Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024

Nhìn lại một năm qua …

-

Những ngày cuối cùng của năm đang chuẩn bị kết thúc để khép lại một năm thế giới trải qua nhiều biến động, với nhiều sự kiện quốc tế nổi bật từ chính trị, kinh tế, xã hội, cho đến thiên tai, dịch bệnh và kể cả Phật pháp.  Để chuẩn bị bước qua năm mới này, chúng ta nhìn lại năm cũ một chút. Khi ta nhìn lại năm cũ thì ta có hai cái nhìn, một là nhìn về thế gian, hai là cái nhìn về đạo pháp. Nhìn về thế gian thì ta nhìn về đất nước, nhìn về thế giới. Nhìn về đạo pháp là nhìn chung về Phật pháp, về đạo Phật và nhìn riêng về sự tu hành của mình trong năm qua.

Bây giờ nhìn qua thế giới, thế giới một năm qua là sự bi đát. Ta nhớ đầu năm   chúng ta cũng tràn trề hi vọng về một thế giới tươi sáng hơn, yêu thương hơn, thanh bình hơn, nhưng điều ta bất ngờ, điều mà thế giới bất ngờ là không phải như vậy, năm qua thế giới đầy những điều thống khổ, bất hạnh về hiện tượng thiên tai lũ lụt, bão tuyết, phun trào núi lửa, động đất, những vụ tai nạn máy bay thảm khốc làm chấn động thế giới … tất cả đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn người.

Rồi thêm chiến sự ở Ukraine, khi chính trị bất ổn, lập tức có những vùng đất ly khai, và chiến tranh xảy ra lôi cả thế giới vào. Lúc này các Cường quốc họp với nhau để yêu cầu các phe phải ngừng bắn. Tuy nhiên, không biết thỏa thuận thế nào mà tiếng súng vẫn nổ và người ta vẫn chết. Nên năm qua là năm thế giới đầy những biến động bất an là vậy.

Rồi đánh nhau về kinh tế làm cho giá dầu hạ xuống, những nước nào mà chuyên xuất khẩu dầu hỏa, nếu không đủ dự trữ tài chính là kinh tế có thể sụp đổ liền, bán dầu ra như bán nước lã. Những quốc gia sản xuất dầu khí điêu đứng hết. Cả chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng là nước xuất khẩu dầu khí, nên ta cũng phải ngưng khai thác một số mỏ dầu vì giá dầu xuống. Mà giá dầu đó không theo thị trường, nó có sự khống chế, sự áp đặt, sự chi phối. Cho nên, mặc dù ta thấy thế giới miệng thì nói là phải cải cách kinh tế theo thị trường, nhưng có những lúc họ không theo thị trường, họ vẫn áp đặt gì đó. Cho nên cái thế giới khốn khổ này nhiều lúc tuột khỏi tay của thần thánh, vì cái ác, vì kẻ xấu còn nhiều quá. Những người xấu – người ác họ cứ tác động những điều sai lầm vào thế giới, nghĩa là họ hại người đã đành, lại còn tuyên truyền những điều xấu vào lòng mọi người. Thế là lòng người cũng trở nên xấu xa hơn, tối tăm và loạn động hơn.

Và thế giới này không thể tìm thấy điều linh thiêng nhiệm mầu hay phép lạ nào xảy ra cả. Vì cái sự linh thiêng nhiệm mầu phép lạ đó chỉ xảy ra khi có sự tác động của Thần thánh, khi nào con người có tâm hiền thiện mà thôi. Ta sống ác độc xấu xa mà đòi hỏi thần thánh che chở mình là điều không công bằng. Còn ta sống tốt lành trước thì tự nhiên ta thu hút được sự chú ý của thần thánh, lúc đó phép lạ sẽ xảy ra, tức là có những điều tưởng chừng ta bó tay rồi, bỗng nhiên sự may mắn đến với mình thì đó chính là phép lạ. Mỗi người hãy nghiệm lại cuộc đời mình sẽ thấy có những lúc tưởng gần như vô vọng, bế tắc nhưng mình lại vượt thoát qua được nhờ sự giúp đỡ của ai đó mà ta gọi là sự kỳ diệu đến bất ngờ. Đó là do ta có tâm tốt, có tu tập. Có những người cầu mà không bao giờ có phép lạ xảy ra, vì họ không xứng đáng được thần thánh quan tâm, vì họ xấu, tâm họ ác quá.

Ở đây, chúng ta không bức xúc trước mọi điều bất hạnh xảy đến cho thế giới này, hay cho cuộc đời mình bởi ta tin có nhân quả. Người không tin có nhân quả, họ chỉ tin vào sức mạnh khôn ngoan của mình thì chẳng bao lâu, họ sẽ trở thành người ác, vì họ phải tranh giành, cướp giật để chiến thắng, để tồn tại, nhưng luật nhân quả sẽ tiêu diệt họ vì cái ác. Đó là một cực đoan. Cái cực đoan thứ hai là cái gì cũng tin vào trời, vào thần thánh, cái gì cũng đổ thừa, cũng cầu xin thì sẽ không thấy phép mầu nào xảy ra cả, vì không xứng đáng.

Còn người tin vào nhân quả thì thấy rằng mọi điều tốt hay xấu đều có nhân quả của nó. Và khi họ tin nhân quả như vậy, thứ nhất họ không vui mừng khi thành công  đến. Ví dụ một khi họ giàu sang lên thì họ không bao giờ vỗ ngực xưng tên tại tôi giỏi kinh doanh, tôi là người bản lĩnh, mà biết rằng cái giỏi ở kiếp này chỉ là duyên mà cái nhân, cái gốc thật sự nằm đâu kiếp trước. Kiếp trước họ đã chịu khó gieo duyên lành, đã từng bố thí giúp người, đã sống tử tế, đã cúng dường chân chính nên bây giờ có thành công lớn lao cũng không kiêu mạn.

Cũng vậy, khi khổ đau đến họ cũng lặng lẽ chịu đựng, vì nghĩ kiếp trước chắc mình cũng đã phạm sai lầm, nên bây giờ điều đau khổ đến với mình. Do nghĩ vậy họ không trách trời, không trách đất, cố nhìn lỗi mình để tu tập tốt hơn. Nhờ vậy, họ đạt được điều căn bản là tâm bình an.

 Nhìn lại một năm qua ...

Người mà khi thành công không kiêu mạn, khi thất bại, bất hạnh không khổ đau thì người đó hạnh phúc rồi. Cho nên, chúng ta nhờ học được chánh kiến từ nơi Đức Phật mà mình giữ được lòng mình bình thản trước thuận cảnh hay nghịch cảnh thì là điều quá quý trên cuộc đời này, trong khi còn biết bao người không được như vậy.

Việc mà thần thánh bám theo một người để gia hộ không phải là đơn giản. Chúng ta phải xứng đáng lắm mới được thần thánh bám theo. Và khi không có thần thánh bám theo, không có chư thiên độ trì thì thế giới này cứ quay cuồng theo nghiệp quả mà chúng sinh đã gây tạo. Chúng sinh cứ gây tạo ác nghiệp nhiều quá thì ráng chịu khổ đau, chẳng ai giúp được mình, máy bay rớt thì phải rớt, bom nổ thì phải nổ, v.v…

Trừ một số vài quốc gia, trong đó Việt Nam của chúng ta cũng là một quốc gia nằm trong số may mắn. Có lẽ là nhiều người Việt Nam biết tu, nên khi có một kế hoạch muốn phá hoại, muốn khủng bố đất nước ta thì các lực lượng chức năng nhanh chóng phá vỡ âm mưu đó liền, mà có khi chính họ cũng ngạc nhiên tại sao họ phá án được chứ chẳng có đầu mối logic gì cả. Mà phá vỡ rất nhiều lần trong rất nhiều dịp cứ hằng năm như vậy. Đó là cái may mắn đặc biệt của đất nước, của dân tộc ta. Có lẽ đất nước ta có cái tâm linh gì đó, nên được thần thánh che chở và cũng có lẽ là nhiều người Việt Nam ta biết tu hành.

Chúng ta mong rằng, ta hy vọng qua năm sau thế giới sẽ yên bình hơn. Cứ mỗi năm, ta lại mong mỏi, cũng ước nguyện như vậy, nhưng được hay không lại không phải là chuyện của mình mà là nghiệp của chúng sinh. Tuy nhiên, nơi nào chúng sinh biết tu tập nhiều nhất, nơi nào mà chúng sinh có những ước nguyện cao cả nhất. Và chính chúng ta trong đời sống hằng ngày phải biết kiểm soát tu hành chính mình, sửa từng lỗi nhỏ, làm thêm từng chút điều thiện, bòn thêm từng chút công đức, cứ như vậy thì  dù chung quanh ta là khói lửa, là biến động, nhưng nơi ta ở sẽ được sự bình yên, là ta bảo vệ đất nước này. Mà nếu nhiều hơn nữa là ta bảo vệ được thế giới. Nên nhiều người chung sức là không phải bằng cái sức của cơ bắp, mà chung sức là chung tấm lòng thiện lành thì ta cứu được thế giới.

Còn nếu thế giới này toàn người ác, toàn điều ác thì tận thế tới liền, vì con người không xứng đáng tồn tại nữa. Ngược lại, nếu trái đất có nhiều người thiện thì trái đất không bị tận thế. Còn nếu trái đất này ít người tu quá thì nguy cơ của lụt lội, bão tố, chiến tranh, dịch bệnh sẽ tràn tới và con người sẽ đứng trên bờ vực diệt vong. Hiện nay điều thiện tuy tạm đủ con số để giữ cho trái đất này không bị diệt vong, nhưng điều thiện không đủ con số để lấn đi cái ác, vì cái ác nhiều quá. Đến nay điều ác vẫn chiếm tỉ lệ cao trong cuộc đời này. Do đó không tận thế được, nhưng con người cứ phải khổ sở, cứ phải bất hạnh, cứ nạn tai dịch bệnh xảy ra vì điều thiện vẫn quá ít .

Chúng ta hiểu được bài toán thiện ác trên thế giới mà cố gắng tu. Tu làm sao cho ta trở nên càng ngày càng thánh thiện. Và cái thiện nơi lòng mình phải lan ra mọi người xung quanh, chứ đừng có nghĩ rằng: Ta tu là để cho ta được thánh thiện rồi thôi, đó là điều sai lầm. Một điều tốt chỉ được gọi là tốt thật sự khi nó lan ra được người khác. Còn ta đi tìm cái tốt cho chính mình thì hãy nhớ rằng ta chưa đủ tốt. Là người Phật tử, ta biết đi chùa, biết đạo lý tu tập mà chung quanh mình vẫn còn có người chưa biết đạo lý thì chính mình chưa đủ tốt. Mà điều tốt còn ít người thì thế giới này mong manh dễ vỡ. Vì vậy khi ta tu hành phải giúp cho người khác cùng tu, đó chính là bảo vệ thế giới. Ta bảo vệ thế giới không phải do sức mạnh  của khoa học kĩ thuật mà thật sự chính bằng điều thiện. Điều thiện chính là áo giáp vô hình giữ gìn trái đất này.

Thiết nghĩ, trong một năm qua mỗi người chúng ta và thế giới cũng có những niềm vui nho nhỏ xảy ra nơi này nơi kia; cũng có đất nước khá lên; cũng có những phát minh mới; cũng có vài người được thành tựu. Trong lòng ta, trong cuộc đời ta cũng vậy, đôi khi ta cũng được may mắn điều này, được khen ngợi điều kia, hay là trúng mánh gì đó…Tức mỗi người ai cũng vậy, nhưng cái vui của Thánh và cái vui của phàm nó khác nhau. Thánh vui vì năm qua công phu tu hành có tiến bộ, trong thiền định tâm được thanh tịnh, nhẹ đi ngã chấp; nhưng khi tâm yên, họ không dừng lại ở cái yên đó, mà dựa vào cái yên đó để thường quan sát thân này vô thường; tâm này vô ngã. Đó mới là cái vui của Thánh. Còn khi tâm ta được bất động thanh tịnh, rồi ta an trú nơi cái thanh tịnh đó để tận hưởng cái cảm giác thiền định thanh tịnh, dù đôi khi phát được thần thông, nhưng ta vẫn không phải là Thánh, vẫn không giải thoát. Còn phàm phu chúng ta vui với đầy sự phân biệt, chấp trước, và vọng tưởng.

Như vậy, khi nhìn lại một năm qua trong đời, ta có niềm vui lẫn cả nổi buồn,  nhưng ta nghiệm lại mình vui vì điều gì. Nếu mình vui vì tinh tấn được trong công phu thiền định thì phải biết rằng đó là niềm vui chân chính, niềm vui của Thánh, niềm vui của một người đệ tử Phật thật sự. Rồi ta cũng nhìn lại những điều tội lỗi, hay phước đức trong năm qua, tức ta còn lỗi lầm gì và đã tạo phước đức gì. Nếu người nào tự nhận mình không có lỗi thì chính họ là người làm tan vỡ thế giới này, vì đó là người si mê. Chỉ có Phật, A la hán mới hết lỗi, còn chúng ta đều còn lỗi, chỉ là ta thấy hay không thấy mà thôi. Nếu ta nhìn lại mình mà thấy có lỗi thì ta có trí tuệ biết tu. Ta đi đúng đường của Phật pháp.

Cái gốc của sự tu hành là thấy được lỗi, sửa được lỗi, đó mới là gốc của mọi điều. Còn người tu mà không thấy lỗi là người tu sai. Cho nên, nói một năm qua nhìn lại thì người hay nhất là người nhìn ra được lỗi của mình trong từng từng ngày…từng tuần… từng tháng. Còn người dở nhất là người ngớ ngớ, ráng tìm lỗi mà không thấy gì hết. Người này trong phật pháp không có chỗ đứng và ba đường ác đạo chực chờ họ. Riêng người không tự thấy lỗi mình, đợi người khác nhắc mới thấy được lỗi thì người này còn có căn tu. Một bậc Thánh là không đợi người ta nói lỗi, mới nhớm nhớm trong tâm thôi là đã thấy lỗi rồi. Tuy họ chưa giải thoát, có thể là chưa phải A la hán, chưa có đủ tam minh lục thông, nhưng người đó là Thầy mình được.

Tết đến, những câu chúc giàu sang, thịnh vượng, coi vậy chỉ là câu hào nhoáng bên ngoài. Còn câu chúc chân chính nhất phải là: “Chúc cho tất cả hàng tứ chúng, xuất gia cũng như tại gia sang năm thấy được rất nhiều lỗi mình. Và thấy lỗi càng nhiều càng tốt”. Câu này mới là cái lõi của sự tu hành, cái lõi của đạo pháp. Nhưng câu này dù trái tim muốn nói, lại không thể nói nên lời, sợ người ta buồn.

Mặc khác, nhìn lại năm qua ta làm được bao nhiêu điều công đức. Có những điều ta tưởng ta làm công đức, thực ra đó không phải phước của ta. Sư Phụ muốn cảnh báo chúng ta một điều là có những công đức là thật và có những công đức không thật. ” Chỉ khi nào ta đổ mồ hôi, xót con mắt, tốn tiền của bằng tất cả tấm lòng để làm nên những điều tốt đẹp cho cuộc đời này thì đó mới là công đức của ta thật sự. Mà dù đó là công đức thật sự của ta, Phật vẫn dạy ta không được chấp công thì mới vượt lên được. Còn ta làm đâu chấp đó thì phước sẽ tan theo mây khói. Vì người chấp công, sau này biến thành người hưởng thụ bậc nhất. Còn những người đời trước làm những điều phước đức mà quên công, kiếp sau khi quả báo tới họ biết kiềm chế lại. Lúc nào cũng dè xẻn, nghĩ cho người khác. Không hưởng thụ, nên cái phước họ còn dư. Phước dư chạy vô trong tâm biến thành thiền định, biến thành tâm linh.

Và năm qua ta nhìn lại, điều quan trọng là đạo tâm của ta có tăng tiến được chút nào chưa. Đạo tâm ta tăng gồm ba điều:

– Thứ nhất, lòng tôn kính Phật của ta có thiết tha hơn, đạt đến mức tuyệt đối chưa? – Thứ hai lòng yêu thương của ta đối với chúng sinh có trải rộng thênh thang hay chỉ là thương một ít người chung quanh mình.

– Thứ ba là ta có thật sự  thấy mình chẳng là gì hay vẫn còn thấy mình quan trọng.

Ngoài ra, đối với công phu thiền định, ta đã coi đó là niềm vui, là bổn phận thiêng liêng, là hơi thở, mạng mạch của sự sống hay là bữa được bữa không, bữa thiền bữa bỏ. Nhất là người cư sĩ trong bộn bề của thế gian nhiều khi bận lí do này, lí do kia, ta bỏ một bữa ngồi thiền mà thấy rất bình thường tức đạo tâm mình kém. Dù là cư sĩ mà bỏ một bữa ngồi thiền, mình thấy như chết rồi thì mới được. Còn Tu sĩ thì tuyệt đối không được bỏ Thiền. Thậm chí “Ăn tết” nhưng lúc nào cũng phải nhớ thân vô thường”, chứ đừng để cho cái lao xao của ba ngày tết mà quên mất tu. Một phút quên nhớ thân vô thường là phút đó mất tu rồi. Và thà bỏ ăn tết chứ không được bỏ ngồi thiền, vì thiền là mạng sống của mình. Dù bận rộn, dù rất vui, nhưng không bao giờ được bỏ thiền thì ta mới là con của Phật được.

Còn không thì đạo tâm ta lui sụt liền, phiền não, bản ngã tăng trở lại, tự ái, giận hờn, thương ghét xuất hiện trở lại. Chỉ khi nào ta giữ được công phu thiền ổn định thì lần lần những loại phiền não đó hết. Ta mới có được đạo hạnh của một người tu đàng hoàng chứ không phải dễ.

Rồi trong năm qua ta đã giữ gìn được đạo pháp chưa? Có hộ pháp được không? Hộ pháp là giữ được đạo tâm cho huynh đệ và cho chính mình. Những biểu hiện phá đạo Phật như đốt chùa, huỷ kinh coi vậy không quan trọng. Cái quan trọng là người ta làm cho tâm mình lung lay, nghi ngờ, bớt tin Phật, bớt tin nhân quả, bớt tin Thầy của mình bằng cách rỉ tai nói bậy… đó là người ta phá xong đạo phật. Cho nên, khi nghe ai nói rỉ tai, nói một điều bất thường thì báo lên chùa liền. Chỉ những người có phước, có thiện căn thì khi bị tác động xấu họ không dao động. Còn người thiện căn ít quá, khi nghe ai rỉ tai thì ngã theo liền. Do đó, nhìn lại một năm qua, ta có bị tác động, bị rỉ tai, bị lung lay hay không. Nếu năm qua ta trụ vững, dù có bị rỉ tai, tác động vẫn không lung lay thì ta đã tiến được một bước dài. Và cũng vậy, nguyện năm tới ta cố gắng giữ được đạo tâm cho mình và giữ được đạo tâm cho mọi người, đó chính là ta bảo vệ đạo pháp trường tồn.

Trong sự tu hành, ta không đòi hỏi tiến bộ nhanh, mau chứng mau đắc. Vì nếu ta đòi hỏi kết quả mau là rơi vào tham vọng. Và người rơi vào tham vọng rất dễ phát điên. Tuy nhiên, tu thì phải đặt mục tiêu là chứng đắc, giải thoát giác ngộ đàng hoàng chứ không có tu lơ mơ, nhưng không cầu cho nhanh mà cái tâm của mình phải chuẩn bị ngàn kiếp. Dù một ngàn kiếp nữa mới chứng cũng quyết đi tới cùng, đi cho bằng được, không nản chí. Và đi một cách kiên trì, bền vững, tinh tấn không giải đãi, nhưng tuyệt đối không vội vàng hấp tấp. Tâm thế phải chuẩn bị cho một ngàn kiếp thì người như vậy mới thực sự đi đúng con đường, mới thực sự là chánh tinh tấn và mới đủ sức đi tới sự giác ngộ.

Như vậy, chừng nào trên trái đất này vẫn còn bom rơi, đạn nổ, vẫn còn thiên tai, dịch bệnh, vẫn còn sự rên xiết dưới sự khốc liệt của các cuộc chiến tranh thì chừng ấy giá trị của bài Pháp thoại này sẽ không bao giờ là vô ích. Huynh đệ chúng ta hãy nổ lực tinh tấn, thực hành đúng lời Sư Phụ dạy bảo. Hình ảnh của Sư Phụ như ngọn lửa, luôn đầy nhiệt huyết truyền cho chúng ta sức mạnh, soi sáng con đường mà chúng ta đang đi. Vậy thâm ân đó chúng ta xin ghi lòng, nguyện trọn đời đi trên con đường chánh pháp, ngõ hầu đền đáp công ơn của Thầy tổ trong muôn một./.

Tuệ Đăng

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 8/5/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất