Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Nguyên khí

-

Vừa qua, chiều ngày 08/12/2018, tại Khóa tu thiền chùa Phật Ngọc Xá Lợi (287A Ấp Vĩnh Hòa, Xã Tân Ngãi, Thành phố Vĩnh Long, Tỉnh Vĩnh Long (gần cầu Mỹ Thuận), TT Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm thuyết giảng về đề tài NGUYÊN KHÍ cho hơn 300 thiền sinh và đông đảo phật tử đến từ các tỉnh lân cận trong không khí trang nghiêm đạo vị.

Nguyên khí là một nền tảng quan trọng của thiền định mà chúng ta thường không chú trọng, vì vậy đã xuất hiện những lối tu làm người tu mất hết nguyên khí, hậu quả là sức khỏe và tinh thần đều giảm sút rất nhanh.

Theo Thượng tọa, từ lúc còn trong thai mẹ, tất cả chúng ta đều có một nguồn nguyên khí (chân âm) rất tinh khôi, chưa bị phân tán, được tích lũy dưới bụng. Khi ta lọt lòng, nguồn nguyên khí đó bị phân tán do ta dần sử dụng đến các giác quan ở trên đầu, ta phải nhìn, nghe, suy nghĩ, tính toán… Chân âm dưới bụng bị rút lên trên dần. Vì vậy, ta đi dần đến chỗ già, bệnh, kết thúc là cái chết khi chân âm đã cạn sạch.  

Ta tu làm cho chân âm chậm thoát đi, tức là cưỡng lại tuổi già, kéo dài thời gian sáng suốt của mình. Nguyên tắc là như vậy. Cho nên việc tu tập với nội lực, chân âm liên quan với nhau rất chặt chẽ. Người tu nếu không hiểu về chân âm rất dễ tu sai. Nhiều trường phái tu thiền chủ trương để tâm trên đầu để canh chừng vọng tưởng, không ngờ làm chúng ta cạn sạch nguồn nguyên khí.

Có thể thấy rằng, khi còn trong thai mẹ, chúng ta chỉ có một giác quan hoạt động là xúc giác vì đứa bé trong thai mẹ chỉ có cảm giác nơi da, nơi thân mà thôi, hoàn toàn không dùng đến miệng, mũi, mắt, không suy nghĩ ở trên đầu. Lúc ngồi thiền, ta cảm giác toàn thân, biết rõ toàn thân, an trú toàn thân… đó chính là lúc ta trở về trạng thái như ở trong bào thai, phục hồi lại nguyên khí tinh khôi mà mình đã bị mất đi bởi cuộc sống dữ dội, khốc liệt này.

Để thính chúng hiểu sâu hơn về nguyên tắc này, Thượng tọa đã có ví dụ về bốn hạng người.

  • Một là người ở trong nhà nhưng chạy ra ngoài cổng nhìn xe cộ qua lại. Đây là người động tâm, chạy theo dòng đời tham – sân – si, là phàm phu chưa biết tu.
  • Thứ hai là người cũng chạy ra ngoài đường nhìn cuộc đời xuôi ngược nhưng biết đó là hư ảo, vô thường tạm bợ. Người này đã tiến bộ một bước, tuy nhiên thường khoe khoang kiến giải của mình, cho nên còn động giác quan, còn suy nghĩ rất nhiều, bí mật bên trong vẫn còn tham sân si, còn dâm dục.
  • Hạng người thứ ba là người lui vào trong cửa, tức là không để giác quan ra bên ngoài, biết trở lại toàn thân, an trú toàn thân, gần giống như các thai nhi vậy. Tuy nhiên vẫn còn đứng bên ngoài. Người này bớt nói, bớt lầm lỗi nhưng vẫn hao tổn nguyên khí, chân âm vẫn mất, tâm vẫn còn loạn chưa yên.
  • Hạng người thứ tư là người đứng ở cửa nhưng xoay lưng nhìn vào căn nhà của mình, đây là người biết tu hành sâu xa, biết an trú toàn thân bằng trí tuệ. Đây là người thật sự biết tu tập thiền định.

Cho nên người tu thiền hãy ghi nhớ nguyên tắc này, đó là an trú toàn thân, biết rõ toàn thân, nhìn vào khối thân của mình, kể cả nội tạng. Đó là kĩ thuật thiền định mà Đức Phật đã chỉ dạy rất cặn kẽ trong kinh điển.

Từ công phu biết rõ toàn thân này mà hơi thở tự nhiên hiện ra, dần dần hơi thở vào ra ta đều biết rất rõ ràng. Đến đây, Thượng tọa phân tích về sự liên quan mật thiết giữa hơi thở và vọng tưởng, và tại sao Đức Phật lại dạy ta điều hòa hơi thở, biết rõ hơi thở nhẹ nhàng để điều phục vọng tưởng, nhiếp tâm trong định. Đồng thời Thượng tọa cũng phân tích nguyên nhân sâu xa của việc ta hay quên hơi thở, quên an trú toàn thân là vì sao?

Đặc biệt, trong bài giảng này, Thượng tọa xoáy sâu, dẫn chứng và phân tích ý nghĩa tại sao nền tảng của thiền định gồm: Đạo đức – Công đức và Khí công.

Ở cuối bài, Thượng tọa còn đề cập đến hai trường phái thiền trong đạo Phật. Một là quay lưng với thế gian để tập trung thiền, mong được chứng Thiền. Hai là hoàn thiện đạo đức, tích lũy công đức, bên cạnh tinh tấn hành Thiền để chứng Thánh. Qua sự lý giải sâu sắc của Thượng tọa, thính chúng hiểu rằng chứng Thiền và chứng Thánh khác nhau như thế nào, cũng như những trường phái thiền ngày nay đã đi lệch so với con đường của Đức Phật ra sao.

Tóm lại, bài Pháp thoại này chuyển tải hai thông điệp rõ ràng. Thứ nhất chỉ rõ vai trò quan trọng của cái gọi là nguyên khí. Thứ hai khẳng định đạo đức – công đức – khí công là ba nền tảng quan trọng của thiền mà chúng ta phải vun trồng suốt đời mình. Trong đó, ta buộc phải có phương pháp tập luyện khí công đúng để tích lũy nội lực, gìn giữ nguồn nguyên khí tinh khôi, tiến sâu trên con đường thiền.

Nói đến Thiền là nói đến sự chứng nghiệm, một khi có tu, có chứng nghiệm rồi thì chúng ta mới tin chắc vào lời dạy của chư Phật, chư Tổ và Thầy mình. Vì vậy, mỗi hành giả hãy nỗ lực thực hành thiền đúng phương pháp rồi niềm an vui, tự tại sẽ đến như Cổ Đức cũng thường nói: “Niệm lặng thì muôn việc nhàn”./,

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất