Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTiến trình tâm linh tâm thức của ngài Khổng Tử

Tiến trình tâm linh tâm thức của ngài Khổng Tử

-

Vào ngày 06/01/2018 (nhằm ngày 20/11/năm Đinh Dậu), nhân Lễ khánh tạ và An vị Phật chùa Phước Huệ ( đường 7A, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) sau hai năm trùng tu, mở rộng chùa, nhận lời mời của ĐĐ Thích Minh Lộc – Trụ trì chùa Phước Huệ, TT Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã chia sẻ bài pháp thoại về chủ đề “Tiến trình tâm linh tâm thức của Ngài Khổng Tử”, với sự tham dự gần 1000 phật tử xa gần.

Buổi Pháp thoại có sự tham dự chứng minh của: HT.Thích Giác Toàn – Phó chủ tịch Hội đồng trị sự T.Ư GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trụ trì Tịnh xá Trung Tâm, Trụ trì Pháp Viện Minh Đăng Quang (TP.HCM); HT Thích Viên Giác – Phó ban văn hóa Thành hội Phật Giáo TP HCM, trụ trì chùa Từ Tân.

Mở đầu, HT Thích Giác Toàn có lời tán thán đối với ĐĐ Thích Minh Lộc, một vị Tăng tài đã dựng nên ngôi Tam Bảo trang nghiêm từ mảnh đất hoang phế trước kia. Được biết trong lần trùng tu này, Đại đức đã mở rộng giảng đường để phật tử được thính pháp trong giảng đường mới trang nghiêm tiện nghi hơn. Không những vậy, người còn mang tâm nguyện phát triển thiền, sẽ tổ chức những khóa tu thiền trong tương lai nơi Tự viện. Thật là một phước duyên lớn lao cho hàng phật tử.

Và nhân lễ Khánh tạ Tam Bảo, Hòa thượng đã tặng cho Đại đức Trụ trì một bức tranh bằng đá quý.

Kế đến, HT Thích Viên Giác cũng tán thán công đức mở rộng ngôi Tam Bảo mang lại lợi lạc cho tất cả mọi người hôm nay và muôn đời sau của ĐĐ Thích Minh Lộc. Dịp này, Hòa Thượng mong rằng, trong tương lai ngôi chùa sẽ là một điểm đến tu tập, sinh hoạt tín ngưỡng cho tất cả mọi tầng lớp và là điểm đến của du khách thập phương, đưa Phật giáo quận Bình Tân nói riêng và GHPGVN nói chung ngày càng phát triển.

Tại Pháp Hội, HT Thích Giác Toàn đã giảng giải cho các phật tử một chữ “Hiền” đối với người tu thì HT Thích Viên Giác tiếp tục khuyến tấn phật tử tu thêm một chữ “Tịnh”, tức hãy tu tập sao cho tâm mình tĩnh lặng. Và thiền định sẽ hỗ trợ cho việc tu tập của mình được an tịnh nội tâm. Việc tu tập của chúng ta tựu trung cũng chỉ nhắm vào một điểm “bỏ cái tôi đi”. Cái tôi của chúng ta càng nhỏ, ta càng tĩnh lặng. Bỏ được cái tôi hoàn toàn thì ta tĩnh lặng hoàn toàn. Sau cùng, Hòa thượng nhắc nhở: Nói thì dễ, nhưng ta phải thực hành để được tri kiến, để tự chứng nghiệm.

Tiếp theo, TT Thích Chân Quang chia sẻ quan niệm về hạnh phúc: hạnh phúc là thấy chúng sinh được hạnh phúc, hãy xem hạnh phúc của ta nằm nơi tất cả mọi người. Ai hiểu được, sống được như thế, tự nhiên sẽ cảm nghe cuộc đời mình tràn ngập niềm vui. Bằng không, nếu cả đời ta chăm chăm kiếm tìm giành giật những điều gọi là niềm vui về cho mình thì rốt cuộc chỉ còn lại đau khổ chờ đợi mà thôi. Nghịch lý cuộc đời là vậy.

Trong bài giảng này, Thượng tọa phân tích về “Tiến trình tâm linh, tâm thức của Ngài Khổng Tử” và đối chiếu với con đường tu tập trong Phật pháp.

Đi vào nội dung chính, Thượng tọa cho biết: mặc dù được các nhà Nho tôn vinh là “vạn thế sư biểu”, tức là một hình mẫu chuẩn mực cho muôn đời sau, nhưng Khổng Tử cũng từng có giai đoạn bị chê là phong kiến, lạc hậu bởi chủ trương “trung quân ái quốc” của ông. Tuy nhiên đến ngày hôm nay Trung Hoa đã phải lập nên Viện Khổng Tử, tôn vinh ông như một đại triết gia, một niềm tự hào của đất nước họ.

Việt Nam ta cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ triết lý Khổng Tử. Bản thân Thượng tọa có quen biết những nhà Nho, nhiều người đến cuối đời được cái phước biết trước ngày chết, bình thản đón nhận rồi mới nhẹ nhàng ra đi. Như vậy con đường mà họ đi, đạo lý mà họ theo đuổi có điều gì đó rất chân chính, ta không được phép xem thường. Trừ một số người quá cố chấp, còn lại rất nhiều nhà Nho đều sống rất nề nếp, chuẩn mực mà vẫn khoáng đạt tự tại, lòng nhẹ nhàng buông xả như hư vô, rất đáng ca ngợi.

Nói về lộ trình tâm thức của chính mình, đầu tiên Khổng Tử nói rằng: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học” – tức là năm 15 tuổi ông đã bắt đầu lập chí học.

Đến năm 30 tuổi thì “Tam thập nhi lập”. Câu này rất khó hiểu, nhiều người cho rằng ‘lập’ nghĩa là lập gia đình. Thật ra từ ‘lập’ của Khổng Tử rất vĩ đại, có nghĩa là thiết lập, xác lập, ấn định được con đường đi của mình – tương đương với từ ‘ngộ đạo’ trong đạo Phật. Mặc dù Khổng Tử dùng từ ngữ nhẹ nhàng hơn, nhưng phải hiểu đó là một bước tiến trong tâm thức của Ngài. Ngẫm lại không bao giờ ta nghe Khổng Tử nói về thiền định, nhưng bàn bạc trong nhiều lời dạy của Ngài đều ẩn chứa tuệ giác từ thiền định, rất lạ lùng.

Đến năm 40 tuổi thì “Tứ thập nhi bất hoặc” – ‘bất hoặc’ nghĩa là không nghi ngờ. Với đạo Phật, ‘nghi’ là một kiết sử mà vị Thánh chứng Tu Đà Hoàn đã phá xong. Để chứng được Sơ quả Tu Đà Hoàn, vị ấy phải diệt xong ba kiết sử: Thân kiến (ích kỷ), Giới cấm thủ (cố chấp), Nghi (nghi ngờ).

Chúng ta thắc mắc rằng vào năm 30 tuổi Khổng Tử đã ấn định, không còn hồ nghi về con đường mình đang đi nữa, nhưng tại sao đến năm 40 tuổi Ngài lại không hồ nghi (bất hoặc) lần nữa? Hai cái ‘nghi’ này khác nhau như thế nào?

Phải hiểu rằng phá được cái ‘nghi’ thứ nhất (diệt được kiết sử “nghi” trong tâm thức) nghĩa là không còn hồ nghi về con đường tâm linh tu tập mình đang đi. Tự nhiên trong tâm xuất hiện sự tự tin vững vàng kì lạ, mặc dù không phải tự kiêu tự đại.

Phá được cái ‘nghi’ thứ hai nghĩa là không còn lầm lẫn khi xử lý mọi việc phức tạp trên đời. Sống giữa cuộc đời rối ren, hiếm ai có trí tuệ để xử lý đúng tất cả mọi việc. Trí tuệ đó sáng lên cũng có nghĩa là cái nghi thứ hai biến mất. Sự khác nhau giữa hai cái ‘nghi’ mà Khổng Tử nói đến là vậy.

Nên nhớ rằng đó là trí tuệ cực kì lớn. Trong bao nhiêu kiếp tu tập không bao giờ ta xử lý đúng mọi việc cả. Vì cảm tính, vì nghiệp duyên, nghiệp lực thúc đẩy, vì những tình huống éo le, rất nhiều khi ta đã phạm lỗi. Ta bị lầm rất nhiều, lầm trên sự tình, lầm trên lý luận, ta không biết con người tốt xấu thế nào để đối xử cho thích hợp. Tốt mà tưởng là xấu, xấu mà cho là tốt. Trong cái ‘không biết’ đó, rõ ràng ta đã tạo nghiệp rất nhiều. Đây là lý do mà có những bậc Thiền sư dù đắc đạo vẫn phải trả cái nghiệp thê thảm vào cuối đời, chẳng hạn như trường hợp của Ngài Nham Đầu Toàn Khoát.

Cho nên tu đến khi nào đạt được ‘bất hoặc’ – không nghi ngờ, tức là mọi việc ta đều xử lý hết sức chính xác, lúc đó mới bắt đầu mới dừng tay tạo nghiệp. Ác nghiệp dừng lại, phước lực, tuệ giác cứ tăng tiến. Đó là ước mơ của bao nhiêu bậc Bồ tát. Khi đến với cuộc đời để giáo hóa chúng sinh, một bậc Bồ tát cao siêu thì đạt được trình độ ‘bất hoặc’ – không nghi ngờ. Các vị biết rất rõ về con người, đối xử hợp lý với tất cả và không tạo nên ác nghiệp.

Cho nên từ ‘bất hoặc’ của Khổng Tử rất vĩ đại. Có lẽ lúc đó Ngài cũng chưa có thần thông, nhưng Ngài xử lý mọi việc trong cuộc đời đều vô cùng hợp lý. Bắt đầu hơn 20 tuổi Ngài đã đi dạy học trò, nhưng đến năm 30 tuổi Ngài mới tuyên bố rằng “tam thập nhi lập” – xác lập được con đường; đến năm 40 tuổi thì “bất hoặc” – không còn nghi ngờ, không còn nghi ngờ về đạo lý, không còn nghi ngờ về mọi ứng xử đúng sai với cuộc đời nữa.

Đến năm 50 tuổi thì “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, thiên mệnh là mệnh trời, ý Khổng Tử muốn nói Ngài biết quá khứ vị lai, gần như một loại thần thông vậy. Chính vì điểm lạ lùng này mà nhiều nhà Nho dè dặt không đề cập đến nhiều.

Thật ra Khổng Tử là người rất giỏi về dịch lý bói toán, nhưng đó chỉ là ngành phụ của Ngài. Còn “tri thiên mệnh” mà Khổng Tử nói đến có nghĩa là một loại trực giác biết được mệnh trời, biết quá khứ vị lai. Cho nên vào thời đó khi gặp những điều khó hiểu, bí ẩn, người ta thường tìm đến nhờ Khổng Tử giải thích.

Sau này nhiều người làm phim về cuộc đời Khổng Tử, có phim chỉ khai thác tính triết học, miêu tả Ngài như con người chuẩn mực, giỏi giắn, thông minh sâu sắc… Có phim lại khai thác khía cạnh thần thông này. Riêng chúng tôi tin vào khả năng phi thường của Khổng Tử, vì nói theo nhân quả thì người có “chánh tư duy” thế nào cũng có trí tuệ, trực giác. Họ thường suy nghĩ đúng, cư xử đúng, xử lý mọi việc hợp lý sáng suốt… Dĩ nhiên đời sống như thế không đủ đưa đến đại thần thông như một vị A La Hán nhưng cũng đủ mang lại trực giác đặc biệt.

Khi Khổng Tử 60 tuổi thì “Lục thập nhi nhĩ thuận”. ‘Nhĩ thuận’ dịch là xuôi tai. Ngài dùng từ rất khó hiểu. Ở đây, xuôi tai nghĩa là ai nói sao nghe cũng lọt, tức là Ngài đã đạt được cái vi tế của sự tự tại, không còn phiền não, bực bội, sân si trước ngoại cảnh nữa.

Thật ra, nếu nói theo lộ trình tâm thức, tâm linh đạo Phật thì hơi muộn. Một hành giả tu thiền nếu năm 30 tuổi được ngộ đạo, tiếp tục an trú trong thiền thì tầm vài năm sau đã đạt được sự tự tại rồi. Nhưng vì Khổng Tử không đi chuyên trong thiền định nên dù Ngài cực kì xuất sắc về lý lẽ, về cư xử, về cách sống nhưng để đạt được sự tự tại sâu thẳm như trong đạo Phật, Ngài vẫn phải đi chậm lại, đến năm 60 tuổi mới xác nhận mình thành tựu, không gì có thể gây phiền não buồn bực được nữa.

Đến năm 70 tuổi thì “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” – nghĩa là những điều mà Ngài muốn không bao giờ ra khỏi khuôn phép nữa. Đây là chỗ cực kì thâm thúy, chúng ta phải triển khai thành bao nhiêu bài giảng mới đi hết ý này.

Nhìn lại mình, chúng ta sẽ thấy rằng trong tâm mình tồn tại vô số ước muốn sai lầm. Sau bao năm tu hành, dù ai cũng giữ vẻ đạo mạo đàng hoàng nhưng nếu cho mọi người được thoải mái nói ra ước muốn của mình, chúng ta không khỏi giật mình vì rất nhiều đều ra khỏi khuôn phép, ra khỏi những đạo lý tốt đẹp, thậm chí ra khỏi luật pháp, ra khỏi lẽ phải ngay. Chỉ là ta muốn mà không dám làm, vì hễ làm là luật pháp kết tội, làm là người đời chê trách mà thôi. Và khi không đạt được ước muốn thì ai cũng phiền não đau khổ. Chúng sinh là như vậy.

Khổng Tử đến năm 70 đã đạt được cảnh giới mà bí mật trong tâm thức không bao giờ khởi lên ý muốn sai lầm, tất cả những điều ông muốn đều ở trong đạo lý mà thôi. Đó là cái muốn được con người ca ngợi, chư thiên tán thán, quỷ thần nể phục, và khiến đức độ của ông cứ sáng ngời dần.

Khi tu thiền, ai cũng cố gắng diệt trừ ‘vọng tưởng’, nhưng Khổng Tử không nói đến vọng tưởng mà nói luôn đến ‘ước muốn’, bởi đó mới là gốc của mọi tư tưởng. Những tư tưởng chập chùng khởi lên trong tâm vẫn là cái động nhưng vô hại. Cái động của tình cảm, của ước muốn mới là chuyện lớn trong cuộc đời. Vì sao vậy, vì khi khởi tình cảm, khởi ước muốn thì chúng sinh đều muốn làm gì đó, muốn tạo nghiệp ngay. Do đó sức mạnh nằm ở cái dục, nằm ở tình cảm. Không khởi dục, không khởi tình cảm, đó mới là thanh tịnh đệ nhất.

Cho nên cái gốc của tạo nghiệp chính là “tùng tâm sở dục”, mà Khổng Tử chặn ngay ước muốn, tình cảm trong tâm, tức là chặn luôn con đường tạo nghiệp. Đó là sự thâm thúy mà đến năm 70 tuổi Khổng Tử đã đạt đến.

Con đường ông đi hơi khác một chút so với lộ trình của đạo Phật. Ban đầu Phật dạy ta chuẩn bị cho sự tu tập bằng đạo đức, giới luật, bằng nội lực khí công, để ta đi vào định. Đến khi ta lọt được vào định thì những việc như ngộ đạo, diệt trừ cái nghi, có thần thông, diệt trừ phiền não, dứt cái dục… không lâu, từ 10 đến 30 năm.

Còn Khổng Tử chọn đi con đường Chánh tư duy (hiểu đúng về đạo lý) và Chánh nghiệp (làm nhiều công đức). Ngài an trú, dừng lại tại đó. Kết quả là Ngài khai mở được chánh niệm và có một chút thần thông (gần như chánh định).

Nhân đây, Thượng tọa đề cập đến chánh tư duy của Khổng Tử. Trong chánh tư duy của ông có “tam can” và “ngũ thường”.

Tam can là ba mối quan hệ lớn: Quân – Sư – Phụ. Với Khổng Tử, mọi mối quan hệ trên đời phải được thiết lập rõ ràng, cư xử cho đúng mực.

Đầu tiên là giữa dân với vua. Ngày xưa tất cả quyền lực đều tập trung nơi vua, nên lòng trung thành với vua phải là tuyệt đối. Ngày nay trong thời đại dân chủ, gặp lãnh đạo ta cũng xem như ngang bằng với mình, nhưng điều này với Khổng Tử là tối kỵ. Người lãnh đạo phải đêm đau đáu lo cho sự sống của hàng triệu con người, phải giải những bài toán cực kì khó cho cả đất nước này. Vì tâm tình, vì công lao cực kì lớn đó mà Khổng Tử đã đặt mối quan hệ giữa thần dân với vua lên đầu tiên trong tam can. Mà sự trung thành của người dân chính là chất keo làm cho đất nước gắn kết, ổn định, ngoại ban không thọc sâu vào quấy nhiễu được.

Ngũ thường là năm phẩm chất, năm đức hạnh, gồm Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Con người không thể thiếu đi phẩm chất nào. Ví dụ “tín” là giữ lời hứa. Dù ta có nhân, lễ, trí nhưng không có cái tín, nói xong quên, hứa xong bỏ thì khi chết không nhắm mắt được. Lời hứa lèo làm ta vừa mang tội, vừa mất hết sức mạnh tinh thần. Nhìn lại lịch sử, từng có những người thà chấp nhận cái chết chứ không bao giờ phản bội lời thề trung thành với tổ quốc, cái sức mạnh tinh thần đó ngang với một vị Thần nhân, cho nên công đức của họ rất lớn, chết rồi thành thần ngay.

Còn ta có thể nói những điều cao siêu, nhưng rất nhiều lần ta đã quên mất chữ tín, nên ta thua người đạo Nho ở điểm này. Những học trò của Khổng Tử trước khi chết đã biết trước giờ chết cũng là vì trọn đời giữ chữ “tín”.

Còn “nhân” thì hết sức vĩ đại, nên được Khổng Tử đặt ở đầu tiên. Khi Nhan Hồi hỏi Khổng Tử: “Rốt cuộc đạo lý của thầy là gì?”, Khổng Tử chỉ rút lại ở một chữ ‘nhân’. Trong đạo Phật gọi chữ nhân này là ‘từ bi’. Đức Phật đã từng nói rằng quán từ bi, trải lòng yêu thương khắp chúng sinh có thể giúp chúng sinh thành tựu vô lượng công đức và được đắc đạo. Khổng Tử cũng nói như vậy, rút lại hết đạo lý của Ngài vào trong chữ “Nhân” mà thôi.

Thượng tọa nhấn mạnh rằng, còn rất nhiều điểm đặc biệt từ lời dạy của Khổng Tử mà trong phạm vi bài giảng này Người chưa khai thác hết.

Qua những chia sẻ của Thượng tọa, chúng ta thấy rằng Khổng Tử là một Bậc có nhân cách siêu phàm, có tâm chứng thật sự. Dù xã hội có đổi thay ra sao thì những lời dạy của Ngài về cách sống của bậc quân tử giữa đời – đó vẫn là giá trị bất tử cho muôn đời sau mãi ngưỡng trông.

Điều lạ lùng là trên nhãn quan của đạo Phật, ta có thể hiểu về các đạo khác một cách sâu sắc, hiểu hơn là chính họ hiểu họ, hơn người đạo Nho hiểu về đạo Nho. Trí tuệ từ đạo Phật làm sáng tỏ tất cả, phủ trùm, dung chứa tất cả là vậy./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất