử của các Ngài cũng như Chư Tăng Ni, phật tử trong Pháp hội này chỉ biết nhìn tấm gương sáng của các đấng bậc Thầy để làm tư lương cho mình trên bước đường tu học, giải thoát. Hơn nữa, việc các vị tôn túc kết tay nhau khơi ngọn đèn thiền Chánh Pháp sẽ làm tỏa rạng thêm mảnh đất Vĩnh Long nói riêng và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Sau cùng, toàn thể chư tôn đức Tăng Ni trong tông phong đồng đảnh lễ Sư Bác, Sư Thúc, Sư Phụ và nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho các Ngài pháp thể vạn an, chúng sinh vị độ, cửu trụ ta bà để lái con thuyền Chánh Pháp, đưa chúng sinh từ bờ mê sang bến giác.

Tiếp đến, HT Thích Viên Giác đã gửi đến hội chúng những lời đạo từ hết sức sâu sắc. Trước khi phát biểu, Hòa thượng đã gửi lời cảm ơn chân thành của mình đến TT Thích Chân Quang – người huynh đệ mà Hòa thượng có duyên kết nghĩa từ rất lâu, nhờ có sư đệ của mình Hòa thượng mới có duyên lành được biết và kết nghĩa thêm với nhiều Chư tôn đức khả kính khác.

Người cũng gửi lời cảm ơn đến TT Thích Phước Hạnh. Hòa thượng cho rằng: được quen biết Thượng tọa, đây là một niềm vui, niềm hạnh phúc của Người. Nếu không có lời mời từ TT Thích Phước Hạnh thì Người cũng không có duyên để về đây kết tình huynh đệ với các vị khả kính, đạo cao đức trọng khác.

Tiếp nữa, Hòa thượng cũng gửi lời cảm ơn đến các vị Lãnh đạo các cấp chính quyền đã quan tâm, đồng cảm, yêu thương TT Thích Phước Hạnh. Sự hiện diện của các vị trong buổi Lễ khiến Người rất xúc động và có cảm giác rằng sự đồng cảm này là linh khí đưa đến sự tốt đẹp, hưng thịnh cho chùa Phật Ngọc Xá Lợi cũng như cho cả đất nước này.

Hòa thượng nhấn mạnh, nền tảng của việc kết nghĩa là sự kết nối một cách thông thường của đệ tử Phật mà Phật gọi là tình Linh Sơn cốt nhục. Không chỉ các Chư tôn đức đang hiện tọa tại đạo tràng đây, mà ngay cả những người xuất gia đều là anh em một nhà. Sự kết nối này vượt qua tất cả những ranh giới của tông môn, nhằm tăng trưởng, phát triển những giá trị cốt lõi của Chánh Pháp, đó là con đường giải thoát khổ đau cho mình, cho người thông qua giới – định – tuệ mà Phật đã dạy.

Nền tảng của việc kết nghĩa là sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ sâu sắc những giá trị hoằng Pháp mà mọi người đã vận dụng để thăng bằng giữa con đường tâm linh và con đường xã hội. Từ đó hướng đến phục vụ cho nhân dân và đất nước Việt Nam. Thế nên, việc kết nghĩa này là biểu tượng tiêu biểu, có thể nhân rộng tạo thành giá trị kết nối tốt đẹp trong tất cả huynh đệ, Tăng Ni, phật tử. 

Sau lời phát biểu của HT Thích Viên Giác, trên tinh thần huynh đệ chia sẻ và động viên các đệ tử sống theo tinh thần đạo Pháp, dân tộc, HT Thích Minh Thiện đã trích lại lời của cố HT Thích Trí Thủ – vị Chủ tịch đầu tiên của GHPGVN rằng: “ Những gì chúng ta phục vụ cho đạo Pháp, tức là phục vụ cho dân tộc. Cũng vậy, những gì chúng ta phục vụ cho dân tộc, tức là phục vụ cho đạo Pháp”.

Hòa thượng khẳng định lời dạy cũng như hành trạng lãnh đạo cùng cuộc đời tu tập của cố Hòa thượng đã nói lên tất cả những ý nghĩa thiêng liêng về mối quan hệ của đạo Phật với dân tộc ta. Thấy như 2 nhưng là 1, không thể tách rời. Vì thế mới nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Đệ tử Phật gặp nhau trong ý tưởng đem ánh sáng từ bi, trí tuệ của Phật Đà đến với mọi người, nhằm xây dựng cuộc sống an vui, hạnh phúc cho chúng sinh và dân tộc. Việc kết nghĩa này là sự động viên, giúp đỡ nhau cùng thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình với đạo Pháp và dân tộc.

Với người xuất gia, tình yêu đạo và tình yêu nước là hai nguồn tình cảm thiêng liêng không bao giờ tách rời. Vì vậy chúng ta, những người huynh đệ của nhau hãy cùng nhau làm sao mang tinh thần của Phật giáo mà xây dựng cuộc đời, trước hết là quê hương đất nước này một cách tận tâm nhất. Bởi trong xu thế hội nhập hiện nay, đất nước vẫn luôn luôn cần Phật pháp làm nguồn mạch tâm linh.

Tại buổi Lễ, trong buổi giao tình linh sơn cốt nhục, TT Thích Phước Hạnh đưa ra ba chữ tuyệt: một là tuyệt đối trung thành; hai là tuyệt đối bảo vệ nhau, sống chết có nhau; ba là tuyệt đối phát huy dòng thiền từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại đất Vĩnh Long và khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long này.

Lắng nghe những chia sẻ trên, TT Thích Chân Quang rất vui mừng khi mọi người đều coi trọng chữ “tình”. Người chia sẻ: khi nói về kết tình linh sơn cốt nhục, chúng ta đã nói về chữ “tình” rất nhiều, còn bây giờ chúng tôi xin bổ sung một chút, đó là chữ “trí”.  Khi chưa có trí tuệ thì ta rất sợ chữ “tình” vì tình cảm làm cho ta sống cảm tính và dễ thiên vị. Nhưng với người tu hành lâu năm có trí tuệ cao rồi thì bắt đầu họ chỉ sống bằng cái tình, bởi cái tình đó đã được trí tuệ soi sáng, không còn là cái tình tầm thường ích kỷ như trước kia nữa. Cho nên những vị tu hành ở mức độ cao rồi thì chỉ tung bay trong cái tình với nhau thôi.

Chúng tôi kết tình vì những lý do sau: Thứ nhất là vì duyên nghiệp, chắc kiếp xưa cũng từng là anh em với nhau nên đời này gặp nhau đã yêu mến. Hơn nữa, chúng tôi thương mến nhau vì có một số quan điểm đồng với nhau, trong số đó có ‘đạo pháp và dân tộc”. Đây là điều đã được các vị sư huynh nhắc đến rất nhiều.

Ở đây, trên tinh thần linh sơn cốt nhục thì mười phương Tăng đều là anh em, tuy nhiên tại sao chúng tôi chỉ kết tình với chừng ấy người? Vì chúng tôi cảm thấy chúng tôi yêu thương nhau, yêu thương cả cái nhược điểm của nhau. Chính điều đó làm thành tình anh em.

Ta không đòi hỏi nhau phải hoàn hảo. Như Sư huynh Viên Giác của chúng tôi đã nói rằng: tình huynh đệ “vượt qua khỏi môn phái”, còn ở đây chúng tôi xin bổ sung thêm là vượt qua cả những ưu điểm, nhược điểm của nhau để yêu thương nhau. Như vậy mới có thể sống chết với nhau.  

Đã một lần nguyện thề như thế này thì từ đây đến cuối đời chúng ta sống vì nhau, vì Đạo pháp, vì dân tộc, ba điều này thực chất chỉ là một mà thôi. Do đó, tự nhiên chúng tôi phải có trách nhiệm với nhau mà như sư huynh Phước Hạnh nói phải bảo vệ nhau là như vậy.

Sau phần ban bố đạo từ là nghi thức cắt bánh kết giao tình huynh đệ. Tại đây, TT Thích Chân Quang đại diện cho huynh đệ mình đã nhận những lẵng hoa, quà và lời chúc mừng từ chúng đệ tử, lãnh đạo chính quyền cũng như phật tử.

Trong giây phút hân hoan, xúc động ấy, Phật tử Huệ Ngọc thay lời cho toàn thể phật tử đang hiện diện dâng lên lời cảm tưởng. Theo đó, các phật tử hết sức phấn khởi khi được tham dự buổi lễ kết nghĩa này. Và mong tình linh sơn của các vị Chư tôn đức mãi mãi bền chặt để phát huy được dòng thiền tại Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung.

Sau cùng, ông Nguyễn Văn Sang – Nguyên trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Vĩnh Long phát biểu. Ông chia sẻ: tôi đã nghỉ hưu được 5 năm rồi, hôm nay vì cái tình nghĩa thanh đạm của các vị mà tôi đến dự và có đôi lời phát biểu.

Giờ đây, trước toàn thể đại chúng, tôi xin phép tôn vinh TT Thích Phước Hạnh bằng hai chữ “hiền tài”, tôn vinh TT Thích Chân Quang bằng hai chữ “hiền triết”. “Hiền tài” cộng “hiền triết” sẽ làm nên những công trình lưu danh hậu thế. Hai vị Chư tôn đức này giống như hai đường thẳng song song, gặp nhau ở vô cùng vậy.

Đánh giá về đạo Phật, ông đã dùng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ suy nghĩ của mình. Đó là: “Mục đích cao cả của Đức Phật Thích Ca và Đức Chúa Giê-su đều giống nhau. Phật Thích Ca và Chúa Giê-su đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do, thế giới đại đồng. Và người cộng sản phấn đấu không ngoài mục đích đó”. Tức Bác Hồ nghiên cứu rất sâu sắc về đạo Phật. Người từng nói Phật dạy đạo đức là từ bi, nếu trong chữ Hán, chữ Nho, chữ Từ có chữ Tâm. Như vậy, đạo Phật là đạo tu tâm.

Tại sao tôi đánh giá TT Thích Phước Hạnh xứng đáng được tôn vinh bằng 2 chữ “hiền tài” vì ba yếu tố. Đầu tiên, Thượng tọa có gương mặt hiện tướng thiên góc. Thứ hai, Thượng tọa là người tu, biết lấy cái trí kiểm tra cái tâm. Thứ ba, Thượng tọa có cái giọng vang trời, tức là giọng lãnh tụ, hiếm thấy.

Còn với TT Thích Chân Quang, tôi tôn vinh bằng hai từ “hiền triết” vì nhìn thấy Thượng tọa tôi như nhìn thấy đèn. Thượng tọa rất kĩ càng, chuẩn mực, am tường mọi lĩnh vực. Khi Thượng tọa giảng, Người là một nhà sư Phật chân chính hoàn toàn. Những bài thuyết giảng đó tạo cho tôi một chất xúc tác để tôi nghiên cứu học đạo lý Phật dạy nhiều hơn. Từ cái đánh giá cá nhân, nhìn giáo chủ, nhìn Phật Thích Ca, ông cho rằng Đức Phật là vị Bác học của vũ trụ, còn Newton, Các Mác,… chỉ là Bác học ở thế tục mà thôi.

Lại nữa, TT Thích Chân Quang xứng đáng được gọi là “hiền triết” vì Người thuyết một học giáo có tính triết học sâu xa, dạy cho mọi người rất nhiều đạo lí của Phật. Để tán dương hai vị Thượng tọa, ông đã dùng câu nói của Victo Huygô rằng “Trên đời chỉ có thứ mà tôi tôn kính đó là thiên tài, và chỉ có thứ mà tôi quỳ gối, kính trọng đó là Phật.”

Kết thúc buổi lễ, Ban tổ chức đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Chư tôn đức, lãnh đạo các cấp chính quyền, quý Tăng Ni, và phật tử gần xa. Trong niềm vui hân hoan, toàn thể hội chúng đã đồng hồi hướng dưới sự chứng minh khởi niệm của Chư tôn đức.

Buổi lễ diễn ra thành công tốt đẹp, khiến mọi người hết sức hoan hỉ. Từ đây, tình linh sơn Pháp lữ bền chặt của các vị sẽ là cầu nối giúp phật tử gần xa sát lại gần hơn để yêu thương nhau, cùng chung tay lo cho các công tác Phật sự. Một khi trên dưới đồng lòng, đoàn kết, yêu thương sẽ tạo lên một nền tảng vững chắc cho Phật giáo Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đóng góp cho sự phát triển chung của dân tộc./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh của buổi lễ kết nghĩa:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất