Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangCác hoạt động Phật sự khácThiền Tôn Phật Quang tổ chức khóa tập huấn về quản lý...

Thiền Tôn Phật Quang tổ chức khóa tập huấn về quản lý và tổ chức

-

Nhận thấy tầm quan trọng của việc quản lý và tổ chức đối với sự phát triển chung của đạo Phật, sáng ngày 20/7/2019, tại Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, Thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã diễn ra chương trình tập huấn trang bị về  “KỸ NĂNG QUẢN LÝ & TỔ CHỨC” cho Tổ Điều Hành các Đạo tràng và Chúng thanh niên thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang trên toàn quốc. Khóa tập huấn diễn ra từ sáng ngày 20/7/2019 đến chiều ngày 21/7/2019.

Tham dự khóa tập huấn có sự hiện diện của: TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang; cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni tại Bổn tự. Ngoài ra còn có hơn 300 Phật tử và Chúng thanh niên bao gồm Đội Bảo Vệ, Tổ Điều Hành các Đạo tràng và Chúng thanh niên thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang trên cả nước.

Chương trình tập huấn được thực hiện với các nội dung như sau:

– Nội dung thứ nhất: TT Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang giảng giải về những khái niệm cơ bản nhất trong việc quản lý và tổ chức.

– Nội dung thứ hai: Tổ chức Ban Quản Viện và cách thức liên hệ với Đạo tràng, Chúng thanh niên do ĐĐ Thích Khải Tạng – Chúng trưởng bên Tăng khu vực Miền Nam và ĐĐ Thích Toàn Xán – Chúng trưởng bên Tăng khu vực Miền Bắc hướng dẫn.

– Nội dung thứ ba: Tổ chức khóa sinh hoạt hè do ĐĐ Thích Khải Long – Tri sự bên Tăng Thiền Tôn Phật Quang, Phó Tổng thủ lĩnh CTN Phật tử Phật Quang chia sẻ.

– Nội dung thứ tư: Tổ chức, quản lý Hệ thống Đạo tràng do Sư cô TN Tường Phổ – Trưởng Tổng Đạo tràng, Chúng trưởng bên Ni Thiền Tôn Phật Quang hướng dẫn.

– Nội dung thứ năm: Tổ chức Chúng thanh niên Phật tử do ĐĐ Thích Khải Bảo – Chánh văn phòng Thiền Tôn Phật Quang và ĐĐ Thích Nghiêm Giám – Tổng thủ lĩnh CTN Phật tử Phật Quang trình bày.

– Nội dung thứ sáu: Cách tổ chức các ngày Lễ lớn của Chùa do ĐĐ Thích Tánh Khoan – Phó trụ trì Thiền Tôn Phật Quang chia sẻ.

Trên đây là Chư Tôn Đức Tăng Ni giáo thọ có nhiều tâm huyết, nhiều kinh nghiệm quý báu để truyền đạt chia sẻ cho các học viên.

Mục tiêu của khóa tập huấn là: thiết lập, định hướng, thảo luận về kỹ năng quản lý, tổ chức một Đạo tràng, một buổi Lễ lớn, một sự kiện Phật giáo được thành công. Qua đó, nhằm phát huy khả năng tư duy, nâng cao năng lực sáng tạo, từng bước xây dựng những người lãnh đạo giỏi, có tâm, có tầm, góp phần vào sự phát triển bền vững cho các chùa, các Đạo tràng và Phật pháp đến muôn đời sau.

TT Thích Chân Quang cho biết: nhằm thúc đẩy các hoạt động Phật sự trong thời kỳ hội nhập và phát triển, lâu nay GHPGVN cũng đang cố gắng hoàn thiện, thường tổ chức những buổi tập huấn về quản lý hành chánh, tập huấn hoằng pháp, tập huấn thông tin, báo chí, tập huấn khóa tu cho Phật tử, v.v…

Riêng Thiền Tôn Phật Quang trong nhiều năm qua cũng có ít nhiều thành công trong việc quản lý tổ chức các Đại Lễ lớn ở chùa với số lượng hàng chục nghìn người tham dự và điều hành hệ thống Tổng Đạo tràng, Chúng thanh niên trên khắp cả nước. Theo Thượng Tọa trụ trì, sự thành công được nhìn thấy đó là do tâm huyết của tất cả mọi người cùng chung tay làm việc xuất phát từ việc thực hành đạo lý Phật dạy mà dấn thân phụng sự không chấp công, chứ thật sự không phải là do khả năng tổ chức của từng người. Nhìn chung, vấn đề quản lý, tổ chức của các Đạo tràng còn rất yếu kém.

Người nhấn mạnh: mỗi ngôi chùa, mỗi Đạo tràng tu tập có tổ chức và quản lý thành công thì mới đóng góp vào sự trường tồn của Phật pháp nói chung. Do vậy, khóa tập huấn này, Thượng tọa đã truyền trao cái “key” – nói về những bí quyết mà mọi người có thể đem ứng dụng trong quản lý, tổ chức việc đạo hay việc ngoài xã hội đều được hiệu quả. Trong phạm vi nội bộ, thông qua khóa tập huấn lần này, các Phật tử sẽ nắm bắt được nhiều kỹ năng thiết thực, hữu ích cho bản thân.

Để giúp mọi người hiểu rõ các khái niệm về quản lý, tổ chức, Thượng tọa định nghĩa:

+ Quản lý là gì? Tức là duy trì cái đã có cho nó ổn định và làm cho nó từ từ phát triển.

+ Tổ chức là gì? Tổ chức là cái chưa có gì, ta bắt đầu làm một cái mới.

Sau phần định nghĩa, Thượng tọa đặt câu hỏi cho mọi người cùng suy ngẫm: Chìa khóa cốt lõi của quản lý và tổ chức nằm ở đâu? Đó chính là khả năng chia nhỏ công việc ra tới li ti, để ta hiểu về nó, để ta nắm giữ nó, ta điều chỉnh và tạo ra nó. Càng chia nhỏ công việc ra bao nhiêu càng dễ thành công bấy nhiêu. Điều này được thấy rõ nhất nơi Đức Phật – Người đầu tiên có khả năng chia công việc ra đến từng điều nhỏ nhất. Rất nhiều sự kiện, nhiều tổ chức thất bại cũng bởi vì đã không chia nhỏ công việc ra một cách hợp lý.

Dịp này, Thượng tọa đã thẳng thắn chia sẻ, đưa ra nhiều dẫn chứng, giúp các Phật tử nhìn nhận rõ những yếu kém trong cách quản lí và tổ chức của hệ thống Đạo tràng. Từ đó, giúp Tổ Điều Hành các Đạo tràng biết cách tổ chức và quản lý Đạo tràng mình, cũng như các sự kiện Phật giáo một cách hiệu quả hơn.

Đi sâu vào các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, Thượng tọa nhấn mạnh có 7 phần cơ bản:

  1. Quản lý con người. Luôn luôn phải quản lý con người bằng tình yêu thương sâu đậm trước, rồi mới đến kĩ thuật quản lý. Tức là với những con người đã đến với ta, ta đào tạo, phát triển, phân công, tạo điều kiện để họ giỏi lên, cống hiến được nhiều để họ có phước, cùng nhau xây dựng những điều tốt đẹp cho đạo pháp, cho con người.

Mà quản lý con người bằng tình yêu thương rất khó, nhưng dù chưa đủ sức, tâm ta cũng phải có tư tưởng này đã. Rồi sau đó, bảo vệ người đó để họ không bị sa ngã, dao động trước sự chống phá của thế lực xấu. Một khi đã có duyên lành với nhau, thì không bao giờ bỏ nhau, trừ khi họ phản ta thì ta đành cắt đứt. Nghe thì đơn giản, nhưng ta phải thực hành 100 nghìn lần mới giỏi lên được.

  1. Sau quản lí con người là quản lí công việc. Ta chia công việc ra làm những phần nhỏ, nắm được trong một thời điểm bao nhiêu công việc đang diễn ra, ai làm công việc đó (phân công hợp lý). Mọi người biết phối hợp với nhau chưa (không có công việc nào một mình làm, cái giỏi của ta là phối hợp), nếu có yếu tố bất ngờ xuất hiện phải xử lí thế nào (phải bám sát theo dõi mà hướng dẫn điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời). Sau đó, phải tổng kết khen thưởng, mặc dù huynh đệ cố gắng quên công của mình, nhưng người lãnh đạo trong Tổ Điều Hành thì không được quên công của huynh đệ. Đó là sự công bằng, là trí tuệ và cũng là đạo đức – yếu tố khen thưởng là như thế. Như vậy, khi ta tổ chức những sự kiện ngắn ngày thì phải chú ý những bước như trên.

Còn khi ta tổ chức những sự kiện dài, nó cũng giống tổ chức sự kiện ngắn, chỉ khác là công việc được duy trì trong khoảng thời gian dài, nên ta có thể chia nhỏ công việc nhiều hơn nữa. Đây là tổ chức sách lược dài.

Nên biết, bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu lễ hội, hội nghị, chúng ta tổ chức có thành công hay không là do cái ta biết chia nhỏ công việc, nhìn thấy trước từng công việc rất nhỏ… rất nhỏ… để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngược lại, nếu ta tổ chức mà chỉ nhìn thấy cái tổng quát thôi, không hình dung ra được từng phần việc rất nhỏ… rất nhỏ này thì khi sự việc diễn ra sẽ dễ thất bại.

Hơn nữa, trong hàng nghìn công việc khác nhau, sẽ có công việc riêng và công việc chung. Nhưng trong công viêc riêng lại có cái chung, đan xen lẫn nhau chứ không bao giờ tách rời nhau được. Cho nên, trong khi quản lí, phải quan tâm đến cả những công việc mà không thuộc của Đạo tràng (không trong nội bộ mình), nhưng có ảnh hưởng đến Đạo tràng. Đặc biệt, trong quản lí công việc cũng có những việc đang làm, những việc cần làm và những việc cần loại bỏ bớt (do dư thừa, không còn cần thiết nữa).

  1. Quản lý tài sản của chùa. Công việc này là trọng trách chung của Quý Tăng Ni. Tài sản của huynh đệ thì ai cũng phải bảo vệ, trân trọng cho nhau.
  2. Quản lý tiền bạc. Quản lý tiền bạc khác quản lý tài sản vì tài sản di chuyển chậm, còn tiền bạc lưu chuyển mỗi ngày. Do đó, quản lý chi tiêu phải có thủ quỹ và kế toán.
  1. Quản lý sự đối ngoại trong chùa (tức là công tác ngoại giao của chùa). Việc này phải rất chi tiết, tỉ mỉ, khéo léo. Ta phải liệt kê hết các mối quan hệ rồi duy trì, thực hiện nó một cách chỉnh chu nhất…
  1. Quản lý sự biến động. Khi có sự biến động, ví dụ người bước vào người rời đi, người trung thành kẻ phản bội… ta phải biết rõ nguyên nhân. Hoặc ta duy trì trật tự cũ bao lâu thì chủ động tạo sự thay đổi, v.v… Đặc thù của quản lý là quản lý cái biến động, cái luôn thay đổi chứ không phải cái tĩnh lặng. Và ta biết rõ nguyên nhân của sự thay đổi, xử lý sự thay đổi, hướng sự thay đổi đi về phía tốt đẹp. Đó người giỏi quản lý.

Một thách thức lớn trong công tác quản lý ngày nay là thế giới thay đổi nhanh quá, ta phải lường trước được nó để Đạo tràng đi kịp với thời đại để không bị tách biệt ra. Trong những cái cần thay đổi trước mắt hiện nay là nghi thức tụng niệm sao cho phù hợp với thời đại.

  1. Đoán trước tương lai để định hướng cho sự phát triển bền vững về sau. Ví dụ, chúng ta lường trước thế giới sẽ biến động thế nào, tâm tình sở thích con người thay đổi ra sao để có sự thay đổi và phát triển cho phù hợp, để Phật giáo luôn song hành cùng thời đại. Yếu tố đoán trước tương lai này sẽ giúp cho Đạo tràng và chùa phát triển bền vững về sau.

Nhân nói về quan điểm này, Thượng tọa cũng đặt câu hỏi cho mọi người cùng thảo luận: phải gieo cái nhân gì để một tổ chức, một ngôi chùa, hay nói rộng ra là cả Phật pháp phát triển lâu dài bền vững, không để sự vô thường đến nhanh khiến tất cả trở về hư không, uổng phí bao công sức?

Qua ý kiến của các Phật tử, Thượng tọa hệ thống lại, để tồn tại lâu dài, ta cần ít nhất 3 điều: trí, đức và phước. Trong đó, “trí” được biểu hiện thông qua cách điều hành, tổ chức, sắp xếp; “đức” chính là sự khiêm hạ, yêu thương, sự hi sinh; “Phước” là cái khởi điểm. Nhờ 3 yếu tố này, tổ chức của ta càng vận hành thì càng sinh ra phước.

Tuy nhiên, Thượng tọa bổ sung thêm một yếu tố vô cùng quan trọng mà ít ai nghĩ tới: để tồn tại lâu bền cái quan trọng vẫn là chí nguyện (tức là cái ý chí, cái quyết tâm của tất cả chúng ta). Đầu tiên lòng ta phải thiết tha cầu nguyện cho Đạo tràng, cho chùa, cho Phật pháp… tồn tại cả triệu năm sau đã, bởi có nhân thì mới có quả. Tất cả đều bắt nguồn từ chí nguyện ban đầu trong lòng mọi người trước. Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở thính chúng hãy nhìn vào tâm mình xem đã có chí nguyện sâu xa này chưa, hay là chỉ lo cho những việc trước mắt mà thôi.

 Ngoài ra, còn lý do để tổ chức tồn tại lâu dài là sự gia hộ dẫn dắt của Tam Bảo, chư Thiên, Bồ tát, Hộ Pháp, chứ sức người không thì không đủ. Hiểu vậy nên ta rất cố gắng và rất khiêm hạ. Ta biết rằng mình được bảo vệ, được theo dõi, được dẫn dắt bởi các vị trên cao, và sự gia hộ sẽ chấm dứt nếu ta không còn xứng đáng. Bao giờ ta làm mà không chấp công thì còn được các vị dõi theo gia hộ. Ngày nào ta kiêu mạn chấp công, ngày đó các vị buông tay ngay, ta phải tự đi rất vất vả.

Cho nên không chấp công cũng là một chìa khóa để một Đạo tràng, một ngôi chùa phát triển vững bền. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng dù mọi người không chấp công nhưng người điều hành, quản lý thì không được quên cái công của mọi người, trong lòng lúc nào cũng phải hết sức trân trọng, biết ơn tất cả.

Sau phần giảng dạy những khái niệm tổng quát về quản lý và tổ chức của Thượng tọa Trụ trì trong buổi sáng, tiếp đến buổi chiều, quý Tăng Ni Giáo thọ tiếp tục đào sâu, đi vào chi tiết trong từng lĩnh vực với 5 chủ đề trên bằng những kinh nghiệm của tự thân trong suốt thời gian dài tham gia quản lý tổ chức và điều hành Đạo tràng, Chúng thanh niên hay tổ chức các sự kiện, những buỗi Lễ lớn tại chùa, hoặc hỗ trợ cho các chùa khác.

Phương thức dạy và học: Quý thầy cô Giáo thọ là người định hướng, gợi mở các vấn đề, hay đặt vấn đề, khuyến khích sự tương tác, tư duy sáng tạo cho học viên, có sử dụng trình chiếu bài giảng (để cho các học viên nắm bắt kịp, dễ hiểu).

Còn học viên không phải ngồi thụ động lắng nghe, đối với những ý tưởng mà Quý thầy cô đặt câu hỏi gợi ý trong mỗi đề tài, buộc phải giải đáp liền, dù không có thời gian chuẩn bị. Sau đó, học viên phải hệ thống tất cả ý kiến tản mác đó lại thành một hệ thống chung. Được vậy, mới là người lãnh đạo giỏi.

Qua 2 ngày tập huấn, các học viên được rèn luyện kỹ năng này, đã nắm được những yếu chỉ trong việc quản lý, tổ chức từ tổng quát đến chi tiết của từng lĩnh vực. Mọi thành viên phải thực hành bằng cách lập phương án chi tiết phát triển Đạo tràng trong điều kiện cụ thể của từng địa phương mình.

Buổi tập huấn thể hiện trí tuệ nhìn xa trông rộng cùng niềm ưu tư của Thượng tọa Trụ trì đối với vận mệnh Phật pháp. Những khái niệm căn bản của quản lý và tổ chức mà Thượng tọa trao truyền này áp dụng được tất cả mọi nơi, không phải chỉ riêng của chùa, của Đạo tràng Thiền Tôn Phật Quang.

Theo quan điểm của Thượng tọa, chúng ta không xây dựng Đạo tràng để làm lợi ích riêng cho mình, mà dùng Đạo tràng để xây dựng Phật Pháp lâu bền mãi mãi cho thế giới. Vì Đạo tràng bền vững mãi mãi nghĩa là góp phần làm cho Phật Pháp bền vững mãi mãi. Đây là trách nhiệm của tất cả những người con của Phật, trong đó có chúng ta.

 Để Phật pháp tồn tại lâu dài, không chỉ vài ba ngôi chùa làm mà cần rất nhiều tông phái, các chùa cùng chung tay góp sức, song song cùng nhau mà đi, dù không dính gì với nhau. Cái tâm thế của chúng ta phải là vì một đại cuộc, vì lợi ích chung của nhân loại, của đất nước, của đạo pháp. Cho nên chúng ta sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các chùa khác, các tông phái khác để cùng nhau phát triển Phật pháp lâu bền, bởi vì Phật giáo được hưng thịnh chỉ khi có một Tăng đoàn hòa hợp.

Cuối chương trình tập huấn, Thượng tọa yêu cầu mỗi học viên hãy tự xét lại những điểm sau:

  • Thứ nhất là nhìn mọi người lòng mình thấy yêu thương chưa?
  • Thứ hai là nhìn mọi người ta muốn cho mọi người giác ngộ chưa?
  • Thứ ba là nhìn mọi người ta có mong họ sẽ tham gia tu tập Đạo tràng cụ thể chưa?
  • Thứ tư là ta đã có kế hoạch phát triển đạo tâm cho huynh đệ như thế nào?
  • Thứ năm là ta đã khởi ước nguyện cho chùa, cho Đạo tràng tồn tại cả nghìn năm để góp phần dựng xây Phật pháp cho muôn đời sau hay chưa?

Tóm lại, hai ngày tập huấn diễn ra trong không khí gần gũi, thân tình và sôi nổi với phần phát biểu của các học viên. Sau khóa học, ai nấy đều mở ra hướng đi mới, giống như một sứ mệnh tự đặt cho mình, xác định cho mình trong suốt cuộc đời để có sự chuẩn bị trước. Mong rằng ai cũng sẽ thực hiện được những hoài bão của Sư Phụ, góp một phần nhỏ vào sự hưng thịnh của Phật pháp.

Nhân dịp này, Sư Phụ Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang cũng ra quyết định bổ nhiệm một số chức danh mới nhằm củng cố chặt chẽ hơn nữa tổ chức của Chùa và hệ thống Đạo tràng, CTN trên cả nước, gồm có:

  • ĐĐ Thích Khải Bảo với chức danh Chánh văn phòng Thiền Tôn Phật Quang.
  • ĐĐ Thích Nghiêm Giám với chức danh Tổng Thủ lĩnh Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang.
  • Cư sĩ Khải Đăng Vi với chức danh Phó Tổng Thủ Lĩnh Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang – khu vực phía Nam.
  • Cư sĩ Huệ Khánh Phúc với chức danh Chúng trưởng Đạo tràng Phật Mỹ – Cà Mau kiêm Chúng trưởng Đạo tràng Phật Thông – Cần Thơ.

Tuy thời gian học tập không dài nhưng mọi người đều cảm nhận được tấm lòng nhiệt huyết của Sư Phụ Trụ trì. Người đã chia sẻ hết kinh nghiệm về mặt hành đạo của mình một cách chân thành, gần gũi cho thế hệ sau với nguyện vọng người sau giỏi hơn người đi trước. Trước đạo tình đó, buổi tập huấn đã để lại một niềm tin sâu lắng, một niềm quý kính vô cùng trong lòng chúng đệ tử xuất gia và tại gia.

Đền ơn Thầy, Chúng đệ tử xin phát nguyện: “Sẽ đem hết thân mạng – trí tuệ – sức lực để cùng nhau phát triển Chánh Pháp đúng như lời Phật dạy lâu bền đến tận muôn đời, muôn kiếp sau”.

Chúng ta biết rằng trên hành tinh này số chúng sinh biết được Phật pháp là rất ít ỏi. Và trách nhiệm chúng ta là biến nơi đây thành môi trường Phật pháp, ai xuất hiện ở đây đều đi theo Phật cả, không để chúng sinh nào hiện hữu trên Trái đất này mà lọt vào tà kiến ác độc mê muội.

Đó là bổn phận mà hết kiếp này ta làm chưa xong thì sang kiếp sau, kiếp sau nữa… ta vẫn tiếp tục, cho đến ngày tất cả chúng sinh ai nấy đều giác ngộ. Chúng ta thề cùng nhau dù thịt nát xương tan vẫn mãi mãi kiên trì với chí nguyện lớn lao đó.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng dù chí nguyện đó rất cao xa, nhưng ta phải bắt đầu bằng việc rất thực tế, mà cụ thể là quản lý, tổ chức cho tốt từng Đạo tràng, từng ngôi chùa nơi mình đang sinh hoạt, tu tập, làm sao cho nguồn đạo lý, lợi ích từ đó lan xa khắp chốn và bền lâu đến vô tận./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi tập huấn:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất