Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễMùng 2 tết TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về ý nghĩa...

Mùng 2 tết TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về ý nghĩa của sự ước mơ

-

Mùa xuân là mùa biểu tượng của sự hạnh phúc, an lạc. Vào những ngày đầu xuân Đinh Dậu, ai nấy đều phấn khởi đi lễ chùa đầu năm, để gửi gắm những lời cầu nguyện cho một năm mới nhiều điều may mắn, an lành. Nơi Thiền Tôn Phật Quang không khí vui xuân cũng chan hòa theo cảnh sắc thiêng liêng của đất trời và con người. Sáng mùng 2 tết, gần 10.000 lượt người đến chùa lễ Phật, nghe thuyết Pháp và xin lộc đầu năm. Dịp này, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng đề tài Ý NGHĨA CỦA SỰ ƯỚC MƠ.

a9a_04-02-2017

Khi có ước mơ chân chính, cao thượng thì con người sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, và họ cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc. Bài Pháp này đã chỉ ra các loại ước mơ cũng như tầm quan trọng của chúng trong cuộc đời và sự tu tập của mỗi người. Nhờ đó, các phật tử biết lựa chọn, theo đuổi những ước mơ chân chính, cao đẹp, vừa giúp hoàn thiện bản thân, vừa góp phần xây dựng thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa tản mạn tại sao ngày đầu năm chúng ta lại tìm đến cội nguồn tâm linh, tìm về nương náu với thần thánh? Và trở thành phong tục rất đẹp. Ở đây, việc đi chùa đầu năm có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất trên khía cạnh đạo đức, thứ hai là trên khía cạnh về cuộc sống. Về đạo đức tức là ngay giờ khắc ta cho là thiêng liêng nhất, đáng quý nhất của một năm, ta đem dành cho Phật, cúng dường cho Phật, hướng tấm lòng về với Phật. Đây là ý nghĩa về đạo lý, đạo đức. Mà đã là đạo đức, đạo lý thì có nhân quả của nó. Là khi ta đã dành tấm lòng của mình đến với Phật thì ta có phước, dù chưa cần cầu xin. Tuy nhiên, phước đó như thế nào thì còn tùy nghiệp của mỗi người. Ta không nhận ra rõ lắm nhưng ta đã có phước.

a24_04-02-2017

Để chứng minh cho quan điểm này, Thượng tọa kể lại nhiều câu chuyện về sự linh ứng trong việc đi chùa đầu năm do các phật tử chia sẻ. Qua đó, Người nhắc nhở ta đừng vin vào đó mà thành mê tín, mất cái đạo lý cao thượng, phải giữ đạo lý cao thượng thì phước mới lớn. Còn ta đi lễ chùa theo ý nghĩa cầu xin thì cũng được đó nhưng phước nhỏ lại. Ví dụ đầu năm ta đi lễ chùa, ta cầu cho gia đình mình được bình yên, được mua may bán đắt, phát tài, lên chức, v.v… Mình cầu một cách rõ ràng thì điều này không ai trách, vì đó là nhu cầu cuộc sống và những điều may mắn đó nằm ngoài sự kiểm soát của ta, nên ta phải cầu xin Phật, nhưng coi vậy cái ý nghĩa đi chùa nó bị giảm xuống một chút.

Còn người nào đến với chùa đầu năm mà nghĩ rằng mình đem cái giờ khắc thiêng liêng này cúng dường Phật thì tự động phước vượt trội lên trong năm đó. Ta có nhiều may mắn hơn hoặc ta thoát nhiều chuyện xui hơn. Vì vậy, vào những ngày tết, Thượng tọa nhìn thấy phật tử có một khoảng thời gian để về với chùa, Người rất vui vì tấm lòng của phật tử dành cho đạo, là trong tâm mỗi người đã nhen nhúm lên ngọn lửa của đạo đức, của đạo lý, và của từ bi dù ít hay nhiều.

Tiếp đến, đi vào nội dung chính của bài Pháp thoại Ý NGHĨA CỦA SỰ ƯỚC MƠ, Thượng tọa khẳng định nhìn vào ước mơ, ta sẽ thấy được hạng người. Bởi vì, khi nghe một người trình bày ước mơ, ta có thể đánh giá về nội tâm của họ. Vậy nên Người nói: “hãy cho tôi biết anh ước mơ điều gì, tôi sẽ cho anh biết anh là hạng người nào”.

a26_04-02-2017

Nói về ước mơ thì có rất nhiều loại. Mỗi người lại có một ước mơ khác nhau. Hễ ta ước mơ điều gì thì nhân quả sẽ đi theo đúng hướng đó. Cuối cùng, mỗi ước mơ đều thành nhân quả cả.

Ví dụ, một người ước mơ làm bác sĩ. Khi cái nhân này được gieo xuống, nó sẽ hướng họ đi. Khi tích lũy đủ phước, ước mơ đó sẽ trở thành hiện thực. Nghĩa là muốn đạt được ước mơ nhanh hay chậm là phụ thuộc vào cái phước của mỗi người. Ước mơ thành nhân, thành quả là vậy. Cho nên, hãy khôn ngoan, cẩn thận khi dệt những ước mơ của mình.

Ở mỗi độ tuổi khác nhau, chúng ta lại có những ước mơ khác nhau. Khi còn trẻ, khí thế hừng hực, nhiệt huyết căng tràn, chúng ta mơ mộng nhiều. Khi trưởng thành, đối diện với hiện thực cuộc sống, ước mơ của chúng ta trở nên thực tế hơn. Khi về già, ước mơ của chúng ta ít đi rồi tắt dần dần. Tuy nhiên, với những người có niềm tin tôn giáo thì cái chết không thể ngăn cản ước mơ của họ. Cái nhìn của họ vượt ngoài kiếp sống này để tiếp tục ước mơ cho những kiếp sống sau. Thế nên, các tôn giáo đều nói về cuộc sống sau khi chết, nhất là về thiên đường.

Khác với các tôn giáo, ngoài thiên đường, đạo Phật còn nhắc đến vô số cõi như địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, cõi người hay cõi trời. Tùy thuộc vào nghiệp nhân đã gieo mà mỗi người sau khi chết, có một cõi khác nhau để đi về.

a12_04-02-2017

Đặc biệt, trong đạo Phật còn nhìn thấy vô lượng kiếp, thấy những cõi giới cao siêu trong pháp giới vũ trụ, thấy nhân quả trùng trùng điệp điệp, biến hóa khôn lường, không thể tưởng tượng được. Vậy nên, cái chết không phải là giới hạn, không thể ngăn cản các đệ tử Phật ngừng ước mơ. Với họ, lúc nào cũng là mùa xuân, là tuổi trẻ, họ chưa bao giờ già, chưa bao giờ chết. Chết chỉ là một giai đoạn của luân hồi sinh tử, còn vô lượng kiếp mà họ phải sống, phải lăn trôi. Họ còn rất nhiều hy vọng ở các cõi khác. Do đó, vượt khỏi cái chết để tiếp tục ước mơ là một điểm đặc biệt của đạo Phật.

a28_04-02-2017

Theo đó, Thượng đó nhấn mạnh rằng tùy thuộc vào nhận thức, đạo đức của mình, ta chọn một quả báo để bắt đầu dệt nên những ước mơ. Cái hay của đạo Phật là dạy cho ta có những ước mơ đúng đắn, tuyệt vời. Khác với khi chưa có Phật pháp, ta hay ước mơ những điều sai trái để rồi bị tổn phước, mãi lăn trôi trong bể khổ. Ví dụ, ta ước mơ ai gặp mình cũng phải kính lễ, quỳ lạy. Ước mơ này khiến ta bị đọa dần xuống làm giun, dế sau khi chết đi. Ngược lại, nếu hiểu nhân quả, biết ước mình có đủ lòng khiên hạ để yêu thương, kính trọng mọi người thì dù chưa làm được gì, nhưng phước của ta đã tăng dần rồi. Điều này cho thấy có những loại ước mơ làm tăng cái phước của ta, nhưng cũng có những loại ươc mơ làm ta mất hết phước.

Đứng trước mọi việc, ta luôn khởi lên những ý nghĩ, ước muốn. Ta không biết rằng mỗi ý nghĩ, mỗi ước muốn đó đều thành nhân quả. Ví dụ khi nhìn thấy cảnh nghèo khổ của người khác, ta ray rứt, muốn giúp đỡ họ là ta đang gieo một cái nhân đúng. Có thể ngay trong kiếp này hoặc vài kiếp sau, ta sẽ dần dần có tiền để thực hiện được ước muốn giúp người của mình. Cái quả ta gặt được là bỗng nhiên trở nên giàu có, thành công hoặc kiếp sau được sinh vào những gia đình khá giả. Lúc đó, ta bố thí nhiều hơn nữa. Tất cả là vì cái nhân đúng đắn ta gieo lúc đầu, khởi nguồn cho ước mơ giúp đỡ người khác. Thế nên, ước mơ sẽ dệt nên tương lai và định hình những kiếp sống sắp đến của chúng ta.

Do đó, chúng ta càng tu tập lâu, càng hiểu đạo lí thì càng thấy những ước mơ của thế gian mà trước đây mình đã dệt trở nên tầm thường, không đáng. Từ đó, ta biết dệt những ước mơ dần dần trở nên cao siêu, khủng khiếp.

a29_04-02-2017

Chẳng hạn, ta ước mơ làm Tổng thống để ký một sắc lệnh buộc các trường học phải đưa Luật Nhân Quả vào giảng dạy cho học sinh. Vì khi tin hiểu Nhân quả, tự trẻ sẽ chọn đường đi cho cuộc sống của mình. Có đứa trẻ đọc xong những tập truyện tranh Nhân quả, khi nghe vài người lớn khoe nhà mình sắm được bao nhiêu bộ quần áo mới, bao nhiêu cây đào, bao nhiêu vật dụng đắc tiền khác để tranh hơn với nhau. Nghe vậy, đứa trẻ đã nói: “Các bác đừng khoe khoang, vì người khoe khoang sau này sẽ nghèo và dốt”. Câu nói này khiến người lớn phải giật mình. Hoặc trong tranh Nhân quả có nói: “Ai không thương yêu con người sẽ chịu quả báo không được sống với loài người nữa”, tức là trở thành súc sinh. Khi suy ngẫm về điều này rồi đứa trẻ tự dặn lòng là suốt đời mình phải yêu thương con người. Nên nhân quả có vai trò cực kì quan trọng trong việc định hướng suy nghĩ, hành động của con người. Một đứa trẻ tin, hiểu nhân quả là phúc cho trẻ, cũng là phúc cho cả gia đình và toàn xã hội, vì nó có thể sống đúng đắn và nhắc nhở những người xung quanh.

Do vậy, ta thấy lợi ích của việc mà mọi người tin hiểu nhân quả lớn quá trong xã hội này. Cho nên ta có một ước mơ phải chi tôi có quyền, tôi ra lệnh cho tất cả trường học phải dạy Luật Nhân Quả. Khi ước mơ đã gieo xuống rồi thì bắt đầu nhân quả nó chạy, nó vận hành thì ngày đó sẽ đến, không biết kiếp nào, có thể 10 kiếp, 50 kiếp sau nữa, nhưng ngày đó sẽ đến, ước mơ sẽ trở thành hiện thực.

Nghĩa là khi hiểu đạo rồi, ta không còn ước mơ cho bản thân ta nữa mà bắt đầu biết điều chỉnh ước mơ của mình, hướng sang cho những người xung quanh, cho chúng sinh khắp chốn. Ước mơ đầu tiên chính là mang niềm tin về Luật Nhân Quả đến cho mọi người.

a31_04-02-2017

Hoặc khi thấy con người lúc nào cũng sống trong đau khổ, hơn thua, đố kị, thù ghét, ta bắt đầu ước mơ mình là một Thiền sư đắc đạo, có sức thuyết phục các nhà trường, các bậc lãnh đạo, các nhà tù, bệnh viện để đưa Thiền vào dạy cho mọi người để ai cũng được lắng tâm trong thanh tịnh, buông bỏ dần bản ngã. Hơn nữa, trẻ em được học Thiền sẽ thông minh lên, bệnh nhân được học thiền sẽ mau hết bệnh, cán bộ công chức được học thiền sẽ tận tụy hơn, người công nhân nông dân sẽ vui trong lao động, vui trong công việc, vui trong sự cống hiến của họ. Và cả thế giới này sẽ biến thành thiên đường tịnh lạc.

Hay khi thấy thế giới này thiện ác lẫn lộn, thậm chí cái ác ngày càng lây lan nhanh chóng, nhuộm đen cả thế giới thì ta đau lòng, ước muốn cái thiện lớn dần lên, nhấn chìm cả cái ác. Để điều này trở thành hiện thực, phải có những người thiện lành, tràn đầy uy lực, đạo lí, buộc chúng sinh phải nghe theo lời dạy dỗ của mình. Họ chính là những Chư thiên tử đến từ cõi trời. Nghĩa là ta nguyện cầu cho các Chư thiên tử tái sinh xuống cõi người, đem uy lực của mình để giáo hóa điều thiện cho cuộc đời.

a13_04-02-2017

Để Chư thiên tái sinh làm người rất khó vì các Ngài có 4 đặc tính: thơm tho, sạch sẽ, đẹp đẽ và thông tuệ. Các Ngài không thể chấp nhận sự dơ bẩn của con người và các loài súc sinh ở trái đất. Tuy nhiên, khi lời cầu nguyện của ta được lặp đi lặp lại trong nhiều năm thì nhân quả sẽ hình thành. Có thể kiếp sau ta trở lại làm người, không phải làm Chư thiên, cũng không phải người nhiều uy lực, nhưng lời cầu nguyện của ta đã được Chư thiên lắng nghe và động lòng, thành cái nhân quả rúng động cả cõi trời. Sẽ có ngày các Ngài đem phước đức, uy lực của mình để giáo hóa cho chúng sinh.

Trước khi các Ngài xuống cõi người, có nguyên một kịch bản được dàn dựng sẵn. Đầu tiên các Ngài chọn một gia đình xứng đáng để đầu thai vào. Các Ngài không đầu thai cùng một lúc mà đầu thai nối tiếp nhau. Không bao giờ các Ngài xuất hiện đơn độc giữa cuộc đời, tránh việc bị các thế lực xấu công kích, hãm hại. Vậy nên, luôn có sự hỗ trợ của các Chư thiên khác ở trên trời cũng như các Chư thiên đã đầu thai xuống cõi người trước và sau đó. Nhờ vậy, sau vài mươi năm nữa ta sẽ nghe đạo lí vang rền trên cuộc đời này.

Con người có vô số ước mơ, từ ước mơ vụn vặt lúc bé cho đến những ước mơ cao siêu, trí tuệ, thiêng liêng, vượt khỏi kiếp sống của con người, chạy ra khỏi giới hạn của cái chết lúc lớn. Và hầu như trong lòng ai cũng có nhiều ước mơ, khát vọng dù là rõ ràng hay thầm kín. Nếu ước mơ chỉ gói gọn trong kiếp này thì đạo đức, trí tuệ của ta cũng chỉ chừng ấy. Còn nếu ước mơ vượt sang những kiếp khác, chạm đến những cõi giới mênh mông thì trí tuệ, đạo đức của ta cũng vượt khỏi giới hạn tầm thường này.

Thế nên, Thượng tọa nhắc nhở mọi người nên ngẫm lại trong đời mình đã đi qua bao nhiêu ước mơ, ước mơ nào làm ta mang tội thì nên buông bỏ, ước mơ nào giúp ta có phước thì nên theo đuổi đến cùng. Mỗi người cần chọn cho mình những ước mơ chính đáng, cao đẹp để đi trong nhiều kiếp và hãy tin rằng mỗi cái nhân gieo xuống thì sẽ có một cái quả được hình thành, mỗi ước mơ được gửi vào trời đất thì một ngày nào đó nó sẽ thành hiện thực.

a32_04-02-2017

Cuối cùng, Người khẳng định có một ước mơ đỉnh cao nhất mà con người cần phải theo đuổi. Tuy nhiên, Người không nói ra mà để lại cho quý phật tử cùng suy nghiệm. Người cho rằng chỉ khi nào suy nghiệm ra thì chúng ta mới đủ quyết tâm, đủ kiên nhẫn để theo đuổi nó đến cùng.

Sau cùng bài Pháp thoại được đúc kết bằng 4 câu thơ:

                   Hãy ước mơ nhưng đừng thêm tham vọng

                   Để bay lên là cuộc sống bình yên,

                   Ước mơ đưa ta qua những muộn phiền

                   Nâng từng bước chân về miền tươi đẹp.

Trong không gian ấm áp của mùa xuân, buổi thuyết Pháp bỗng trở thành một buổi nói chuyện thân mật, gần gũi. Mọi khoảng cách giữa con người với con người gần như tan biến, ai cũng cảm thấy thư thái, an lạc. Cách trình bày ngắn gọn bằng những ngôn từ giản dị, dễ hiểu và những ví dụ hết sức đời thường đã giúp bài Pháp trở nên nhẹ nhàng, quấn hút. Từng lời nói của Thượng tọa đều được các phật tử ghi nhớ nhanh chóng.

a36_04-02-2017

Sau bài Pháp này, mọi người biết vượt qua giới hạn của thời gian, của không gian, chọn cho mình những ước mơ chân chính, cao đẹp để theo đuổi. Đồng thời, bài Pháp như một lời ước nguyện đầu năm, mong cho tất cả chúng sinh thật tỉnh táo, trí tuệ, biết lựa chọn cho mình những ước mơ chính đáng, cao siêu, vượt ra khỏi giới hạn của bản thân để cùng xây đắp thế giới. Từ đây, những mùa xuân yên vui, an lạc sẽ đến với tất cả mọi người./.

 Tuệ Đăng

Những hình ảnh ngày mùng 2 tết tại thiền tôn Phật Quang:

a2_04-02-2017 a3_04-02-2017 a6_04-02-2017 a7_04-02-2017 a8_04-02-2017 a9_04-02-2017 a9a_04-02-2017 a11_04-02-2017 a12_04-02-2017 a13_04-02-2017 a14_04-02-2017 a15_04-02-2017 a16_04-02-2017 a17_04-02-2017 a18_04-02-2017 a19_04-02-2017 a20_04-02-2017 a21_04-02-2017 a24_04-02-2017 a26_04-02-2017 a26a_04-02-2017 a27_04-02-2017 a28_04-02-2017 a29_04-02-2017 a30_04-02-2017 a31_04-02-2017 a32_04-02-2017 a33_04-02-2017 a34_04-02-2017 a34a_04-02-2017 a35_04-02-2017 a36_04-02-2017 a37_04-02-2017 a38_04-02-2017 a39_04-02-2017 a40_04-02-2017 a42_04-02-2017 a43_04-02-2017 a44_04-02-2017 a45_04-02-2017

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất