Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Sức mạnh của Đạo lý

-

Vừa qua, vào ngày 22/05/2019 (nhằm ngày 18/04 năm Kỷ Hợi), nhận lời mời của TT. Thích Giác Nghiêm – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Pháp (Số 6, Hồng Lĩnh, p. Phước Hòa, Tp. Nha Trang) TT. Thích Chân Quang – Phó Ban Kinh tế Tài Chính T.Ư GHPGVN – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm Pháp tòa thuyết giảng về đề tài “SỨC MẠNH CỦA ĐẠO LÝ”, với sự tham dự của trên 1.500 Phật tử đến từ các tỉnh thành.

Thông qua bài Pháp thoại này, mọi người biết được rằng đạo lý Phật dạy có sức mạnh làm thay đổi cuộc đời chúng ta, giúp ta có cái nhìn vượt ra khỏi cõi chết. Nhờ đó, mọi người biết lựa chọn con đường tu hành đúng đắn, biết tích lũy phước đức cho thật lớn, để thiết kế lại cuộc đời mình cho những kiếp sau trở nên tốt đẹp hơn.

Theo Thượng tọa, trong tay chúng ta có thể không có tiền bạc, địa vị, danh vọng… của thế gian, nhưng chỉ cần có sức mạnh từ đạo lý Phật dạy thì mọi điều màu nhiệm tốt đẹp cũng dần hiện ra với cuộc đời mình. Điều tốt đẹp đó không chỉ có giá trị lúc sống mà còn kéo dài cả sau khi chết.

Quả thực, tầm nhìn của con người đa phần đều dừng lại ngay cái chết. Ai nhìn trước, sắp xếp chuyện tương lai vài năm đã là giỏi. Trí tuệ của con người là như vậy. Chỉ khi đến với đạo Phật, cái nhìn của chúng ta mới vượt ra khỏi cái chết, thậm chí ta nhìn đến cả vài kiếp nữa. Và ta có khả năng vẽ ra, dựng nên, thiết kế cuộc đời mình cho những kiếp sau bằng cách gieo nhân cho đúng từ ngay kiếp này.

Ở phần tiếp theo bài giảng, Thượng tọa phân tích về cách gieo nhân để được 5 quả báo về tài sản, sức khỏe, dung sắc, trí tuệ, cuối cùng là tâm linh đạo đức. Yếu tố cuối cùng này là quan trọng nhất.

Theo Thượng tọa, từ xưa đến nay con người luôn có khuynh hướng tìm đến tâm linh, dù khoa học có tiến đến đâu. Tuy nhiên, nhiều người đã lạc sang tà đạo để rồi chính họ đau khổ mà người chung quanh cũng bất an theo. Vì vậy, việc chọn được con đường tâm linh nào để đi là cực kì quan trọng.


Và không chỉ tâm linh, con người cũng rất cần đạo đức, không ai muốn mình là kẻ xấu ác, tội lỗi cả. Tuy nhiên, nội tâm chúng ta là rừng rậm hoang vu, là biển cả sóng gió đầy lầm lỗi. Chỉ cần sơ sẩy một chút, dù là trong ý nghĩ thôi, chúng ta cũng có thể phạm lỗi, tạo nghiệp. Thậm chí, nhiều người sống qua một đời, đến năm tám mươi tuổi vẫn phạm tội lỗi tày trời. Lầm lỗi luôn vây bủa chúng ta.

Vậy điều gì bảo vệ chúng ta đi giữa cuộc đời bình an, ít phạm lỗi lầm? Đó là lòng tôn kính các bậc Thánh, nhất là Đức Phật. Chính cái phước này giúp bảo vệ tâm hồn, không để ta làm điều sai quấy, trong tâm chỉ đầy điều thiện lành. Ác nghiệp được hóa giải, thiện nghiệp tích lũy lớn dần. Đạo đức ngày một hoàn thiện. Lòng kính Phật tột độ còn giúp chúng sinh chứng Thánh quả cao siêu.

Cuối bài giảng, Thượng tọa đề cập đến vấn đề vì sao các ngôi chùa không phát huy được sức mạnh của đạo lý, khiến chùa không còn sức hút với chúng sinh nữa.

Theo Thượng tọa, trong thời đại này, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trong tay thôi là mỗi người kết nối được với cả thế giới. Và dần dần chùa bỗng trở nên buồn tẻ. Sức mạnh của công nghệ cùng những niềm vui thế gian luôn kéo mọi người ra khỏi chùa. Rất ít người đến chùa để tìm các giá trị về tâm linh đạo đức.


Tuy nhiên, sức hút của chùa mất đi là vì ta chưa tu đúng theo đạo lý của Phật mà thôi. Cụ thể hơn, thứ nhất, ta chưa ứng dụng vào đời sống tu hành; thứ hai, ta chưa ứng dụng vào sự giáo hóa.

Nếu người tu đủ giới hạnh (giới); nếu người tu đạt được nội tâm thanh tịnh yên tĩnh (định); nếu người tu có trí tuệ vô ngã, trí tuệ nhìn thấu thế gian (tuệ) thì tất cả đều phải cúi đầu, tìm về. Nếu vị đó đem giới – định – tuệ để giáo hóa, thì những trò vui thế gian chỉ là bèo bọt vô nghĩa mà thôi. Dù khoa học tiến bộ đến đâu, dù sa đọa thụ hưởng của con người có ghê gớm thế nào thì cũng không bao giờ bằng. Không sức mạnh thế gian nào có thể cạnh tranh với Phật pháp.

Nhưng chỉ vì chúng ta không ứng dụng hết đạo lý Phật dạy vào trong đời sống tu hành và trong sự giáo hóa nên chúng sinh đã quay lưng, Phật pháp suy tàn. Cho nên, làm sao ứng dụng đạo lý Phật dạy vào trong sự tu hành, giáo hóa – đó là điều mà người tu phải suốt đời trăn trở đi tìm.

Quả thực, chúng ta phải công nhận đạo lí Phật dạy có một sức mạnh rất lớn, mở ra nhiều điều mầu nhiệm, tốt đẹp trong cuộc sống của chúng ta ở hiện tại và nhiều kiếp sau. Lựa chọn đi theo đạo Phật là một điều hết sức đúng đắn, khôn ngoan của những người trí tuệ. Tu đúng theo chánh pháp, ta yên tâm rằng, mình sẽ có nội tâm vững vàng, phước đức rộng lớn để bình thản, vượt qua được mọi khó khăn, sóng gió trong cuộc sống. Đồng thời là chỗ dựa tinh thần cho chúng sinh khắp chốn.

Tiếc là, đa số chúng ta chỉ ham vui với công nghệ, vật chất mà quên đi việc đến chùa để tìm giá trị đạo đức, tâm linh. Chính điều này khiến trí tuệ ta bị bó hẹp, chỉ đủ để nhìn cuộc sống đến khi chết rồi dừng lại. Con người vì đó dễ mắc lỗi lầm, mãi lặn ngụp trong đau khổ, không thể thoát ra được.


Trước thực trạng này, Thượng tọa yêu cầu quý Tăng Ni phải nghiên cứu, tìm hiểu lại để ứng dụng được đạo lí Phật dạy trong đời sống tu hành của mình, cũng như trong việc giáo hóa độ sinh. Chỉ có vậy, chúng ta mới gìn giữ được những giá trị tốt đẹp của đạo Phật, tạo sức hút với chúng sinh rộng rãi.

Đây đó khắp nơi cũng đã có nhiều vị Tăng Ni có giới đức, có tầm nhìn đã mạnh dạn đưa đạo vào đời bằng các phương tiện giáo hóa, phương thức hoằng pháp mới phù hợp với thời đại, sao cho giáo lý của Đức Phật sống mãi với mọi thời đại và có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi đối với cộng đồng, đem lại an lạc thật sự cho mọi người. Đây chính là những viên ngọc quý trong Tăng đoàn, góp phần làm cho đạo Phật hưng thịnh./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất