Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang khai Pháp đầu năm tại chùa Tương Mai

TT. Thích Chân Quang khai Pháp đầu năm tại chùa Tương Mai

-

Vừa qua, tối ngày 04/02/2017, (nhằm ngày mùng 08/01/năm Đinh Dậu), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã có buổi thuyết giảng đầu tiên của năm Đinh Dậu tại chùa Tương Mai (Hà Nội) về chủ đề ĐỪNG CẠN NGHĨ với sự tham dự trên 5 nghìn người, bao gồm Phật tử tại thành phố Hà Nội và các tỉnh như Hải Phòng; Bắc Ninh; Nam Định, Thủy Nguyên, Thanh Hóa, cùng khách thập phương xa gần cũng như nhân dân địa phương. Mặc dù đêm tối, trời rất rét, nhưng hàng nghìn phật tử vẫn tụ hội về chùa Tương Mai trong tâm tình cầu nguyện và thính Pháp đầu năm.  

19_19-02-2017

Ý nghĩa của bài Pháp thoại đã đưa ra khái niệm, đặc điểm cũng như tầm ảnh hưởng của sự “cạn nghĩ” đến đời sống và việc tu hành của mỗi người. Đồng thời, chỉ ra những phương pháp rèn luyện, giúp các phật tử biết nhìn xa trông rộng, biết tinh tế trong từng suy nghĩ. Từ đó, có thể vững chắc, ổn định mà từng bước tu tập.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa dành một chút thời gian nói về những ân nghĩa của cuộc đời đối với mình trong sự nghiệp Hoằng hóa về hai vị Pháp lữ đồng tu (Một vị miền Nam, một vị miền Bắc) có cùng chí nguyện độ sinh, cùng hướng về ánh sáng giác ngộ, và mang hương từ bi ban rải khắp nhân gian.

53_19-02-2017

Thượng tọa tự nhận mình thiếu phước, bất hạnh, đau khổ… nên trên đường giáo hóa gặp nhiều chông gai, chướng nạn. Những ai hỗ trợ Người, yêu thương Người trên bước đường hoằng Pháp đều phải chịu nhiều vất vả, oan trái, cũng đắng cay, có khi cũng chịu những lời chửi mắng nhục mạ. Thiết nghĩ, con người đôi khi phải trải qua những cuộc chiến đơn độc với bản thân. Chỉ có người chân chính, tốt nhất mới có thể thấu hiểu, nâng đỡ và chia sẻ với họ và đó gọi là tình huynh đệ Pháp lữ đã nhiều đời gắn bó.

Trên đời này, chúng ta gặp rất nhiều người nói năng hành động quá trớn. Có kẻ vì si mê có tính “cả vú lấp miệng em”, át giọng người khác, cho người khác là ngu dốt không bằng mình. Lại có người ngu si điên đảo cho rằng “ta đây là nhất” không ai bằng mình nên lấn lướt, hống hách, tự tiện áp đặt tội lỗi lên người khác…Tất cả những người như thế đều là người ngu si, dù người đó được ăn học có bằng cấp, có chức vụ này nọ.

Tuy nhiên, vàng bao giờ cũng là vàng, không thể vàng mà là đồng được, hoặc ta không làm điều gì quấy thì những sự sỉ nhục ấy chẳng dính líu gì tới ta, nên ta không cần khổ tâm suy nghĩ đến. Các vị chân tu vẫn an nhiên tự tại, vẫn tinh cần tu trì, rất ít khi nghỉ ngơi mà âm thầm giáo hóa cứu độ mọi người với tấm lòng từ bi thật cao cả. Các Ngài mặc bao sóng gió tai ương, bao thị phi, nhưng tên tuổi, đẳng cấp của các Ngài vẫn mãi được khẳng định.

Trong thời mạt pháp đầy hỗn loạn này, chỉ cần ta khởi lên một chút ý nghĩ sai lầm trong tâm thì đời tu của chúng ta sớm muộn gì cũng trở nên tệ hại. Chúng ta hiểu rằng nguyên tắc nhân quả là một nguyên tắc bất di bất dịch, không một ai có thể đứng ngoài nguyên tắc này. Vì vậy, đừng ai khởi ác tâm với những bậc chân tu. Chúng ta, cầu mong cho những ai hay phê bình hay lăng mạ các huynh đệ tâm linh cùng những người bạn đồng hành của mình, hãy dứt bỏ tánh kiêu căng, khinh miệt, hãy từ bỏ mọi niệm tưởng xấu xa.  Bởi vì tất cả những điều này sẽ đưa họ tới con đường tái sinh vào các cõi thấp. Như Ngài Dagpo Rinpoche vô song đã nói: “Trừ phi bạn thực hành Pháp phù hợp với Giáo pháp
bằng không, chính Pháp ấy sẽ trở thành nguyên nhân của con đường tái sinh xấu ác”, tức họ sử dụng Giáo pháp để tích luỹ ác hạnh, và điều này giống như một cái cối đá kéo lôi họ đoạ xuống những cõi thấp là vậy.

54_19-02-2017

Đi vào nội dung bài Pháp, Thượng tọa, tản mạn về cái vui của ngày Tết. Theo đó, Người khẳng định cái vui đầu tiên của ngày Tết là cái vui của trời đất. Tiếp đến, nó trở thành cái vui của lòng người, của cộng đồng. Sau cùng, nếu cộng đồng đó có văn hóa, có tri thức, có lễ nghĩa thì nó trở thành cái vui của đạo lí. Nhưng thế nào là cái vui của đạo lí?

Để làm rõ điều này, Thượng tọa đã chỉ ra một số biểu hiện từ cái vui của đạo lí. Trước hết là những phong tục đẹp như con cháu trở về đoàn tụ, mừng tuổi, hiếu kính với ông bà, cha mẹ,… Qua những hành động tốt đẹp đó, con người có niềm vui, có tình cảm với nhau hơn. Đây chính là đạo lí. Và niềm vui đúng nghĩa của ngày Tết, là niềm vui trong đạo lí. Vậy nhưng, nhiều người lại không hiểu bản chất thật sự của niềm vui nên đã cạn nghĩ, chỉ vì một chút hơn thua, nóng giận mà đâm chém đoạt mạng nhau, khiến cái Tết kết thúc trong thảm kịch. Những ngày qua đã có không biết bao nhiêu trận ẩu đả, gây gổ, xích mích, những lời chửi mắng làm tan vỡ mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Để tránh sự lặp lại của những bi kịch đó, Thượng tọa đã chọn đề tài “ĐỪNG CẠN NGHĨ” để thuyết giảng cho mọi người.

57_19-02-2017

Người giải thích rằng khi ta bị người khác mắng, ta không tìm ra nguyên nhân thực sự của lời mắng, của cơn nóng giận đó. Đây là cái ‘’cạn nghĩ’’ thứ nhất. Cái cạn nghĩ thứ hai là ta mắng lại người ta mà không biết điều gì đang diễn ra trong tâm họ. Do vậy, “cạn nghĩ‘’ chính là không nhìn thấy rõ quá khứ cũng như tương lai; không nhìn thấy nguyên nhân và cũng không thấy rõ hậu quả.

Người không cạn nghĩ thì ngược lại, họ hiểu nguyên nhân và biết luôn được hậu quả. Ví dụ, một số người tự dưng lại tìm đến và tốt với ta một cách kì lạ. Những người không cạn nghĩ thay vì vội vàng nhận lấy lòng tốt đó, họ lại đi tìm nguyên nhân, mục đích của những người kia. Trên đời này, chỉ trừ những bậc Thánh là vị tha thật sự. Cái tốt của các Ngài xuất phát từ trong đạo lí. Còn nhiều người, khi tốt với ta là họ đều có mục đích riêng. Có thể họ đang muốn vay mượn, hoặc họ tìm cách tiếp cận với người trong gia đình ta để nhờ vả, hoặc họ đang ngắm nghía gia tài của ta… Đó là những khả năng có thể xảy ra. Sau khi xem xét kĩ lưỡng, chấp nhận lòng tốt từ người khác, người không cạn nghĩ sẽ biết những người kia sẽ nói gì và dẫn dắt mình đi đâu. Nghĩa là lúc nào họ cũng nhìn xa trông rộng, biết đặt mình vào nhiều tình huống.

64_19-02-2017

Thượng tọa nhấn mạnh, điều này nghe có vẻ bi quan nhưng nó lại rất thực tế. Sống ở đời, ta cứ nhìn cho ra hết những mặt xấu đi rồi mới giữ được lòng mình trong đạo đức, mới biết cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp với từng người. Vậy mới vừa khôn ngoan, vừa đạo đức. Để thành công với vô số việc khó hơn, lớn hơn trên đời thì việc biết nghĩ sâu nhìn rộng chính là một điều cần thiết.

Không riêng gì cách đối nhân xử thế, ngay việc tu hành cũng vậy, chỉ những người biết nhìn xa trông rộng mới có thể tiến xa trên con đường tu tập đạo hạnh. Người cạn nghĩ chỉ mãi luẩn quẩn, dậm chân một chỗ mà thôi.

Để thấy rõ hơn sự khác nhau giữa người cạn nghĩ và người không cạn nghĩ, Thượng tọa lấy thêm một ví dụ khác. Đó là khi nghe lời hứa hẹn rằng chỉ cần tụng một bài kinh ngắn thì sẽ được vô lượng công đức, không cần tu nữa vẫn có thể muốn gì được nấy. Nếu là người cạn nghĩ, tham lam, không biết đến nhân quả sâu xa sẽ tin và đi theo họ. Ngược lại, người không cạn nghĩ sẽ nhìn xa hơn, thấy được hậu quả rõ ràng. Họ biết rằng con đường tu tập rất gian nan, vất vả, phải qua nhiều kiếp, phải tận tụy phụng sự, cống hiến mới có phước đức sâu dày. Cái phước đức đó giúp cho cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn, lời nói của họ có trọng lượng hơn, uy tín của họ cao hơn. Đây cũng chính là nguyên tắc của xã hội, của tâm lí học và của nhân quả nghiệp báo.

58_19-02-2017

Theo đó, Thượng tọa cảnh tỉnh: Người cạn nghĩ, không chịu tu tập cho tinh tấn, nghe theo những lời dẫn dụ không cần tu, sau này cũng chỉ là bóng mờ trong gia đình, trong cộng đồng,. Hết phước, cuộc sống của họ sẽ trở nên bế tắc. Chưa kể đến lúc chết đi, linh hồn của họ chỉ là những bóng ma đói vật vờ, không nơi nào chứa. Như vậy, không cạn nghĩ chính là biết nhìn ngược về quá khứ, nhìn xa vào tương lai khi tiếp nhận một sự việc. Đồng thời, biết được nguyên nhân và lường trước được hậu quả của nó.

Trên đường đời, không ít lần ta gặp những cảnh khổ của đồng loại, dù họ không cầu xin, nhưng nếu ta đi qua luôn, xem như không thấy thì ta đã gieo một cái nhân đau khổ, và hiện tại đạo đức của mình cũng đã mất rồi. Những lúc như thế, ta đừng bỏ mặc họ, hãy hỏi han, giúp đỡ để gieo một cái nhân tốt. Đấy vừa là đạo đức, vừa giúp ta tránh bị quả báo về sau. Tức là điều gì thoáng qua trong đời, ta cũng phải nhìn cho thấu cái quả để xử lí mọi việc cho thấu đáo. Đó mới gọi là không cạn nghĩ trong đạo đức. Không cạn nghĩ trong đạo đức mang lại cho ta quả báo là không cạn nghĩ trong tài năng. Tự nhiên, ta có cái trí để lường trước mọi việc, khiến mọi tính toán trong cuộc sống của ta đều đúng đắn, thành công. Nhân quả là vậy.

Với thế hệ trẻ, việc tinh tế, sâu sắc trong đạo đức cũng như trong việc ứng xử với mọi người thực sự cần thiết. Nó giúp các em chu đáo đến tận cùng trách nhiệm của mình trong công việc sau này. Nhất là khi cung cấp một dịch vụ, các em biết nghĩ đến nhiều bước phía sau, mang đến sự hài lòng nhiều hơn mong đợi cho khách hàng. Được như vậy là một thành công rất lớn. Ví dụ khi sản xuất cà phê đóng gói, hãy nghĩ xem bã cà phê sau khi pha xong rồi người ta sẽ mang đi đâu, cái bao bì ở ngoài người ta sẽ vứt đi đâu, có làm ô nhiễm môi trường không, làm cách nào thu lại, thu lại rồi sẽ tái chế thế nào… Vậy nhưng, muốn làm được điều đó, ta phải tập đừng cạn nghĩ ngay từ bây giờ. Bắt đầu từ việc đối xử tinh tế, sâu sắc với người khác, làm gì cũng nghĩ đến ba, bốn bước về sau. Đây là yêu cầu với những người bình thường. Còn với những người có trí tuệ cao siêu như nhà chính trị, nhà tình báo, họ vạch ra những chiến lược, những kế hoạch phát triển đất nước là họ đã phải tính từ 50 đến 100 bước kế tiếp.

Việc cố gắng tập nhìn được ba, bốn bước về sau giúp trí tuệ ta dần dần khai mở, ta biết đi trong đạo đức trước thay vì chọn đi trong cái không ngoan. Nghĩa là, đối xử với con người bằng đạo đức là cách rèn luyện đầu tiên giúp ta không cạn nghĩ. Với một vị Giảng sư, nếu coi nhiệm vụ của mình là giảng thật hay để mọi người thích thú, vỗ tay thì là cạn nghĩ. Vì cái quan trọng là làm sao để bài giảng đủ sức mạnh, ghi dấu vào tâm hồn người khác cả đời, rồi biến thành hành động, thúc đẩy họ thay đổi cuộc sống, thay đổi tâm hồn. Điều này rất khó làm, nhưng hiểu được đến đây mới không cạn nghĩ.

63_19-02-2017

Muốn bài giảng có sức mạnh, vị Giảng sự phải biết tự sửa và suy xét mình từng chút một. Cứ từng chút… từng chút đó, gom góp lại mới tạo thành chất liệu, thành bản lĩnh, thành đạo lực. Cuối cùng, nó thành uy lực khiến bài giảng có sức mạnh một cách tự nhiên. Lúc này, không cần la hét, không cần giằng co, mỗi lời nói của Giảng sư tự xoáy vào tim mọi người, ghi dấu và thay đổi tâm hồn họ, khiến họ trở thành người tốt hơn xưa rất nhiều lần.

Để kiểm tra cũng như rèn luyện cái suy nghĩ sâu xa của mình, Thượng tọa khuyên các phật tử hãy vạch ra những dự định của bản thân theo từng tuần, từng tháng rồi từng năm. Sau khi năm đó kết thúc, hãy xem mọi việc có diễn ra như đúng dự định không. Nếu nó đúng đến 90% thì ta là thiên tài, biết nghĩ rất sâu. Còn nếu không có điều nào đúng thì ta thuộc loại cạn nghĩ, ảo tưởng. Tuy nhiên, dù có suy nghĩ cẩn thận đến mức nào, vẫn luôn có những yếu tố bất ngờ làm thay đổi kế hoạch cuộc đời của mình. Ta phải tập dự trù tất cả các tình huống có thể xảy ra và đưa ra những phương án giải quyết tối ưu, triệt để nhất. Vậy mới là người biết nghĩ sâu xa.

Cuối cùng, Người khẳng định lại, tất cả những điều tốt đẹp trên đời đều bắt nguồn từ cái nhân là không cạn nghĩ trong đạo đức. Từ cái nhân này, ta gặt hái được cái quả không cạn nghĩ trong cuộc sống, trong tài năng và cả trong sự tu tập. Nhờ vậy, người tu hành sẽ cực kì thông minh, tinh tế, sâu sắc. Dù họ chưa đắc quả Thánh nhưng họ biết mình đang đứng ở vị trí nào và sẽ đi qua những bước nào. Lường trước được những điều này, ta sẽ có những bước đi rất ổn định, kín đáo, nhẹ nhàng, không ảo tưởng, không kiêu mạn. Đó gọi là người không cạn nghĩ trong tu tập.

62_19-02-2017

Bằng cách so sánh trực tiếp giữa sự cạn nghĩ và không cạn nghĩ, lại thêm rất nhiều ví dụ minh họa, nội dung bài Pháp đã trở nên rất đơn giản, rõ ràng, giúp các phật tử nhận diện được đặc điểm cũng như sự nguy hại của việc cạn nghĩ đối với đời sống và việc tu tập của mình. Từ đây, mọi người biết rèn luyện suy nghĩ của bản thân sao cho chín chắn, tinh tế, sâu sắc; biết lường trước mọi việc và có những phương án xử lí phù hợp với mỗi tình huống xảy đến với cuộc đời mình.

Đồng thời, bài Pháp cũng mang đến một thông điệp rằng đừng bao giờ bi quan, chán nản dù xảy ra việc gì đi chăng nữa, bởi luôn có một con đường sáng, kể cả ở nơi tăm tối nhất. Chỉ cần biết lắng tâm suy nghĩ cho thấu đáo, biết dự tính mọi việc trước sau thì ta sẽ tìm ra cách giải quyết cho mọi vấn đề. Như thế, chính ta sẽ làm cho cuộc sống mình trở nên tốt đẹp từ việc thay đổi suy nghĩ của bản thân./.

Tuệ Đăng

Hình ảnh buổi khai Pháp đầu năm tại chùa Tương Mai:

2_19-02-2017 3_19-02-2017 5_19-02-2017 6_19-02-2017 7_19-02-2017 9_19-02-2017 14_19-02-2017 19_19-02-2017 21_19-02-2017 24_19-02-2017 26_19-02-2017 27_19-02-2017 28_19-02-2017 29_19-02-2017 31_19-02-2017 31c_19-02-2017 33_19-02-2017 34_19-02-2017 35_19-02-2017 37_19-02-2017 38_19-02-2017 40_19-02-2017 42_19-02-2017 43_19-02-2017 45_19-02-2017 46_19-02-2017 48_19-02-2017 50_19-02-2017 51_19-02-2017 52_19-02-2017 53_19-02-2017 54_19-02-2017 55_19-02-2017 56_19-02-2017 57_19-02-2017 58_19-02-2017 61_19-02-2017 62_19-02-2017 63_19-02-2017 64_19-02-2017 65_19-02-2017

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất