Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễNhìn lại ấn tượng Đại lễ Phật Thành Đạo 2020 - Thiền...

Nhìn lại ấn tượng Đại lễ Phật Thành Đạo 2020 – Thiền Tôn Phật Quang

-

Mỗi năm vào những ngày cuối đông, đặc biệt là ngày mùng 7, mùng 8 tháng chạp, những người con Phật khắp nơi lại bồi hồi tưởng nhớ về sự kiện Đức Phật Thành Đạo – sự kiện đánh dấu sự xuất hiện của một tôn giáo thật k lạ giữa lòng nhân loại, vừa thoát tục vừa dấn thân, vừa cao siêu vừa thực tế, vừa màu nhiệm vừa khoa học. Trên tinh thần đó, hòa chung niềm vui của toàn thể Phật giáo trên toàn Thế giới, từ ngày mùng 06 – mùng 08/12 âm lịch, Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, ấp Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT) long trọng tổ chức Đại lễ Phật Thành Đạo, nhằm tôn vinh sự kiện Đức Phật thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đại lễ Phật Thành Đạo PL.2563 – DL.2020 tại Thiền Tôn Phật Quang với sự tham dự rất đông Chư tôn đức Tăng Ni trong cũng như ngoài tỉnh và trên 4,2 vạn đồng bào Phật tử từ khắp mọi miền đất nước câu hội về. Ngoài ra, còn có hơn 2.000 Phật tử từ các Đạo tràng Phật Quang và hơn 3.000 thanh niên từ các Chúng thanh niên trên cả nước, đặc biệt là có các thanh niên từ Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng về nước tham dự Đại lễ.   

Trong 3 ngày diễn ra Đại lễ, với những chương trình gồm nhiều hoạt động thiết thực, đã giúp cho hàng vạn Phật tử được dịp tưởng nhớ ngày Đạo Phật được khai sinh trên toàn cõi năm châu bốn bể này.

Trong chuỗi hoạt động đó, vào sáng mùng 06/12/năm Kỷ Hợi (nhằm ngày 31/12/2019), tại Thiền Tôn Phật Quang đã long trọng diễn ra buổi L TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ – TỪ THIỆN ĐẠO TRÀNG PHẬT QUANG NĂM 2019. Đây là một nét đặc sắc trong chuỗi hoạt động thường niên của Thiền Tôn Phật Quang trong dịp Lễ Phật Thành Đạo.

Theo đó, những hoạt động tu tập, từ thiện, Phật sự từ 42 Đạo tràng và 48 Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trong cả nước trong năm vừa qua đã làm được sẽ là những đóa hoa thơm để cúng dường lên Đức Phật trong mùa Lễ Phật Thành Đạo này.

Vào buổi tối cùng ngày, TT. Thích Chân Quang đã có buổi nói chuyện với hơn 5.000 người, chủ yếu là sinh viên các trường Đại học tại TP. HCM và các tỉnh khác cùng Chúng Thanh niên Phật tử Phật Quang từ ba miền Bắc – Trung – Nam.

Thường mỗi dịp Đại Lễ, trong bài nói chuyện với các bạn trẻ, Thượng tọa đều khai thác một khía cạnh khác nhau của đạo đức, trong đó nhấn mạnh những phẩm chất cần có để con người có thể tồn tại và đảm đương được nhiệm vụ mà thời đại mới đặt ra. Từ đó, các em sinh viên và Chúng thanh niên Phật tử biết phấn đấu, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình.

Thượng tọa luôn hy vọng các em mai này sẽ là những người công dân tốt, sống có lý tưởng cống hiến phụng sự, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau, góp phần xây dựng một Thế giới đầy tình thương yêu, gắn kết và đạo đức.

Tiếp theo là những tiết mục văn nghệ thật đặc sắc do Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang ba miền biểu diễn, clip về lịch sử cuộc đời Đức Phật, những bài hát, điệu múa minh họa ca ngợi Đức Phật, không chỉ giúp mọi người tưởng nhớ về đêm Thành Đạo, mà còn tưởng nhớ về cuộc đời giáo hóa vĩ đại của Phật – một bậc xuất trần thượng sĩ đã đến với trần gian.

Sáng ngày mùng 07/12/Kỷ Hợi, vào lúc 4h45, hơn 5.000 bạn sinh viên, Chúng thanh niên và Quý Phật tử thực hiện thời khóa công phu chốn Thiền môn là tọa Thiền. Đỉnh cao của các buổi lễ mà Thiền Tôn Phật Quang luôn đem đến cho người tham dự chính là sự lắng tâm trong Thiền định. Tuy đây là một trải nghiệm tu học trong nội bộ giữa thầy với trò, đầm ấm, nhỏ bé, nhưng ẩn chứa trong đó một điều rất lớn, là tạo thành sức mạnh nội tại về Thiền cho Phật giáo. Mong rằng các trung tâm, các chùa, các Đạo tràng tu Thiền ngày càng được lan tỏa rộng khắp để Phật giáo Việt Nam thật sự có sức mạnh về Thiền, từ đó góp phần phục dựng Chánh Pháp.

Kế theo, đúng 9h00 sáng ngày mùng 07/12, Thượng tọa Trụ trì làm lễ thế phát xuất gia cho 18 Phật tử phát nguyện xuất gia, đã trải qua một thời gian công quả, rèn luyện tập sự xuất gia.

Tại buổi  lễ, đại diện cho 18 vị tân xuất gia, Phật tử Pháp Trung đã trải lòng nêu lên cảm tưởng, lòng biết ơn, lý tưởng tu hành, ý nguyện xuất gia khiến cho hội chúng ai cũng lắng đọng trôi theo từng cung bậc cảm xúc đối với một hành giả đang bước qua ngưỡng cửa mới của đời sống tu hành, trở thành một tu sĩ Phật giáo, để mà tiếp nối mạng mạch Phật pháp và sự nghiệp Thầy Tổ.

Trong không khí của ngày Thành Đạo thiêng liêng, quỳ nơi mái chùa ấm áp, điều hiện rõ nhất trong lòng các vị tân xuất gia là lòng thương kính và biết ơn tột độ dâng lên Đức Phật cùng vị thầy Bổn sư của mình… Xúc động nhất khi nghe đôi dòng tự sự rằng: “Chúng con sinh ra thời không còn Phật, lời dạy của Phật cũng bị biến đổi ít nhiều, chính chúng con cũng bị dòng đời cuốn đi nên sống ích kỷ, tầm thường và tội lỗi… Nhưng may mắn thay, nhân duyên đã đưa chúng con đến gặp Sư Phụ – Người đã làm sống dậy những đạo lý nhiệm màu thiêng liêng của Đức Phật, Người dạy cho chúng con từ điều cao xa nhất đến những đạo đức nhỏ nhặt nhất trong đời sống, Người  trang bị cho chúng con những kỹ năng để làm Phật sự tốt hơn trong thời đại mới… Hơn hết, Sư Phụ đã dựng lại hình ảnh Đức Phật hùng vĩ, thiêng liêng không gì so sánh được cùng hình ảnh chư vị Thánh tăng cao siêu mà điềm đạm, hư vô, với lòng từ bi vô hạn. Ngay giây phút đó, chúng con hiểu rằng: Sư Phụ chính là vị Minh sư, là người Thầy, là người Cha mà chúng con cần tìm về nương tựa, không chỉ kiếp này mà đến vô lượng kiếp về sau…”

Trong giây phút thiêng liêng này, các vị tân xuất gia cũng gửi lòng biết ơn đến các đấng sinh thành – người đã nuôi nấng mình với tất cả tấm lòng yêu thương. Các vị nguyện lòng sẽ tu hành cho xứng đáng với công lao trời bể ấy.

Cuối cùng, các vị cùng nhau dâng lên Sư Phụ những lời phát nguyện son sắt về lòng kính Phật, giữ gìn giới hạnh, sống đời phạm hạnh.

Kế đến, TT. Thích Chân Quang đã ban những lời pháp nhũ khai đạo cho các vị tân xuất gia trước khi thế phát. Bằng tấm lòng của người Thầy đối với đệ tử, Thượng tọa đã dạy đến tận ngọn nguồn về con đường tu hành khi trở thành tu sĩ với biết bao thử thách, cùng nhiều trách nhiệm mà nếu không khéo người tu sẽ bị biến chất hoặc bị đánh mất đời tu. Bằng tất cả tình thương yêu của người Thầy, Thượng tọa dặn dò:

“Cuộc đời còn nhiều bóng tối, khổ đau, lầm lỗi, chúng sinh rất cần hình ảnh của những bậc Thánh để nương tựa tu hành. Và những mong mỏi, ước ao, khát khao đó của chúng sinh đặt lên đôi vai của người xuất gia như các con.

Vì vậy khi xuất gia các con phải dặn lòng mình rằng phải cảnh giác với chính tâm mình, cảnh giác với tất cả mọi người để bảo vệ Thầy mình, bảo vệ đại chúng, bảo vệ chùa, bảo vệ Phật pháp. Tâm đạo của các con phải gấp một nghìn lần, kiên cường gấp một nghìn lần tu sĩ ở những nơi khác thì các con mới trụ nổi, đường tu không tan vỡ. Mà khi đã trụ lại được, phát tâm tu hành bền vững thì công đức của các con rất lớn, vì các con đã phụ giúp Sư Phụ đem Chánh pháp gieo rắc khắp nơi. Mà cũng chính nhờ sự tu hành tinh cần đó mà người xuất gia mới xứng đáng làm bậc Thầy cho chúng sinh nương tựa, học hỏi…”

Tiếp đến, Ban tổ chức thiết lễ cầu siêu, cúng thí thực và tổ chức lễ Quy Y Tam Bảo cho hơn 1.000 thiện nam, tín nữ đã phát nguyện thọ trì tam quy – ngũ giới và 8 lời nguyện, chính thức trở thành một người Phật tử chân chính tu hành trong đạo Phật.

Đặc biệt, vào lúc 14h00 cùng ngày, tại lễ đài đã diễn ra chương trình giao lưu với những vị khách mời đặc biệt là hai anh em “Hoàng tử xiếc” nổi tiếng Quốc Cơ – Quốc Nghiệp, những người con đã mang hai tiếng “Việt Nam” thân thương đến với bạn bè Quốc tế.

Trong buổi giao lưu, mọi người được dịp hiểu rõ hơn đằng sau những vinh quang, thành công mà anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp có được là biết bao nỗ lực, sự quyết tâm, những phen thập tử nhất sinh và cả nước mắt vì chấn thương. Qua câu chuyện của hai anh em, mọi người có thể nhận ra rằng “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, không có thành công nào mà không cần phải trả giá.

Và Quốc Cơ – Quốc Nghiệp không bao giờ tự thỏa mãn với những gì mình đã đạt được. Họ luôn đưa ra thêm những động tác khó để cùng nhau tiến lên. Chỉ trong 2 năm 2012 và 2013, họ đã mang về cho Việt Nam không dưới 10 huy chương vàng, huy chương bạc và nhiều giải thưởng uy tín khác tại đấu trường Quốc tế. Cuối năm 2016, hai anh em đã lập kỷ lục Guiness Thế giới về màn chống đầu giữ thăng bằng đi hết 90 bậc thang ở nhà thờ Tây Ban Nha. Và đến với “Britain’s Got Talent” 2018, hai “Hoàng tử xiếc” lại tiếp tục khiến khán giả thế giới phải trầm trồ kinh ngạc và thán phục, v.v…

Những gì họ đạt được ở hiện tại là nhờ những nỗ lực không ngừng trong quá khứ. Cho nên, việc làm của hai anh em khiến mọi người có cái nhìn khác về nghề xiếc, những cống hiến của nghề đối với xã hội và tài năng của con người Việt Nam.

Thượng tọa Trụ trì cũng chỉ ra rằng, điều đặc biệt làm nên thành công ở hai anh em Quốc Cơ – Quốc Nghiệp chính là khi thi đấu ở bất kỳ nơi đâu, hai tiếng “Việt Nam” đều được nhắc tới, các anh mang theo cả tình yêu Tổ quốc, sự phấn đấu nỗ lực của hai anh cho một điều gì đó rất lớn lao chứ không phải chỉ riêng cho mình.

Dịp này, Thượng tọa trụ trì đã tặng kỷ niệm chương, vinh danh “BƯỚC ĐẾN VẺ VANG” cho cặp nghệ sỹ xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp.

Lần này, hàng vạn người mãn nhãn nhất là xem hai bé trên dưới ba tuổi là con của Quốc Cơ – Quốc Nghiệp đã thể hiện màn giữ thăng bằng đứng trên tay khi di chuyển mà không phải đứa trẻ nào cũng làm được. Quốc Cơ – Quốc Nghiệp đã tập luyện cho các con có sức khỏe dẻo dai, nhanh nhạy hơn ngay từ rất nhỏ. Điều này cho thấy hai quý tử nhà Quốc Cơ – Quốc Nghiệp có thể nối nghiệp cha.

Tiếp theo chương trình, đúng 18h30 cùng ngày, Đại lễ Phật Thành Đạo chính thức bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm và thành kính nhất, ĐĐ. Thích Nghiêm Giám đại diện cho Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể Phật tử ngồi Thiền 30 phút.

Tiếp đến, TT. Thích Chân Quang chia sẻ bài Pháp thoại nhằm củng cố những kiến thức cơ bản nhất cho các Phật tử về đạo Phật, Thiền định cũng như ý nghĩa của ngày Phật Thành Đạo.

Theo Thượng tọa, người con Phật phải yêu Thiền định tha thiết, dù có gian khó bao nhiêu vẫn nỗ lực thực hành bởi Thiền định chính là con đường thiên lý dẫn đến sự giác ngộ, Thiền là gia sản quý mà Đức Phật đã để lại cho nhân loại. Thiền sẽ mở ra cho nhân loại một chân trời mới rất đạo đức, rất siêu Việt, bình an. Nhờ Thiền mà con người sẽ bước lên một đẳng cấp mới, trí tuệ hơn, đạo đức hơn, thanh tịnh và hạnh phúc hơn.

Từ lâu câu nói: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” đã được xem như yếu chỉ của Thiền, nghĩa là phải quay lại quan sát chính mình. Nhưng quan sát điều gì? Nhiều người cho rằng phải quay lại quan sát cái tâm của mình trước, không ngờ quan niệm này đã sai với lời Phật dạy và sinh ra nhiều hệ quả không hay. Thật sự ý của Phật là phải “an trú toàn thân, biết rõ toàn thân, cảm giác toàn thân” trước.

Chúng ta không cố ý kiểm soát tâm, không cố ý kiểm soát vọng tưởng, chỉ kiểm soát thân mình mà thôi, vậy mà tự nhiên dần dần sẽ kiểm soát được tâm và vọng tưởng. Cho đến khi bước vào giai đoạn chánh niệm tỉnh giác thì trong cuộc sống hay trong Thiền định, tâm ta không bao giờ chạy ra khỏi da thịt. Dù đối tiếp với cuộc sống lao xao, tâm ta vẫn an trú toàn thân. Đó gọi là “Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”.

Khi an trú thân ổn định rồi tự nhiên ta sẽ thấy hơi thở ra vào. Ta cũng thấy rằng thân xác là vô thường không quan trọng. Tâm càng lúc càng thanh tịnh, dần dần ta phát hiện ra lầm lỗi của mình, kể cả những lỗi rất vi tế bí mật. Phải thấy lỗi mới gọi là biết tu. Nhờ vậy mà đạo đức bắt đầu thay đổi.

Tóm lại, trong Thiền định, chúng ta đừng khờ dại đi tìm cái tâm trước, đừng lo canh chừng vọng tưởng trước. Hãy an trú toàn thân, biết rõ toàn thân và thấy thân vô thường trước. Gốc rễ của Thiền nằm ở đây.

Thượng tọa đặt câu hỏi: “Phản quang, tự kỷ” là nhìn lại chính mình, mà chính mình là bản ngã, và khi nhìn lại bản ngã, chúng ta thấy mình quan trọng hay mình là vô nghĩa? Phải thấy mình là vô nghĩa! Chúng ta thường an trú toàn thân, biết thân vô thường không quan trọng và thấy mình là vô nghĩa. Như thế mới là đi đúng trên con đường Chánh Đạo. Cho đến khi tâm rất rỗng rang thanh tịnh rồi chúng ta vẫn tiếp tục an trú toàn thân.

Cuối cùng, Thượng tọa khẳng định rằng những ai xúc động trước sự kiện Thành Đạo vĩ đại của Đức Phật và tôn vinh ngày Phật thành đạo, người đó sẽ có ngày đắc đạo.

Sáng hôm sau, ngày mùng 08/12/năm Kỷ Hợi, khi sương mù còn phủ kín núi rừng thì nơi Thiền Tôn Phật Quang đang diễn ra nghi thức Lễ Phật Thành Đạo thật trang nghiêm và lắng đọng. Ai nấy đều thành tâm hướng Phật, cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều phát tâm dũng mãnh, tiến bước theo con đường giải thoát của Phật vạch ra.

Vào thời khắc thiêng liêng đó, hơn 4,2 vạn người ngồi tĩnh toạ bất động, không một tiếng động nhỏ chung quanh. Mọi thứ đều ngưng lại chỉ để dành sự thiêng liêng này trong trái tim mỗi người.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ âm thanh, 30 phút sau, âm thanh tiếng dế kêu, tiếng gió thổi, tiếng hổ gừ, tiếng sói hú được phát ra, góp phần dựng lại cảm xúc và trải nghiệm của người tham gia về đêm Thành Đạo ngày xưa của Phật. Đồng thời, khi ánh trăng chênh chếch còn in bóng mái chùa, hàng cây trên mặt đất ẩm sương thì tiếng nhạc của bài hát “Đêm Thành Đạo” vang lên giữa núi rừng đã mang theo biết bao niềm an lạc vô biên trong lòng hàng vạn người con Phật nơi này.

Tiếp đến, các Phật tử đã quỳ lên và đọc theo những lời cảm niệm Phật Thành Đạo do TT. Thích Chân Quang dẫn dắt. Rồi từng tiếng Kinh thiêng của hàng vạn người cất lên hòa quyện nhau qua bài Sám Thành Đạo là ấn tượng nhất trong buổi lễ. Giọng tụng của Quý Thầy chắc, khỏe, truyền cảm đã lột tả hết ý nghĩa sâu xa trong từng câu sám, cuốn mọi người cùng trôi theo dòng cảm xúc, hình dung lại khung cảnh đêm Thành Đạo ngày xưa của Đức Phật. Và thấp thoáng trong đó là những lời nhắc nhở, sách tấn các Phật tử trên bước đường tu tập, tuy rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc.

Sau cùng, Đại lễ Phật Thành Đạo hoàn mãn bằng nghi thức dâng hoa cúng dường. Tuy mọi người trở lại với cuộc sống đời thường, nhưng dư âm như mãi còn vang đọng trong tâm hồn của những ai khi nhớ nghĩ về Phật, về Thiền Tôn Phật Quang. Trong đó, ấn tượng nhất là tinh thần bảo vệ môi trường của nhà chùa. Mặc dù nơi đây đang diễn ra Lễ hội trong 3 ngày với hơn 4 vạn lượt người tham dự, nhưng xung quanh chùa không hề thấy bóng dáng của rác. Đặc biệt, hơn là nhà chùa đã thực hiện chiến dịch sống xanh, giảm tối đa rác thải nhựa dùng một lần, thông qua việc sử dụng hộp cơm làm từ bã mía phục vụ ngày 3 bữa ăn cho hơn 42.000 người về dự Đại Lễ.

Các sản phẩm thân thiện với môi trường có giá cao gấp 2 – 3 lần các sản phẩm làm bằng nhựa. Dù vậy, nhà chùa vẫn sử dụng để vừa góp phần bảo vệ môi trường sống, vừa giáo dục các Phật tử ý thức về tác hại của rác thải nhựa đối với kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe con người; cần tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; cần thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa, v.v…

Thiền Tôn Phật Quang là một trong những nơi đi đầu và tiên phong phát động phong trào bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên và Phật tử trên cả nước. Hoạt động nhặt rác, làm sạch các đoạn đường của các Đạo tràng và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trên toàn quốc đã đem đến cảm xúc, động lực cho người dân quanh vùng cùng làm theo./.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất