Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễLễ thế phát xuất gia tại Thiền Tôn Phật Quang

Lễ thế phát xuất gia tại Thiền Tôn Phật Quang

-

Để tiếp nối dòng Thánh, duy trì huệ mạng, sáng ngày 13/04/nhuận Canh Tý (nhằm ngày 04/06/2020), tại chánh điện trong không khí trang nghiêm, trên được sự gia hộ của mười phương chư Phật, dưới được sự chứng minh của chư Tôn thiền đức và hiện tiền đại chúng, TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phât Quang đã làm lễ thế phát xuất gia cho 6 thiện nam tín nữ – là những người nguyện đi theo con đường xuất thế, đã kinh qua một thời gian dài công quả, rèn luyện tập sự xuất gia.

Buổi lễ còn có sự chứng minh tham dự của: HT. Thích Thiện Bình, Phó BTS GHPGVN tỉnh An Giang cùng đông đảo Phật tử thuộc các đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền, cha mẹ, gia đình và bằng hữu của những hành giả sắp xuất gia.

Sau phần niệm hương, đảnh lễ Tam Bảo, Phật tử Pháp Toàn đại diện cho các huynh đệ xuất gia dâng lời tác bạch với một tâm thái kiên định, đi kèm những lời phát nguyện dũng mãnh của người đã phát bồ đề tâm quyết chí tu hành, bỏ lại đằng sau những bụi trần và gác lại tình thâm mà về mái chùa Thiền Tôn Phật Quang nương Thầy tu tập, trên cầu Phật đạo dưới hóa độ chúng sinh. Cho nên, tâm nguyện của những người sắp bước qua ngưỡng cửa mới của đời sống tu hành trông rất bình dị, mộc mạc, nhưng thật cảm động, nó vừa trong sáng, vừa chân thành khiến người nghe vô cùng bất ngờ, nhận ra sự cảm thông và đồng điệu.

Đó là những lời bộc bạch chung rất thật của rất nhiều người hiện đang có mặt trong Lễ xuất gia, rằng: “Chưa biết Phật Pháp, chúng con hăm hở kiếm tìm hạnh phúc trong quyền chức, danh vọng, giàu sang, lấy lời khen tiếng chê làm thước đo giá trị đời mình, đắm chìm trong ái tình hư ảo… Nào ngờ đâu tất cả đều là phù phiếm, đổi lại là biết bao sự bất an chập chờn trong tâm trí.

Mộng tưởng và khao khát khiến chúng con như bị thiêu đốt bởi trăm nghìn ảo vọng. Để rồi, khi chợt tỉnh, chúng con tự hỏi ý nghĩa của cuộc sống này là gì?

Rồi một ngày, những Pháp âm vi diệu của Sư Phụ vang lên làm chấn động tâm hồn chúng con. Chúng con cảm nhận thiết tha rằng, chúng con có diễm phúc vô cùng lớn lao vì đã gặp được vị Thầy cao cả của đời này và vô vàn kiếp về sau. Những bài Pháp thoại của Người không chỉ ở lời nói, mà bằng cả cuộc đời vị tha vô tận.

Trên tất cả, Sư Phụ đã cho chúng con một lý tưởng, một ước nguyện cao thượng chói ngời vượt hơn mọi điều tầm thường của nhân thế, đó là đi theo dấu chân của Đức Phật để tìm về mục tiêu vô ngã giác ngộ bao la. Ơn nghĩa này làm sao nói hết, chúng con chỉ xin được xuất gia theo Người, đem trọn đời mình thực hành giáo Pháp, rồi mang đạo lý của Đức Như Lai lan truyền đến mọi chốn nghìn nơi để đền đáp phần nào công ơn của Phật, của Sư Phụ.

Chúng con xin được gửi lòng biết ơn đến cha mẹ, nguyện cầu chư Phật gia hộ cho cha mẹ được nhiều ơn phước, và cũng sẽ đồng hành cùng với con trên con đường cao thượng.

Chúng con xin phát nguyện tôn kính Phật tuyệt đối, đời đời theo Phật làm người xuất gia tu hành chân chính, dù có gặp khó khăn nghịch cảnh cho đến phải tan hoại xác thân này, chúng con cũng sẽ chết trong tấm áo người tu sĩ.

Chúng con cũng nguyện mãi giữ lòng kính thương đối với Sư Phụ, tuyệt đối vâng lời, nguyện lòng sống minh bạch giữa đại chúng. Chúng con nguyện sống vị tha, siêng năng công quả, vun bồi phẩm hạnh, đón nhận những lời chê bai, quý trọng sự trách mắng như châu ngọc, giữ gìn tâm khiêm hạ mà diệt trừ bản ngã. Chúng con nguyện tu hành không lơi lỏng, dốc lòng hướng về mục tiêu vô ngã.

Chúng con nguyện mãi là người em nhu thuận, vâng lời quý Thầy, quý Sư Cô. Chúng con cũng nguyện không bao giờ quên lý tưởng hoằng dương chánh Pháp, không quản ngại gian nan vất vả để dấn thân giáo hóa mang Phật Pháp đến với mọi nơi, mọi chốn.”

Tiếp theo, để khuyến tấn định hướng cho thế hệ kế thừa, đồng thời nhằm thúc đẩy phát triển Phật giáo trong thời đại mới, TT Thích Chân Quang đã ban những lời Pháp nhũ khai đạo cho các vị tân xuất gia trước khi thế phát, gia nhập Tăng đoàn Phật Quang, với đời sống, bổn phận và trách nhiệm mới.

Trước hết, Thượng tọa khẳng định, để có mặt, quỳ được trong đại chúng hôm nay, các Phật tử phải phấn đấu rất nhiều chứ không phải dễ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, cắt duyên trần, bước vào đời sống hoàn toàn khác của người xuất gia. Nhìn từ lịch sử dân tộc, lịch sử Phật giáo, ta thấy ngôi chùa ngày xưa rất vắng. Các vị thầy lại thích xa quần chúng, không nặng lòng vì sự nghiệp giáo hóa. Chính suy nghĩ ấy đã ảnh hưởng đến đạo Phật và vận mệnh dân tộc biết bao nhiêu nghìn năm.

Giờ đây, thời đại thay đổi, người xuất gia cũng khác xưa. Vậy nên, mục tiêu của chúng ta là làm đạo Phật phát triển hiệu quả, mang lại lợi ích cho cuộc đời, nhất là về khía cạnh đạo đức. Để mọi người nhận được những ảnh hưởng, lợi ích tốt đẹp đó từ nơi đạo Phật thì Tăng Ni, người xuất gia phải đủ sức mạnh để cảm hóa, thuyết phục, làm tâm hồn chúng sinh thay đổi. Nhưng trước hết, nơi tâm hồn của người xuất gia cũng phải là cả một kho tàng quý báu của đức hạnh, giới luật, trí tuệ, kĩ năng,… Có vậy, mới gây được ảnh hưởng vào trong cộng đồng. Khi bước vào đạo, người xuất gia phải hướng đến mục tiêu đó.

Thực sự, trên con đường mà người xuất gia đi đến giác ngộ, vô ngã là phải gieo được nhiều lợi ích, đạo đức vào trong nhân sinh chứ không phải một mình lặng lẽ, độc cư tới ngày đắc đạo. Ngoài việc phải đi trên con đường giác ngộ, ta còn phải dẫn dắt thêm biết bao người đi cùng. Đó là trách nhiệm, là điều tự nhiên không ai tránh khỏi bởi làm gì thì làm, riêng tu là ta không đi được một mình. Nhưng liệu ta có đủ đạo lực để làm được điều này hay không thì đây lại là một thử thách lớn sau này.

Lại nữa, Thượng tọa nhắc nhở chung hàng đệ tử xuất gia phải chuẩn bị tâm hồn mình cho thật kĩ, việc vừa tu hành mà vừa làm lợi ích cho đời, lại không đắm nhiễm cuộc đời… phải nói rằng đây là thử thách rất lớn. Và nhiều người đã gục ngã, đã quay đầu giữa đường. Dĩ nhiên, nguyên do đầu tiên vẫn là thiếu phước, có thiếu phước rồi mới thiếu những điều khác. Vì thế người tu phải biết rằng cái phước của mình có thể không đủ để dẫn dắt mình đi qua đời này và đến muôn kiếp sau, không lui lại thế tục nữa. Cho nên mỗi bước đi đều phải cố gắng hơn giai đoạn trước, không bao giờ tự mãn cho rằng đã đủ rồi.

Người xuất gia một khi đã cạo tóc, từ bỏ gia đình, sống trong Pháp và Luật của Đức Phật rồi thì vĩnh viễn muôn kiếp không bao giờ lui lại được nữa. Kể cả những kiếp sau, dù tái sinh vào đâu, cuối cùng ta vẫn quay lại nối tiếp sự nghiệp tu hành mãi mãi. Cứ như vậy, đạo lực của ta tăng lên, số người đi theo ta cũng được lợi ích nhiều hơn. Vậy mới nói, xuất gia mới chỉ là bước đầu. Sau này, ta còn phải phấn đấu gấp trăm ngàn lần khi còn là cư sĩ.

Hôm nay, có thể ta thấy cực nhưng đó mới chỉ là một phần triệu so với cái cực của các vị Bồ tát. Chính sự nỗ lực phi thường ấy mà các vị đã đạt được đạo quả tuyệt đối vô biên. Ta nên nhớ, Thánh quả là tuyệt đối vô biên thì nỗ lực cũng không thể nào là ít ỏi, tương đối, hữu hạn được. Hiểu như vậy rồi, ta cố gắng giữ lý tưởng tu hành cho mình ở kiếp này và cả muôn kiếp về sau. Đồng thời, trên con đường tu hành vất vả, gian khó nhưng đầy trách nhiệm, đầy cao quý ấy, lúc nào ta cũng phải khiêm hạ, không ngừng cố gắng bồi đắp công đức mãi mãi.

Nhân buổi Lễ xuất gia, Thượng tọa cũng đặc biệt gửi lời tán thán tới gia đình, cha mẹ của những vị tân xuất gia. Ai nuôi con cũng mong đến lúc về già có người nương tựa, nhưng các Phật tử vì mến đạo mà cúng dường đứa con cho đạo. Cái tâm này thực sự vĩ đại. Bù lại đó, nhân quả nhiệm màu, quý Phật tử lo cho đạo Phật thì Phật sẽ lo lại cho ta nhiều điều tốt đẹp khác.

Quả thực, khi còn là cư sĩ, nhìn những vị xuất gia, ta chỉ thấy cái thành công, ánh hào quang rực rỡ xung quanh con người, đạo hạnh, đạo đức của họ mà ngưỡng mộ, ước muốn. Nhưng nếu không thực sự toàn tâm, toàn ý muốn xuất gia và xuất gia thì ta không thể thấy hết được những gian nan, trách nhiệm to lớn mà họ phải gánh vác. Và đã có duyên xuất gia, ta phải trân trọng, giữ gìn vì không phải ai cũng có cơ may này trong đời.

Thật cao quý khi những ai đã chọn con đường xuất gia, bởi vì thế gian này luôn khao khát, trông đợi những người xuất gia tu hành chân chính xây dựng đạo đức cho xã hội, định hướng tâm linh giác ngộ cho xã hội đúng đắn, để mọi người được chỗ nương tựa, được soi sáng, được dạy dỗ. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta đều phải thắp lên trong tim mình ước nguyện mang ánh sáng giác ngộ đó đến cho trần gian. Chúng ta sẽ thay bước những bậc Thánh để thắp lại ánh sáng dường như đã tắt, ta sẽ thay thế những Tăng Ni đã ra đi khỏi cuộc đời để đứng vào vị trí đó, tiếp tục thắp lên ngọn đèn Chánh pháp cho thế gian này.

Kế đến, các vị lạy tạ thâm ân cha mẹ lần cuối cùng, rồi đảnh lễ Tam bảo, Thầy Tổ và các sư huynh, sư tỷ của mình.

Sau đó, TT.Thích Chân Quang sái tịnh và làm Lễ thế phát cho các thiện nam tín nữ. Bắt đầu mái tóc phiền não được đoạn lìa với sự gia trì của Chư tôn đức Tăng Ni, sự chứng kiến của cha mẹ, bà con và bè bạn.

Buổi Lễ xuất gia diễn ra thật cảm động, nhất là thời khắc thầy Bổn sư làm Lễ thế phát, toàn thể Đại chúng tụng bài kệ:

“Từ đây xin bỏ hình hài
Cắt dây tham ái, lìa người quyến thân
Chuyện đời xem tựa phù vân
Dốc lòng tu tập tinh cần chuyên sâu
Mai kia thành tựu Đạo mầu
Chúng sanh vô lượng nguyện cầu độ xong.”

Tiếp đến là Lễ xuống tóc và Lễ tạ Tam Bảo.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi lễ:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất