Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápThương cạn thượng sâu - Bài pháp thoại sáng mùng 1 Tết...

Thương cạn thượng sâu – Bài pháp thoại sáng mùng 1 Tết Mậu Tuất

-

Mùa xuân là mùa biểu tượng của sự hạnh phúc, an lạc. Vào những ngày đầu xuân Mậu Tuất (2018), ai nấy đều phấn khởi đi lễ chùa đầu năm, để được gửi gắm những lời cầu nguyện cho một năm mới nhiều điều may mắn, an lành. Nơi Thiền Tôn Phật Quang không khí vui xuân cũng chan hòa theo cảnh sắc thiêng liêng của đất trời và con người. Theo đó, vào sáng mồng 1 tết hơn 8000 lượt phật tử tìm về thăm chùa, thính pháp. Sự có mặt của gần vạn người đã mang niềm ấm áp, rộn ràng tươi thắm góp thêm vào sắc xuân nơi núi rừng.

Đặc biệt, năm nay, khi bất cứ ai vừa bước chân vào tận chùa, ngay nền chánh điện cũ cũng phải lắng lòng thanh tịnh, nghe lòng mình lay động sâu xa, bởi nơi vị trí tốt nhất này được tôn trí một tác phẩm nghệ thuật kim thân Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật lộ thiên bằng đá Granite, có chiều cao 12.4m, rộng 11m được tạo tác bằng những tấm lòng thành kính, tay nghề điêu luyện, kỹ thuật tinh xảo, tinh thần sáng tạo của Thượng tọa Trụ trì cùng với đội kỹ sư, các nghệ nhân điêu khắc đá, các đệ tử có tay nghề cao, và lời cầu nguyện chí thành của tất cả phật tử khắp nơi.

Có thể nói đây là sự tạo hình kỹ nhất thế giới, từng đường nét nơi khóe mắt, sóng mũi, cái cằm, nhân trung, góc trán, góc mắt nhắm, mở, thậm chí từng đường ngân, từng nếp nhăn đều được thể hiện một cách chân thực, đúng với tướng Pháp. Cho nên, những ai bước vào không gian linh thiêng này cũng đều cảm nhận Đức Phật đang ngồi bất động đó toát ra thần thái thật sống động.

Mai này khi công trình điêu khắc Thánh tượng hoàn mãn, mong rằng pho tượng Phật thế kỷ này sẽ khiến mỗi chúng sinh khi đến chiêm bái đều khởi lên niềm xúc cảm sâu xa, phát tâm tu tập và gieo nhân lành giác ngộ cho muôn đời sau.

Ngày đầu năm, tuy chùa tạo điều kiện cho quý phật tử được hưởng không khí tết, hòa vui với đất trời vạn vật, nhưng vẫn phải chú trọng khía cạnh sinh hoạt đạo lý, xem như là món quà xuân với ước nguyện “Mong quý phật tử, một năm mới được tràn đầy hỷ lạc trong giáo Pháp của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni. Do vậy, Thượng tọa viện chủ đã chia sẻ bài pháp thoại có tựa đề “THƯƠNG CẠN, THƯƠNG SÂU”, làm món quà đầu xuân cho mọi người.

Mở đầu, Thượng tọa có lời tán thán những phật tử đã có mặt rất sớm ở chùa từ đêm giao thừa đến sáng mùng 1 tết, đó là những người mà tấm lòng với Phật pháp thật là sâu đậm, lớn lao. Theo Thượng tọa, ngày tết ai cũng phải sum vầy, đoàn tụ gia đình, phải tìm về với nơi nghĩa tình nhất cuộc đời mình. Riêng những ai về chùa ngày đầu năm thì nghĩa tình lớn nhất cuộc đời họ dường như đã đặt cho Phật.

Và nhân quả sẽ có sự đền đáp. Nếu như ở thế gian, những người con có hiếu với cha mẹ sẽ được con cháu hiếu kính chăm sóc trở lại vào lúc tuổi già xế bóng thì với những người dâng tấm lòng, dâng sự hiếu kính của mình lên Đức Phật, họ sẽ được cái phước có huynh đệ đồng đạo gắn bó, đỡ đần, yêu thương, cho họ một tuổi già êm ấm rồi ra đi trong hào quang chư Phật.

Nhiều người đã trải qua hành trình hết sức vất vả để về quê đón tết, mà có khi quê nhà cũng chỉ là một căn nhà đơn sơ nhưng họ vẫn thấy tràn đầy hạnh phúc, vì nơi đó có người yêu thương mình, có người mình yêu thương. Cũng vậy, nhiều người từ giã gia đình để về chùa, ở lại chùa đón tết vì nơi đó họ cảm nhận tình thương từ nơi Đức Phật, từ mọi người chung quanh mình, trong từng lời nói, ánh mắt, sự chăm sóc ân cần…

Hạnh phúc không phải là điều ta đấu đá để giành được, hạnh phúc thật sự chỉ là buông ra mà thôi. Buông hết sự xô bồ, tranh đấu, hơn thua, ích kỷ để chỉ còn lại hai điều: một là thanh thản, hai là yêu thương. Mà thanh thản nhân với yêu thương thì bằng hạnh phúc. Hiểu điều này rồi chúng ta phải biết rằng mình có bổn phận yêu thương nhau và giúp nhau tìm được sự thanh thản trong tâm hồn, như thế có nghĩa là mang lại cho nhau niềm hạnh phúc.

Bài pháp thoại ngày đầu năm nói về tình yêu thương – điều này đã được nhắc đến rất nhiều trong những bài nhạc, bài thơ, trong triết thuyết của các tôn giáo. Trong bài pháp thoại này, Thượng tọa không hướng dẫn cách yêu thương mà chỉ phân tích hai tích chất, hai mức độ, hai tầm bậc của sự yêu thương để mọi người chọn lựa: một là yêu thương cạn cợt hời hợt, hai là yêu thương sâu sắc.

Trước tiên Thượng tọa đặt câu hỏi: vì đâu ta yêu thương? Người nêu ra năm lý do.

– Thứ nhất là vì thói quen, vì sở thích. Ví dụ những người nam thấy phụ nữ đẹp là thương, chẳng cần biết người kia tốt xấu rao sao, cũng không cần duyên nợ. Đó là thương vì thói quen, sở thích.

– Thứ hai, vì duyên nợ quá khứ thật sự. Ân nghĩa quá khứ làm thành tình thương giữa anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, thầy trò v.v.. Có những mối tình ngang trái, hoặc chênh lệch quá mức nhưng người ta vẫn không dứt được là vì lý do duyên nợ này.

– Thứ ba là do lòng ngưỡng mộ. Người kia quá tài giỏi, có cái tài đặc biệt, gây được ảnh hưởng tốt với mọi người làm cho ngưỡng mộ, và khi đã ngưỡng mộ rồi thì tình thương yêu rất dễ xuất hiện. Có khi tình cảm đó dừng lại ở mức độ đàng hoàng, trong sạch, cao đẹp, có khi đi xa hơn, thậm chí trở thành sự cuồng nhiệt quá đáng.

– Thứ tư là vì đạo đức. Ta thương những người huynh đệ về chùa, ta thương cụ già neo đơn trong xóm, dù đôi khi những người này không có ưu điểm đặc biệt nào, cũng chẳng có cái duyên quá khứ với mình. Đạo đức luôn buộc người ta mở lòng mình ra cho mênh mông, tìm đủ lý do để yêu thương từ loài vật đến con người.

– Thứ năm là do bản năng. Ví dụ ta say mê người khác phái có nhiều ưu điểm như xinh đẹp, khả ái, bản lĩnh… Tình cảm nam nữ trong trường hợp này cũng là một dạng bản năng.

Hoặc tình thương con của loài vật hay người mẹ cũng đều là bản năng. Riêng người mẹ thường thương con một cách tự nhiên, dạt dào, đậm đà, vô điều kiện, bất kể lý do, không cần lý luận, dù cho đứa con có hư hỏng xấu ác thế nào. Còn người cha thì thương con vừa vì bản năng, vừa có yếu tố lý trí kèm theo nhiều hơn.

Đó là năm lý do làm xuất hiện tình thương yêu. Tiếp theo, Thượng tọa đề cập đến hai dạng thương yêu: một là nông cạn hời hợt, hai là sâu sắc.

Đầu tiên là tình thương yêu nông cạn. Thường khi thương nhau, người ta hay luôn thích thứ nhất là bày tỏ bằng lời; thứ hai là gần gũi xúc chạm; thứ ba là giúp đỡ, san sẻ (để trả món nợ từ kiếp xưa). Và tình thương yêu loại này không mang lại hạnh phúc lâu dài. Vì sao vậy?

Vì đa phần khi thương ai là ta mắc nợ người đó trong quá khứ, ân nghĩa xưa thúc đẩy ta cứ thích bày tỏ tình cảm, thích chiều chuộng, muốn người kia được hài lòng, muốn họ cũng thương lại mình… và hệ quả là người kia tự nhiên tăng bản ngã lên. Ban đầu họ có thể hiền lành, nhưng càng về sau thì càng đòi hỏi, hay giận hờn vì biết mình được chiều chuộng, được thương yêu. Luôn luôn khi bản ngã đã tăng rồi thì tính khí thay đổi, tâm lý, tình cảm cũng bị biến động bất ngờ.

Nói “con hư tại mẹ” cũng vì vậy, vì người mẹ hay thương con một cách bản năng, hay chiều chuộng, con muốn gì được nấy, không ngờ làm con tăng bản ngã và hết phước rất nhanh. Cho nên người mẹ vĩ đại là người mẹ biết kiềm tình thương trong lòng lại để nghiêm khắc dạy dỗ. Nhân đây Thượng tọa khuyên mọi người phải biết giấu tình thương lại, đừng vút vắt, bày tỏ thái quá. Tình yêu thương nông cạn, sự nuông chiều quá mức luôn làm người khác hết phước, tăng bản ngã. Họ vô tình trở thành nạn nhân của tình thương yêu mà không hay. Và đương nhiên tình cảm loại này thì không mang lại hạnh phúc lâu dài.

Chúng ta nên hướng về một tình thương yêu sâu sắc hơn. Khi thương yêu ai, hãy giúp người kia diệt bớt bản ngã, tăng trưởng đạo đức, tăng trưởng phước duyên, giúp xây dựng tâm hồn họ lại.

Ví dụ có những lãnh đạo tìm cách dạy dân tốt lên, nâng đạo đức của toàn dân lên. Đó là người lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng, thương dân sâu sắc, thương qua nhiều thế hệ, và đất nước sẽ tự nhiên tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. Còn nếu người lãnh đạo chỉ chăm chăm lo cho dân được tiện nghi, quy hoạch đường xá, đầu tư các công trình công cộng, nâng cao đời sống người dân hết mức có thể… Thì sẽ khiến dân hết phước rất nhanh. Đỉnh điểm của sự hết phước là những khoản nợ công khổng lồ, có khi sụp đổ luôn cả một Chính phủ.

Hoặc có những bậc cha mẹ thương con và buộc con đến chùa, buộc con phải bưng cơm hầu nước, phục vụ mọi người, cho đến khi trong tâm đứa trẻ thật sự thích phụng sự cho cuộc sống này. Khi đó cha mẹ đã xây dựng được tâm hồn con trẻ phần nào. Đó là những bậc cha mẹ có bản lĩnh, biết kiềm chế tình thương, nén tình thương lại trong lòng để giáo dục con. Hãy nhớ rằng khi thương ai ta phải xây dựng, uốn nắn tâm hồn, phải giáo dục người đó bằng được, chứ không phải chiều chuộng bằng mọi cách.

Phàm phu thì thương rồi làm cho nhau hư. Còn người có trí thì thương nhau rồi giúp nhau giỏi lên, tốt lên. Chỉ riêng bậc Thánh thương chúng sinh thì chỉ có một nguyện ước là mong chúng sinh được giải thoát giác ngộ viên mãn mà thôi.

Qua cách yêu thương, Thượng tọa yêu cầu mọi người hãy tự đánh giá mình ở cấp độ nào trong cõi đời này, rằng mình đang lui hay đang tiến dần lên vị trí của Thánh nhân.

Thương nhau, hãy cho nhau đạo đức, tâm linh thiền định, đó là sự yêu thương chân chính nhất.

Theo Thượng tọa, sống trên đời nếu không biết yêu thương thì ta sống nhợt nhạt, hời hợt, vô trách nhiệm và hết phước. Vì ta không giúp đỡ, không tạo ân nghĩa với ai nên sẽ không có cái phước để được làm con trong một gia đình, được nuôi nấng đàng hoàng, vì vậy khi chết rồi phải vất vưởng không nơi đầu thai. Đó là hệ quả của người sống khô khan như gỗ đá.

Còn người có yêu thương lại được chia làm hai hạng là hời hợt và sâu sắc. Hãy chọn con đường yêu thương sâu sắc, có trí tuệ. Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở mọi người hãy kiềm chế nỗi thương yêu trong lòng mình lại, không chiều chuộng, không sôi động, vút vắt, chỉ giúp nhau thăng hoa tâm hồn, tăng phẩm hạnh, tăng phước đức, diệt bản ngã mà thôi.

Bài pháp thoại được kết thúc bằng bài thơ:

“Sống mà chẳng có thương yêu
Thì con người ấy thật nhiều nỗi đau
Nhưng thương yêu phải thẳm sâu
Để đưa nhau đến bến cầu an vui
Từ nguồn con nước chảy xuôi
Rồi ra biển lớn chôn vùi riêng tư
Tấm lòng như cả thái hư
Nhìn xa ngàn kiếp tâm từ mênh mông”

Tóm lại, mùa xuân chỉ đến khi lòng người có tình thương. Sống trên đời, tình thương yêu quả thực là món quà cho nhau, tuy nhiên cũng là liều thuốc độc nếu chúng ta biến nhau trở thành nạn nhân của tình thương yêu, làm nhau tăng bản ngã và hết phước. Thông qua bài Pháp thoại đầu xuân, Thượng tọa đã gợi mở cho mọi người một cách yêu thương trầm tĩnh, sâu sắc, khôn khéo mà ai cũng có thể áp dụng, để thăng hoa tình thương yêu lên thành những điều lợi lạc, thanh thản và cao thượng hơn. Qua đó cho chúng ta thấy sự tận tâm của Thượng tọa, luôn muốn cống hiến những điều tốt đẹp và hoàn hảo nhất đến mọi người./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng sáng mùng 1 Tết Mậu Tuất:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất