Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngChúng Thanh niên Phật QuangQuãng Ngãi : TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng tại Chùa...

Quãng Ngãi : TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng tại Chùa Hải Lâm

-

Tối ngày 19/02/Quý Mão (nhằm ngày 08/03/2023), nhận lời mời của TT Thích Tâm Phát – Uỷ viên Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi, Phó Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN huyện Lý Sơn, Trụ trì chùa Hải Lâm, TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã quang lâm Pháp toà thuyết giảng đề tài TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁI PHƯỚC tại chùa Hải Lâm (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhân lễ lạc thành tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên, với sự tham dự của hơn 1.500 Phật tử từ 3 miền (Bắc  –  Trung – Nam ) và tại địa phương.

Bài Pháp thoại một lần nữa khẳng định cái phước chi phối lên tất cả mọi mặt đời sống của mỗi con người. Từ đó, thức tỉnh các Phật tử biết quan tâm, siêng năng làm phước để kiến tạo lại cuộc đời. Đồng thời, cùng nhau chung tay xây dựng thế giới thành tinh cầu giác ngộ, hạnh phúc.

Đến tham dự và chứng minh buổi thuyết giảng có: HT Thích Phước Minh, Phó Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; TT Thích Giác Minh – Viện chủ chùa Phong Hòa (Đồng Tháp); ĐĐ Thích Hạnh Nhân, Uỷ viên Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng ban Văn hóa Phật Giáo tỉnh Quảng Ngãi, Trụ trì chùa Đức Lâm (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), cùng Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang (BRVT).

Ngoài ra còn có sự hiện diện của Ban Điều hành các Đạo tràng và Chúng Thanh niên Phật tử Phật Quang trực thuộc Tổng Đạo Tràng Thiền Tôn Phật Quang tại các tỉnh thành như: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre đồng tham dự và công quả.

Được biết, đảo Lý Sơn là hòn đảo có bề dày lịch sử, là nơi đóng quân của đội hùng binh Hoàng Sa từ thời Vua Minh Mạng. Tại nơi đây, các Vị đã để lại dấu mốc xác định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Để rồi từ đó, mỗi khi dõi trông ra đảo, chúng ta biết rằng quê hương mình cũng nằm ở đó.

Ngoài ra, đây còn là một căn cứ điểm quốc phòng trên biển, có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, là mảnh đất văn vật vượng khí, là nơi xuất thân của nhiều danh tài nổi tiếng, tiêu biểu như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (vị Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976) quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Quả thực, thiên nhiên, trời đất cũng rất ưu ái cho mảnh đất Lý Sơn. Nơi đây có một phong cảnh thiên nhiên rất nên thơ, đẹp đẽ. Con người nơi đây cũng nồng hậu, dễ thương. Đây thực sự là mảnh đất tiềm năng cho sự phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, theo Thượng toạ như thế vẫn chưa đủ để tạo thành nét độc đáo thu hút du khách đến đây. Lý Sơn cần xây dựng lối sống đạo đức, văn hóa có chiều sâu, đặc biệt là xây dựng các chùa thành điểm tâm linh cho du khách đến đây được học đạo, nhất là học Thiền.

Thượng toạ nhấn mạnh tương lai sẽ có rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến đảo Lý Sơn, cho nên mỗi ngôi chùa ở đây nên có những hướng đi theo kịp thời đại, để những bạn bè thế giới đến đây cũng được tìm hiểu về Phật pháp. Có vậy, mới để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi đến đây. Sau này, họ chính là người quảng bá, giới thiệu, đưa những vị khách khác đến với Lý Sơn. Nghĩa là, khi ta xây dựng được nền văn hóa độc đáo, sẽ góp phần thu hút sự quan tâm, tìm đến của du khách. Đây cũng là sự đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế địa phương cũng như thu nhập của người dân.

Đi vào nội dung bài giảng, Thượng toạ cho rằng, chúng ta sống trên đời cần có một nền tảng cơ bản là cái phước. Phước cho ta cơ hội, phước cho ta cuộc sống, cho ta sự lựa chọn. Phước là cái lõi, là nhiên liệu, là động lực cho mọi việc trong cuộc sống này. Một người hiểu Nhân quả, mỗi khi làm gì đều luôn biết cân nhắc giữa 2 điều tội và phước rất kỹ lưỡng dù thật sự trên đời luôn có những việc đan xen giữa phước và tội, rất khó phân định.

Ví dụ, khi ta phát tâm cúng dường để đúc tượng Phật thì phải làm tượng Phật thật đẹp. Nhìn gương mặt Phật đẹp, chúng sinh động tâm, dâng lên niềm thương kính với Ngài thì cả ta và người lạy đều có phước rất lớn. Làm tượng Phật mà xấu, Phật tử nhìn vào không xúc động thì cả ta và người lạy đều không có phước. Có khi ta còn mang tội nặng vì xúc phạm Đức Phật. Đây là một thử thách rất lớn, ảnh hưởng đến tội, phước của rất nhiều người nên cần phải hết sức chú ý. Đừng nghĩ cứ tạc tượng là có phước.

Chúng ta ai cũng phải hiểu rằng mọi điều trong cuộc sống đều đi giữa cái ranh giới  tội và phước. Ai tránh được tội, vun bồi được phước thì đó sẽ là tài sản quý giá để đem đến kiếp sau. Không có gì bảo đảm cho cuộc đời ta bằng cái phước nên càng nhiều phước, cuộc đời ta càng hạnh phúc, yên vui. Tuy nhiên, đa phần chúng sinh đều không có ý thức quyết tâm, tha thiết, khao khát tạo phước. Mọi người sống chỉ tìm cách thụ hưởng cho bản thân trước. Không có ai từng phút, từng giây lo nghĩ tìm cách phụng sự, giúp đỡ chúng sinh, ngoại trừ người đệ tử Phật.

Chỉ người đủ chánh kiến mới bị sự thôi thúc phải tạo phước từng ngày, từng giờ, không bỏ sót một cơ hội nào đi qua tầm tay mình bởi họ hiểu rằng mọi thứ đều nhạt nhòa trôi qua, chỉ khi nào còn phước ta mới còn nhiều cơ hội, còn may mắn để sống trên đời một cách có giá trị, bớt khổ và có cơ hội tu hành.

Thích làm phước là bước tiến đầu tiên trong đạo, tuy nhiên thích thôi vẫn chưa đủ, ta còn phải tạo phước rất nhiều cho đến vô biên vô lượng, không bao giờ nghĩ rằng đã đủ. Vì sao vậy? Vì để từ người nghèo lên giàu ta cần phước lớn, để từ phàm tiến đến vị trí bậc Thánh ta lại cần cái phước phi thường hơn cả triệu lần. Phải rất nhiều kiếp mang cả thân mạng của mình ra yêu thương lo lắng hy sinh vì chúng sinh, chỉ như thế mới hy vọng có dấu vết của cái phước từ phàm lên Thánh.

Phước quan trọng như thế, tuy nhiên đa phần tất cả chúng sinh đều không ý thức, không quyết tâm, không thiết tha tạo phước. Cả thế giới người ta chỉ loay hoay tìm cách thụ hưởng.

Để hiểu rõ hơn điều này, Thượng tọa đã liệt kê rất nhiều điều mà ta được hưởng thụ từ cuộc sống. Đó là cơm nước, quần áo ta ăn, mặc hàng ngày; là sự yêu thương, tôn trọng của mọi người với ta; là lúc ta bị bệnh, không làm được gì nhưng lại luôn có người chăm sóc; là những ân nghĩa ta nhận được từ mọi người xung quanh; là cái duyên gặp được Minh sư, bạn hiền.

Bên cạnh những điều tốt đẹp đó là vô số lỗi lầm ta đã gây ra ở vô lượng kiếp. Và dù là tội lỗi hay điều tốt đẹp, ta cũng phải làm phước để bù lại những điều đó. Cái lỗi của chúng sinh vô minh ngu si là không bao giờ tự buộc mình làm phước. Ta không làm phước để bù lại những ân nghĩa, những món nợ của cuộc đời cho mình từ bé đến lớn, ta không làm phước để bù lại những lầm lỗi từ vô lượng kiếp của mình, ta không làm phước để lo cho tuổi già của mình, không làm phước để khi bỏ thân này rồi ta được về nơi yên ấm an vui. Đa phần chúng sinh dù có sống hiền lành thì sau khi qua đời vẫn phải làm ma đói là vì thế, do lúc sống đã không chịu tạo phước.  

Vì vậy cần siêng năng nỗ lực tạo phước suốt đời mình. Để thiết kế cho kiếp sau của mình thì từ bây giờ ta phải làm phước cực nhiều, đặc biệt là mang Phật pháp đến với vô số chúng sinh trên cõi đất này. Đừng quên một cái phước rất quan trọng là kết duyên lành giáo hóa chúng sinh – ta phải ban phát ân nghĩa sao cho chúng sinh gặp mình, nghe tới tên mình là tự nhiên yêu mến đến tìm hiểu đạo lý.

Ở thời đại 4.0, khi khoa học kỹ thuật ngày một phát triển nhanh chóng, việc làm phước không chỉ dừng lại ở bố thí, mà quan trọng hơn là ta gieo được đạo lý vào lòng người.

Giờ ta đang sống, cứ tưởng cuộc sống mình hiện nay là tốt đẹp mãi mãi. Mà sau khi chết, toàn bộ tội phước bắt đầu hiện ra. Nên giờ còn khỏe mạnh, còn cơ hội thì cố gắng làm phước để dành cho tới khi chết. Thêm nữa, đừng chỉ nghĩ sống kiếp này là hết mà phải tính cho cả những kiếp về sau. Làm sao để kiếp sau ta gặp được Minh sư, bạn hiền, cùng nhau tu tập đến giác ngộ. Sau đó tiếp tục lan truyền đạo Pháp, giúp nhiều người xung quanh cùng chứng ngộ.

Ở kiếp này, do lỡ duyên nên dù hiểu đạo, thích tu hành nhưng sức truyền bá Phật pháp lại ít. Giờ ta nguyện kiếp sau trở đi, ta xuất hiện ở đâu, sẽ đem ánh sáng Phật pháp lan tràn ở đó để độ được vô số chúng sinh. Tích cực xin Phật vậy thì Ngài mới sắp xếp, cho ta cơ hội. Nếu không, kiếp sau ta vẫn mãi luẩn quẩn tu một mình. Bên cạnh đó, ta phải tích cực làm phước, có vậy mới rảnh rang tu hành mà không bị bận tâm.

Nói đến tu hành, giác ngộ, Thượng toạ khẳng định lại có 3 con đường đi tới giải thoát giác ngộ. Đó là Tứ Thánh Quả, Tứ Thiền và Tứ Niệm Xứ. Dù đi con đường nào, muốn chứng ngộ đến cùng, chuyển từ phàm thành Thánh đều cần cái phước cực kì lớn. Thêm nữa, sau khi giác ngộ, muốn giáo hóa được tất cả chúng sinh, ta cũng cần một cái phước để kết duyên lành. Cái phước này phải lớn đến mức mà dù ở kiếp này, chỉ cần nghe tên ta, dù chưa gặp mặt, chúng sinh cũng đều động lòng.

Cho nên mỗi người đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia, ai cũng phải có vô lượng phước thì ta mới cùng nhau xây dựng Phật pháp cho muôn đời sau được. Nếu người đệ tử Phật lười tạo phước, không biết tạo phước, chúng ta không thể cùng nhau dựng nên cơ đồ Phật pháp cho muôn đời sau.

Riêng đến đây thôi ta mới thấy, cuộc sống của ta có rất nhiều việc phải làm phước. Vậy nhưng cái phước mình làm lại quá ít. May mắn thay, hôm nay ta được nghe bài Pháp này, hiểu rõ bài toán tội phước, ta biết cẩn thận trong từng hành động để không phạm lỗi, biết siêng năng, chăm chỉ làm phước dù là cái phước nhỏ nhất. Sự cẩn thận, chăm chỉ này sẽ giúp ta có những cái phước bù lại cho những lỗi lầm trong quá khứ, trả nợ những ân nghĩa ta nhận được trong cuộc đời. Đồng thời, có sự tích lũy để kiến tạo lại tương lai sau này.

Nghe đến đây, mới mới thấy người hiểu đạo không có ai thực sự thanh thản. Lúc nào họ cũng nặng lòng vì lỗi lầm nhiều mà phước chưa đủ. Nhờ sự nặng lòng này mà họ biết tu, biết vun đắp, hoàn thiện bản thân, xứng đáng với những kì vọng của Đức Phật dành cho đệ từ mình. Đó là cố gắng xây dựng vô lượng phước để cùng nhau xây dựng Phật pháp cho muôn đời.

Thực sự phải may mắn lắm, có duyên phước lắm ta mới được nghe bài Pháp hôm nay. Nhờ có những đạo lý này, ta như được thức tỉnh khỏi u mê, không còn suy nghĩ sống chỉ để hưởng thụ nữa. Thay vào đó, từ hôm nay trở đi, ta biết cố gắng tìm cơ hội làm phước. Đồng thời, biết khiêm tốn, dù làm bao nhiêu việc tốt cũng không chấp công, biết hồi hướng mọi phước đức cho thế giới. Từ đó, góp phần xây dựng thế giới thành tinh cầu giác ngộ, ai cũng yêu thương nhau, ai cũng biết tu hành, hướng về vô ngã. 

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất