Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Phước – Huệ song tu

-

Chiều ngày 19/08/2017, (nhằm ngày 28/06/năm Đinh Dậu), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng tại khóa tu Thiền chùa Phật Ngọc Xá Lợi (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long), với sự tham dự của khoảng hơn 200 Thiền sinh, cùng đông đảo phật tử tại thành phố và các vùng miền Tây lân cận. Được biết, đây là khóa tu Thiền lần thứ V được tổ chức từ ngày 18 – 20/08/2017, do TT Thích Chân Quang hướng dẫn Thiền. Trên tinh thần huynh đệ hợp tác nhằm gây tạo viền mối Thiền cho miền Tây, Người hi vọng khóa Thiền tại đây sẽ tổ chức được ổn định, lâu dài.Vào đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa nhấn mạnh đến việc tu phước, tu huệ. 

Theo đó, nhìn lại lịch sử Phật giáo ta thấy có những vị tu hành rất mau đắc đạo, gọi là bậc thượng căn thượng cơ. Các vị có duyên gặp được vị minh sư nào đó và chứng ngộ rất nhanh. Rồi với đời sống đạo hạnh siêu việt của mình, các vị tạo ra niềm cảm hứng lớn lao cho chúng ta đi theo con đường Phật pháp, bởi ta thấy thật sự có người đã chứng Thánh giữa cuộc đời này. 

Tuy nhiên, điều lạ lùng là chính Đức Phật cũng phải tu rất vất vả trong suốt 6 năm khổ hạnh khắc nghiệt.

Nói “khổ hạnh” ta tưởng Ngài đày đọa cơ thể. Không! Cái khổ hạnh này là Ngài tu tập yoga nhưng mà cái yoga của Đức Phật cao cấp và rất khó thực hiện. Ví dụ ta thấy những người tập yoga uốn người; bẻ chân; bẻ tay rất là dẻo. Và cứ mỗi tư thế thì tập mấy giây rồi đổi qua tư thế khác. Còn đức Phật Ngài tập tư thế như vậy có khi nửa ngày; có khi mấy ngày bất động. Sau này, Phật đã nói rằng những tư thế yoga mà Ngài tập luyện trong suốt 6 năm thì “trước ta chưa ai làm được, và sau ta vĩnh viễn không ai tập luyện được đến mức độ như vậy”. Theo quan niệm của người Ấn, chỉ những bậc Thánh nhân mới tập được những động tác yoga khốc liệt như thế, ví dụ chống một chân và đứng yên suốt ngày. Trong suốt 6 năm, Đức Phật đã tập mọi tư thế khó nhất, thậm chí đi đến giai đoạn nhịn ăn, nhịn uống, nhịn thở và suýt chết nhưng vẫn không đắc đạo.

Sau đó Ngài mới ăn uống lại, nhập định suốt 49 ngày rồi đắc thành Phật quả. Thật vậy, việc ép xác khổ hạnh trong suốt 6 năm và nhập định suốt 49 ngày là chưa ai làm được. Chúng ta thấy công hạnh của Phật thật sâu dày, đặc biệt như vậy. Nhưng khi đã đắc đạo, điều lạ lùng là Đức Phật độ cho rất nhiều người được chứng đạo trong một thời gian ngắn. Ví dụ như: Năm anh em ngài Kiều Trần Như, hoặc những người bạn của thanh niên nhà giàu tên là Yasa ở xứ Varanasi (sau mấy tháng, thậm chí vài người chỉ sau 7 ngày gặp Phật đã chứng A La Hán). Hoặc như Tổ Huệ Năng khi đang đi gánh củi ngoài sân, nghe người trong nhà tụng kinh Kim Cang thì bỗng nhiên Ngài tỉnh ngộ, tâm khai mở từ đó. 

Có những con người chứng đạo dễ như vậy, nhưng cũng có những người tu rất lâu chứng, đó là chính chúng ta. Trong thời mạt pháp này, chúng sinh tu hành vất vả mà rất khó chứng ngộ. Nhưng tại sao có người thì mau chứng, người thì lâu chứng? Lý giải điều này, Thượng tọa cho biết nguyên nhân tùy thuộc vào yếu tố “công đức”. 

Có những bậc thượng căn thượng cơ công đức quá lớn, đời này gặp Phật pháp rồi các vị được chứng ngộ một cách nhanh chóng lạ kì, giống như một định mệnh đã ấn định sẵn: tức là vào kiếp tái sinh thứ mấy họ sẽ sinh ra đời gặp được Phật pháp, sẽ xuất gia rồi đắc đạo, không còn con đường khác. 

Còn chúng ta là những người đang gieo công đức. Do công đức chưa chín mùi, chưa thành tựu, cho nên ta chưa chứng ngộ được. Mà khi thấy số lượng thống kê các vị chứng ngộ quá nhiều, nếu ta nghĩ mình tu cũng dễ chứng, đó chính là ý nghĩ sai lầm làm tổn phước. Vì sao vậy, thật ra trong mấy nghìn năm lịch sử Phật giáo trải dài từ Ấn Độ qua đến Tây Tạng, Pakixtan, Bangladesh, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam… con số người đắc đạo vẫn chưa phải là nhiều so với lượng chúng sinh quá đông trên cõi đất này. Số lượng rất ít đó là những vị công đức đã quá sâu dày, còn tất cả chúng ta đây chỉ đang trong giai đoạn gieo trồng công đức. 

Và trong quá trình gieo trồng công đức tu tập để đắc thành đạo quả đó, ta buộc phải “Phước huệ song tu”. Tích lũy cho sâu dày cả “phước” và “huệ”, không thiên lệch bên nào thì ta mới đủ đôi cánh chim để tung bay vào bầu trời giải thoát. 

Nhân đây, Thượng tọa định nghĩa lại cái gì là “phước”, cái gì là “huệ”. “Phước” là tạo vô số công đức giúp người giúp đời; “huệ” là tu tập thiền định hướng về vô ngã. Đó là định nghĩa tương đối, và Người chỉ phân tích ngang đây thôi chứ chưa đào sâu. Mà cả phước và huệ đều phải tràn đầy thì ta mới đủ công đức để đắc đạo, trở thành một bậc Thánh siêu việt trên cuộc đời.

– Tuy nhiên, làm sao để tích lũy cái phước cho tràn đầy? Theo Thượng tọa, cái quan điểm tu tập này có nói mấy kiếp cũng không hết. Nhưng ta hiểu đơn giản là mình phải cố gắng làm từng chút điều lành suốt cả cuộc đời. Mà phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ trước, rồi ta mới tiến đến những việc phước lớn hơn được, giống như gieo một hạt lúa trên một mảnh đất, chừng nào trổ ra thành mấy chục giạ lúa thì ta mới gieo trồng trên nhiều mảnh đất kế tiếp được. Như vậy, từ ngày ta quy y, làm một số công đức căn bản (cúng dường, bố thí, phóng sinh…) cho đến ngày ta làm được những công đức lớn hơn,.. lớn hơn nữa… rồi đến những công đức phi thường vượt bậc, đó là chặng đường dài của nhiều kiếp. 

Và trên chặng đường lâu xa đó, người khôn ngoan sẽ dành sự giúp đỡ của mình cho những bậc Thánh, bậc chân tu để cái phước mau tăng trưởng. Vì sao vậy? Vì có những người mà ta giúp họ thì rất có phước, cũng có những người ta giúp họ thì cái phước không bao nhiêu, thậm chí sụt giảm. Nhân quả là vậy, dù ta giúp với tâm không phân biệt, nhưng quả báo trổ ra vẫn khác nhau tùy thuộc vào phẩm hạnh của người thọ thí. 

Có những người sau khi nhận được sự giúp đỡ rồi họ tiếp tục sân si, tham lam tranh giành, hưởng thụ thấp hèn… Như vậy hành vi giúp đỡ họ không mang lại bao nhiêu phước cho ta cả. Ngược lại, có những bậc chân tu mà đời sống của các vị là tấm gương đạo hạnh mẫu mực, là lợi ích tràn đầy cho chúng sinh, là sự dạy dỗ giáo hóa rộng khắp… Và như thế khi cúng dường những bậc này, cái phước của ta tăng lên gấp nhiều lần, hơn là giúp đỡ những người bình thường khác.

Cho nên khi phước ta quá ít thì hãy khôn ngoan tìm bậc chân tu để cúng dường. Còn khi ta đã khá hơn, giàu hơn rồi, lúc đó hãy làm hạnh Bồ tát: bố thí mà không phân biệt giàu nghèo, với người không đạo đức ta vẫn giúp để gieo ân nghĩa với họ, sau đó dùng cái duyên này mà dẫn dắt, khuyên bảo họ tu hành. 

Đây là điều quá tế nhị, ta phải hiểu cặn kẽ như vậy để không còn thắc mắc tại sao đã bố thí cúng dường mà còn có tâm phân biệt. Đương nhiên có những trường hợp dù ta biết người khác là xấu đấy, nhưng vì họ lâm vào tình cảnh quá ngặt nghèo khốn khó ta cũng không thể nào làm ngơ được, lúc đó phải ra tay giúp đỡ.

Còn bình thường hãy cố gắng tác thành những công đức liên quan đến sự tu tập, chẳng hạn hỗ trợ cúng dường bậc chân tu, tạo khung cảnh cho mọi người tu tập, giúp đỡ người được thuận tiện tu hành. Đó là làm phước bằng vật chất. 

Bây giờ ta nói đến làm phước từ cái miệng. Phước hay tội cũng được tạo ra từ đây (khẩu nghiệp). Chẳng hạn tán thán việc tu huệ: đạo Phật phải hướng về vô ngã, mọi công phu tu tập đều không được ra ngoài mục tiêu vô ngã, và thiền định là con đường để tu huệ…Cho nên, ta làm sao cho người khác cũng phát khởi tinh tấn tu tập, cái phước này cũng rất lớn.

Hoặc ta làm phước bằng sức lực như: đắp đường, bắc cầu, công quả… Tức là sử dụng sức mạnh cơ bắp để giúp người; giúp đời. Tuy nhiên, thật sự những điều ta làm ở thế gian thì vô thường, mau tàn lụi bởi vì mọi người không hướng về mục tiêu vô ngã. Người sau khi được giúp no ấm đủ đầy mạnh khỏe rồi, đa số vẫn sẽ loay hoay tìm cách hưởng thụ, tiêu hao cái phước vào những điều vô nghĩa tạm bợ và tầm thường. Đó là lý do dù ta cố gắng cống hiến, xây dựng cuộc đời thì cũng đừng bao giờ quên làm các công đức liên quan đến tu tập như công quả, lao tác để phục vụ, hỗ trợ người được tu hành, hướng về vô ngã. Cái phước này bền vững hơn, lớn lao hơn so với những cái phước mà ta làm ở thế gian.

Hãy nhớ rằng, khi nói về tu “phước” là ta đang nói đến cách tạo ra những cái phước lớn để dành cho cuộc đời tu tập của mình. Khi phước lớn rồi thì chư Tổ gọi là “thượng căn thượng cơ”, người này khi tái sinh lại rất dễ gặp được Phật pháp, gặp minh sư và dễ đắc đạo. Thường, chúng ta gặp được Phật pháp nhưng chưa chắc gặp minh sư, mà có gặp được minh sư chăng nữa thì cũng chưa chắc sẽ đắc đạo… cũng chỉ bởi vì công đức của ta còn rất nhỏ; rất thấp. 

Mọi người hãy tự suy ngẫm công đức của mình đã nhiều chưa? Người có trí tuệ thì hiểu rằng cái phước không bao giờ là đủ, thậm chí phước của mình còn đang rất ít ỏi. Mà khi phước ít như vậy ta yên chí đường tu của mình sẽ rất khó khăn, sẽ có nhiều cản trở, chẳng hạn như: gánh nặng về cơm áo gạo tiền, hay những bổn phận với gia đình, hoặc những cơn bệnh bất ngờ… hoặc những chướng ngại về thân, về tâm. Chỉ trừ người rất nhẹ nghiệp, còn lại đa số chúng ta đều phải trải qua cảm giác  tê nhức, đau mỏi, khó chịu khi ngồi thiền. Đó là chướng ngại về thân. Rồi tâm ta rất loạn, vọng tưởng lao xao chập chùng không yên. Đó là chướng ngại về tâm. Tất cả đều làm ta không thấy hạnh phúc an lạc trong thời thiền.

Vì lý do này mà nhiều người đã bỏ thiền. Và đó là người không có chút phước, chút thiện căn nào trong sự tu tập. Còn nếu ai dù tâm loạn, dù chân đau mà vẫn không bao giờ bỏ thời thiền, thì ta đừng xem thường người đó bởi họ đã có cái nhân đắc đạo, có hạt giống giác ngộ rơi vào trong tâm rồi. Trong vài kiếp, vài mươi kiếp trước, họ đã vô tình gặp một bậc Thánh đắc đạo nào đó và khởi tâm kính ngưỡng, cúng dường vị ấy, nên cái nhân đắc đạo rơi luôn vào trong dòng luân hồi của họ. Đời này dù cho bao chướng ngại về thân, về tâm giăng đầy, họ vẫn kiên trì bám giữ công phu tu tập thiền định. Đó là người rất có thiện căn, sớm muộn gì cũng sẽ đắc đạo. 

Mà việc kiên trì giữ công phu tu tập thiền định dù tâm loạn, dù thân đau, dù chưa có kết quả gì – đó mới thật sự là Chánh tinh tấn trong Bát Chánh Đạo. Chánh tinh tấn nghĩa là dùng ý chí gấp trăm nghìn lần để tu tập.

Chỉ những người phước rất lớn thì tâm mới nhanh vào định, mỗi thời thiền của họ là vàng là ngọc, là thiên đường là cực lạc bởi tâm quá an lạc. Còn lại, đa số mọi người vì chưa đủ phước nên khi ngồi thiền tâm cứ loạn, thân cứ đau, đòi hỏi ý chí gấp trăm nghìn lần người có phước lớn. Đó được gọi là Chánh tinh tấn. 

Nói về nhân quả của sự đắc đạo, dù ta vừa siêng năng tạo phước, vừa tinh tấn tu tập thiền định suốt đời, nhưng vẫn chưa chắc đến ngày chết ta sẽ chứng được điều gì. Có người phải năm kiếp sau, có người hai mươi kiếp sau mới có kết quả. Như vậy chúng ta đứng trước hai lựa chọn, một là chấp nhận đi trên con đường tu hành chông gai, lâu xa; hai là bỏ tu, mãi trầm luân trong luân hồi sinh tử. Chúng ta chọn con đường nào?

Nếu chọn con đường giải thoát giác ngộ thì hãy nhớ rằng ta không được kì hạn thời gian, dù tu vất vả khổ sở thế nào cũng phải gắng bước đi tới. Ta chuẩn bị cái tâm thế đi trên con đường này vài mươi kiếp, vài trăm kiếp, thậm chí cả nghìn kiếp. Cứ vững bước đi không bao giờ ngưng lại, không bao giờ quay đầu lại. Chỉ biết là mình đang bước, còn chừng nào chứng thiền là việc của trời đất. Phải có cái tâm thế, cái ý chí này thì mới tu thiền được. Người nào kì hạn thời gian tu trong vài năm là không đủ ý chí của bậc Thánh nhân, không thể đắc đạo.

Mà người nào tu hành rất vất vả thì mới có được kinh nghiệm để dạy lại cho chúng sinh, hơn là người tu hành quá thuận lợi dễ dàng rồi mau chứng quả. Ví dụ có người vào chùa tu hành được vài tháng rồi chứng đạo luôn, khi đó phẩm hạnh, trí tuệ của vị này sáng chói cao vút lên. Tuy nhiên, vì chưa bao giờ nếm trải cái vất vả, chưa đi qua những lắt léo của con đường tu hành nên dù có chứng cao siêu, vị này cũng không đủ kinh nghiệm dạy lại cho chúng sinh được, không giúp chúng sinh khởi lên cái ý chí trong giai đoạn chánh tinh tấn được.  

Như thế, cái thiếu phước tưởng là dở nhưng lại là hay, lại là điều may mắn, vì trong cái thiếu phước khiến tâm loạn, thân đau đó ta mới phát khởi ý chí ngút trời, mới có kinh nghiệm tu tập sâu dày được. Đó là vốn liếng, là vàng ngọc để chỉ dạy lại cho những người đi sau.

Ở giai đoạn đầu khi đang thiếu phước, ta phải tu rất vất vả nên phải khởi lên cái ý chí gấp trăm gấp ngàn lần người khác. Còn tới giai đoạn thứ hai khi phước tạm đủ rồi thì mọi chuyện tương đối dễ dàng. Nhưng dù dễ hơn, dù ta có thể đạt được trạng thái tỉnh sáng an lạc thì vẫn chưa chắc đạt được sự chứng ngộ cao siêu, chưa chắc chứng Thánh. Ta vẫn phải giữ cái ý chí cao ngất này mà đi tiếp trong vô lượng kiếp tới.

Và trong quá trình đó ta không bao giờ ngưng làm phước, bởi hễ phước cạn rồi là công phu của ta tuột dốc ngay. Công phu thiền định, sức nhiếp tâm của ta được nuôi bằng phước, hãy nhớ như vậy. Đừng ai nghĩ là tại mình khôn, hay vì mình tinh tấn mà tâm được yên. Sự yên tĩnh, an lạc, sáng suốt trong tâm hồn ta phải luôn luôn được nuôi bằng phước. Tổn phước tâm loạn ngay, còn thành tựu một công đức gì đó thì tâm yên liền. Chẳng hạn có những ngày ta vào chùa công quả vất vả, hoặc phóng sinh, đắp đường, bắc cầu… rất cực nhọc, nhưng không ngờ đêm xuống khi ngồi thiền lại rất yên, hơn hẳn trước kia. Còn nếu bỗng nhiên một hôm ta ngồi thiền mà tâm loạn, hãy kiểm tra lại trong ngày xem mình đã phạm lỗi gì không. 

Có nhiều lầm lỗi tưởng là rất nhỏ, không ngờ cũng đánh vào cái phước của ta. Ví dụ khi nghe một người chê bai người khác, dù ta chưa mở miệng chê theo, nhưng lòng mình đã âm thầm chấp nhận lời phê bình này, thì hãy chuẩn bị đêm đó ngồi thiền tâm loạn ngay, vì sự đánh giá của ta với mọi người không bao giờ là đúng cả. Ta bị tổn phước vì ý nghĩ chấp nhận lời chê bai kẻ khác. Trong thế gian nhiễu nhương, thị phi, đúng sai lẫn lộn này, ta phải càng thận trọng, nếu sơ sảy một chút là bị tổn phước ngay. 

Tóm lại, cái an lạc, sự nhiếp tâm của ta được tung bay, được lơ lửng trên bầu trời là nhờ ngọn gió của phước. Chừng nào ngọn gió phước ngưng thổi ta sẽ rơi xuống ngay. Vì vậy suốt đời ta vừa tu huệ (thiền định) mà vừa tu phước (tạo công đức) không ngừng nghỉ.

Và trong quá trình làm phước đó, ta hãy giúp đỡ, hỗ trợ, gieo ân nghĩa với chúng sinh để dẫn dắt họ về với con đường đạo. Có một vi Giáo sư đại học dạy cho sinh viên rằng: “Trên đời chỉ có một thứ miễn phí, đó là miếng thịt nằm trong cái bẫy chuột”. Nghĩa là trên đời không ai cho không ai điều gì cả. Thật bất ngờ, ta đi trong Phật pháp cũng vậy, đừng cho không ai điều gì. Câu này nói nghe rất lạ. Thật ra khi làm phước, giúp đỡ chúng sinh thì ta làm với tinh thần không phân biệt, không mong cầu được đền đáp. Tuy nhiên, người hiểu đạo sâu rồi thì bí mật luôn khởi lên tâm nguyện mong những người được mình giúp đều có duyên lành với chánh pháp. 

“Con nguyện mỗi khi nhìn đến ai; Thầm mong người đó thoát trần ai; Thầm mong người đó thành; Chánh Giác Đầy đủ diệu dụng của Như Lai”

Ta giúp đỡ mọi người, rồi khi cái duyên, cái ân nghĩa đã đủ, ta khéo léo dẫn dắt họ về con đường đạo, hướng dẫn họ tu tập. Nhờ cái phước đó mà cái “định” trong tâm ta được duy trì. Khi cái định được duy trì lâu dài, lúc nào đó quả vị Thánh sẽ đến, giống như trái cây chín mùi rồi phải rụng. Mà ta phải nuôi dưỡng “định” bằng “phước”. Nên người tu huệ buộc phải tu phước, siêng ngồi thiền thì phải siêng làm phước, hai điều đó luôn đi song song với nhau. 

Ta sẽ nói đến một số yếu tố nữa hỗ trợ cho sự tu tập. 

Đầu tiên là sức khỏe. Trước khi bước vào thời ngồi thiền, đừng làm gì quá mệt nhọc, vất vả, vì cơ thể quá mệt sẽ làm giảm chất lượng thời thiền ngay. Hoặc trước khóa thiền hãy nghỉ ngơi một chút, nhưng đừng ngồi thẳng vì cơ thể sẽ không được thư thái, cũng đừng nằm vì tâm dễ bị mê, hay nhất là ngồi xeo xéo vừa phải trên chiếc ghế bố.

Bên cạnh đó ta giữ sức khỏe bằng cách ăn uống hợp lý, đừng để cơ thể thiếu chất hay dư chất. Quá thiếu hay quá dư chất đều ảnh hưởng không tốt đến công phu thiền định. Tiếp đến, hãy tập khí công. Khí công là những động tác tập luyện nhẹ nhàng nhưng làm cơ thể khỏe hơn. Nếu may mắn ta sẽ xuất hiện nội lực phi thường, còn nếu chưa được nội lực, nó cũng làm ta bớt bệnh tật, dẻo dai hơn, hỗ trợ cho thiền định rất tốt.

Riêng “Âm dương khí công” sẽ giúp tâm ta thanh tịnh ngay trong lúc tập.

Rồi với mọi tình huống trong cuộc đời mình, ta phải tập làm sao giữ sự thư thái nhẹ nhàng, đừng để tâm bị căng thẳng. Đừng bước vào các cuộc tranh cãi gay gắt để giành phần thắng, để chứng tỏ mình hơn; hoặc các cuộc xung đột hơn thua tranh giành địa vị, quyền lợi, tài sản. Chẳng hạn, đừng khư khư bám giữ vào tài sản, cho rằng “Không ai được giành của tôi một đồng nào, một tấc đất nào…”. Hãy nhớ là cuộc đời thì luôn phức tạp đầy sự hơn thua đua tranh, mà người đi tìm con đường Thánh đạo đôi khi phải chấp nhận sự thiệt thòi về vật chất, để giữ gìn sự thanh thản trong tâm hồn. 

Khi ngồi thiền, hãy chọn nơi thoáng mát, yên tĩnh, tránh gió lùa từ phía sau, và đặc biệt phải kín đáo, đừng ngồi nơi nào mà mọi người qua lại đều nhìn thấy vì ta sẽ tổn phước (trừ những lúc phải tham dự khóa tu đông người).

Trước khi ngồi thiền hãy lễ Phật cầu gia hộ. Điểm này rất quan trọng. Hãy nhớ rằng không bao giờ ta thành tựu được Thánh đạo mà không có sự gia hộ của chư Phật. Từ ngày phát tâm tu hành cho đến ngày thành Phật, chúng ta đều được sự gia hộ của chư Phật, chưa bao giờ rời ra. Lòng từ bi, sự gia hộ của chư Phật phủ trùm cuộc đời, phủ trùm tâm hồn ta. Ta không có gì cúng dường lại cho Phật cả, chỉ có tấm lòng tôn kính tột độ dâng lên Phật, bằng cách lễ bái. Mà chính công hạnh lễ kính Phật cũng tạo thành cái phước cho suốt cuộc đời tu hành của mình. Ta thấy những bậc tôn túc, hoặc những người tu sâu dày có phong cách, thần thái uy nghi đĩnh đạt đều là những người đã tích lũy công đức lễ Phật rất nhiều.

Khi bắt đầu thời thiền, hãy chắp tay tác ý ba tâm hạnh căn bản: thứ nhất nguyện lòng tôn kính Phật tuyệt đối, thứ hai nguyện yêu thương tất cả chúng sinh vô hạn, thứ ba nguyện khiêm hạ tột cùng, xem mình như đất bụi bay xa. Ba tâm hạnh này như ba chân kiềng vững chắc giữ gìn nội tâm ta không bị chao nghiêng xáo động, giữ tâm hồn ta suốt kiếp này qua đến những kiếp sau. Người huân tập thuần thục ba tâm hạnh này sẽ được chư Thiên ngó nhìn thủ hộ.

Khi ngồi thiền hãy trải tọa cụ, hoặc chiếc khăn mỏng khoảng 5 ly để ngăn hơi lạnh từ dưới đất chạy lên. Không nên kê bồ đòn. Tư thế ổn định nhất là tư thế kiết già. Người lớn tuổi rất khó ngồi tư thế này, nhưng thực tế có những người kiên trì cầu nguyện trước Phật rồi cũng đã ngồi được. Chúng ta hãy nhớ tập cho những đứa trẻ, ít nhất là con cháu mình ba điều: thứ nhất là xoạc chân ra để sau này dễ tập võ; thứ hai là uốn dẻo cho đầu cong ra phía sau, chạm đất được càng tốt để lưng dẻo; thứ ba là tập ngồi kiết già để dễ ngồi thiền. Ta cứ tập cho trẻ nhỏ như vậy thì mình cũng được cái phước, chính mình cũng dễ ngồi kiết già hơn.

Vì là khóa tu Thiền tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi mới tổ chức được 5 kỳ, nên sự dụng công ban đầu Thượng tọa dạy các thiền sinh là ngồi đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động, quán thân vô thường. Còn dần dần theo thời gian tu tập thì cách dụng công sẽ phức tạp hơn.

Tóm lại, với việc nghiên cứu kinh văn Phật dạy và bằng kinh nghiệm trong quá trình công phu tu tập của mình, Thượng tọa đã giảng giải trung thành với lời dạy của Đức Phật (Thiền nguyên thủy) một cách cặn kẽ, chi tiết, rất dễ hiểu về những phương pháp, những kỷ thuật khi tu tập thiền định. Đồng thời cũng giảng giải những chướng ngại hay sự thành tựu của Thiền. Đây được xem như là cẩm nang quý báu giúp cho những ai đang tìm hiểu hoặc đã tiếp cận với pháp môn thiền định Phật giáo xác định đúng đắn và vững tin vào con đường tu tập của mình. Lâu nay, dường như pháp môn Thiền của Phật giáo bị lãng quên và không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tu tập của người đệ tử Phật. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến cho Phật giáo bị biến dạng và mất đi sức mạnh nội tại trong khi thiền định mang lại kết quả an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại, chứ không phải mong cầu kết quả viễn vong ở tương lai.Thượng tọa với vai trò thiêng liêng là một sứ giả của Như Lai đã luôn khuyến khích, kêu gọi mọi người tu tập thiền định, hết lòng ủng hộ các chùa có mở khóa tu Thiền, cũng như những ai muốn tìm hiểu pháp môn thiền định Phật giáo,Mặc dù vị Thầy hướng dẫn những gì cần thiết trong khi tu tập, nhưng sự chỉ dẫn này còn tùy thuộc vào việc thực hành của mỗi người. Chúng ta phải tự chiến đấu với bản thân, tinh tấn tu tập để cảm nhận được lợi ích của Thiền và đóng góp thiết thực cho sự hưng thịnh của Phật giáo. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật đã nhiều lần khẳng định: “Có Thiền trí tuệ sinh, không Thiền trí tuệ diệt”. Do đó, chúng ta tu gì thì tu, nhưng nếu chưa tu Thiền thì chỉ đứng ngoài cổng, chưa vào được trong nhà Phật, quy luật là vậy./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh của buổi giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất