Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTHIỀN - Nguồn cội của Đạo Phật

THIỀN – Nguồn cội của Đạo Phật

-

Vừa qua, TT Thích Chân Quang – Phó Ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết giảng tại Khoá tu Thiền chùa Phật Ngọc Xá Lợi (Số 287A, Ấp Vĩnh Hòa, Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long). Hoạt động này nhằm truyền dạy, khuyến khích, tạo cảm hứng cho các Phật tử tu tập và duy trì, gìn giữ giềng mối Thiền cho các thế hệ sau, nhằm xiển dương Chánh pháp của Như Lai.

“ĐỂ CÓ THỂ BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG TU HÀNH CHÂN CHÍNH, CHÚNG TA PHẢI CHẤP NHẬN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG TU THIỀN CỰC NHỌC, KHÓ KHĂN”

Bài Pháp thoại có tựa đề “THIỀN – NGUỒN CỘI CỦA ĐẠO PHẬT” đã chỉ rõ sự khác nhau giữa tu Thiền và việc tụng Kinh, niệm Phật, khẳng định việc tu Thiền mới là cái gốc, là việc ta cần làm để thực hành được lời Phật dạy trong thời đại ngày nay. Đồng thời, Thượng tọa cũng chỉ rõ vai trò quan trọng của Thiền là giúp chúng sinh đi vào sự tĩnh lặng tột cùng. Từ đó, có thể phục hồi năng lượng, khởi sinh trí tuệ, giúp con người có đạo đức, biết ứng xử khôn khéo, đúng đắn hơn trước mọi vấn đề.

Nói đến Thiền, nhiều người còn thấy lạ, bởi từ trước đến nay, chúng ta đến chùa chỉ tụng Kinh, niệm Phật thôi. Ta không biết rằng Thiền mới là cái gốc, tu Thiền là ta đang trở về với nguồn cội của đạo Phật. Chúng ta đã cách Phật hơn 2.500 năm nên cái cội nguồn vì thế cũng xa rời dần. Để quay lại được thời Chánh Pháp, trở về với gốc rễ bồ đề của Phật, ta phải tu tập Thiền định cực khổ. Bản thân Đức Phật và các vị Thánh cũng phải tu Thiền mới đắc đạo.

Thượng tọa nhấn mạnh, tụng Kinh xuất hiện từ thời Đức Phật, nhưng do thời đó không có Kinh sách nên mọi điều chỉ là ghi nhớ. Người này nói cho người kia, người kia nhớ rồi lại truyền cho người khác. Vì sợ quên lời Phật dạy, sợ mất phước nên mọi người cứ tụng đi tụng lại. Và người nhớ được nhiều Kinh Phật được coi là người xuất chúng, có công đức lớn.

Ngày nay, điều đó không còn ý nghĩa nữa bởi Kinh đã in thành sách, mọi người quên có thể đọc lại. Vậy nên “tụng” để lời Phật dạy thấm vào tâm mình có phước, nhưng rất ít.  Còn “nhớ” để thực hành thì mới được phước nhiều. Ví dụ, tụng Kinh nói về lòng yêu thương chúng sinh, sau khi mình buông cuốn Kinh xuống mà yêu thương, tử tế được với mọi người thì mới có phước. Còn chưa thực hành được lời Phật dạy thì chưa có phước. Nên ai nghĩ tụng Kinh được nhiều công đức thì người đó bị hiểu lầm, kiêu mạn.

Nên biết, tụng Kinh để ghi nhớ, giữ gìn Pháp bảo của ngày xưa và thực hành được lời Phật dạy của ngày nay, hai điều này khác nhau. Cho nên, đi chùa mà chỉ ngừng ở việc tụng Kinh, niệm Phật thì chưa có phước. Ta chỉ được phước lúc tôn kính, lễ Phật thôi. Buông cuốn Kinh rồi sống được như lời Phật dạy mới có phước. Quá trình đó vất vả là vậy.

Thêm nữa, đến chùa mà chỉ dừng ngang ở việc tụng Kinh, niệm Phật thì chưa đủ. Ta phải thực hành mới được gọi là tu tập. Thực hành ở đây có hai phương diện:

– Một là ngồi Thiền tĩnh tâm để chứng đạt được vô ngã, giác ngộ trong cái tĩnh lặng cùng cực, tuyệt đối.

– Hai là sống và đối xử với chúng sinh, chư Tăng, bậc Thánh… sao cho thật đúng, thật hợp lý. Làm được những điều này rất vất vả, chưa kể ta còn phải mưu sinh.

Quả thực, chúng sinh đang ngày ngày vật lộn, trôi lăn trong cái mưu sinh, cơm áo gạo tiền mà không có tu tập. Ta phải hiểu rằng, kết thúc cuộc sống phiền động này là vô thường, ta chỉ mang được tội phước. Ta may mắn vì biết đến chùa nên ít gây tội, nếu có thì cũng chỉ là vô ý. Nhưng ta cũng không nhiều phước bởi chưa cởi được bản ngã, tâm chưa đủ lớn để làm được những việc phước vĩ đại. Chỉ ai tĩnh tâm ngồi Thiền, cởi được bản ngã, tâm mới trở nên vĩ đại, làm được những công đức lớn. Còn đa số chúng ta, có rất ít tội phước để mang theo. Bởi vậy, ta phải ráng mà tu cho nhiều phước.

Hiện tại, việc tụng Kinh, niệm Phật chỉ giúp ta có cái phước để kiềm chế bản thân, không làm những điều tội lỗi. Thế nhưng, nó lại không đủ để giúp ta chứng đạo. Hôm nay, gặp được Thiền định, ta đừng nghĩ đây là điều mới mẻ bởi nó là cội gốc của đạo Phật. Và phải rất vất vả, cực nhọc ta mới tu được.

Xác định đi theo đạo Phật với tất cả sự cao quý mà Đức Phật truyền trao thì ta phải xác định tu Thiền, phải bước lên một cấp tu hành cao hơn, khó hơn, chứ không còn qua loa, sơ sài như trước nữa.

Gặp và tu Thiền là ta đang trở về với cội nguồn của đạo Phật. Cho nên, Thượng tọa rất hoan hỷ tán thán công đức của Quý Phật tử dù cao tuổi vẫn chấp nhận tu Thiền, bước trên con đường tu hành khó khăn để tìm cội nguồn của đạo Phật.

Nếu thời Đức Phật, việc tụng Kinh là công đức rất lớn thì ngày nay tu Thiền mới là công đức vì ta gây được cảm xúc, khuyến khích người khác cùng tu Thiền, cùng hướng về nguồn cội của đạo. Như vậy, hai phương diện của Thiền chính là ứng xử với cuộc sống và đi vào Thiền định. Và lúc nào ta cũng phải đi trên hai con đường vừa động, vừa tĩnh ấy. Chỉ có vậy, ta mới xoay sở để vừa sống, vừa làm phước được trong cuộc đời đầy phiền động, rồi đi được vào trong sự tĩnh lặng của nội tâm, đến bờ giác ngộ.

Thượng tọa khẳng định, đa số chúng sinh cho rằng phải “vận động” mới đạt được mục đích. Ít ai biết rằng còn một phương diện khác là “sự tĩnh lặng” cũng giúp ta đạt được những điều mầu nhiệm, thành công trong cuộc sống. Thế nên, các vị Hiền triết Phương Đông nói: “Lấy tĩnh để khắc chế động, lấy nhu để thắng cương”. Do đó, ta phải lấy triết lý của sự tĩnh lặng làm chỗ dựa trong cuộc đời mình.

Thực sự, nếu Đức Phật không nhắc lại điều này thì chúng sinh cứ đi mãi trong phiền động, rồi hao tốn sức lực, năng lượng, cuối cùng chấm dứt tất cả. Còn thực hiện đời sống tĩnh lặng, ta mới được năng lượng để phục hồi, tâm vì thế mà bình an, trí tuệ sáng rực, uy đức, uy lực cũng bỗng nhiên xuất hiện.

Đến với đạo Phật, đến với Thiền là ta tiếp cận sự tĩnh lặng, tiếp cận bản lĩnh, năng lực, trí tuệ. Ta nên nhớ, trí tuệ phát sinh từ sự tĩnh lặng chứ không phải sự dao động. Vì thế, cha mẹ muốn con học giỏi mà bắt học liên tục coi chừng lại sai, bởi đầu óc bão hoà, ép cũng không được. Để con thông minh, cần sự tĩnh lặng của Thiền.

Học sinh sớm biết Thiền định, biết giữ tâm thanh tịnh sẽ có cái đầu bền, thông minh. Cũng giống như một vũng nước lầy. Nếu cứ đi qua đi lại, nó sẽ vấy đục lên. Nhưng nếu cứ để yên sẽ có sự sống. Đó là sự xuất hiện của rất nhiều thủy sinh. Cho nên, vũng nước tĩnh lặng là nơi bắt đầu sự sống. Câu chuyện này tưởng chừng ít quan trọng, nhưng lại bật mí cho ta biết nguồn gốc xuất hiện của loài người, của sự sống.

Tâm ta cũng vậy. Tâm tĩnh lặng sẽ phát sinh trí tuệ, đó là lời cam kết của Đức Phật trong Tam Vô Lậu Học: “Giới sinh Định, Định sinh Tuệ”. Vậy nên, ta đừng nghĩ rằng đọc nhiều sách sẽ thông minh, bởi nó chỉ giúp ta thâu lượm kiến thức mà người khác đã biết rồi viết ra. Ta giỏi lắm cũng chỉ nhớ được năm hay sáu phần trong đó, chứ không thể vượt trội hơn họ được.

Tuy nhiên, nếu có Thiền định, có sự tĩnh lặng, ta bắt đầu biết được những cái mà người khác chưa biết. Đó là giá trị của sự tĩnh lặng trong nội tâm. Vì thế, người chịu cực khổ để tu tập Thiền định thì ngoài đạo đức, phong cách, họ còn chắc chắn được trí tuệ, sự khôn ngoan, biết nhiều hơn chúng ta. Từ đó, họ nói chuyện khôn khéo, nhìn mọi vấn đề sâu sắc, tinh tế hơn, hiểu được sâu vào cái lõi, cái bản chất vấn đề. Thì Thiền định giúp họ trở thành người xuất sắc như vậy.

Không chỉ vậy, Thiền còn là một nhu cầu của cuộc sống. Thường thì làm việc, hoạt động mệt quá ta sẽ ngủ hoặc nghỉ. Tức là, ta cần cái tĩnh để phục hồi năng lượng. Nhưng cái nghỉ này chỉ là cái thân nằm, còn não ta vẫn tiếp tục suy nghĩ đủ chuyện. Vì thế, năng lượng của ta chẳng những không được phục hồi mà còn bị hao tổn dần. Cuối cùng, cơ thể suy yếu, bộ não ta trở nên già bệnh rồi chết.

Ngược lại, những người dừng được bộ não thì phục hồi lại được năng lượng và họ sẽ trẻ lâu. Vậy nên, Thiền chính là phương pháp, liều thuốc chống lão hoá hữu hiệu nhất, bởi khi Thiền, tâm trở nên thanh tịnh, ta bước được vào cõi tĩnh lặng. Nhờ đó, năng lượng  phục hồi, làm chậm quá trình già đi. Ngoài ra, sự tĩnh lặng của nội tâm còn làm xuất hiện thêm rất nhiều điều vi diệu khác.

Ví dụ, một cốc nước nếu ta không rót thêm vào, nó sẽ không hao đi, cũng không đầy thêm. Nhưng não ta thì ngược lại. Khi tĩnh lặng trong Thiền định, não được phục hồi và trở nên đầy hơn trước. Đây cũng là sự khác nhau vi diệu giữa nội tâm và vật chất.

Hay giữa một người nói nhiều và một người ít nói, ai khôn hơn? Nếu cho rằng người nói nhiều khôn hơn, coi chừng ta lại bị lầm bởi người thông minh rồi thì không ai nói nhiều cả. Cũng bởi khôn nên họ nói câu nào, chắc câu đó, chứ không nói bừa, nói ẩu, nói thừa. Đây thực sự là những người đáng sợ, đáng nể trong cuộc đời. Nếu là người tốt thì họ rất gần với vị trí của một bậc Thánh. Nếu là người không tốt thì họ là những người mưu kế vượt bậc, ta không theo kịp họ được.

Thượng tọa lý giải rằng, người ít nói thường là họ để quan sát, người nói nhiều không còn cái tâm để quan sát. Tâm chúng ta luôn bị khuynh hướng thích nói và thể hiện trước đám đông. Người ít nói là những người kiểm soát được nội tâm, chiến thắng được khuynh hướng này. Họ không cần phải thể hiện, không muốn bày tỏ bản ngã, không muốn khoe khoang. Lúc nào họ cũng giấu mình, đó mới là khôn, là vững vàng, bản lĩnh.

Hay một trường hợp tĩnh lặng khác là hơi thở. Bình thường ta không để ý, quên mất hơi thở của mình nên giờ hỏi ta thở nhanh hay chậm, hẳn là mọi người không biết. Nhưng đã bước vào tu Thiền, ta phải biết hơi thở và thở cho đúng. Đây là chìa khoá, là bí quyết rất quan trọng của Thiền định.

Trong Thiền định, hơi thở chính là một chìa khoá, một kỹ thuật giúp ta đi vào nội tâm thanh tịnh. Đây là phương pháp kiểm soát, ổn định nội tâm được cả thế giới đều biết, chỉ trừ người không chịu tu Thiền. Vậy nên, ngồi Thiền, biết và kiểm soát được hơi thở là ta đang đi đúng văn minh của thế giới về tâm lý.

Dịp này, Thượng tọa phân biệt, có 3 loại hơi thở: Một là thở bình thường như ta đang làm, thở mà ta không biết gì; hai là hơi thở nhanh, gấp khi tâm ta rất động; Ba là hơi thở chậm khi tâm ta tĩnh. Nếu ta muốn tâm đạt được sự tĩnh lặng thì phải chọn hơi thở thứ ba, tức là làm cho hơi thở mình chậm lại. Có điều, giờ bắt ta thở chậm lại liền thì ta sẽ căng thẳng, không làm được. Cho nên, ta buộc phải đi qua một bước trung gian để làm quen với hơi thở. Trong kinh Nikaya gọi giai đoạn này là “Biết hơi thở mà không điều khiển”.

Giai đoạn làm quen với hơi thở này phải mất mấy năm. Hiện nay, chúng ta đang đi giai đoạn đó. Hết giai đoạn này, ta mới bước sang được giai đoạn thứ hai là điều chỉnh hơi thở chậm lại. Khi thở chậm, vọng tưởng của ta cũng giảm xuống, bớt xao động. Ta đừng nghe ai nói mà vội điều khiển hơi thở chậm ngay, nếu không sẽ xáo trộn hết cả bộ não. Ta cứ biết rõ hơi thở đã chứ đừng động đến nó vội, bởi hiện nay ta đang trong trạng thái không biết hơi thở.

Khi bắt đầu biết hơi thở, ta mới thả hơi ra chậm một chút. Đến khi quen nữa rồi thì hít vào cũng chậm luôn. Lúc này, tâm ta bắt đầu tĩnh lặng, tuy chưa định nhưng có thể bước vào Thiền định được rồi. Quá trình này mất mấy năm chứ không phải dễ. Cho nên nói tu Thiền rất khó là vì vậy.

Quả thực, nắm được hơi thở thôi đã rất khó khăn rồi. Mà hơi thở vào, hơi thở ra có công năng khác nhau. Hơi thở vào đưa tâm ta an trú vào thân, không chạy ra ngoài. Nhờ vậy, kiểm soát được vọng tưởng, làm nó không khởi lên được nữa. Còn hơi thở ra sẽ tạo một hiệu ứng trực tiếp, khiến tâm hồn ta trở nên thanh thản. Nắm vững điều này là ta tu đúng và có thể dạy lại cho người khác.

Ngoài ra, còn một việc ta phải hiểu là ngồi Thiền mà đạt được hơi thở chậm, tâm yên ắng thì tạm đi được vào Thiền định nhưng không thể đi sâu vì thiếu nội lực. Muốn định cho sâu phải có nội lực thâm hậu, đó là nguyên tắc. Phật không nói nhưng nhìn cuộc đời Ngài, ta phải hiểu được điều này. Do vậy, giai đoạn thứ ba là thở để tạo ra nội lực.

Ở giai đoạn này, ta cũng phải điều chỉnh hơi thở chậm lại. Ngoài ra, phải giữ hơi thở vào một lúc, sau đó mới từ từ thở ra. Ở khoảng giữa mà ta giữ hơi thở lại, mới đầu không thấy gì, nhưng cứ làm đi làm lại nhiều lần, ta nghe thấy sự xuất hiện của cảm giác căng ở trong người. Đó là sự xuất hiện của nội lực. Nhờ có nội lực, ta bỗng nhiên thấy khoẻ lên, lực tăng gấp 2, 3 lần, làm việc không thấy mệt. Và nội lực này không phải khí công mà là nội công vì nó tạo ra lực. Chúng ta cứ tập đi rồi sẽ thấy hiệu quả đặc biệt của nó.

Tóm lại, cùng là chủ đề Thiền được Thượng toạ nói đi nói lại trong các Khoá tu Thiền, nhưng nội dung bài Pháp thoại này lại đề cập đến một góc cạnh khác, hoàn toàn mới mẻ. Nhờ sự phân tích tỉ mỉ, khéo léo, sắc sảo của Người, quý Phật tử đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng của Thiền trong việc phát triển trí tuệ và sức khoẻ con người.

Thiền cũng là pháp môn giúp mọi người thực hiện, áp dụng những lời dạy cao quý của Đức Phật vào cuộc sống. Từ đó, các Phật tử biết đi trên con đường tu hành đúng đắn, có ý chí để vượt qua mọi khó khăn, tìm đến bờ giác ngộ và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh cùng tu hành theo.

Ngoài ra, bài Pháp còn gửi đến thông điệp: “Để có thể bước trên con đường tu hành chân chính, chúng ta phải chấp nhận bước trên con đường tu Thiền cực nhọc, khó khăn”. Chúng ta thấy, thực trạng một bộ phận Phật tử đến với đạo Phật nhưng chưa thực sự tu hành nghiêm túc, lúc nào cũng có tư tưởng nhàn hạ, qua loa, đến chùa tụng một vài bài Kinh xong rồi về. Chính hành động này khiến chúng ta ngày càng bị xa rời nguồn cội của cây Bồ Đề, không còn thấy cái gốc rễ của đạo Phật nữa.

Để truyền giữ được ánh sáng Phật Đà cho đời sau, không còn cách nào khác, ta phải chấp nhận bước trên con đường tu Thiền cực nhọc, khó khăn. Chỉ có như vậy, con đường tu của ta mới sớm có kết quả, đạo Phật cũng có cơ hội được truyền giữ muôn đời./.

Tổ truyền thông

Hình ảnh khóa thiền và buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất