Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTP.HCM: Những câu chuyện vui

TP.HCM: Những câu chuyện vui

-

Sáng ngày 13/5/2018 (nhằm ngày 28/03/ năm Mậu Tuất), tại chùa Từ Tân (90/153 Trường Chinh, Phường 12, Quận Tân Bình, Tp.HCM), TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã chia sẻ đề tài “NHỮNG CÂU CHUYỆN VUI” từ cảm xúc chuyến đi thăm huyện đảo Trường Sa và Cán bộ, Chiến sĩ Nhà giàn DK1 do UBTƯ MTTQVN tổ chức vào ngày 14 – 24/04/2018 vừa qua.

Buổi nói chuyện có sự tham dự của gần 1000 thiền sinh và hơn 1000 phật tử gần xa đồng tham dự.

Tuy là chuyện đời thường nhưng chứa đựng biết bao đạo lý sâu xa, ý vị. Thông qua những chi tiết sinh hoạt trong chuyến đi đó, bằng cảm xúc tinh tế, lời nói mang âm hưởng nhẹ nhàng, có sức gợi tả, Thượng tọa đã giúp cho mọi người thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ, bảo vệ những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống.

Và theo nhân quả, hể càng làm nhiều việc tốt thì cuộc sống của chúng ta càng trở nên dễ chịu, hạnh phúc bấy nhiêu. Đồng thời, dần dần nó tạo thành cái phước báu, giúp ta nhận ra được sự đúng sai trong từng điều nhỏ nhất, để rồi ứng xử cho phù hợp, vừa giữ gìn cái phước cho bản thân, vừa làm lợi cho những người xung quanh.

Mở đầu, Thượng tọa kể vài câu chuyện bên lề về những người biết sống đẹp, biết mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Qua trải nghiệm cuộc sống, Thượng tọa phân tích cho thấy có hai hạng người: Một là hạng người không thích bị kiềm chế bởi kỉ luật, cho nên khi lách luật, phạm luật họ thấy dễ chịu hơn là nép mình trong khuôn phép; Hạng người thứ hai thì thích tuân thủ pháp luật, sống được vậy tự nhiên họ thấy yên tâm, thấy lòng mình nhẹ nhàng vững vàng hơn.

Và vào trong cửa đạo thì luật lệ, những nguyên tắc còn kĩ lưỡng gấp triệu triệu lần luật pháp thế gian. Ví dụ, một Tỳ kheo phải thọ mấy trăm giới, nhưng vị ấy nếu đã hiểu sâu đạo rồi thì tự nhiên sẽ nhận ra có mấy triệu giới cần phải giữ gìn. Trí tuệ mở ra chừng nào thì thấy được nhiều giới chừng nấy. Và người càng có trí thì càng cẩn thận tội phước từng chút một, vì biết rằng chỉ sơ xuất nhỏ cũng có thể làm thành cái tội cho mai sau.

Ví dụ có người đàn ông cởi trần, mặc chiếc quần ngắn ngồi uống ly trà đá bên lề đường. Mọi người vẫn qua lại bình thường, nhưng nếu trong số đó có người đáng kính, thậm chí có bậc Thánh sơ quả Tu Đà Hoàn đi ngang qua mà người này không biết, vẫn phanh ngực đưa chân nói cười, dù không cố ý thì cái phước cũng bị tổn. Tích lũy nhiều lần như vậy, dần dần người này từ đẳng cấp không đến nỗi tệ sẽ bị rơi xuống đẳng cấp loài người thấp hơn (vì thật ra trong loài người tồn tại rất nhiều đẳng cấp).

Từ đó cho đến cuối đời còn lại họ phải làm thuê, làm mướn, phải nghe những lời chửi mắng không đáng nghe. Thậm chí chính họ làm những tội lỗi bậy bạ để rồi bị khinh bỉ. Vì vậy chúng ta hãy lưu ý giữ dung mạo, y phục đàng hoàng vì sẽ có rất nhiều lần mình tiếp xúc với những người đáng kính trên cuộc đời.

Trong cuộc sống này, khi có trí tuệ, có đạo đức, tự nhiên mình sẽ nhìn thấy những điều đúng sai nho nhỏ, tinh tế dần, và mình cẩn thận giữ gìn không để phạm sai lầm. Chi li như vậy giống như sự khắc khe, nhưng người có trí tuệ, có đạo đức thì lại thấy hạnh phúc trong điều đó.

Ví dụ đưa món đồ cho ai, trong tâm họ có thêm cái tác ý là ân cần, tôn trọng, chứ không đưa một cách xuề xòa. Cái xuề xòa thì dễ chịu, nhưng làm tổn phước về sau. Còn đưa một món đồ, mình khởi ý ân cần thì hơi vất vả một chút, nhưng cái phước lại tăng lên, và tâm mình cũng thấy hạnh phúc hơn.

Hoặc có người thấy miếng rác trên đường không quan trọng, họ thanh thản trong việc thấy rác không cần phải nhặt. Nhưng cũng có người ngược lại, nếu nhằm lúc có thể nhặt được mà bỏ qua không nhặt thì suốt đời họ không thanh thản được, phải cúi xuống nhặt mảnh rác lòng họ mới nhẹ nhàng hạnh phúc.

Cho nên khi có trí tuệ, có đạo đức bỗng nhiên mình nhận ra từng điều đúng sai nhỏ nhặt xung quanh, và cố gắng xử lý cho đúng. Đức Phật gọi đó là ba nghìn oai nghi, tám muôn tế hạnh.

Tuy nhiên, kĩ lưỡng như vậy nhưng ta không trở thành một “bà già khó chịu” làm ai cũng sợ, vì trong 8 muôn tế hạnh đó có tế hạnh là khéo tùy duyên độ người, khéo “hằng thuận chúng sinh”. Chúng sinh chưa đạt tới căn cơ đó, ta không trách họ, chỉ tìm cách khéo nâng họ lên dần dần mà thôi.

Thượng tọa chia sẻ, bản thân người đã nghe rất nhiều về những lầm lỗi của mọi người trên đời, ví dụ như cái lỗi về dâm dục. Người không bao giờ dám khinh bỉ, mà chỉ tìm cách giúp cho người kia vượt qua cái lỗi bằng cách sám hối, lễ Phật, làm các công đức. Tức là giữa cái đúng, cái sai trên đời mình tinh vi từng chút một nhưng không bao giờ mang nguyên tắc, luật lệ đó ra áp đặt lên mọi người để phán xét, chê trách. Cho nên dù cực kì kĩ lưỡng mà người khác ở gần vẫn không cảm thấy khó chịu, vẫn cảm nhận được sự yêu thương độ lượng. Một bậc Bồ Tát trong đạo Phật thì chói ngời như ánh mặt trời mà cũng dịu dàng như ánh trăng cũng là vì vậy. Các vị kĩ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ, nhưng độ lượng với tất cả. Còn người kĩ lưỡng mà làm cho không ai dám lại gần, đó là người khó tánh. Thánh và phàm khác nhau là thế.

Khi đã tu đúng, dần dần chúng ta cứ nhìn thấy rất nhiều điều đúng – sai nho nhỏ trong cuộc sống này, và tự trong tâm dứt khoát không làm điều sai, chỉ làm điều đúng, được gọi là “giữ giới”. Thật sự có quá nhiều giới, vì cuộc sống có quá nhiều điều bất ngờ, không tình huống nào giống tình huống nào cả. Tùy trí tuệ, tùy đạo đức mà chúng ta biết lúc nào nên làm gì, không nên làm gì vào mỗi thời điểm.

Nhân đây, Thượng tọa tâm sự về chuyến đi Trường Sa mà Người vừa tham dự cùng các đại biểu khác. Thượng tọa chia sẻ, khi đặt chân đến những vùng đảo xa, tận mắt nhìn thấy những người lính sẵn sàng hi sinh tất cả, sẵn sàng chết vì tổ quốc mới thấy thương các anh vô cùng.

Rồi khi di chuyển đến vùng đảo mà các chiến sĩ đã hi sinh, một là ở đảo Gạc Ma, hai là ở giàn khoan DK1 bị bão quật ngã, ai nấy đều xúc động rơi nước mắt. Hoặc khi ở trên tàu, do mọi người bị say sóng đến mức phải nằm nghỉ tại chỗ, không thể đứng dậy đi, khi ấy các Sĩ quan đã bưng cơm nước đến từng phòng với thái độ hết sức nhã nhặn, lễ độ. Điều này khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng, tình quân dân quả thực là như cá với nước.

Lên đến đảo, mọi người được tham dự Lễ chào cờ và nghe các Sĩ quan đọc 10 lời thề của quân đội nhân dân. Theo Thượng tọa, ai ghi ghi khắc vào trong tâm, ai sống được như vậy thì sau chết sẽ trở thành một vị Thần, vì những lời thề quá thiêng liêng.

Ví dụ, có lời thề là người lính không được hà hiếp, phải bảo vệ và đối xử tử tế với nhân dân. Hoặc có lời thề là nếu bị địch bắt giữ, bị tra tấn nhục hình thì thà chết chứ không khai báo điều gì bất lợi cho tổ quốc. Những lời thề hết sức mạnh mẽ như vậy làm thành sức mạnh tinh thần rất lớn cho người lính, cũng làm thành cái đức của quân đội ta.

Nhân đây, Thượng tọa phân tích về lời nguyện, lời hứa, lời thề.

“Lời nguyện” là nhẹ nhất, ví dụ ta quỳ xuống trước Phật nguyện lòng thương yêu chúng sinh, mình có làm hay không cũng không ai nói gì. Cao hơn chút nữa là “lời hứa”, nếu không làm thì mất uy tín, sẽ bị khinh chê, nhưng cũng không ràng buộc. Đến “lời thề” thì mới có cam kết, giá trị của lời thề là cam kết bằng một tai họa nào đó.

Trong đạo, người phật tử cũng có giữ giới, hoặc có những lời phát nguyện, nhưng rất nhẹ, không đủ sức mạnh như lời thề. Lời thề thể hiện sự quyết tâm nhiều hơn. Vì vậy sức mạnh trong đạo Phật yếu, người trên sai bảo, người dưới giãi đãi không làm cũng dễ dàng cho qua. Còn trong quân đội thì không có chuyện đó, quân lệnh như sơn. Tinh thần kỉ luật trong quân đội rất cao, bởi người lính sống bằng những lời thề cao đẹp. Vì những lời thề này mà tinh thần của người lính rất mạnh, đó cũng là cái đức của quân đội ta. Quân đội ta thắng dĩ nhiên là nhờ tài, nhưng bên cạnh đó cũng nhờ vào cái đức cao đẹp này.

Trong một bài phỏng vấn, Thượng tọa nói rằng chuyến đi lần này là dịp để Người tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc, về cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ và tầm nhìn triệu năm của tổ tiên ta từ thời lập quốc.

Ngày xưa cha Lạc Long Quân là một vị thần long đầy thần thông, khi du tuần về vùng Bắc Ninh đã gặp mẹ Âu Cơ là một tiên nữ giáng thế. Sau này hai vị cưới nhau, sinh ra những người con và truyền lại năng lực siêu phàm cho con. Thời đó vùng đất Bắc Ninh quá nhỏ bé không xứng với những người con, nên hai vị mới bàn đến chuyện lập quốc gia cho con mình.

Các vị chia 50 con xuống biển, 50 con lên núi. Tức là từ ngàn xưa, cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đã xác định lãnh thổ không phải chỉ là vùng đồng bằng Bắc Bộ nhỏ bé, mà còn là trên núi rất cao và vươn ra vùng biển đảo rất xa. Chưa có dân tộc nào lập quốc mà có tầm nhìn triệu năm như vậy cả.

Những quần đảo như Trường Sa, Hoàng Sa là những bãi cạn mà tàu buôn đi qua rất sợ, vì nếu lỡ cắm lên đó rồi thì không thoát ra được nữa. Vậy mà từ thời vua Gia Long, vua Minh Mạng cứ giữ Hoàng Sa, Trường Sa, sắc chỉ đến nay vẫn còn lưu lại. Đó là tầm nhìn từ cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Cho đến ngày hôm nay, Đảng và Nhà nước cũng xem bảo vệ biển đảo là chiến lược quốc gia.

Vì sao vậy, vì nếu các vùng này bị giặc chiếm đóng thì đất liền lập tức bị đe dọa, cái nguy cơ là rất gần. Biên giới rộng chừng nào thì sự an toàn trong đất liền mới càng được bảo đảm chừng nấy. Cho nên biển đảo là cái thế, cái lực của ta đối với thế giới.

Mà để có cái thế, cái lực này, để cho ta được ngẩng mặt với thế giới thì rất nhiều người phải đã phải gian khổ hi sinh. Chính vì vậy, dù trong giáo lý nhà Phật không buộc mình có tình yêu lính, nhưng hôm nay Thượng tọa muốn mọi người cùng nhau thắp lên tình yêu người lính trong tim mình.

Nhớ lại cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, chúng ta thấy rằng vợ chồng khi đã lớn tuổi cái nghĩa tình với nhau rất đậm đà, nhưng hai vị vẫn chấp nhận rời xa nhau vì sự nghiệp lập quốc cho con mình, rồi 100 người con đó cũng chia nhau cái trách nhiệm giữ gìn bảo vệ đất nước, vì sự nghiệp lập quốc cho anh mình.

Cho nên trong lịch sử lập quốc của nước mình, đã có những con người hi sinh tình riêng vì đại nghĩa. Không có quốc gia nào có lịch sử lập quốc đậm đà, lãng mạn, thông minh, sâu sắc, thiêng liêng như vậy. 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển – đó là tầm nhìn của triệu năm vĩ đại của tổ tiên, không đơn giản chút nào.

Hôm nay kế thừa một tổ quốc linh thiêng, mà nếu hiểu không hết ân nghĩa, hiểu không hết trí tuệ của tổ tiên, hiểu không hết sự hi sinh của bao người thì ta có lỗi rất lớn.

Nhiều khi cuộc sống không được tiện nghi như mình mong muốn, nước ngập một chút, rác trên đường nhiều một chút, chúng ta liền la lối phản đối phê bình nhà nước, đòi hỏi cuộc sống phải bằng với các nước trên thế giới, trong khi sự đóng góp của mình trở lại cho đất nước là không bao nhiêu. Ta cũng đâu biết rằng ở nơi biên giới xa kia, tiện nghi cực kì tối thiểu, mà các chiến sĩ vẫn phải căng mắt ra bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền.

Ở đầu bài nói chuyện Thượng tọa đã cho rằng khi trí tuệ lớn dần, tự nhiên mình nhận ra ngày càng nhiều lẽ phải mà mình phải gìn giữ, ôm ấp. Vì vậy, khi đã hiểu về bao hi sinh của người lính thì tình yêu thương người lính phải là trách nhiệm, là tình cảm thiêng liêng mà mỗi người chúng ta ấp ủ trong lòng mình.

Và trong cuộc sống này ta nhận ra lẽ phải sớm chừng nào thì càng đỡ sai lầm chừng nấy, cũng có nghĩa là đỡ tổn phước, và cái phước cứ tăng thêm từng ngày… từng ngày.

Ví dụ đứng ở nơi đông người đang chen nhau, mình bình tĩnh kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi. Cuộc đời này được gắn kết, được xây dựng bởi rất nhiều điều thiện nhỏ bé như thế. Là người tu theo Phật, có trí tuệ, có đạo đức, ta nhìn ra những lẽ phải nho nhỏ trong cuộc đời để bảo vệ, ôm ấp, thực hiện. Cứ từng ngày trôi qua như vậy, tích lũy cả đời mình. Và hết kiếp người dù không đảm bảo sẽ chứng quả Thánh cao siêu, nhưng sẽ cũng được quả báo đáng kể. Quả báo này là ta được lên đến một đẳng cấp cao trong loài người, dù bản thân không mong cầu. Sau khi mất, nếu không được tái sinh lên cõi trời thì cũng đầu thai vào những thân phận cực kì sang quý giữa loài người.

Bài pháp thoại là xâu chuỗi những câu chuyện giản đơn nhưng kết thành bài học vô cùng thấm thía. Thật sự, người đệ tử Phật càng có trí tuệ chừng nào thì càng nhìn ra lẽ phải nhiều chừng nấy, càng đặt ra cho mình nhiều “giới” chừng nấy, tức là những điều được và không được làm. Trong đó, ta buộc mình có tình yêu người lính – những con người ngày đêm bầu bạn cùng sóng biển, mây trời, làm bạn với sự đơn côi và bao mối hiểm nguy, để em thơ cất bước tung tăng, để chuông chùa thong thả xa đưa, và bao điều tốt đẹp sẽ đơm hoa kết trái trên mảnh đất quê hương này.

Thực sự, không có tình cảm nào đẹp bằng tình yêu nước. Nó chính là động lực cho tất cả mọi người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiếp tục cống hiến, phụng sự, hi sinh. Thêm nữa, lòng yêu nước cũng chính là một nét văn hóa đẹp làm nên sự khác biệt giữa Việt Nam với các nước khác trên thế giới. Vậy nên, thật tự hào khi nghe những câu chuyện Thượng tọa kể. Chắc chắn, Việt Nam chúng ta còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu những điều tốt đẹp ấy được gìn giữ và phát huy rộng rãi./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết pháp:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất