Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻMảnh vườn tâm hồn

Mảnh vườn tâm hồn

-

Tuổi 20 ngày ấy trong con là những bộn bề lo toan của cuộc sống, là những nỗi sầu lo vô cớ của thời sinh viên. Có những chuyện thực ra không có gì lớn, nhưng dưới suy nghĩ của con, nó đều trở nên phức tạp…

Là sinh viên năm 2 với đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, con từng muốn được tham gia đội thanh niên tình nguyện của trường, muốn được làm những việc giúp đỡ những trẻ em vùng cao, muốn được mặc chiếc áo xanh, muốn được đi nhiều nơi xa xôi để trải nghiệm và khám phá… Thế nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở cái muốn, con đã không được may mắn tham gia đội tình nguyện nào.

Vì hiểu được một phần tính cách của con, một người bạn cùng phòng đã rủ con đến dọn dẹp cỏ ở chùa một buổi chiều. Điều ngạc nhiên đầu tiên trong con đó chính là ngôi chùa rất đẹp. Giữa thủ đô Hà Nội, có một mái chùa cổ kính, một khu vườn rộng và xanh mát. Lúc đó, trong lòng con cảm thấy thật thoải mái. Chợt có một bạn sinh viên nhỏ nhắn và xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng nói với người bạn của con: 
– A! Muội chào tỷ! Đây là huynh đệ mới à tỷ? 
– Ừm! Đây là bạn cùng phòng với tỷ? Huynh đệ mình đang làm gì đó muội?
– Dạ! Huynh đệ đang làm cỏ ở vườn sau kia ạ!

Trước cuộc trò chuyện đó, con vô cùng ngạc nhiên vì cách xưng hô “Huynh đệ – Sao ở đây mọi người xưng hô kì kì thế nhỉ? Nghe như trong phim Trung Quốc ấy? Buồn cười quá!” – Con nghĩ bụng.

Trước mắt con hiện ra một mảnh vườn tương đối lớn. Có những bạn sinh viên đang cặm cụi nhổ từng gốc cỏ, xới từng mảnh đất trong đó. Đâu đó lại có những bạn sinh viên nam mồ hôi nhễ nhại đang xúc đất chuyển đi. Thời tiết ngày hôm đó dù không nắng cho lắm nhưng cũng khá oi bức. Và trong suy nghĩ của con, thời tiết cũng là một lý do khiến con người ta dễ cảm thấy khó chịu và nóng giận. Thế nhưng trên khuôn mặt của mọi người đều rất tươi vui, mọi người vui vẻ cùng nhau làm việc, cái mệt đã mất đi tự bao giờ. Con vô cùng ngạc nhiên. Thời gian trôi đi thật nhanh, trời cũng đã tối và mảnh vườn cũng đã được dọn xong sạch sẽ. Mọi người vui vẻ cùng chào nhau ra về, cũng vẫn với cách xưng hô kỳ lạ đó: 
– Muội chào tỷ nhé! Bây giờ muội về nấu cơm tỷ ạ! 
– Đệ chào huynh nhé! 
– Về nhà huynh chơi đi, huynh nấu cơm mời đệ một bữa!

Trên đường về đi cùng bạn, con rất thắc mắc về cách xưng hô kỳ lạ này. Con quay sang hỏi bạn:
– Mày ơi! Sao mọi người cứ xưng hô là tỷ muội gì gì đó, nghe như trong phim ấy!
– Ừm! Bọn tao gọi là Chúng Thanh Niên Phật tử Phật Quang. Sư Phụ của bọn tao đưa ra cách xưng hô như thế đó để tách biệt với cách xưng hô ngoài đời. Hai từ “huynh đệ” nó thiêng liêng lắm. Tham gia một thời gian, mày sẽ thấy thích gọi là huynh đệ hơn là anh em ấy. 
– Thế hả? Tao gọi cứ ngại ngại sao ấy!
– Tham gia Chúng Thanh Niên, tao được đi nhiều nơi lắm, được đi làm việc thiện nguyện ở những tỉnh xa, được chia vào các ban để làm việc, có những lúc vất vả lắm, mà huynh đệ vẫn luôn vui vẻ, hòa đồng với nhau. Có những kỷ niệm bên huynh đệ mà không thể nào quên được.
– Thích thế! Hôm nào có công quả gì thì gọi tao đi nữa nhé!
– Chúng tao có buổi tu tập vào thứ 6 hàng tuần ấy, khi nào đi tao rủ nhớ đi nhé!
– Thế đến đấy có làm công quả không mày? Đến đấy tụng kinh à?
– Ừm! Đến đấy có tụng Kinh, ngồi Thiền và sinh hoạt giáo lý. 
– Ui! Thế tao không đi đâu, ngồi Thiền đau chân lắm, với chân tao cứng như que gậy như này, không vắt chân được đâu. Tao không đi ngồi Thiền đâu. Hôm nào có công quả thì tao đi. Hì hì.

Khi được rủ đi “tu tập”, con hơi lo lắng vì sợ ngồi Thiền, sợ bị đau chân, sợ không vắt chân lên được mọi người cười chê. Con ngại khi con là người mới ở “tổ chức” Chúng Thanh Niên, còn nhiều cái suy nghĩ vẩn vơ khác quanh quẩn ở trong đầu con.

Thời gian cứ như thế, mỗi lần có công quả ở đâu con đều đến tham dự, còn riêng những buổi tu tập hàng tuần con đều tìm lý do từ chối. Sau những lần từ chối đó, có điều gì đó khiến con luôn cảm thấy tiếc nuối, không thoải mái mà con không thể nào biết được lý do. Thế rồi, dưới sự thuyết phục của bạn cùng phòng, cuối cùng con cũng đến tham dự buổi tu tập đầu tiên.

Con đến chùa trong một buổi tối mùa thu Hà Nội. Thời tiết se lạnh và những cơn gió thổi qua khiến trong lòng con cảm thấy rất dễ chịu. Bước chân đến cổng chùa, như bước đến một nơi khác, nơi đó không phải là sự nhộn nhịp của thành phố, không phải là những quán ăn tấp nập. Đó là nơi xua tan đi cái mệt mỏi ngoài kia, là nơi làm cho tâm hồn con người ta thấy thoải mái, dễ chịu. Hôm nay, vẫn cách xưng hô như lần đầu tiên con được nghe. Hai từ “Huynh Đệ” ấy được nói ra bởi hơn 50 con người. Ai ai cũng đều là sinh viên và đều xưng hô như thế, nghe bỗng nhiên ấm áp lạ thường. Mọi người đến chùa trong một tâm trạng hân hoan. Ngày thứ 6 yêu thương ấy, bao nhiêu con người đang chờ đợi để được gặp nhau, để được cùng tụng chung câu kinh, tiếng hát và cùng nhau chia sẻ những giáo lý tốt đẹp.

Tiếng chuông, tiếng mõ được cất lên đều trở nên thân thuộc. Bài hát “Khúc tán ca tôn kính Phật” được vang lên giữa không gian yên tĩnh, mọi người đều hát thật to những câu hát thiêng liêng ấy. Chưa bao giờ con cảm thấy Đức Phật là một người vĩ đại như thế. Và bỗng nhiên con thấy khóe mắt rưng rưng, con cảm thấy xúc động vô cùng. Bài kinh “Từ Bi Sám hối” được cất lên: “Ai cũng thế ít nhiều đều tội – Chỉ khác nhau biết lỗi hay không – Đời là bể khổ mênh mông – Khéo nương Phật Pháp thoát vòng trầm luân.” Những lời kinh vô cùng dễ hiểu, không giống như những bài kinh khác mà con vẫn thường nghe. Trong suy nghĩ của con, Kinh tụng không phải là những bài hát mà là những lời đọc tụng mà chỉ những người người lớn tuổi hoặc đã đi chùa một thời gian mới hiểu. Nhưng sao những lời kinh này gần gũi đến thế! Chợt như có điều gì đó nghẹn trong lòng. Trước đó, con cứ tưởng bao nhiêu suy nghĩ, lời nói và việc làm của con là đúng. Con cứ tưởng con là một người rất tốt. Thế nhưng, sau khi nghe được những lời ấy, con vô cùng xấu hổ, trong quá khứ của mình mình đã làm biết bao điều sai trái. Có một chút gì đó ân hận. Những suy nghĩ đó cứ quanh quẩn trong đầu con mà hết thời tụng Kinh tự bao giờ.

Sau thời khóa tụng Kinh, con được các huynh đệ giới thiệu về Cuộc đời Đức Phật, 3 tâm hạnh căn bản, và phương pháp Thiền Định. Sau đó tất cả mọi người bước vào thời khóa ngồi Thiền kéo dài 30 phút. Có lẽ cái cảm giác được ngồi Thiền ấy con sẽ không bao giờ quên được. Chỉ chưa đầy 2 phút, vì quá đau và không thể chịu được nên con đã bỏ chân xuống và lén nhìn xung quanh. Con chợt nhận ra rằng, không khí lúc này thật trang nghiêm đến lạ thường, cả đại chúng ngồi không một tiếng động nào, thẳng hàng và ngay ngắn. Mặc dù vắt chân đau nhưng mọi người vẫn cố chịu cho đến khi nghe tiếng chuông xả Thiền.

Buổi đầu con đến với chúng thanh niên là như thế đó. Cho đến bây giờ, mỗi khi có huynh đệ mới đến tu tập, trong con lại nhớ đến cái cảm xúc buổi đầu tiên đến sinh hoạt chúng thanh niên, cái cảm giác được tụng những bài kinh ý nghĩa, được ngồi Thiền tuy rất đau nhưng không thể nào quên được.

Thời gian trôi đi thật nhanh, đã 3 năm con được sống và làm việc trong ngôi nhà Phật Quang thân thương đó. Con cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc biết bao vì con được tham gia Chúng Thanh Niên, được sống và làm việc trong một môi trường tràn đầy tình thương yêu mà không nơi nào có được. Trên tất cả, con vô cùng biết ơn Đức Phật, biết ơn Sư Phụ kính yêu. Nhờ có Sư Phụ, chúng con mới trở thành những huynh đệ trân quý của nhau, chúng con mới có cơ hội được biết đến Phật pháp, biết như thế nào là sống yêu thương, cống hiến và phụng sự.

Chúng Thanh Niên vẫn trẻ như thế, và giờ có rất nhiều huynh đệ mới đến với Chúng Thanh Niên, nhân duyên của mỗi người sẽ khác nhau, những cảm xúc có thể cũng khác nhau. Nhưng con hy vọng rằng, những huynh đệ ấy sẽ gieo duyên Phật pháp cho rất nhiều người, để tình yêu thương sẽ được lan tỏa trong tâm hồn mỗi người, để môi trường Chúng Thanh Niên này sẽ được lan rộng hơn nữa.

“Mỗi ngày là một mùa xuân mới
Kể từ khi con đến với Đạo thiêng
Bỏ dần đi những mộng tưởng tư riêng
Vơi bớt hẳn những muộn phiền phi lý…”

(Chia sẻ của một huynh đệ đến từ Chúng Thanh niên PTPQ Hà Nội – Tổ Nông Nghiệp)

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất