Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻNhìn về quá khứ để đi đến tương lai

Nhìn về quá khứ để đi đến tương lai

-

NHÌN VỀ QUÁ KHỨ ĐỂ ĐI ĐẾN TƯƠNG LAI

Làng Đại Từ (Thái Nguyên) là nơi mà ngày xưa chính Bác Hồ đứng đó tuyên bố thành lập ngày 27/7. Bây giờ người ta xây thành cái đền rất đẹp. Đặc biệt có ngôi chùa bên cạnh. Tại sao Bác Hồ chọn cái đồi này để tuyên bố ngày Thương binh Liệt sĩ? Không ai hiểu nên nghĩ đây là di tích Bác Hồ đứng thành lập ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, mới bỏ chùa yên đó, cứ lo xây đền. Bác Hồ không làm chuyện gì khinh suất cả. Bác Hồ làm bất cứ điều gì đều có những ẩn ý sâu xa phía sau. Phải hiểu rằng Bác Hồ đã chọn Phật giáo là tâm linh để dẫn dắt che chở cho các anh hùng liệt sĩ của ta. Ẩn ý nằm ở chỗ đó, mặc dù Bác Hồ không tuyên bố bằng lời.

Chúng ta sống trên cuộc đời này là đi đến tương lai, từng bước ta đi về tương lai, quá khứ trôi qua dần. Ngày hôm nay sẽ trở thành ngày hôm qua, còn chúng ta cứ bước tới nhưng tâm mình phải nhớ về quá khứ, nhớ về cội nguồn, nhớ về ân nghĩa cũ. Vì chỉ có những con người có trái tim và có trí tuệ nhìn ngược về quá khứ thì những người đó mới đủ tầm, đủ bản lĩnh, đủ sức để đi về tương lai thành công. Còn người nào không đủ cái tâm, không đủ tấm lòng, không đủ đạo đức để nhìn về quá khứ thì chắc chắn người đó không đủ sức tiến về một tương lai xa xôi thành công tốt đẹp được.

Bởi vì nơi quá khứ, ta có hai điều chôn giấu. Một là cả một túi khôn của người xưa còn nằm ở đấy, mà chúng ta chưa hiểu hết, chưa học được hết, đó là một điều chôn giấu của quá khứ chúng ta cần phải hiểu, phải biết, phải học. Người nào hiểu rất nhiều, hiểu cặn kẽ lịch sử của đất nước mình thì người đó là người có trí tuệ để đi về tương lai.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc chưa làm cách mạng là một thầy giáo dạy Sử. Bác rất giỏi về Sử. Không biết giỏi đến mức độ nào nhưng khi được Bác Hồ giao thành lập Quân đội Nhân dân, lãnh đạo lực lượng quân đội đó thì dẫn dắt quân đội ta đi từ chiến công này sang chiến công khác. Đó là một minh chứng. Nên người nào hiểu được về quá khứ thì người đó có trí tuệ để đi về tương lai. Đây là điều mà quá khứ chôn giấu, chúng ta chưa khai thác được hết.

Điều thứ hai, quá khứ chôn giấu những ân tình đậm sâu. Mà nếu người nào không có tấm lòng tưởng nhớ, yêu thương, quý mến, quý kính đối với những điều ân tình của quá khứ thì người đó không có đạo đức để cáng đáng việc của tương lai. Những anh hùng liệt sĩ ngã xuống cho đất nước, vùi thây ở nơi chiến trường, nằm ở bụi, ở bờ, ở ven sông, đáy nước, khắp nơi, lúc tuổi đang còn xuân. Máu đổ xuống, xương phơi ra. Chết trong đau đớn. Nhưng mà mỗi giọt máu đổ xuống đó đắp xây dần dần, dẫn đi từng bước để cho ta có ngày hôm nay. Ân tình đó lớn lắm. Không có gì có thể đền đáp được. Chúng ta chỉ có thể đền đáp tượng trưng bằng một tấm bằng công nhận liệt sĩ, bằng một ngôi mộ, nén hương, hoặc là thậm chí có những người thương binh mỗi tháng Nhà nước cấp cho ít tiền. Những vật chất đó chưa bao giờ có thể đền đáp thật sự được xương máu mà các anh đã đổ xuống cho quê hương cả, cái đó là vô giá. Ai hiểu được điều đó thì người đó mới đi về tương lai một cách xứng đáng, người đó mới có đạo đức để dẫn dắt, nối tiếp, phát triển cho đất nước này, người đó mới đủ tình yêu nước. Ví dụ ta hay nói về yêu nước, về xây dựng đất nước, nhưng làm sao đánh giá rằng ta là người có lòng yêu nước, nếu ta không biết ơn, biết yêu những anh hùng liệt sĩ đã đổ máu xương xuống Tổ quốc này.

Những danh nhân, vĩ nhân đã lãnh đạo dân tộc ta qua nhiều thời kỳ, cả những vị dũng tướng, minh quân vào những thời đại xa xưa đều là những người có công rất lớn xây dựng, hình thành, dẫn dắt dân tộc ta đi dần đến ngày hôm nay. Mỗi một ân nghĩa đó đều đáng yêu, đáng quý cả.

Nếu chúng ta không nhìn được về quá khứ để thấy những ân tình, ân nghĩa còn chôn giấu nơi đó, thì chúng ta chưa đủ trái tim và chưa đủ trí tuệ. Mà nếu chưa đủ trái tim, chưa đủ trí tuệ thì chúng ta dùng cái gì để đi về tương lai? Cuối cùng ta đi về tương lai chỉ để lo cho bản thân mình mà thôi, để kiếm sống qua ngày, có ăn có uống có mặc, có một chút vinh quang giàu sang với người ta, cũng chỉ là tô đắp cho bản thân mình mà thôi.

Còn nếu chúng ta có thể nhìn về quá khứ, tìm thấy hai điều chôn giấu ở đấy, cả một kho tàng trí tuệ của người xưa, cả một ân tình vĩ đại mênh mông của người xưa để chúng ta học hỏi, để chúng ta kính yêu thì chúng ta mới là những con người vừa có đạo đức, vừa có tài năng để tiến bước đi về tương lai mà đóng góp, dựng xây cho Tổ quốc mai sau.

Trích bài giảng: Ba kho tàng trong quá khứ – Thượng tọa Thích Chân Quang

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất