Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTình linh sơn trăm nữa khó gặp - Nghĩa pháp lữ vạn...

Tình linh sơn trăm nữa khó gặp – Nghĩa pháp lữ vạn kiếp khó tìm

-

Đúng vậy, HT Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân và TT Thích Phước Hạnh – Trụ trì chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long đã dẫn đoàn phật tử của chùa về Thiền Tôn Phật Quang để thăm và chúc tết TT Thích Chân Quang vào dịp mùng 6 tết. Qua đó cho thấy tình cảm huynh đệ linh sơn cốt nhục, thầy trò đằm thắm, nồng đượm trong phút giây ấy, khiến niềm vui của mùa xuân như được nhân lên bội phần.

Mở đầu buổi thăm viếng trong năm mới, ĐĐ Thích Tánh Khoan đã thay mặt cho toàn thể Tăng Ni, phật tử Thiền Tôn Phật Quang bày tỏ lòng cảm kích, biết ơn trước tấm lòng của nhị vị Sư Bác, cùng đoàn phật tử chùa Từ Tân và chùa Phật Ngọc Xá Lợi.

Chính vì tình linh sơn trăm năm khó gặp, nghĩa pháp lữ vạn kiếp khó tìm. Cho nên Đại đức khẳng định việc Sư phụ mình gặp được bậc tri kỉ như các Sư Bác để cùng chia sẻ chí nguyện độ sinh, hỗ trợ việc phật sự, khơi dậy ngọn đèn thiền thật là một may mắn, giúp cuộc đời hằng hóa của Sư phụ thêm ý vị, ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thật sư, một lần kết nghĩa cũng là một đời sâu sắc tình nghĩa.

Không chỉ với Sư phụ mình, mà với tất cả chúng sinh, các vị Sư Bác như cây đại thụ, tỏa bóng mát cho mọi người nương tựa. Công đức vĩ đại như biển trời ấy, dù có ca ngợi bao nhiêu lời cũng không bao giờ là đủ. Thiết nghĩ, lúc đăng đàn thuyết Pháp hay yên lặng như hư không thì từ nơi các Sư Bác vẫn dạt dào tình cảm, uy lực sáng ngời, đầy sức cảm hóa.

Hình ảnh về cuộc đời tu hành, lối ứng xử với chúng sinh, tình huynh đệ thâm sâu giữa Sư Phụ với các Sư Bác, Sư Thúc sẽ mãi là bài học muôn đời cho hàng hậu bối noi theo. Thật may mắn cho những ai gặp được các bậc Thầy khả kính, minh triết như vậy.

Để báo đáp công đức cũng như sự mong mỏi của nhị vị Sư Bác, từ đây, tất cả Chúng đệ tử xuất gia và tại gia nguyện thúc liễm thân tâm, gìn giữ giới hạnh, tinh tấn tu tập để phát triển đạo thiền, hoằng Pháp, hộ Pháp, góp phần làm cho Phật pháp trường tồn, trở thành điểm tựa cho chúng sinh.

Nhân đây, ĐĐ Thích Tánh Khoan đã gửi những lời chúc tết tốt đẹp nhất đến hai vị Sư Bác, cùng Sư Phụ và toàn thể đại chúng hiện có mặt trong buổi lễ.

Được chứng kiến tình cảm huynh đệ thâm sâu, tình thầy trò đằm thắm, TT Thích Phước Hạnh rất xúc động. Theo đó, Người đã chia sẻ một vài mẫu chuyện mà chính mình được nghe, được tiếp xúc, nhằm sách tấn tinh thần tu học, rèn luyện, phụng sự của đại chúng.

Thượng tọa kể rằng trong một lần tham dự đại hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, một vị cán bộ tỉnh đã chia sẻ: theo ông, để phát huy truyền thống và tinh thần hộ quốc an dân của dân tộc với định hướng đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội (XHCN) thì những năm qua GHPGVN đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước phát triển, củng cố về mọi mặt, thể hiện đoàn kết trong giáo hội Phật giáo, gắn bó với dân tộc trong mọi hoàn cảnh của đất nước. Từ đó, khẳng định vai trò của mình trong lòng dân tộc.

Hiện tại, nhà nước đã và đang có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm ủng hộ, tạo điều kiện cho GHPGVN làm tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, góp phần phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỉ cương giới luật; nêu cao tinh thần hòa hợp, bản lĩnh nhập thế để xây dựng một Phật giáo vững mạnh và kiên định theo lý tưởng “đạo pháp – dân tộc – CNXH”.

Nhân đó, Thượng tọa liền bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước dành cho Phật giáo cũng như các tôn giáo khác.

Bác Hồ từng nói, Phật giáo sẽ đại diện cho các tôn giáo vì đây là tiếng nói chung. Đức Phật Thích Ca dạy đạo đức là từ bi, đức chúa Jesu dạy đạo đức là bác ái, Đức Khổng Tử dạy đạo đức là nhân nghĩa. Tuy thấy như có sự khác biệt nhưng tất cả đều hướng về mục tiêu mưu cầu hạnh phúc chung cho con người và cho xã hội.

Thực tiễn đã chứng minh, các tôn giáo đã góp phần chăm lo phúc lợi cộng đồng thông qua việc hướng dẫn cho tín đồ phật tử hành thiện, tham gia các hoạt động từ thiện góp phần cùng Đảng, Nhà nước điều chỉnh hành vi, đạo đức con người, chăm lo đời sống an sinh, xã hội cho nhân dân. Thêm nữa, tôn giáo còn điều chỉnh, xây dựng tâm hồn thánh thiện, giàu tình yêu thương cho chúng sinh.

Có thể nói, tình yêu thương là thuộc tính cơ bản, quan trọng, cao đẹp nhất để tạo nên phẩm chất cho con người. Hãy để tình yêu thương thắp sáng, sưởi ấm trái tim chúng ta. Vậy cuộc sống mới trở nên ý nghĩa. Thêm nữa, chúng ta không thể tồn tại riêng lẻ mà bị đặt trong tổng thể các mối quan hệ xã hội. Vậy nên, phải biết yêu thương, chia sẻ và tha thứ. Đó là điều mà người con Phật nào cũng phải hướng tới.

Thượng tọa Thích Phước Hạnh hi vọng, mọi người sẽ học theo những gì TT Thích Chân Quang cũng như các vị Sư bác đã dạy. Đặc biệt, phải hiếu thảo, trung thành tuyệt đối với thầy mình, đây là điều Người mong muốn nhất.

Sau những chia sẻ của TT Thích Phước Hạnh, HT Thích Viên Giác khẳng định đây là những điều rất độc đáo, mang tính sách lược, phải ai có duyên mới được nghe. Ai nghe mà hiểu được đường lối, cách thức vận hành, hướng đi của Phật giáo nói chung, của bản thân nói riêng thì thật là hạnh phúc.

Năm nay cũng là năm đầu tiên có sự hiện diện của TT Thích Phước Hạnh, thật là một sự hiện diện màu nhiệm, thiêng liêng, quý báu. Việc gặp gỡ đầu năm này rất quan trọng, ý nghĩa bởi nó được tạo ra bằng sự chân thành, đặt nền tảng, mốc thời gian để ta lên chương trình một cái gì đó thật sự tốt đẹp, loại bỏ những khuyết điểm, hướng về tương lai.

Dịp này, Hòa thượng nhấn mạnh “việc gặp gỡ nhau đầu năm rất thiêng liêng, gặp nhau tại chùa càng thiêng liêng hơn bởi mỗi lần đến chùa Phật Quang, Sư Bác đều cảm thấy sự ấm áp, phấn khởi, hân hoan và tự tin, khiến cho ta mạnh mẽ hơn, vượt qua được những khó khăn để tiến lên phía trước. Người hy vọng năm Mậu Tuất này sẽ đầy tình nghĩa bởi nó là nền tảng làm cho các mối quan hệ xã hội được ấm áp, vui vẻ.

Theo Hòa thượng, có rất nhiều xu hướng du xuân và đến chùa là một lựa chọn của đại đa số người. Điều đó báo hiệu một năm đầy khởi sắc về mặt xã hội, cũng như Phật giáo. Đồng thời những giá trị về đạo lí, văn hóa, tinh thần Phật giáo cũng đã lan tỏa rộng rãi. Đây là thành quả từ sự hoằng hóa của các Chư tôn đức, trong đó Thiền Tôn Phật Quang – nơi mà có rất đông quần chúng phật tử hướng về. Và chính lực lượng này sẽ làm cho Phật Pháp lan truyền vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. những nơi mà các vị giảng sư không thể nào đặt chân đến được.

Hòa thượng khẳng định, Phật lúc nào cũng tồn tại ở thế gian để cảm nhận niềm đau khổ của chúng sinh, giúp đời và làm vô số việc công đức. Phật mà tách li khỏi cuộc sống thì không còn là Phật nữa.

Sau cùng, Người cũng chúc cho Thượng tọa Trụ trì có được sức khỏe dồi dào để giữ vững sự tu học và tinh thần hộ pháp của hệ thống tổng đạo tràng, giữ được sự an trú trong tâm của người phật tử. Chúc quý thầy cô siêng năng tu tập tinh tấn.

Ở đây, chữ “tinh tấn” đặc biệt dành cho những người trẻ tuổi. Phải tinh tấn tu học thì mới thành tựu được trí tuệ, thấu rõ được sự vô thường của cuộc đời và vững bước trên con đường làm Thánh. Tuổi trẻ mà chưa tinh tấn, chưa tìm ra con đường này thì về già khó mà làm được. Vậy nên, đây chính là việc tạo nên giá trị của Tăng Ni trẻ. Nghĩa là tuổi trẻ thì phải định hướng, thấy rõ mục tiêu, thấy việc tu học là cái chính, những cái khác chỉ là phụ thôi. Nói thì đơn giản nhưng thực hiện nó rất phức tạp. Người hi vọng mọi người sẽ thành tựu được điều này, giữ vững niềm tin với Tam Bảo để trí tuệ được khai mở, cuộc sống nhờ thế mà trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát.

Nhận được rất nhiều lời chúc, nhiều sự quan tâm từ phía các Sư Bác khiến Thượng tọa Trụ trì rất xúc động và hạnh phúc. Người khẳng định, những điều mà các Sư Bác nói đều là mật thước, khuôn phép mà mọi người phải nhớ để tu tập cả đời.

Thượng tọa lí giải, nhiều người nói tu lâu nhưng không thấy Phật, kể cả trong mơ dù đã sống rất tốt, rất có trách nhiệm, đó là bởi chưa tin Phật pháp, chưa tin có tái sinh, có nhân quả. Không chỉ riêng Phật, nhiều điều khác trong cuộc đời ta cũng khó thấy. Ví dụ như mặt trời.

Hẳn nhiên, người mù, người quay lưng lại hay người bị nhốt trong nhà kín không bao giờ thấy mặt trời. Phật cũng vậy, không phải là muốn thấy thì sẽ thấy. Thế nên, đừng bao giờ đòi hỏi. Vậy, làm sao để thấy Phật?

Muốn thấy Phật, ta đừng phạm phải 3 điều. Một là mù, hai là quay lưng lại với Phật, ba là phạm nghiệp quá nặng. Mà muốn không phạm 3 điều đó, ta phải có phước, siêng làm điều thiện và khao khát được gặp Phật. Ngày nào ta làm được điều đó thì ngày đấy ta thấy Phật rạng rỡ như ánh mặt trời, bao trùm khắp nơi.

Giống việc ta muốn gặp Tổng bí thư, không phải cứ muốn mà gặp được bởi ông phải gánh vác, lo lắng rất nhiều việc, chỉ những quan chức lớn, gần ông mới gặp được. Nghĩa là, họ phải có phước rất gần ông. Tương tự vậy, tất cả các mối quan hệ như vợ chồng, thầy trò, huynh đệ,… phải có phước tương đương nhau, nếu phước chênh lệch thì các mối quan hệ đó khó bền chặt, tồn tại lâu dài được.

Ta hay nghe câu “thấy rồi mới tin” nhưng cuộc sống đòi hỏi ta phải tin rồi mới thấy. Muốn thấy được các bậc Thánh, ta phải tin, thực hành và tạo nhiều công đức. Nâng tầm ta lên gần với bậc cao nhân thì mới thấy được bậc cao nhân. Nếu không thấy bậc cao nhân thì hiểu rằng mình không đủ tầm chào đón của các bậc ấy chứ không phải họ hẹp hòi, quay lưng với ta.

Hiểu điều này, ta thấy trách nhiệm là nơi chính mình nên đừng đợi chân lí đến mà mình phải đi tìm nó. Lúc nào cũng phải phải ray rứt, trăn trở xem lí tưởng sống, đạo đức là cái gì, làm sao để mang lại lợi ích được cho người khác. Sống là phải đi tìm những giá trị đấy. Cứ từng bước hiểu đạo, từng bước làm lợi cho đời, nâng tầm mình lên dần dần, bỗng nhiên ta sẽ thấy Phật và bậc Thánh ở xung quanh ta.

Tức là, từ xưa đến nay, mặt trời chưa bao giờ bị che đậy. Ta không thấy nó bởi phước ta ít, nghiệp ta dày nên nghĩ thế gian bị chìm trong bóng đêm. Từ nay, cố gắng tu tập cho tinh tấn, tạo phước để sớm tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời mình. Người khẳng định, 2 vị Sư bác như 2 ánh mặt trời, chỉ cần 2 vị cười thôi, mọi người xung quanh đều cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.

Cái phước không chỉ quyết định việc ta có nhìn thấy Phật hay không, nó còn phản quyết những điều ta gặp trong mơ hoặc trong cuộc sống. Ta mơ thấy điều xấu bởi bản thân ít phước, mơ thấy điều lành là phước ta dày. Người nào phước lớn hơn nữa thì có thể cảm nhận mình được tiếp xúc với Chư Thiên. Thậm chí, Phật đến với ta trong giấc mơ luôn. Vậy nên, muốn biết phước mình nhiều hay ít, chỉ cần quan sát cuộc sống và giấc mơ của mình.

Thượng tọa chỉ dạy, muốn tạo phước thì ta phải gieo nhân. Ta gieo nhân gì thì gặt quả đấy. Ví dụ, gieo nhân yêu thương chúng sinh, tôn kính Chư Phật thì nhân quả cho ta thành người tu trong Phật pháp; còn yêu nước, trung thành với Tổ quốc thì nhân quả cho ta làm công chức; v.v…

Giờ ta nguyện lòng tôn kính Phật, siêng năng làm phước, mở lòng ra để yêu thương được khắp chúng sinh. Mở rộng con đường bằng sự yêu kính ta sẽ thấy ánh mặt trời rực rỡ chưa bao giờ tắt.

Nghe những đạo lí mà Thượng tọa Thích Chân Quang nhắc nhở mọi người, Sư Bác khẳng định đây hoàn toàn là những bài học đúng đắn. Mặt trời chính là biểu tượng của Phật nên muốn thấy Phật thì phải tin chứ đừng đợi thấy rồi mới tin. Đây là cách thức chỉ dẫn mạnh mẽ để chúng ta đi vào Phật pháp, thấy được đạo lí.

Cái hay nữa là ta nhận ra rằng thế giới phản ánh cái nghiệp của mình. Cứ soi tâm mình để nhận ra được cái phẩm chất, cái nghiệp của mình. Đúng là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Cuối cùng, tình yêu thương chính là cánh cửa của hạnh phúc. Thật là những đạo lí tuyệt vời, đúng với tất cả chúng sinh. Do đó, chỉ cần thực hành theo đó thì hạnh phúc, niềm vui sẽ đến với tất cả mọi người.

Buổi gặp mặt kết thúc trong niềm hoan hỉ của tất cả mọi người. Thông qua buổi lễ, mọi người học được rất nhiều bài học tuyệt vời về tình nghĩa, cách sống, cách ứng xử với chúng sinh. Đặc biệt hơn là bài học về nhân quả, tội phước, tìm ra ánh sáng cho con đường tu học của mỗi cá nhân. Lợi ích này khiến niềm vui đoàn tụ được nhân lên gấp bội. Đúng là không niềm vui nào lớn bằng niềm vui mang lại lợi ích cho mọi người.

Lại thêm, trong thời đại mà con người quá đề cao vật chất mà coi nhẹ tình nghĩa thì những bài học thực tế về tình nghĩa này lại càng trở nên quý giá, đáng trân trọng. Thực sự, chúng ta đang để cuộc sống vật chất cuốn mình đi mà quên mất rằng, cái còn lại sau tất cả những cái mất đi, chỉ còn tình nghĩa mà thôi. Nếu không biết bảo vệ cái tình cảm cao đẹp ấy, chúng ta sẽ chẳng còn lại gì. Vậy chẳng phải quá uổng phí một đời ta sống hay sao?!

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh của buổi thăm chúc tết đầu xuân của nhị vị Sư Bác:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất