Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

“Ngã và ngã sở”

-

Chiều ngày 17/12/2016 (nhằm ngày 19/11/năm Bính Thân), nhận lời mời của ĐĐ Thích Minh Lộc – Trụ trì chùa Phước Huệ (Đường số 7A – Phường Bình Trị Đông B – quận Bình Tân – TP.HCM), HT. Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) và TT. Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã quang lâm thuyết giảng nhân Lễ An Vị Bảo Điện Phật Quan Âm – Lễ cúng dường niệm Ân sư – Cửu huyền thất tổ – Và đại lễ kỳ an; kỳ siêu bạt độ trai đàn chẩn tế; cúng dường Trai tăng tại Bổn tự, với sự tham dự gần 1000 phật tử các giới, đến từ  TP HCM và các vùng lân cận.

a01_23-12-2016

Chùa Phước Huệ được khai sơn xây dựng từ năm 2005 tại số 56 – 58 đường số 7A, KDC An Lạc, quận Bình Tân với diện tích 276m2. Chùa gia nhập Giáo hội vào năm 2010. Trước khi xây dựng, Đại đức Trụ trì Thích Minh Lộc đã có một hạnh nguyện lớn muốn xây dựng một cơ sở Phật giáo khang trang để hoằng dương chánh pháp, tập hợp đông đảo tín đồ phật tử gần xa về tu học và thực hiện nhiều công tác an sinh xã hội giúp đời, trên vùng đất Tên Lửa – nơi có nhiều nhà thờ lớn đã xây dựng trước 1975. 

Đối với một ngôi chùa thuộc dạng “cải gia vi tự” nhỏ hẹp, thiếu nhiều phương tiện, không đủ không gian để tổ chức các khóa tu, nhưng từ ngày khai sơn chùa Phước Huệ đến nay, cứ mỗi năm đến viếng chùa là nhận thấy sự đổi mới, mở rộng và trở thành trang nghiêm hơn. Đồng thời còn tổ chức nhiều chương trình làm phật sự, từ thiện đưa đến việc ích đạo lợi đời. Trong đó, nổi bật nhất là tổ chức tốt các buổi thuyết Pháp, các khóa tu tập thiền định, khóa tu niệm Phật, tu Bát quan trai, các ngày Lễ vía, v.v…  Do vậy, chùa đã thu hút được phật tử gần xa ngày đến tu học một đông đảo hơn. Điều này cho thấy ĐĐ Thích Minh Lộc là người tu hành tốt, khiến ngôi chùa đẹp lên từng ngày trong sứ mạng hoằng pháp độ sinh và trang nghiêm Giáo hội. Thật vậy, “chánh báo” ra sao thì “y báo” hiện ra thế ấy. Điều quan trọng là chúng ta tu cho “đúng” trước thì mọi điều tốt đẹp sẽ theo sau như bóng theo hình.

a7_23-12-2016

Được biết, sáng nay, tại chùa đã diễn ra Lễ An Vị Bảo Điện Phật Quan Âm thật trang nghiêm thành kính, đã mang lại nhiều cảm xúc trong dòng chảy tâm linh, hướng lòng tri ân và báo ân của người con Phật đến với các bậc Thầy tổ, cha mẹ quá vãng, cùng các bậc tiền bối hữu công, anh linh chiến sĩ. 

Nhằm tạo duyên lành cho phật tử đến chùa được am hiểu giáo lý, có thể đứng vững trên con đường Phật đạo thì buổi Pháp thoại rất quan trọng, không thể thiếu trong các sinh hoạt Lễ hội do chùa tổ chức. Đây là dịp để Phật giáo đi vào trong cuộc sống thường nhật của mỗi người bằng những hành động cụ thể, bằng những giáo pháp thiết thực.

a19a_23-12-2016

Dịp này, mở đầu bài Pháp thoại , TT Thích Chân Quang đã phân tích, chứng minh có hai chướng ngại trong sự tu tập của chúng sinh, một là “ngã” và hai là “ngã sở”; tức là “ta” và “cái của ta”.

Cái “ta” là một điều hết sức trừu tượng khó thấy, nhưng nó chi phối cuộc đời, chi phối tâm hồn chúng sinh, và đa phần xúi chúng sinh làm bậy, gây ra tham sân si phiền não. Từ cái ta này mới hiện ra “ngã sở” tức là cái “của tôi”. Chúng sinh vì vô minh nên thấy rất nhiều thứ của tôi: Cái này là cá tính, cái kia là bản sắc của tôi, v.v… Trong khi “cái tôi” mà bậc Thánh than phiền chê trách thì lại là điều mà chúng sinh si mê, chấp giữ, và xem đó là một loại khoái cảm, nên rất đáng lo.

Trong những cái của tôi, của ta đó có một số điều rõ nét nhất là tiền – tài sản – vật chất. Những thứ này càng nhiều thì chúng sinh càng sung sướng. Vì vậy, ai cũng muốn tích lũy, phát triển cho nhiều cái “của tôi”. Chính vì có tiền nhiều mới sung sướng, và ngược lại ít tiền sẽ đau khổ mà chúng sinh đã vất vả một đời đi tìm tiền bạc, đi tìm cái ngã sở, và làm mọi cách để phát triển thêm nhiều những cái gì của ta đó.

a19b_23-12-2016

Dù chúng ta đã hiểu đạo đôi chút thì tập khí ngày xưa vẫn lôi kéo, chúng ta vẫn sung sướng hạnh phúc khi có tiền, vẫn động tâm trước vật chất. Đạo lý và tập khí cứ giằng co nhau thật là khó chịu. Làm sao ta có thể sống một cách ung dung tự tại trong cuộc đời khi mà cái ngã sở cứ bao vây, chi phối, thôi thúc như thế?

Để các phật tử hiểu rõ, thấu triệt hơn về “ngã sở”, Thượng tọa đã mời HT Thích Viên Giác chia sẻ kinh nghiệm tu hành của mình trên con đường tu khi vượt qua cái chấp về ngã sở là như thế nào.

Hòa thượng cho rằng: Đích đến của con đường tu tập là làm một bậc Thánh vô ngã hoàn toàn. Bởi còn bản ngã thì còn tham, còn sân, còn si, mà càng tham sân si thì bản ngã càng mạnh lên, càng khó để đoạn trừ. Nên làm thế nào để đoạn trừ được “ngã” và sau đó là “ngã sở”, đây là một vấn đề nền tảng mà sâu sắc, buộc ta phải tu rất nhiều.

a23_23-12-2016

Dù ta biết cuộc đời là vô thường, vô ngã, không có gì của ta; nhưng biết là một chuyện, còn khi đối diện với vô số điều trên đời, lắm khi ta đã quên mất, đi ngược lại đạo lý đó. Có những lúc chúng ta gần như vô phương, tuyệt vọng vì cảm thấy tu không tiến, hết lần này đến lần khác mình cứ thất bại, cứ bị bản ngã lôi kéo. Nếu cứ thua liên tục như vậy thì ý chí của ta hướng về con đường giác ngộ sẽ suy sụp.

Vì vậy, phải luôn an trú thân tâm trong chánh pháp.  Chúng ta an trú tâm mình vào trong công phu tu tập, an trú thân mình vào những phật sự lợi sinh. Nhờ vòng tay của Phật pháp, nhờ sự gia hộ âm thầm của chư Phật mà dần dần chúng ta mới thoát khỏi tập khí của ngã chấp vô minh.

a21_23-12-2016

Đặc biệt, phải học hành , tư duy để có chánh kiến. Từ chánh kiến này, chúng ta mới thấy rõ bản chất của cuộc đời là vô thường, đau khổ. Cái thấy này là cái “thấy như thật”, tức là thấy quy luật, thấy cái bản chất chứ không phải chỉ là hiện tượng. Một người đẹp – cái đẹp là một hiện tượng, nhưng ta phải thấy được bản chất trong cái đẹp đó là vô thường, bất tịnh. Dần dần theo sự tu tập, theo công đức mà ta tích lũy được, “cái thấy” đó sẽ rõ hơn, đưa đến thái độ “li tham”, trước hết là từ bỏ cái tham của cải vật chất và sau đó là vô số những cái tham khác vi tế hơn. Tuy nhiên để có trí tuệ đó, ta phải có sự định tâm trong thiền định, khi tâm thức đã thanh tịnh lắng đọng rồi thì cái mà ta nhìn thấy rõ đó mới thật sự là “thắng tri”. Còn cái thấy, biết của mình hàng ngày do học mà có, gọi là “thức tri”, tức biết do phân biệt so sánh.

Qua chia sẻ của HT Thích Viên Giác làm thế nào để vượt thoát sự dính mắc chấp thủ cái “của tôi” như trên, Thượng tọa đánh giá đây là lộ trình cực kì chuẩn mực, cực kì hay của sự tu hành, đã tích lũy từ kinh nghiệm tu hành cả một đời. Lộ trình tu hành này khởi đầu bằng công đức, khi có công đức đủ lớn thì trí tuệ mở ra, rồi thấy rõ bản chất của cuộc sống. Từ đó, tự nhiên chúng ta sẽ phát sinh sự nhàm chán không còn đắm luyến thế gian.

a42_23-12-2016

Hầu hết chúng ta ai cũng còn ngã sở, tức là còn cái của tôi, tài sản của tôi, nhà của tôi, xe của tôi… Và ta đều động tâm tham trước tiền bạc. Còn chư Phật dạy chúng ta không tham. Tuy nhiên, không tham không có nghĩa là từ chối, không có nghĩa là mang tài sản đem cho hết và ta ra đường ở. Quan trọng là làm sao dù vẫn còn sở hữu, còn tài sản, tức là còn “ngã sở”, tiền vẫn ở trong két sắt, nhưng ta đừng động tâm tham. Đây là chỗ tinh tế nhưng cực kì khó và Thượng tọa mời HT Thích Viên Giác tiếp tục bày tỏ về quan điểm này.

Đầu tiên nói về khía cạnh tiền bạc. Theo Hòa thượng, tiền khá quan trọng, vì nó bảo đảm đời sống của mình, không có tiền con người mất giá trị nhiều lắm. Đó là lí do tất cả chúng ta đều có nhu cầu khát tiền, bởi tiền đáp ứng được tất cả nhu cầu của bản thân.  Để đừng tham khi có tiền, ta phải có cách thức tiêu tiền, lan tỏa giá trị đồng tiền vào trong xã hội. Tiền mà để trong tủ, bảo đảm không tăng thêm đồng nào, mà hao hụt là cái chắc, tức là mất giá theo thời gian. Còn nếu mình sử dụng đồng tiền tốt, đồng tiền có tác dụng đem lại lợi ích cho con người, cho xã hội, cho cộng đồng, cho nhân loại đến đâu thì phước của ta lan tỏa tới đó, và mình sẽ hưởng hoài không hết. Tức mình lấy cái của mình làm của thiên hạ, rồi thì của thiên hạ là của mình, nên không bao giờ mình thiếu thốn hụt hẫng hết.

a55a_23-12-2016

Thật vậy, Hòa thượng đã đưa ra một giải pháp không thể đúng hơn được nữa về triết lý sử dụng đồng tiền sao cho tâm mình đừng tham. Trong đó, Người cảnh giác chúng ta nên sử dụng đồng tiền vào vấn đề gì, phạm vi nào. Ngoài việc ta nuôi sống gia đình, thì tiền phải đưa vào những chỗ nào đó mà nhiều người được lợi ích, nhiều người được tăng trưởng đạo đức, nhất là trong Phật Pháp, v.v.. thì đồng tiền của ta bỗng nhiên trở thành lợi ích lớn lao trong cộng đồng xã hội. Từ đó, phước của ta cũng tăng theo. Như vậy tiền càng nhiều càng tốt, tiền nhiều càng không làm ta tham mà chỉ làm ta tăng thêm phước. Mà có phước rồi thì mới có trí tuệ, mới bắt đầu nhìn thấy được mọi điều, nhìn thấy được chân lý, thấy được lẽ thật.

Tuy nhiên, cái ngã sở không phải chỉ là tiền mà còn nhiều thứ khác nữa. Ví dụ tình cảm. Nhiều người vẫn xem đó là một loại sở hữu, một niềm tự hào, vì “tôi” được nhiều người thương. Đối với người tu hành, hay đối với một người đệ tử Phật, một Bồ tát sống giữa cuộc đời này, nếu được chúng sinh thương mến, tình cảm đó cũng là một loại tài sản. Vậy ta phải sử dụng tình cảm đó như thế nào để không tham, không chấp, mà tăng thêm được công đức.

Với câu hỏi này, Hòa thượng đã giải thích rất nhiều khía cạnh của tình cảm. Con người còn được gọi là “loài hữu tình”, tức là loài có tình thức hay gọi là tình cảm. Hầu như chúng ta sống là nhờ có tình mà sống, vì tình mà sống. Và chính tình yêu thương là chất liệu để xây dựng nên cuộc sống của con người. Trong Phật giáo, chữ tình cũng là điểm mấu chốt của mọi đau khổ và hạnh phúc.

a53_23-12-2016

Tuy nhiên, nếu vì thấy một cô gái đẹp rồi ta thương ngay thì cái thương đó mang một chút ô nhiễm, có ích kỷ, có muốn chiếm hữu. Còn khi ta thương yêu bằng tình thương bao la không ích kỷ, không ô nhiễm thì hạnh phúc tràn đầy. Cho nên, chúng ta phải tập làm sao cho mình thương được cả người phước nhiều và người kém phước, thương cả người đẹp, người xấu, người giỏi, người dở, mà rộng hẹp, nhiều ít là tùy theo duyên phước không tính được, nhưng dựa trên nền tảng là “tình” không ô nhiễm, không ích kỉ. Đó gọi là lòng từ bi. Và cái tình này càng nhiều càng tốt. Khi ta thương nhau trong tình đạo như vậy thì mới kết nối với nhau để tăng trưởng đạo lý.

Đây là một khía cạnh rất quan trọng và Thượng tọa đã giải thích thêm: Khi có nhiều tình cảm đến với mình, hãy kết nối chúng lại, tức là làm sao cho ai thương mình thì họ cũng thương nhau. Đó là cách ta sử dụng tài sản tình cảm hợp lý nhất. Tức là ta không bao giờ giữ riêng tình cảm của một ai cho riêng mình mà luôn tìm cách khiến người đó cũng mang tình cảm ra thương tiếp nhiều người khác nữa.

a49_23-12-2016

Tình cảm là một loại tài sản, mà là tài sản rồi thì là “ngã sở hữu” (thuộc về mình), tức là cái “của ta”, rồi kéo theo bao nhiêu phiền toái rắc rối, chấp giữ, trong khi những điều đó ta đâu mang theo được trong luân hồi vạn kiếp của mình. Người không biết thì cho rằng tài sản vô hình này là sự tự hào của cá nhân để mà đong đếm, khoe khoang. Còn với bậc Bồ tát, với người đệ tử Phật chân chính thì phải biết chuyển hóa tài sản vô hình này thành điều cao đẹp hơn. Đó chính là phải làm cho ai thương mình thì họ thương nhau. Khi người khác thương mình, họ cũng dễ nghe lời mình, mà khi có những người vâng lời mình thì ta phải dạy họ thương nhau. Đó là cũng là hành trạng của một bậc Bồ tát.

Một ngôi sao ca nhạc hay một diễn viên nổi tiếng cũng nhận được tình cảm yêu thương cuồng nhiệt từ người hâm mộ, nhưng chưa bao giờ họ kết nối các fan lại với nhau, chưa bao giờ họ nhắc nhở các fan phải yêu thương nhau và yêu thương cả đất nước này, hay yêu thương cả nhân loại này. Còn với một người đệ tử Phật thì kết nối được các tình cảm đó lại, chứ không giữ riêng cho mình, khiến mọi người phải thương yêu nhau, đó là cách Bồ tát sử dụng tài sản tình cảm dành cho mình trên cuộc đời này.

a44_23-12-2016

Lại nữa, trên đời này ngoài tiền, tình, người ta còn hơn thua nhau nhiều ở tài năng, trí tuệ, kiến thức, bởi người tài giỏi, có bản lĩnh, có kiến thức thì thường chiếm lấy cơ hội, đạt hết thành công này đến thành công khác. Trên thế giới, cuộc đua về tài năng là cuộc đua âm thầm mà khốc liệt giữa người với người, giữa các công ty, tập đoàn, giữa các quốc gia với nhau. Ai cũng muốn, cũng cần có tài để có một vị trí trên cuộc đời này. Chính vì vậy, cha mẹ cũng đẩy con cái mình học cho nhiều, học giỏi để leo lên top, lên đỉnh. Nhưng kỳ thật, đôi khi ta khủng hoảng vì cuộc đua về tài năng này.

Tài năng cũng là một loại ngã sở của con người, và làm cho chúng sinh hết sức khổ đau, hết sức phiền não. Vấn đề đáng phải lo là khi có tài rồi, ta sử dụng nó như thế nào để đừng kiêu căng tự hào, mà trong kinh Phật hay dạy ta là đừng có tâm sở đắc “vô sở đắc cố”. Đây là câu hỏi mang tính thực tế cao mà Thượng tọa đặt ra.

a57_23-12-2016

Và Hòa thượng đã dùng những ví dụ thực tế, dễ hiểu để trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này. Theo cái nhìn của Người thì tiền – tình coi vậy chứ dễ bỏ, nhưng chấp vào tài năng lại khó buông. Và trong lộ trình tâm thức để tu tập, cái khó đoạn trừ nhất vẫn là kiêu mạn. Chỉ có bậc A La Hán mới diệt trừ hết ngã mạn, còn các quả Thánh thấp hơn vẫn còn vướng mắc. Với chúng ta, chắc chắn cái “mạn” chưa hết, nhưng ta phải tu làm sao để khi nó vừa khỏi lên thì ta lập tức thấy ngay, không để nó đi quá xa.

Tài năng đưa đến sự phát triển. Một người tài có thể thay đổi cả cục diện của một đất nước, một xã hội. Chúng ta rất cần người có tài. Tuy nhiên tài phải đi đôi với đức mới tạo thành giá trị. Bằng không, khi có tài rồi mà không có đạo đức thì sự phá hoại là không thể tính kể được.

a55b_23-12-2016

Ngoài ra, khi có tài, ta phải biết nhìn rộng ra để thấy còn vô số người giỏi hơn mình trên cuộc đời, phải hiểu núi này cao, còn núi khác cao hơn, phải biết rằng tất cả đều có sự liên đới để nương tựa với nhau, không có điều gì độc lập. Bất cứ ai cũng đều có một tài năng xuất sắc trong lĩnh vực nào đó. Và mọi người đều có thể tham gia đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển chung của đất nước. Vì vậy, nhìn rộng ra thế giới xung quanh làm cho chúng ta khiêm tốn hơn. Đồng thời, Người khẳng định “Tài năng”, đó là sự tích lũy của nhiều kiếp.

Câu khẳng định này, Thượng tọa cho rằng cực kì chính xác. Ví dụ như tiền bạc, nhân quả của tiền bạc coi vậy mà vẫn nhanh. Ngay trong kiếp này ta bố thí rất nhiều thì có khi đến lúc tuổi già tự nhiên được giàu, hoặc sẽ giàu vào đời sau. Còn tài năng thì lại đi qua một chặng đường rất lâu dài. Nếu trong kiếp này ta gieo một cái nhân phù hợp nào đó thì qua kiếp sau ta chỉ có tài thêm một chút. Tài năng phát triển cực kì chậm. Rồi khi có tài ta lại không tránh khỏi sự kiêu ngạo tự cao, thế là ta lại bị thối thất về tài năng.

a30_23-12-2016

Qua đây, Thượng tọa nhắc lại lời Hòa thượng đã nói “hãy nhớ đặt tài năng của mình trong bối cảnh liên đới với toàn bộ xã hội. Nên biết rằng người này đứng ở góc này, người kia đứng ở góc kia… tất cả phối hợp nhau mới thành điều tốt đẹp cho xã hội, cho thế giới”. Như vậy, khi ta mang cái tài ra phụng sự cuộc đời, không giữ gì cho mình thì tài năng được chuyển hóa, không trở thành cái kiêu mạn ở trong nội tâm, trong việc phụng sự đó. Chúng ta chưa chứng A La Hán nên thế nào cũng còn kiêu mạn. Chúng ta phải tiêu hóa nó bằng cách đem cái tài mà phục vụ cộng đồng, phải nghĩ rằng sự phục vụ của ta là sự phối hợp với biết bao nhiêu tài năng đang có trên cuộc đời, không được loại trừ người quét rác bên đường, không được loại trừ người bán bánh mì đầu ngõ, v.v… Bởi tất cả đều làm thành một sự phục vụ lẫn nhau trong thế giới đầy yêu thương này. Còn tài năng đó mà ta phục vụ, mưu đồ cho chính mình thì nó sẽ trở thành tự cao và tham vọng.

a28_23-12-2016

Có một nguyên tắc, khi một người có trí tuệ thì sự phát triển của họ sẽ đi dần đến tâm linh, tức là khi con người sống qua hết một cuộc đời đen bạc có, ý nghĩa có thì cuối cùng phải tìm tới tâm linh. Ta có thể ham học, ham làm, ham phục vụ, ham xây dựng sự nghiệp,nhưng đến khi già yếu, đến lúc chết rồi mà vẫn chưa tìm được bến đỗ tâm linh thì ta chưa đi hết tận cùng giá trị của cuộc đời.

Thường người có trí tuệ luôn đặt vấn đề sau cái chết và vấn đề tâm linh được mở. Mà khi vấn đề tâm linh mở ra thì bắt đầu ta nói tới chuyện tu hành ngay trong đời sống này. Ta phải chuẩn bị cái gì đó để khi từ giã cõi đời, ta thực sự đến một nơi yên lành.

a45_23-12-2016

Có nhiều pháp môn, nhiều tín ngưỡng, nhiều tôn giáo trên cuộc đời này, tùy duyên mỗi người mà ta chọn một cái. Và vấn đề tu hành sâu xa, vượt khỏi đời thường, qua khỏi thế giới vật chất này được gọi là con đường tâm linh. Mà trên con đường tu tập tâm linh này có người tiến nhanh, có người tiến chậm, thậm chí có người đứng một chỗ và có người chứng đạo ngay trong khi còn sống, tâm hồn của họ là tâm hồn một bậc Thánh thật sự giữa đời thường, mà ai có duyên gặp những vị đó thì phước mình rất lớn.

Còn với những người bình thường như chúng ta, khi đi tìm con đường tâm linh cũng là lúc ta hướng về đỉnh cao giá trị của chúng sinh. Ví dụ một người dù cực kì giàu, cực kì giỏi nhưng không biết tu tập tâm linh thì đó thực sự vẫn là một chúng sinh ở đẳng cấp thấp; ngược lại, một người dù chưa giàu, chưa giỏi nhưng biết tu tập tâm linh, đó là người đẳng cấp cao rồi. Chính tâm linh nâng tầm chúng sinh lên một đẳng cấp khác.

a35a_23-12-2016

Nhưng chính cái đẳng cấp này, sự tu tập tâm linh này cũng là một loại “ngã sở”, cũng là một cái “của ta”. Chẳng hạn, đây là tâm chứng của tôi, kia là con đường tâm linh của tôi, là pháp môn tu tập của tôi, là thần lực, năng lực tâm linh của tôi, tôi có thể biết được quá khứ vị lai, tôi có thể nhìn thấu được cõi khác,v.v..  Đó vẫn là một loại ngã sở mà Đức Phật nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong bản kinh Đại Bát Nhã. Và việc tu cho đến mức dù đạt được giá trị tâm linh nhưng vẫn không vướng, không chấp, không kiêu mạn thì lại là một bước đi cực kỳ khó một lần nữa.

Chúng ta đã nói rằng khi có tiền thì đừng tham, hãy sử dụng cho đúng – vẫn dễ. Khi có tình cảm, đừng lấy đó làm tự hào mà hãy dùng tình thương đó dạy mọi người biết thương yêu nhau – điều này rất khó nhưng vẫn làm được. Kế đến, cái đáng sợ nhất là tài năng , làm sao khi có tài mà đừng kiêu ngạo – điều này cực kì khó. Tuy nhiên vẫn chưa khó bằng khi có năng lực tâm linh mà giữ tâm mình đừng kiêu mạn. Một vị thầy có thể kêu mưa gọi gió, biết được quá khứ vị lai, xem bói được, mà nói ông đừng kiêu mạn là chuyện khó hơn bắc thang lên trời.

a59_23-12-2016

Và khi ta đạt được năng lực tâm linh rồi thì sự kiêu mạn bí mật của nó chỉ có trời mới thấy, chính ta không thấy được. Thượng tọa cho rằng chính Người và Hòa thượng đây thoát ra không nổi chỗ này, nếu tu có chút năng lực tâm linh. Cho nên, đây là một thách đố mới trong 4 chữ T : Tiền – tình –tài – tâm linh. Đến chữ “T” cuối cùng thì sự kiêu mạn ngấm ngầm, êm ả vô cùng, không hề sôi động như cái kiêu ngạo khi có tài năng. Cái kiêu mạn về tâm linh rất thầm kín, cực kì khó thấy, bản thân mình không thấy, chúng sinh không thấy, chỉ có những bậc Thánh rất cao mới thấy được.

Vì vậy,  trong bốn chữ T là: Tiền – tình – tài – tâm linh, làm sao dứt được cái kiêu mạn khi có kết quả về tâm linh? Câu này, Thượng tọa không trả lời mà giữ lại trong lòng mình để tu, dành lại thành một câu hỏi muôn đời để mình, cũng như  để cho tất cả quý thầy, quý sư cô và quý phật tử giữ cái thắc mắc, cái ray rứt này trong lòng mà tu. Lỡ sau này quý phật tử cũng đạt được điều gì trong tâm thì hãy nhớ bài học ngày hôm nay nhắc về “ngã sở”, cái điều quan trọng gây cho ta chấp giữ và kiêu mạn. Và hãy nhớ rằng có một vấn đề cực kỳ gai góc khó khăn mà thầy trò ta cứ phải đối diện, nếu chúng ta đi trên lộ trình tu tập, đó là năng lực tâm linh.

a62_23-12-2016

Qua bài Pháp thoại này, chúng ta thấy ngôn từ của hai vị Giảng sư không chỉ đơn giản, sáng sủa mà còn có cách so sánh rất linh hoạt. Sự khéo léo sử dụng ngôn từ của các Ngài theo phương pháp này vừa hấp dẫn người nghe, vừa dễ hiểu. Chính vì thế, chúng ta có thể tiếp cận và đón nhận chân lý một cách xác tín.

Thật vậy, để cho các phật tử nhanh chóng hiểu được vấn đề NGà& NGà SỞ và áp dụng tu hành được là không dễ dàng gì. Để có tính thuyết phục cao, Thượng tọa phải gây cho người nghe sự thắc mắc, khiến họ suy nghĩ nhiều và thâm thúy điều mình nói. Với bốn vấn đề Thượng tọa đặt ra trong bài Pháp thoại này thật là gay cấn khó khăn, nhưng Người đã dạy, nếu chúng ta tu hành vượt qua được cái “ngã sở” thuộc về tâm linh này thì ta trở thành thù thắng, tiến bộ trên con đường Phật đạo./.

Tuệ Đăng

Một số hình ảnh khác tại buổi giảng chùa Phước Huệ:

a9_23-12-2016 a10_23-12-2016 a11a_23-12-2016 a11b_23-12-2016 a12a_23-12-2016 a13_23-12-2016 a15a_23-12-2016 a16_23-12-2016 a18a_23-12-2016

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất