Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTính chất căn bản của người tu thiền

Tính chất căn bản của người tu thiền

-

Chiều ngày 27/04/2019, (nhằm ngày 23/03/ năm Kỷ Hợi), TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã có buổi thuyết giảng tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long), về chủ đề TÍNH CHẤT CĂN BẢN CỦA NGƯỜI TU THIỀN, với sự tham dự đông đảo của các thiền sinh tham dự Khóa tu và các Phật tử ở các tỉnh thành lân cận.

Bài Pháp thoại khẳng định tâm bất động, kiên định với lẽ phải chính là tính chất căn bản nhất của người tu thiền, đồng thời, nhấn mạnh vai trò của thiền định trong sự tồn tại, phát triển của Phật giáo. Từ đó, bài Pháp tiếp thêm nghị lực, giúp mọi người vượt qua những khó khăn, tiếp tục duy trì, giữ gìn giềng mối thiền, nhằm xiển dương Chánh pháp của Như Lai.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa khẳng định, con người muốn biết điều gì thì thường phải động não suy nghĩ, phân tích. Tuy nhiên, khi bậc Thánh xuất hiện, Người đã mở ra con đường hiểu biết không thông qua suy nghĩ mà biết bằng nội tâm thanh tịnh. Điều kì lạ này, người phàm phu chúng ta không thể ngờ được.

Nói cho cùng, nội tâm thanh tịnh chính là thiền định. Đây được coi là di sản quý giá của văn hóa phương Đông dành cho thế giới. Mà nhắc đến thiền định là nhắc đến đạo Phật, bởi Bậc giáo chủ của đạo Phật là người có khả năng nhập định 49 ngày đêm rồi đắc đạo và đạt được những năng lực phi thường.

Nói tới giác ngộ giải thoát thì nhiều người không hiểu lắm, nhưng nhắc đến thần thông thì mọi người biết liền, đó chính là Tam minh lục thông. Đây cũng là tiêu chuẩn để xác định sự đắc đạo của bậc Thánh. Nghĩa là, không cần lí thuyết dài dòng, chỉ cần chứng được Tam minh lục thông là đắc đạo. Vậy Tam minh lục thông là gì?

Người lí giải Tam minh gồm 3 điều: Đầu tiên, Túc mạng minh là nhớ được vô lượng kiếp của mình. Tiếp đến, Thiên nhãn minh là thấy được luân hồi của tất cả chúng sinh khác. Cuối cùng, Lậu tận minh là thấy được Tứ Diệu Đế, đạo lí tột cùng của vũ trụ.

Trái ngược với phương Đông, những người phương Tây theo đạo thần học. Họ quan niệm và tin rằng Thượng đế là đấng tối cao, tạo ra tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, bên cạnh nền tôn giáo tin rằng Thượng đế tạo ra tất cả, thì họ cũng có một nền khoa học hùng vĩ, chứng minh được rằng vũ trụ tự nó có, nó biến hóa thay đổi theo nhân duyên, không cần ai sinh ra. Quan điểm độc đáo này hoàn toàn phù hợp với khoa học hiện đại của thế giới. Dù không nói ra nhưng nó đã ngầm phủ định những gì thần học đã tuyên bố trước đó.

Khi tiếp xúc với đạo Phật, người phương Tây thấy đây là tôn giáo cực kì tiến bộ. Điều mà họ vất vả chứng minh đã được vị Giáo chủ đạo Phật nhắc đến hơn 2600 năm trước đó. Đi sâu vào giáo lí đạo Phật, họ phát hiện rằng tôn giáo này đi tìm trí tuệ bằng thiền định chứ không phải con đường nào khác.

Để các Phật tử hiểu rõ hơn điều này, Thượng tọa đã phân tích cặn kẽ, lấy rất nhiều ví dụ, chứng minh rằng thiền định mở ra con đường trí tuệ siêu việt. Tuy nhiên, do tu thiền vất vả, khó khăn, phương pháp tu cũng không còn nguyên bản như thời Đức Phật, các vị Tổ đổi bỏ Thiền bằng các cách tu khác, làm cho đạo Phật tuột một bước rất xa, trong khi Đạo Phật đang ở đỉnh cao chói lọi của tâm linh. Vì thế mà số người tu thiền giảm dần, dẫn đến hệ quả đạo Phật ngày càng suy tàn, chùa vắng dần, vắng dần.

Quả thực tu thiền rất cực khổ, rất khó. Có những người do cái phước đời trước lớn nên dễ vào định. Nhưng đa số chúng ta tu lâu mà không có kết quả. Để có thể vượt qua những khó khăn, kiên trì theo đuổi thiền định, chúng ta phải siêng năng lễ Phật. Nhờ cái phước báo và sự gia hộ của Phật, ý chí ta mới trở nên mạnh mẽ, bền bỉ.

Ngoài ra, chúng ta phải có một nền tảng khí công mạnh để hỗ trợ bộ não vào được định. Tức là, ta phải rèn luyện khí công hằng ngày, thậm chí là rèn luyện nhiều hơn cả thiền, bởi đây chính là nền tảng quan trọng, không có nó, ta không vào được thiền định, không giữ được lí tưởng tu hành.

Người nhấn mạnh, nội tâm bất động là kết quả của nhiều điều kiện khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là sự kiên định trong lẽ phải. Phải bất động trong lẽ phải ta mới bất động trong thiền định được, đây là nguyên tắc của nhân quả.

Tiếp theo, bằng rất nhiều câu chuyện, ví dụ sinh động, Thượng tọa đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, không kiên định trong lẽ phải, tâm sẽ loạn động. Lúc đó, chẳng những ta không thể tu thiền, mà công phu tu tập bao năm cũng bỗng chốc tan vỡ.

Kế đến, chúng ta phải có đạo đức, không gian tham. Dù có rơi vào tình huống khó khăn, bế tắc đến mấy, ta cũng chấp nhận trả nghiệp. Đây cũng là một kiểu kiên định mà người tu thiền cần có.

Cái kiên định cao cấp, khó khăn hơn cả là lòng trung thành. Bước vào đạo là ta phải trung thành với Đức Phật, với thầy Tổ, giống như con dân trung thành với vua, trung thành với Tổ quốc. Trung thành này chính là chấp nhận thiệt thòi về mình để bảo về quyền lợi, danh giá cho thầy Tổ. Chính điều này khiến đạo đức trung thành trở nên khó thực thi.

Bằng những dẫn chứng cụ thể, có thật trong lịch sử, Người khẳng định, những người thành tựu được lòng trung thành, sau khi chết đều trở thành Thần Thánh hết, bởi trung thành là một trong những đỉnh cao của đạo đức khó tìm được. Biết hi sinh lợi ích của bản thân để làm lợi cho người khác là ta đã chứng quả Thánh Tu Đà Hoàn rồi.

Người chứng Tu Đà Hoàn rồi thì sẽ tỏa ra đức độ từ cái tâm vị tha, từ lòng tôn kính Phật tuyệt đối và từ sự trung thành với Tổ quốc, với đạo Pháp và với thầy Tổ. Và chỉ khi vượt qua được những thử thách, khó khăn, đạo đức ta mới được khẳng định, chứ nó không phải lời nói suông.

Trước khi kết thúc bài Pháp, Thượng tọa nhắc nhở các Phật tử, dù thế giới có sụp đổ, mọi người vẫn phải tham dự đầy đủ khóa thiền để gìn giữ đạo tràng cho nghiêm trang, giữ vững tinh thần, đạo lực cho huynh đệ; giúp khóa thiền được trọn vẹn, viên mãn. Ai làm trái điều này là biết rằng mình đã tạo thêm tội, tự tay cắt duyên lành của mình với Phật Pháp.

Quả thực, càng nghe Thượng tọa thuyết giảng, chúng ta càng khâm phục trí tuệ, vốn sống và năng khiếu kể chuyện, giảng dạy của Người. Những đạo lí khó hiểu được Người khéo léo diễn giải, dẫn dụ thêm bằng các ví dụ sinh động khiến nó trở nên mềm mại, hài hước, thu hút. Vì vậy, dù bài Pháp dài nhưng tinh thần của các Phật tử trong suốt buổi thuyết giảng vẫn rất thoải mái, ai cũng chăm chú lắng nghe.

Nhờ những câu chuyện, đạo lí Thượng tọa chia sẻ mà mọi người hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của thiền định trong việc gìn giữ, phát triển đạo Phật; bảo vệ sức khỏe, nâng cao trí tuệ con người. Đồng thời, biết cách rèn luyện, nâng cao ý chí, tinh thần để có thể vượt qua những khó khăn, kiên trì với thiền định. Từ hôm nay, không chỉ bản thân mình, các Phật tử còn phải biết giúp đỡ, hỗ trợ mọi người xung quanh cùng siêng năng, tinh tấn tu tập.

Đức Phật Đản sinh để rồi thăng tiến trên con đường tu tập thiền định mà đạt thành quả vị Vô thượng Bồ đề, thành Đấng Thế Tôn – Bậc phước huệ lưỡng toàn đã ban bố giác ngộ giải thoát cho Chư Thiên và nhân loại. Nhờ vậy mà trải qua hơn 2.600 năm, trên thế giới, con người có tu tập thì có chứng đắc – đoạn tận khổ đau, rồi tạo sự bình an hạnh phúc cho mình, và cho tha nhân. Do đó, những ai siêng năng tinh tấn tu thiền là ta đang giữ gìn giá trị đạo Phật không bị phai tàn, yếu kém hay suy hao. Đây là công đức rất lớn./.  

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất