Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápNhân quả cần có của người tu thiền

Nhân quả cần có của người tu thiền

-

Vừa qua, nhân Khóa tu thiền lần thứ IV năm 2018 tại đạo tràng chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã có thời thuyết giảng về đề tài NHÂN QUẢ CẦN CÓ CỦA NGƯỜI TU THIỀN, với sự tham dự của Chư tôn đức Tăng Khóa an cư Kiết hạ chùa Long Thành (ấp Hưng Quới, xã Thanh Đức, Long Hồ, Vĩnh Long), Chư tôn đức Ni Khóa an cư Kiết hạ chùa Long Khánh và hơn 700 phật tử bao gồm các thiền sinh và các phật tử lân cận thuộc các tỉnh miền Tây.

Được biết, trong 3 tháng An cư Kiết hạ, TT Thích Phước Hạnh – Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đã khuyến khích Chư Tăng Ni hai Trường hạ trên về tham dự buổi thuyết giảng của TT Thích Chân Quang tại khóa tu Thiền chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Thật sự đó là trí tuệ, lòng từ bi và tầm nhìn xa của Bậc tôn túc lãnh đạo Tăng chúng.

Trước khi đi vào nội dung chính của bài giảng, TT Thích Chân Quang cho rằng: người xuất gia trong đạo Phật được chia làm hai hạng: người có ngồi thiền và người không ngồi thiền. Khoảng cách giữa họ là rất xa. Những ai có tọa thiền thì đạo hạnh, đạo lực, sức hút tâm linh mạnh dần, dù họ không khoe khoang bày tỏ nhưng chúng sinh đến gần vẫn tự nhiên cảm mến tin kính. Còn người không tu thiền thì sức sống, sức hút, đạo hạnh cứ yếu dần.

Và ngày nay những trí thức Tây phương, bao gồm người của tôn giáo bạn khi tìm về đạo Phật họ chỉ đến những nơi có tu tập thiền định. Đến ngôi chùa nào tu để cầu về một cõi sung sướng sau khi chết, họ quay lưng bỏ đi ngay, vì mục tiêu đó rất giống với mục tiêu của những tôn giáo ở nước họ. Lòng tin vào sự ban thưởng của thượng đế đối với họ từ lâu đã chấm dứt rồi.

Thiền là điều gì đó thanh tịnh, lặng lẽ, sâu sắc mặc dù cực khổ. Với người ý chí bạc nhược, hễ nói đến cực, đến đau, đến khổ là nản, còn những người Tây phương không biết sao ý chí họ rất mạnh, họ chịu cực chịu đau rất giỏi. Có lẽ đó cũng là lý do mà đất nước của họ giàu có.

Mà từng người bạc nhược yếu đuối sẽ làm cho cả đạo Phật bạc nhược. Chỉ khi nào người xuất gia giỏi chịu cực khổ, quyết tâm tu thiền thì mới kéo được phật tử đi theo, và mới vực dậy được cả đạo Phật. Phật pháp hưng thịnh trở lại là nhờ vào những người tu thiền có chứng ngộ, có kết quả tâm linh thật sự.

Thượng tọa chia sẻ, bản thân người thường khuyến khích các phật tử thề quyết tâm dựng lại thời chánh pháp của Đức Phật, đem cả thân mạng mình mà tu hành, giáo hóa, tìm lại thời chánh pháp. Không được quyền đổ thừa thời mạt pháp cách xa Phật rồi được quyền hư hỏng, giãi đãi nữa.

Tuy nhiên trên thế giới hiện nay thiền được giảng bởi nhiều Thiền sư, Tông phái, mỗi nơi mỗi khác. Rất nhiều Thiền sư có căn cơ đặc biệt nên tu ít lâu là đạt kết quả tâm linh ngay, đạt rất dễ dàng, mà đạt quá dễ, không đi qua những khó khăn nên kinh nghiệm không đủ. Tuy nhiên, họ vẫn mang phương pháp mình đã tu ra dạy, kết quả ai tu theo là bệnh người đó, thậm chí điên loạn. Mặc dù vị Thiền sư đó có chứng, có kết quả nhưng dạy đâu hư đó, vì dạy không căn bản, không đầy đủ.

Vậy phải dựa vào đâu để tu? Dựa vào Phật, chỉ có Phật mới dạy đầy đủ. Phật nói nhẹ nhàng, bình dị, khiêm tốn, chúng ta tưởng thấp, ta xem thường, ta đi tìm những lời dạy cao ngất trên mây xanh của các đạo sư về sau. Và chúng ta đều bị lầm.

Đó là lý do mà khi phát huy lại con đường Thiền, Thượng tọa lấy chuẩn theo lời dạy của Phật trong kinh Nikaya, bởi đó là tất cả trí tuệ, kinh nghiệm của Phật trong vô lượng kiếp.

Thời Đức Phật, thật ra Ngài không có phương pháp, 6 năm khổ hạnh chỉ là đợi thời cơ, vì chưa đến lúc đắc đạo thì không cần đắc đạo. Đến lúc cần chứng rồi là Ngài tọa thiền nhập định chứng ngay. Mà nếu Đức Phật lấy cái “không phương pháp” đó mà dạy thì hôm nay chúng sinh không có đạo Phật. Cho nên, Đức Phật đã lấy lại kinh nghiệm của mình trong vô lượng kiếp trước, dạy lại từng bước rất nhỏ, từng bước rất nhỏ.

Có những câu nho nhỏ, đến ngày hôm nay không ai nhắc lại nhưng lại là bí quyết, là chìa khóa, là tinh hoa cực kì quý giá, là kết tinh trí tuệ từ vô lượng kiếp của Phật.

Vì thế ngày hôm nay, khi tìm cách phục hưng lại thiền định, chúng ta phải dựa vào lời dạy của Phật, từng câu từng chữ, từng dấu chấm dấu phết nho nhỏ không được làm sai, vì không ai hơn Phật được.

Phương pháp tọa thiền thì mênh mông, trong bài hôm nay Thượng tọa không nói về phương pháp, mà nói về NHÂN QUẢ CẦN CÓ CỦA NGƯỜI TU THIỀN, về những cái nhân nào nên gieo để hỗ trợ cho việc nhiếp tâm, và những cái nhân nào phải tránh để tâm đừng động loạn khó nhiếp.

Đầu tiên, Thượng tọa đặt câu hỏi: “Thế nào là phước, thế nào là tội?”. Sau nhiều ví dụ thực tế, người kết luận: Điều gì làm chúng sinh động tâm bất an là tội, điều gì làm chúng sinh yên tâm là phước. Định nghĩa này tuy đơn giản nhưng đi vào tận trong cốt lõi của tội hay phước.

Thật vậy, ví dụ một người mẹ đang cực kì lo lắng vì không có tiền đóng học phí cho con, rồi một người khác biếu bà một số tiền đủ để đóng tiền học. Ngay đó tâm lý của bà được giải tỏa ngay, bà lập tức nhẹ lòng. Sự “nhẹ lòng” đó chính là cái phước cho người bố thí.

Như thế, người làm phước nhiều, tức là làm chúng sinh yên tâm nhiều thì sẽ được quả báo là tâm yên lắng dễ nhiếp, còn người tạo tội nhiều, tức là làm chúng sinh đau khổ bất an sẽ thọ quả báo có nội tâm lao xao động loạn không yên.

Vì vậy người tu thiền là người chắt chiu làm phước cả đời mình, và cũng canh phòng từng cái tội rất nhỏ như: cẩn thận trong từng lời nói đừng làm ai buồn, đừng chọc ai giận, đừng xúc não chúng sinh, và cũng đừng kích thích sự ham muốn của chúng sinh. Thế nào là đừng kích thích sự ham muốn?

Lý giải về điều này, Thượng tọa cho rằng có những điều luật pháp không cấm, xã hội không lên án, nhưng trong nhân quả đó là cái tội, và sẽ mang lại quả báo vô cùng khó chịu. Ví dụ nhiều người đời xưa làm nghề chăn nuôi nên thường ép các con vật giao phối với nhau, hoặc làm nghề mai mối, hoặc kể những câu truyện gợi dục, hoặc tiếp tay truyền bá phim khiêu dâm… Tức là có kích thích bản năng tính dục của chúng sinh, người như thế đều phải chịu quả báo nhiều đời sau bị nặng dâm dục, tham dục luôn hừng hực thiêu đốt trong tâm, dù rất dằn vặt khổ sở mà không sao thoát ra nổi.

Cho nên, chúng ta tránh đừng tạo tội mà cụ thể là đừng làm cho chúng sinh buồn, đừng chọc chúng sinh giận và đừng kích thích sự ham muốn của chúng sinh.

Còn những cái nghiệp như mưu hại, dồn người khác vào bế tắc khốn cùng, mất mát, đau đớn, nhục nhã, chết chóc thì không cần nói cũng biết quả báo thảm khốc ra sao: đừng hòng ngồi thiền được, không bao giờ nhiếp tâm được, thậm chí chính mình phải tự sát nếu đã lỡ gieo cái nhân ép người khác phải tìm đến cái chết.

Hoặc trở thành gánh nặng cho người khác, hoặc biết được yêu thương rồi vòi vĩnh đòi hỏi… tất cả đều làm người khác động tâm, và tạo thành cái tội cho chúng ta. Cách sống khôn ngoan vẫn là làm sao cho mình không trở thành gánh nặng, thành mối lo, mà chỉ thành niềm tin, sự an tâm cho người khác mà thôi.

Đó là lý do mà đời sống đạo hạnh của một người xuất gia mang lại phước phần lớn cho vị ấy. Một người xuất gia giới hạnh, phụ giúp thầy tổ làm phật sự, khuya sớm tinh tấn, chúng sinh nhìn vào đời sống đạo hạnh của vị ấy mà an lòng, phát khởi thêm tín tâm với Phật pháp… Như thế, vị ấy đúng là dù ngồi yên trong chùa mà phước cũng tràn đầy.

Trở lại với việc làm phước, cốt lõi của làm phước là khiến chúng sinh được yên vui. Mà làm sao khiến chúng sinh được yên vui? Giúp đỡ thực tế bằng vật chất trước, đem tiền, đem gạo, đem công sức ra giúp trước. Sau đó mới giúp về tinh thần, tức là dùng lời nói khuyên bảo động viên khuyến khích v.v..

Ví dụ người ta đang đói mờ mắt thì đừng đến nói: “Thôi anh cứ xem cuộc đời như mộng, cứ thanh thản ngắm mây trời đi”. Như vậy là không thực tế, lúc đó phải tặng họ ổ bánh mì ăn lót dạ trước, rồi muốn khuyên bảo gì thì khuyên sau. Luôn luôn phải giúp nhau đi qua những khó khăn cơm áo gạo tiền trước, rồi sau đó mới đến những giá trị tinh thần sau. Đây là cái khéo léo trong đạo lý Phật dạy.

Nhân đây, thượng tọa nhắc nhở thính chúng về một công đức cực kì lớn, đó là chỉ vẽ, hướng dẫn cho người khác cùng tu theo, đặc biệt là biết tọa thiền. Công đức này rất lớn vì giúp cho chúng sinh có một nội tâm thuần thiện thanh tịnh, đi vào trong cái hư vô của vô ngã.

Đó là một số phước – tội mà người tu thiền cần lưu ý. Tuy nhiên, không phải luôn luôn động tâm là có tội. Có khi khiến chúng sinh động tâm nhưng vẫn được phước. Ví dụ vị Thầy dạy đệ tử phải quán chiếu thân là vô thường, bất tịnh, ngày nào rồi sẽ bệnh chết tan hoại… Sự quán chiếu như thế cũng là chút động tâm cho người đệ tử, nhưng vẫn mang đến cái phước cho vị Thầy.

Vì sao vậy? Vì cái động tâm trong đạo lý luôn cần thiết. Với trường hợp này, sự suy nghiệm về bản chất vô thường vô ngã của thân tâm, đó chính là cái nhân để đắc đạo. Cái nhân chứng Thánh thì gồm 2 điều: thứ nhất là tâm tôn kính Phật tuyệt đối; thứ hai là sự quán chiếu thân là vô thường, tâm là vô ngã. Cho nên khi một bậc Thầy dạy đệ tử phép quán này, đó là đang giúp người đệ tử gieo nhân chứng Thánh.

Hoặc vị Thầy buộc đệ tử mình phải xoay sở làm cho được một phật sự dù trong điều kiện khó khăn. Quá trình xoay sở đó cũng động tâm, nhưng động tâm một lần như vậy rồi người đệ tử sẽ trưởng thành, có bản lĩnh, sau này làm việc gì cũng biết sắp xếp tính toán. Như thế, vị Thầy rất có phước. Hoặc một cái động tâm khác cũng có lợi, đó là “sự hối hận”, điều này giúp đạo đức tăng trưởng, tội xưa vơi nhẹ.

Làm chúng sinh động tâm nhưng tăng trưởng được thiện pháp tu hành, thì vẫn được cái phước là vậy.

Nhân đây, Thượng tọa nhấn mạnh rằng: phước chính là gốc rễ để chúng ta có một đời tu ổn định, tăng trưởng, chưa nói đến chứng đạo. Và phước cũng giúp ta nhiếp hóa chúng sinh. Người quá kém phước thì rất khó giáo hóa độ sinh, vì sao vậy, vì phước ít thì ít thu hút sự chú ý hay niềm cảm mến của chúng sinh. Có phước mới tu được, có phước mới chứng đạo được, có phước mới giáo hóa chúng sinh được là vì thế.

Thật sự ngày nay, rất nhiều lý thuyết đã đề cao Chánh tinh tấn là duy nhất, bỏ đi một mảng quan trọng trước đó là Chánh nghiệp (làm phước). Người ta quên rằng trong Bát Chánh Đạo, Phật đã khéo léo sắp xếp Chánh nghiệp trước Chánh tinh tấn, tức là phải tích lũy phước trước khi nỗ lực tinh tấn tu hành.

Tóm lại, giữa muôn vàn lý thuyết, vô số cách tu khác nhau đang được truyền dạy khắp nơi, bài giảng “NHÂN QUẢ CẦN CÓ CỦA NGƯỜI TU THIỀN” đã giúp thính chúng nắm được một trong những nền tảng quan trọng của Thiền. Từ đó, người đệ tử Phật biết kiên trì bồi đắp phước đức cho công phu thiền định của mình được lâu bền, tiến xa hơn.

Có thể thấy, mọi người trong Pháp hội đều tiếp nhận những gì Thượng toạ truyền trao bằng tất cả niềm vui thích. Đây là vị Thầy thuyết Pháp có sức thuyết phục, nên đại chúng nghe, nhận được niềm vui từ trong lòng cho đến cái vui của họ mà ta thấy được bên ngoài. Điều này cho thấy Thượng toạ có sở đắc, tâm chứng. Người không truyền trao ngôn ngữ bình thường mà truyền tâm đắc của mình.

Có lẽ mọi người nhận được ý này. Cho nên, phật tử chúng ta cần có sự rèn luyện, thực hành thấu đáo, nhất là tu tập thiền định. Các đạo lí trên tuy ta ít nghe thấy nhưng chúng lại quyết định đến sự “tiến, thoái” trong quá trình tu học của mình. Đó cũng là mục đích mà Thượng tọa khuyên dạy phật tử chúng ta./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất