Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTam giả quảng tu cúng dường - Hạnh nguyện thứ 3 của...

Tam giả quảng tu cúng dường – Hạnh nguyện thứ 3 của Bồ Tát Phổ Hiền

-

Sáng ngày 20/08/2017 (nhằm ngày 29/06/năm Đinh Dậu), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng về đề tài “TAM GIẢ QUẢNG TU CÚNG DƯỜNG”, với sự tham dự của gần 1000 thiền sinh tham gia Khóa tu Thiền tại chùa Từ Tân (số 90/135, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình, Tp. HCM) và khoảng 1500 phật tử từ các tỉnh thành đồng tham dự.

Đây là nội dung lời nguyện thứ ba trong thập hạnh Phổ Hiền. Cứ mỗi khóa tu Thiền, trong chương trình thuyết giảng, Thượng tọa lần lượt lý giải về 10 lời nguyện lớn của Phổ Hiền Bồ Tát, với ẩn ý sách tấn các phật tử tinh tấn tu tập, mở tâm mình ra trên tinh thần tự lợi và lợi tha, thông qua việc thực hành theo công hạnh của chư vị Bồ tát.

Vào đầu bài giảng, Thượng tọa giới thiệu về Kinh Hoa Nghiêm – phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, nói về những công hạnh vĩ đại của bậc Bồ tát, trong đó có đoạn diễn tả về một vị Bồ tát hiện thân khắp pháp giới vũ trụ, đến tất cả những cõi nước có Phật để cung kính, lễ bái và cúng dường.

Theo Thượng tọa, khi một vị Bồ tát đi khắp các cõi nước để cúng dường Phật thì phải hiểu rằng không phải các Ngài ôm một khối tài sản bay đi cúng dường, mà tài sản được giấu trong thần thông. Nghĩa là gì? Thời Đức Phật có một sa di Tissa, dù chỉ là sa di nhưng Ngài đã chứng A La Hán và ẩn tu trong rừng xa.

Một ngày Đức Phật tìm đến thăm sa di Tissa (chi tiết này thật cảm động, một bậc Thế Tôn lại lặn lội đi thăm một Sa di ẩn tu trong rừng vắng). Biết trước Phật sẽ đến thăm, vị sa di dùng thần thông làm hiện ra cả một lâu đài nguy nga dát vàng, có nhiều phòng ốc để đón Phật và chư Tăng đến ở trong mấy ngày. Sau khi Phật và chư Tăng rời đi, vị đó thu thần thông lại, khu rừng trở lại như cũ.

Tuy nhiên, không phải vị A La Hán nào cũng hiện được thần thông như vậy, vì thần thông cũng phải theo cái phước của vị ấy, chứ không phải chỉ theo ý muốn. Có nhiều loại thần thông, có loại không cần nhiều phước lắm (như tha tâm thông, hoặc phân thân…); nhưng thần thông hóa hiện ra tài sản, hoàn cảnh thì phải lệ thuộc vào cái phước ít nhiều khác nhau. Như vị sa di Tissa trên phải có phước rất lớn thì cung vàng điện ngọc nguy nga mới hiện ra theo ý muốn được.

Vì thế, khi những vị Bồ tát dùng thần thông đi khắp nơi trong pháp giới vũ trụ đến gặp Phật hiện ra các món cúng dường, ví dụ cúng dường bằng hương thơm để trang nghiêm cõi Phật, hoặc hiện ra hoa lấp lánh tràn đầy khắp nơi trong đạo tràng, hoặc tấu nhạc vang lừng… Phải hiểu rằng cái phước của các vị cực kì lớn.

Nhưng cúng để làm gì? Tâm của một Đức Phật là tuyệt đối thanh tịnh, các Ngài không cần mùi hương, không cần hoa, nhạc… Nhưng các vị Bồ tát vẫn cúng dường, vì ba mục đích:

– Thứ nhất là để Phật thọ dụng. Thật ra Phật không dùng gì nhiều cả, nhưng nếu ai cúng thứ gì mà Phật thọ dụng trực tiếp (dù chỉ là một hạt cơm trong bát, hoặc một ít cỏ thơm trải ở dưới cho Phật ngồi) thì cái phước của người đó là không thể tính kể.

– Thứ hai là trang nghiêm cõi Phật, xem như Phật đã thọ dụng một phần dù không dùng trực tiếp.

– Thứ ba, tạo điều kiện, phương tiện hỗ trợ cho sự giáo hóa của Phật. Ví dụ chuẩn bị chỗ ngồi, thực phẩm cho mọi người tìm đến nghe Phật thuyết Pháp.

Thực tế thì một Đức Phật không cần gì, nhưng ai cũng muốn cúng dường Phật để được cái phước vô lượng. Nên mặc dù cái hạnh nguyện của một vị Bồ tát là cúng dường đến vô biên, nhưng các Ngài không bao giờ giành cúng hết. Ở thế gian cũng nhiều người có cái tâm này. Ví dụ có người phật tử nghe chùa sắp đúc tượng Phật, mặc dù đủ sức cúng hết nhưng người này chỉ cúng một phần, còn lại để những người khác cũng góp vào cho họ có phước (cúng dường tượng Phật được quả báo được thân tướng trang nghiêm đẹp đẽ, dễ đắc đạo). Đó là cái tâm Bồ tát.

Tóm lại, từ đây khi cúng dường bậc Thánh ta hãy nhớ ba mục đích trên, tuy ba nhưng là một, vì Phật thọ dụng cũng để giáo hóa chúng sinh, hay trang nghiêm cõi Phật cũng chỉ để giáo hóa chúng sinh.

Dịp này, Thượng tọa giải thích vì sao một vị Bồ tát thì luôn chịu sự thúc đẩy mãnh liệt trong tâm là phải tìm đến nơi có những Đức Phật để đảnh lễ, cúng dường, tán thán.

Để hiểu điều này, Người đã đề cập đến vũ trụ. Thật ra, vũ trụ quá lớn, từ nơi này sang nơi khác có thể mất mấy tỷ năm ánh sáng (ta nghe thôi, đừng dùng đầu óc của mình mà cố hình dung vì não ta không đủ dung lượng để chứa con số khủng khiếp đó). Và con người chỉ là hạt bụi vô nghĩa trong vũ trụ này. Nhưng khi một Thiền sư chứng ngộ, Ngài đã nói “Trời đất trong tay ta”. Hoặc một Thiền sư khi được hỏi thế nào là Phật pháp đã trả lời: “Lấy gậy khều mặt trăng”, nghĩa là tâm các Ngài thênh thang phủ trùm trời đất, thấy mặt trăng rất gần, như trong bàn tay mình. Ta đừng tưởng những câu thiền ngữ đó là những ẩn ý xa xôi, thật ra các vị Thiền sư đang nói rất thật những gì mình thấy.

Các vị Thiền sư thì cao siêu như vậy, tuy nhiên so với Phật quả thì các vị vẫn còn rất nhỏ bé, chưa đạt được sự tuyệt đối của vũ trụ. Khi một vị đạt Phật quả, vị ấy trở thành như cả vũ trụ. Sự vĩ đại mênh mông bao la vô lượng là không thể tưởng tượng được.

Trước sự vĩ đại đó, các vị Bồ tát luôn bị sự thúc đẩy tự nhiên phải tìm đến. Ta thấy như trong gia đình có người cha rất giỏi, những đứa con lớn lên rồi cũng muốn giỏi như cha mình. Cũng vậy, khi một người tôn kính Phật tuyệt đối rồi thì người đó bỗng có sự thúc đẩy trong lòng là phải tu cho đạt được sự giác ngộ. Cũng vậy, khi biết về sự chứng ngộ tuyệt đối vĩ đại của chư Phật, các vị Bồ tát sẽ tìm đến những cõi đất có Phật để đảnh lễ, cúng dường, tán thán… Đó là sự thúc đẩy tự nhiên, mãnh liệt.

– Một vị Bồ tát cúng dường lên Đức Phật thì có những đặc điểm sau:

+ Thứ nhất là tâm tôn kính Phật tuyệt đối. Người tu chân chính, có trí tuệ chừng nào thì cái tâm tôn kính Phật cứ được vun đắp, lớn lên chừng nấy, và ngày nào đó khi cái tâm này đạt được mức độ tuyệt đối thì người này tức khắc chứng Thánh quả Tu Đà Hoàn. Một vị Bồ tát cũng thế, từ thuở mà Ngài chứng Tu Đà Hoàn cho đến ngày chính Ngài cũng thành Phật thì lòng tôn kính Phật không bao giờ mất, không bao giờ gián đoạn. Cho nên khi một vị Bồ tát đến gặp Phật cúng dường là Ngài cúng với tâm tất cả lòng tôn kính vô biên tuyệt đối. Đó là đặc điểm thứ nhất.

+ Đặc điểm thứ hai là cúng hết những gì mình có, không còn giữ một hạt bụi nào lại cho mình. Đó là tâm Bồ tát. Chúng ta xem lại mình, chúng ta có được vậy không? Không, vì ta còn nhiều bổn phận, đó là bổn phận của người con với gia đình, người nhân viên với công ty, người công dân với đất nước, v.v… Dù tâm ta buông xả, không tham lam, không nắm giữ gì cho mình bao nhiêu chăng nữa thì lúc nào ta cũng phải cân nhắc, không thể nào mang đi cho hết được.

Nhưng ta phải tu làm sao cho ngày nào đó mình cũng xuất hiện cái tâm nguyện là cúng dường hết tất cả những gì mình có kể cả sinh mạng của mình. Đó là cái tâm Bồ tát, dù trên thực tế thì ta chưa được phép. Còn các vị Bồ tát vì đại thần lực nên các Ngài làm được như tâm nguyện, đi vân du các cõi, nếu cần thì cúng luôn cả thân mạng mình.

– Đặc điểm thứ ba: có sự thôi thúc mãnh liệt trong tâm là phải tìm đến hành hương, chiêm bái những Đức Phật.

Ta thắc mắc tại sao Bồ tát phải đi qua nhiều cõi Phật để lễ lạy hết Phật này đến Phật kia, để xưng tán rồi cúng dường? Đó cũng là sự thúc đẩy tự nhiên. Ví dụ nghe ở đâu có một vị cao Tăng đắc đạo, dù chưa chắc là sự thật nhưng lòng ta vẫn muốn tìm đến ngay, bởi ta khát khao đi tìm tâm linh giác ngộ. Dĩ nhiên khi tìm đến rồi ta phải có trí tuệ để đánh giá vị đó đắc đạo hay không, cái đánh giá của ta có khi đúng có khi sai. Nhưng sự thôi thúc phải tìm đến vị đắc đạo – đó chính là sự thúc đẩy tự nhiên của đạo đức. Còn nếu nghe mà lòng ta dửng dưng thì mình ít duyên với Phật pháp, không có khuynh hướng tu hành giác ngộ, là con người rất phàm phu.

Một vị Bồ tát cũng vậy, với trí tuệ sáng chói, với thần thông quảng đại của mình, các vị rất thích đi tìm những vị Phật mà đảnh lễ, cúng dường để thỏa lòng tôn kính. Đó cũng hết sức tự nhiên; hết sức bình thường.

Khi cúng dường cúng với tâm tôn kính tuyệt đối, các vị dâng cúng tất cả những gì mình có, kể cả sinh mạng nếu cần. Hôm nay nghe về đặc điểm này, chúng ta phải soi lại lòng mình, có thể ta chưa có được, nhưng ta phải biết yêu kính các Ngài.

Thứ nhất là tâm tôn kính Phật tuyệt đối.

Thứ hai là cúng hết những gì đang có, cúng cả thân mạng nếu cần.

Thứ ba là việc hành hương chiêm bái yết kiến một bậc Thánh là sự thôi thúc tự nhiên của trí tuệ giác ngộ.

Và chúng ta phải yêu, phải kính cái tâm đó để một ngày ta cũng đạt được cái tâm đó.

– Mà các vị Bồ tát “Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, tam giả quảng tu cúng dường”… để làm gì, có phải vì cái phước cho chính mình không?

Đó là vì chúng sinh. Cái nhân xưng tán Phật sẽ sinh ra quả báo uy đức, danh dự, thành công; cái nhân cúng dường Phật sẽ sinh ra quả báo cõi nước huy hoàng. Các vị Bồ tát gieo những cái nhân đó để sau này thành Phật các Ngài cũng đạt được điều đó, không phải để tô điểm bản ngã cho mình, mà là vì chúng sinh.

Vì sao vậy, ví dụ cũng cùng một vị thầy chân chính đức độ, nhưng có người thì khởi tâm kính ngưỡng, một số khác lại khởi tâm ghét vị ấy. Cái kính ngưỡng khiến người ta có phước bao nhiêu thì tâm ghét bỏ mang lại cái tội bấy nhiêu. Vị thầy thì tự nhận lỗi về mình, cho rằng do phước của mình không tròn nên không gợi lên trong lòng chúng sinh sự yêu mến.

Và các vị Bồ tát cũng vậy. Đó chính là lý do mà các vị Bồ tát luôn cố gắng vun đắp cái phước của mình cho tròn để khi các Ngài xuất hiện giữa đời, chúng sinh vừa nhìn thấy, vừa nghe thấy là phải thương, không động tâm sai lầm. Từ đó mà chúng sinh được phước vô lượng.

Do đó, các vị thường siêng làm phước, tôn kính Phật, lễ kính Phật, xưng tán Phật bằng ngôn từ xúc động cho cả trời người đều nghe thấy. Như thế, khi các vị xuất hiện giữa cuộc đời, chúng sinh vừa nhìn thấy bóng hình là yêu kính, vừa nghe đến lời nói là xúc động dạt dào. Và chúng sinh được nhiều lợi ích, nhiều phước báo về sau.

Chỉ khởi tâm yêu mến thôi mà được phước báo vô lượng. Vì nghĩ đến nhân quả một triệu năm sau đó mà các vị phải lang thang từ cõi này sang cõi kia, không phải đi vân du tự tại để ngắm cảnh, mà là đi bòn phước: Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, tam giả quảng tu cúng dường… Ta phải hiểu như vậy để thấy thương các vị Bồ tát đã cực khổ vì chúng sinh, chứ các Ngài không cần gì cho mình nữa.

Hiểu điều này rồi chúng ta cũng khát khao cúng dường những bậc Thánh trên cuộc đời. Tuy nhiên, thật sự chúng sinh trong thời đại này rất bạc phước, vì những bậc Thánh quá hiếm hoi, mà số lượng người giả xưng thần xưng thánh, xưng là đạo sư tối thượng… lại quá nhiều. Tuy nhiên ta vẫn mong ngày nào đó mình gặp được một bậc Thánh thật sự để ta thực hiện cái hạnh Bồ tát như trên.

Và học theo hạnh Bồ tát, khi cúng những bậc Thánh thì tâm ta đầu tiên là không còn tiếc điều gì trong cuộc đời này, kể cả thân mạng mình. Đương nhiên vì còn nhiều bổn phận nên ta phải cân nhắc, cân đối với thực tế, không thể lấy hết tiền của trong nhà mang đi cúng dường, làm Phật sự được. Thế nhưng cái tâm ta đối với bậc Thánh phải đạt được mức độ như vậy. Chưa có cái tâm đó thì ta chưa thành tựu được hạnh nguyện “quảng tu cúng dường”. Nhưng hãy biết rằng, từ cái tâm đó mà một trăm kiếp sau sẽ đến lúc ta được quyền cúng sạch hết như tâm nguyện của mình.

– Và ta không ngờ nơi hạnh nguyện “quảng tu cúng dường”, tâm mình mở ra vô tận không còn một chút gì cho mình, vậy mà cái phước đi vào thiền định ngay. Tâm ta dần đi vào an định là nhờ đó. Vì sao vậy, vì thiền định được nuôi bằng phước. Chẳng hạn một ngày ta vất vả đắp đường, làm công quả cho mọi người được tu… không ngờ tối đó mình ngồi thiền tâm rất yên, rất hạnh phúc. Nên nhớ, cái tâm thanh tịnh được nuôi bằng phước, ngày nào hết phước thì tâm an tịnh tan vỡ, ngày nào cái phước đạt đến vô lượng thì ta thành tựu đến vô lượng. Cũng vậy, nơi hạnh nguyện quảng tu cúng dường này, tâm ta mở ra vô tận không còn một chút gì tiếc giữ lại cho mình – và cái phước đó đánh vào thiền định ngay. Hễ có cái tâm, cái đức đó thì có thiền định, nhớ như vậy.

– Ngoài ra, Thượng tọa còn luận giải về cái phước từ hành vi bố thí, cúng dường. Đừng tưởng hễ xuất tiền ra cúng dường bố thí là có phước. Thật sự nhân quả phức tạp hơn rất nhiều. Có những người mà ta giúp họ thì rất có phước, cũng có những người ta giúp họ thì cái phước không bao nhiêu, thậm chí sụt giảm. Nhân quả là vậy, dù ta giúp với tâm không phân biệt, nhưng quả báo trổ ra vẫn khác nhau tùy thuộc vào phẩm hạnh của người thọ thí.

Với những người sau khi nhận được sự giúp đỡ rồi họ vẫn tiếp tục sân si, tham lam tranh giành, hưởng thụ thấp hèn… thì hành vi giúp đỡ họ không mang lại bao nhiêu phước cả, ta nói nôm na là cái phước teo nhỏ lại. Ngược lại, có những bậc chân tu mà đời sống của các vị là tấm gương đạo hạnh mẫu mực, là lợi ích tràn đầy cho chúng sinh, là sự dạy dỗ giáo hóa rộng khắp… Và như thế khi cúng dường những bậc này, cái phước của ta giãn nở ra, tăng lên gấp nhiều lần, hơn là giúp đỡ những người bình thường khác.

Cho nên khi phước ta còn quá ít thì hãy khôn ngoan tính toán kĩ khi cúng dường, bố thí để cái phước tăng lên đã. Còn khi ta đã khá hơn, giàu hơn rồi, lúc đó hãy làm hạnh Bồ tát, tức bố thí mà không phân biệt giàu nghèo, với người không đạo đức ta vẫn giúp để gieo ân nghĩa với họ, sau đó dùng cái duyên này mà dẫn dắt, khuyên bảo họ tu hành.

Đó là trên hành động, còn cái tâm thì vẫn là tình thương yêu không biên giới, là sự tử tế không bờ vách. Hay, tình thương yêu chúng sinh trong lòng ta là vô hạn, nhưng trên hành động thì có giới hạn, phải chọn lựa người để cúng dường bố thí.

– Với chư Phật hay những bậc Thánh, thật sự các Ngài không cần ta cúng dường, nhưng ta phải khôn ngoan mà cúng dường để kết duyên với các Ngài. Bởi khi cúng dường bậc Thánh là ta gieo cái duyên được giáo hóa. Rồi khi ta giúp đỡ chúng sinh là gieo duyên để sau này hóa độ chúng sinh. Ta có hai mục đích này thôi, chứ không còn mảy may cầu phước cho cá nhân nữa.

Nhân đây, với cái tâm Bồ tát Thượng tọa đã bình luận về vấn đề ngân sách nhà nước. Hiện nay, các nước trên thế giới đang đau đầu vì nợ công, thậm chí nhiều quốc gia đã tuyên bố vỡ nợ, cả hệ thống chính phủ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Mà vì sao khủng hoảng ngân sách như vậy? Vì các quốc gia đều thi đua nhau đầu tư cho tiện nghi đời sống của dân chúng theo lời đã hứa khi vận động tranh cử.

Nhìn nước khác những tòa nhà hiện đại, công viên kĩ thuật cao, sân vận động hoành tráng, những giảng đường đại học sang trọng… Thế là ta phấn đấu cho nước mình cũng được vậy, mà nếu không có tiền thì đi vay. Rất nhiều nước bị như vậy. Khi ngân sách thiếu, nhà nước phải bù bằng tiền thuế. Và tâm lý chung ai cũng thấy không thoải mái với tiền thuế, nhiều người rất vất vả khó khăn để đóng thuế.

Là người phật tử, chúng ta yêu thương đất nước mình, ta biết nỗi lo của nhà nước về ngân sách là rất lớn. Ta muốn đất nước mình thoát nợ công, làm được nhiều công trình tiện ích cho quốc gia, muốn cùng nhà nước đưa đất nước mình đi lên. Có thể ta làm chưa được, nhưng phải có cái tâm đó. Còn ai chưa có tâm đó là chưa yêu nước.

Đó là cái tâm, còn trên hành động thì tùy theo điều kiện tài chính của mình, ai cũng phải đóng góp đôi chút vào ngân sách nhà nước. Đó cũng là một công đức, vì nhà nước lo cho cả nghìn việc ích nước lợi dân và phải giữ vững mình trên trường quốc tế. Nhiều người e ngại không muốn đóng góp vì những đại án tham nhũng, nhưng thật sự ở đâu cũng có tham nhũng cả. Luôn có những kẻ xấu lọt vào trong hàng ngũ lãnh đạo. Nếu vin vào đó rồi ta không làm gì thì chính mình cũng sai. Nhớ như vậy, lúc nào ta cũng lạc quan, yêu nước, bắt tay giúp nước mình vượt qua khó khăn. Ta chia số tiền mình ra để đóng góp cho đất nước, phụ với nhà nước trong lúc khó khăn, đó cũng là công đức rất lớn.

Tóm lại, bài Pháp thoại đã giúp mọi người tăng chánh kiến, sống chánh đạo một cách an vui hạnh phúc và ý nghĩa của nó còn đọng lại, thấm sâu trong trái tim người nghe buộc phải suy ngẫm.

Nói chung, các bài giảng của Thượng tọa nổi bật tính sâu sắc, đơn giản và mang tính thực tế trong pháp hành dành cho người tu tập, đặc biệt là người tu thiền, người đi trên con đường Bồ tát đạo, nhằm dẫn dắt mọi người vượt thoát khổ đau đến bến bờ tịnh lạc. Giống như Thiền sư S.N. Goenka đã phát biểu rằng: “Giải thoát chỉ có thể đạt được qua tu tập chứ không phải qua bàn luận.” Cho nên, các phật tử tham dự khóa tu thiền là một cơ hội để thực hiện những bước tiến cụ thể hướng đến giải thoát. Sau này một đất nước hay xã hội con người có phát triển hay không thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng trong đó “thiền” có thể nói là một yếu tố cực kỳ cốt lõi, đặc biệt đối với lớp trẻ./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi giảng tại chùa Từ Tân:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất