Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTránh những lý do làm đạo Phật suy tàn

Tránh những lý do làm đạo Phật suy tàn

-

Vào 30/12/2018, (nhằm ngày 24/11/ năm Mậu Tuất), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN đã chia sẻ bài Pháp thoại có chủ đề TRÁNH NHỮNG LÝ DO LÀM ĐẠO PHẬT SUY TÀN tại Khóa tu Thiền chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, với sự tham dự của thiền sinh và phật tử tại thành phố Vĩnh Long và các tỉnh, thành lân cận. 

Trong đề tài này, Thượng tọa đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến đạo Phật suy yếu. Đồng thời Người phân loại và rất mong mọi người hiểu rõ về 5 dạng đạo Phật đang tồn tại trên thế giới để cùng nhau suy nghĩ và tìm ra phương pháp tu hành đúng với ý Phật, nhằm góp phần làm cho đạo Phật trở nên hưng thịnh.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa chỉ ra ngay thực trạng hiện tại của đạo Phật và đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc với người nghe trước những trăn trở về tương lai của Phật giáo tại Việt Nam và trên thế giới. Thật vậy, trước đây, có một số quốc gia đạo Phật phát triển rất mạnh nhưng giờ lại suy tàn rất nhanh, như Phật giáo tại Ấn Độ là một ví dụ. Chúng ta có từng nghĩ tại sao một tôn giáo mang đến nhiều điều tốt đẹp cho loài người như vậy mà không phải là một tôn giáo mạnh, trong khi những lời dạy của Đức Phật luôn đúng với mọi thời đại. Giống như nhà Bác học Einstein (Anh-xtanh) đã ca ngợi giáo lý của Đạo Phật hết lời “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó chính là Phật giáo”.

Theo Thượng tọa, trước sự suy yếu của đạo Phật, những vị tu chân chính chỉ biết cố gắng tu hành để tìm ra con đường giáo hóa, làm cho đạo Phật phát triển trở lại. Tuy nhiên, muốn cho đạo Phật hưng thịnh được như trước, chúng ta phải thấy rõ nguyên nhân sâu xa vì sao đạo Phật suy yếu để cố gắng làm lại cho đúng. Thì một trong những nguyên nhân dẫn đến suy tàn Phật pháp là chính người đệ tử của Phật bị thiếu phước.

Trước đây, đạo Phật phát triển hùng mạnh vì người đệ tử Phật hiểu và thực hành đúng theo những lời Ngài dạy. Còn ngày nay, chúng ta thờ Phật vì có điều cần cầu xin, nhưng lại không hiểu sâu sắc những lời Phật dạy. Thậm chí, có nơi dân chúng thờ Phật vì bị ép buộc. Vậy nên, chúng ta không đủ phước, không đủ sức làm những điều lớn lao cho tôn giáo của mình.

Nhìn qua những nước theo tôn giáo khác, ta thấy đất nước họ phát triển thịnh vượng, đời sống dân chúng được nâng cao, tôn giáo cũng có nhiều công trình rất đồ sộ, nề nếp. Trong khi đạo Phật lại không được vậy. Đạo Phật của chúng ta manh mún, nhỏ lẻ, hầu hết theo kiểu tự giác, tự nguyện, tự phát mà không có sự kết hợp chặt chẽ với nhau.

Thượng tọa khẳng định, người đệ tử Phật thiếu phước là do không chịu làm phước. Trong khi tín đồ của các đạo khác làm phước rất khủng khiếp. Chẳng hạn, đạo Hồi “ra lệnh, bắt buộc” tín đồ của mình phải bố thí, còn đạo Phật ta chỉ “khuyến khích” bố thí. Ngoài ra, họ còn tổ chức rất nhiều hoạt động từ thiện khác. Họ luôn tâm niệm rằng giáo lí không bằng hành động. Chính việc chọn con đường từ thiện làm cho phước của họ lên cao và nhanh.

Đạo Phật cũng nói về việc làm phước, thậm chí là làm những cái phước siêu đẳng hơn. Tuy nhiên, do đệ tử Phật không chịu làm nên cái phước ít. Nguyên nhân cũng bởi đa số chúng ta cứ nghĩ chỉ cần tụng một bài kinh là được vô lượng phước rồi. Chính suy nghĩ sai lệch này đang giết chết đạo Phật. Khách quan mà nói, đạo Phật suy tàn là bởi rất nhiều nguyên nhân, nhưng đệ tử Phật thiếu phước là nguyên nhân cốt lõi nhất.

Bên cạnh việc lười làm phước, còn có lí do khác là chúng ta không quan tâm đến yếu tố “phước” là quan trọng thế nào tới sự tu tập. Trong khi ngày nào chúng ta cũng hưởng thụ mà không cống hiến lại gì cho đời, nên cái phước cứ giảm dần cho đến hết. Cuối cùng, 95% chúng sinh sau khi chết đều đọa ngạ quỷ. Vậy mới thấy đa số chúng ta đều không hiểu vai trò quan trọng của cái phước đối với cuộc sống.

Nguy hiểm là trong đạo Phật lại có nhiều đường lối tu hành cổ súy cho lối sống như vậy, một lối sống không cần cống hiến mà cho rằng đó là hay, là độc cư, thanh tịnh… Những lối sống này tưởng là cao siêu nhưng thực chất lại khiến chúng ta nhanh hết phước nhất. Hiểu nhân quả rồi ta mới thấy cái sai trong quan điểm tu hành của mình.

Nhân đây, Thượng tọa cho biết chính cái sai trong quan điểm tu hành của chúng ta khiến đạo Phật bị chia làm 5 loại khác nhau.

Loại đầu tiên là đạo Phật mê tín. Đạo Phật mê tín là trong đạo Phật đó không có sự tu dưỡng đạo đức, không quan tâm đến việc làm phước, không hiểu gì về lời dạy của Đức Phật, không có nói tới thiền định giải thoát. Họ chỉ nghĩ rằng chùa là nơi mà ta tới đó đóng vào một ít công sức của cải nhưng lại cầu xin cái lợi rất lớn. Đó chính là mê tín. Loại đạo Phật này bây giờ rất nhiều. Thậm chí, có đất nước coi đó là quốc giáo luôn. Tín đồ của loại đạo Phật này hễ quỳ dưới chân Phật là chỉ toàn cầu xin những điều vụn vặt, ích kỉ cho bản thân. Vậy mới nói đạo Phật suy yếu bởi những lời cầu nguyện bí mật của con người.

Để nhắc nhở mọi người về quan điểm sai lầm này, Thượng tọa chia sẻ: đến với đạo Phật chúng ta có quyền cầu xin nhưng hãy khôn ngoan để dâng lên được lời cầu xin tối thượng nhất, đúng với tâm của Đức Phật. Chúng ta biết rằng lòng từ bi của Phật là tuyệt đối, phủ trùm khắp chúng sinh. Ngài lúc nào cũng thanh tịnh, nghiêm trang, nhưng thực ra trong tâm luôn đau đáu một ước muốn là chúng sinh đồng giác ngộ giải thoát. Do vậy, lời cầu xin tối thượng nhất, đúng với tâm của Phật là ta xin Ngài gia hộ cho chúng sinh khắp chốn đều được giác ngộ giải thoát.

Người nào phát nguyện được vậy thì không bị rơi vào mê tín. Thêm nữa, còn được Chư Thiên để ý, gia hộ. Tuy nhiên, người phát nguyện được vậy rất ít. Đa số chúng sinh đều rơi vào mê tín, ví dụ có bộ tộc thờ phụng máy bay. Mà không chỉ mê tín bình thường, còn có cả mê tín cao cấp, đó là tin vào bùa ngải. Điều này thực sự nguy hiểm.

Một loại đạo Phật thứ hai là tuy mang hình thức tu hành nhưng trong nội tâm rất hiểm ác, thủ đoạn, hơn thua, lợi ích nhóm, hay tranh giành, chiếm đoạt, mưu hại lẫn nhau. Mà giới này càng tiếp cận quyền lực chừng nào thì cái bản chất ác độc càng bộc lộ ra nhiều chừng nấy, khiến mọi người mất niềm tin vào đạo Phật.

Chúng sinh đến với đạo Phật mong tìm sự thanh tịnh, đạo đức để tu hành. Nếu một vị thầy không đạo đức thì thay vì tu hành có khi mọi người cũng bị lôi kéo vào những việc xấu đó luôn. Nghĩa là, thay vì tu dưỡng đạo đức, bài trừ cái ác, ta lại đồng lõa, tiếp tay cho cái ác phát triển. Đây cũng là điểm yếu để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá đạo Phật, khiến mọi người mất niềm tin vào đạo Phật, cuối cùng buông bỏ con đường tu hành của mình.

Thứ ba là đạo Phật gồm những người có thiện chí tu hành nhưng tu sai nên tốn công mà không có kết quả. Nguyên nhân là đặt niềm tin vào những điều không có thật. Không chỉ riêng đạo Phật mà rất nhiều tôn giáo khác cũng đang bị điều này. Do vậy, nhiều người có thiện chí tu hành, rất tinh tấn, rất hiền lành, rất đạo đức, tốn công, tốn sức nhưng không mang lại kết quả gì. Mà nếu không làm được gì thì sao đạo Phật có thành tựu chung. Nghĩa là chúng ta tốn công tốn sức nhưng vẫn không làm cho đạo Phật mạnh lên được.

Là một đệ tử Phật chân chính, chúng ta phải bước ra khỏi được những niềm tin sai lầm để giải thích, cứu rỗi mọi người xung quanh. Tức chúng ta có thiện chí tu hành rồi nhưng làm sao để tu hành cho đúng, bởi đi đúng đường thì kết quả tu hành hiện ra liền. Ta chứng được tâm linh, có khi còn đắc đạo luôn.

Thật ra, thiện chí tu hành là điều không dễ có, nhưng khi có nó rồi thì phải tu làm sao cho đúng con đường, đó mới là yếu tố để đắc đạo, đây là điều Thượng tọa khẳng định.

Thứ tư là đạo Phật rất tinh tấn thiền định theo lời Phật dạy, biết được toàn thân, nhiếp tâm được trong thanh tịnh, có được chánh niệm tỉnh giác. Thậm chí, có thần thông. Tuy nhiên, ta phải rõ một điều là chứng Thiền chưa chắc đã chứng Thánh. Chừng nào phá được kiết sử, ta mới chạm tay đến Thánh quả. Để giúp các phật tử tránh nhầm lẫn, Thượng tọa nhấn mạnh: chứng Thiền và chứng Thánh là hai điều khác nhau.

Rất nhiều người tu thiền, đạt đến cảnh giới nhập định, nhưng không biết Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo thì không phải là Thánh. Thêm nữa, thay vì lấy cái phước, họ đi tìm cái vinh quang, hạnh phúc của thế gian. Khi hết phước rồi lại rớt xuống làm người bình thường như cũ. Cho nên, người chứng Thiền thì không thể chứng Thánh là vì vậy.

Hiện nay, rất nhiều người dồn sức tu tập thiền định, ngoài ra không cần biết gì nữa, rất kiêu ngạo. Họ coi chỉ có mình mới là tinh tấn, những người xung quanh thì vô minh, phàm phu, tầm thường. Tức là họ càng tinh tấn, càng kiêu mạn, dẫn đến sự sai lầm về đạo đức. Hệ quả là tông phái của họ cũng bị suy thoái.

Thêm nữa, nhiều người bị lầm rằng chứng Thiền là chứng Thánh. Họ đồng hóa hai điều đó với nhau. Trong khi đạo Phật lại rạch ròi giữa hai vấn đề này. Đến đây ta mới thấy sự khác biệt giữa chứng Thiền và chứng Thánh.

Và dù nói Thiền khác Thánh nhưng muốn chứng Thánh, ta phải tu thiền. Đó là điều bắt buộc. Tức là, chứng thiền chưa chắc đã chứng Thánh nhưng đó là con đường đầu tiên và duy nhất để ta có thể tiếp cận được với Thánh quả. Chỉ trừ trường hợp kiếp trước ta tu gần chứng rồi, kiếp này chỉ cần nhúc nhích là chứng luôn. Đó là do căn cơ thượng thừa từ đời trước. Vì vậy, phải tu thiền thật kĩ từng bước. Ngoài ra, không có con đường tắt nào khác.

Thứ 5 là đạo Phật cũng đi con đường Thiền định nhưng không chỉ dừng lại ở chứng Thiền mà còn đi tìm Thánh quả giải thoát thực sự. Nghĩa là, diệt trừ được 10 kiết sử. Và phải phá được những bản năng này mới gọi là Thánh.

Để phá được kiết sử, phải nhiếp tâm được trong Thiền định. Tuy nhiên, Thiền định không phải là tất cả. Ngoài thiền, còn cần phải có đạo đức và cái phước vô tận nữa. Đây là hai cái thiếu rất lớn của người muốn làm Thánh.

Người nhấn mạnh, muốn làm Thánh, thứ nhất phải đạo đức đến mức phá được bản năng sâu thẳm. Thứ hai là có phước lớn, có mục tiêu hướng về vô ngã. Không có mục tiêu này, ngồi thiền sẽ không nhiếp được tâm. Chỉ khi nhiếp được tâm, ta mới ý thức được về chính mình, thấy được hai con đường hiện ra cho ta lựa chọn.

Đầu tiên là ta ý thức rất rõ điều mà ta gọi là Phật tánh chân tâm. Người chọn con đường này sẽ thấy tâm mình chính là Phật. Con đường thứ hai là nhiếp tâm được thanh tịnh, ý thức được chính mình, biết rõ toàn thân.

Người theo loại đạo Phật thứ 5 này lúc nào cũng biết thiền không phải để hưởng, mà là để cải thiện đạo đức. Tức là, khi tâm thanh tịnh, ta sẽ thấy được từng cái lỗi vi tế còn tồn tại trong tâm mình.

Tiếp đến, họ biết đem cả cuộc đời mình để cống hiến cho đời, cho đạo, cho chúng sinh. Bất cứ điều gì có lợi cho đời, họ đều nổ lực làm mà không tiếc công, tiếc sức. Không bao giờ trong đầu họ xuất hiện ý nghĩ là sống cho mình, dù chỉ một giây. Nhờ đó, ngày qua ngày, họ tích lũy được công đức vô lượng, đủ để đi hết kiếp này đến kiếp khác. Hiểu điều này, ta mới làm phước một cách vui vẻ, miệt mài, không biết mệt mỏi. Trong đầu luôn tâm niệm hạnh phúc là cống hiến, phụng sự. Cuối cùng, vẫn là ta dùng cái sức của thiền để tạo nên vô lượng công đức, phụng sự cho đời, cho đạo ở kiếp này và vô lượng kiếp sau.

Một điều ta không thể quên đó là mục tiêu vô ngã, nếu không ta sẽ đi sai đường liền. Có mục tiêu này, dù làm gì ta cũng không chấp công; dù đạo đức cao đến mấy ta vẫn thấy mình tầm thường; dù nhập định rất sâu ta vẫn thấy mình chỉ là cỏ rác dưới chân Phật. Dần dần, ta thấy kết quả đầu tiên hiện ra của mục tiêu vô ngã là sự khiêm hạ. Người nào có đạo đức này thì biết rằng mình đang đi trên con đường hướng về vô ngã.

Cuối cùng, Thượng tọa xác định rằng dù tinh tấn tu hành, miệt mài làm phước, đạt được mục tiêu vô ngã nhưng cái nền tảng quan trọng nhất vẫn là lòng thương kính Phật. Tu theo tôn giáo nào thì ta phải tôn kính Bậc tối thượng của tôn giáo đó, và hiểu được giáo lí, thực hành sâu. Vậy mới vững vàng trước mọi sự cám dỗ, chống phá bên ngoài được.

Tóm lại, đây là bài Pháp thoại được nói ra sau khi đã đúc kết kinh nghiệm trong quá trình tu hành cũng như thực tế cuộc sống của Thượng tọa. Thêm nữa, cách nói rất giản dị, gần gũi khiến các phật tử hiểu rõ ý Pháp mà Thượng tọa muốn truyền trao. Từ những kinh nghiệm quý báu này, mọi người có thể đối chiếu với việc tu hành của mình để tu tập cho đúng, tránh đi sai đường, đặt nhầm niềm tin, cuối cùng rơi vào tà mê, dẫn đến việc tu hành vất vả mà không có kết quả.

Thêm nữa, Người đã bàn đến một thực trạng rất đáng lo ngại là đệ tử Phật không chịu làm phước. Đạo Phật được công nhận là một tôn giáo hiền lành, từ bi, trí tuệ nhất thế giới mà người đệ tử Phật lại thiếu phước đức thì quả là một nghịch lí. Chúng ta luôn nói chấn hưng đạo Pháp nhưng thực tế đó chỉ là lời nói suông, không mang lại kết quả gì. Chỉ khi nào chúng ta tu hành đúng đường và giúp cho nhiều người cùng tu, tích cực làm phước để đóng góp vào cái phước chung làm cho đạo Phật trở nên hưng thịnh thì khi đó đạo Phật mới thực sự có cơ hội phát triển rực rỡ như thời Đức Phật xưa. Và đây cũng là cách chúng ta đền ơn Chư Phật, Chư Bồ tát đúng với chánh Pháp, khiến ta không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất