Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Diệt trừ vọng tưởng

-

Vừa qua, chiều ngày 11/11/ 2017, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã chia sẻ bài Pháp thoại về chủ đề “DIỆT TRỪ VỌNG TƯỞNG” nhân Khóa tu thiền tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long). Bài Pháp đã chỉ rõ vai trò của thiền đối với Phật giáo cũng như cách thức để có được tâm thanh tịnh. Đây là những giáo lí hết sức cần thiết giúp các phật tử có thể tiếp cận và đi được vào cái lõi của việc tu hành một cách đúng đắn, để đạt được sự giác ngộ, giải thoát.

Buổi Pháp thoại có sự tham dự của Chư tôn đức Tăng, Ni tại các tự viện trong và ngoài thành phố Vĩnh Long, cùng hơn 1500 phật tử xa gần tại các tỉnh miền Tây. Được biết, Khóa tu thiền tại đây ngày càng thu hút phật tử các nơi đến tham dự. Thành phần tham dự là những phật tử thuần thành hoặc giới trẻ mới tiếp cận để tìm hiểu về đạo Phật. Thông qua khoá tu này, các phật tử có cơ hội thực hành đời sống hướng thiện, nâng cao giá trị đạo đức, tâm linh, trau dồi kiến thức Phật pháp.

Chương trình tu học bao gồm: Lễ Phật, tụng kinh, sám hối, toạ thiền, thiền hành, tham vấn, tập khí công, tập hát, v.v…

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa nhận định: đến chùa nghe Pháp là việc tốt nhưng cứ canh đến giờ thuyết Pháp mới đến, nghe xong rồi về thì không tốt chút nào. Mọi người phải đến sớm, dự khóa thiền cho đầy đủ, đàng hoàng. Cả đời mê muội, lăn trôi, nay mới bắt đầu đi vào cốt lõi của đạo Phật thì cố gắng tu tập không chỉ cho bản thân mình mà còn để thực hiện ước nguyện của TT Thích Phước Hạnh – Người đã xây dựng và phát huy thiền cho Phật giáo miền Tây.

Để tu được thiền, trước hết mọi người phải biết đỉnh cao của nó, tức là mục tiêu tu tập của mình để mà cố gắng, nếu không ta sẽ không đủ sức mạnh, không đủ động cơ để đi đến tận cùng, vì tu thiền rất cực khổ.

Người cho biết, mục đích cuối cùng của tu thiền là giác ngộ giải thoát, chấm dứt vô minh và bản ngã, đắc A La Hán trở thành Phật. Tuy nhiên, nếu ai hỏi tu thiền để làm gì thì chúng ta tùy thuộc vào tâm của từng người mà có câu trả lời khác nhau. Ai đủ sức tiếp nhận kết quả nào thì ta nói kết quả đó. Ví dụ, với người ốm yếu, ta nói tu thiền để tăng cường sức khỏe; với người bận rộn, ta nói tu thiền để giải tỏa stress; với người thích bói toán, ta nói tu thiền để khai mở tâm linh, bước vào thế giới nhiệm màu,… Và chỉ với người con Phật, những người chịu cực khổ để tu thiền ta mới nói tu thiền để diệt trừ bản ngã, đắc đạo quả A La Hán cao siêu. Đây là đỉnh cao tột cùng của thiền.

Thượng tọa nhấn mạnh, rất khó nói đâu là bước ban đầu của thiền, nhưng ta phải nhớ thiền được tạo nên từ 3 nền tảng: đạo đức, công đức và khí công. Dù không phải là bước ban đầu nhưng đây là 3 yếu tố bắt buộc phải có khi mới tu thiền. Tuy nhiên, trước đó ta còn có bước khác nữa. Đó là trong rất nhiều kiếp về trước, ta may mắn gặp được một bậc Thánh cơ duyên giác ngộ, hiểu được sự cao siêu của Ngài, ta xúc động, kính ngưỡng. Ta bất ngờ xúc động đó là công hạnh đầu tiên. Đó mới thực sự là giây phút đầu tiên của ta. Từ giây phút đầu tiên đó, cái đạo tâm của ta lớn dần, lớn dần cho tới tận bây giờ.

Tuy nhiên, từ lúc ta xúc động trước bậc Thánh cho tới ngày hôm nay ta vẫn chưa chứng gì cả, vậy mới biết sự tu hành là cực kì khó khăn. Nhưng ngày hôm nay, ngồi đây tu thiền là ta đã bước một bước rất là dài. Còn những người xuất gia, dám từ bỏ cuộc sống thế tục, sống một đời sống mô phạm, giới hạnh để làm gương, dạy dỗ cho mọi người thì các vị tinh tấn và bước nhanh hơn ta.

Còn từ lúc xúc động trước một bậc Thánh cho đến ngày chứng bằng bậc Thánh đó không biết ta phải đi mấy ngàn kiếp. Nhưng trong chặng giữa đó ngày nào ta cũng tinh tấn ngồi thiền, tháng nào cũng tham dự khóa thiền ta sẽ rút ngắn được thời gian, sớm xuất gia để tinh tấn hơn nữa. Ngược lại, những người không tham dự khóa thiền, không chịu tọa thiền hàng ngày thì con đường đi sẽ rất xa.

Vào chùa là ta bước vào cõi Phật, nhìn đâu cũng thấy Phật, ở đâu cũng thấy thanh tịnh, trang nghiêm. Người trong tâm thường huân tập, tư duy, thực hành Phật pháp và thiền định thì nhân đó mới tạo thành cái quả được vào cõi Phật sống. Như quý thầy cô, quý phật tử khi về với cõi Phật, với lòng yêu thích, xem chùa là nhà mình thì không muốn rời đi. Nói vậy, nhưng thực chất đấy là do duyên nghiệp lôi kéo. Những người này cái nhân, cái tâm đã thuộc về cõi Phật rồi. Còn ai chỉ chờ hết khóa tu để chạy về nhà thì tâm thuộc về thế tục, trầm luân sinh tử, rất khó xuất gia vào chùa. Người đến chùa mà quyến luyến, không thích rời đi là đã đủ nhân về với cõi Phật. Được vậy, kiếp trước phải yêu thích, phát nguyện thì kiếp này mới coi chùa là nhà được.

Trên con đường tu tập cho đến lúc đắc đạo cao siêu, ta buộc phải tu thiền rất gian nan, vất vả. Nhưng chỉ ngồi thiền thì không thể đắc đạo được dù nó là cốt lõi của đạo Phật, bởi ngoài thiền đạo Phật còn nhiều thứ khác nữa. Giống như con người, không thể sống chỉ có bộ khung xương mà còn phải có da, có thịt,… Đạo Phật, ngoài thiền là cái xương sống thì còn rất nhiều cái xương khác. Đó là vô số công hạnh mà ta phải tu tập.

Thiền là pháp tu cốt lõi nhưng ta đừng khờ dại, cực đoan, bác bỏ hết những pháp tu khác trong đạo Phật. Tin và tu theo đạo Phật, ta phải tỉnh táo. Giống như một viên kim cương phải được mài giũa nhiều góc. Thiền là cái lõi nhưng pháp tu khác cũng cần thiết và pháp tu nào cũng đẹp. Vậy nên, người nào tu chứng thì ta thấy họ đẹp và đúng trên từng giây phút của cuộc sống.

Trở lại với giá trị của thiền, phật tử nào đến với đạo Phật lâu năm mà chưa tu thiền là chưa có cái căn bản, cốt lõi. Phải có cái cốt lõi này ta mới tu hoàn chỉnh được. Đây chính là điều mà TT Thích Phước Hạnh trăn trở, ao ước.

Nói đến thiền là tâm thanh tịnh, không vọng niệm, không xao động, không suy nghĩ, thậm chí nhập định. Giống như Đức Phật ngồi 49 ngày dưới gốc bồ đề để nhập định sâu xa. Đi hết con đường định đó, Ngài đã vượt qua hết tất cả tâm thức, bản ngã rồi trở thành vũ trụ của Pháp giới này. Tức là tu thiền thì tâm phải thanh tịnh. Tâm loạn động thì không phải thiền. Vì vậy, người tu thiền phải biết diệt vọng tưởng, đó là cánh cửa, đó là chìa khóa. Hễ nói tu thiền là biết nhiếp tâm diệt trừ vọng tưởng, nhưng mà làm sao để tâm không vọng tưởng, đây là bài toán cực khó.

Mỗi người, mỗi tông phái đưa ra một cách giúp người tu nhiếp được tâm khác nhau. Không chỉ đạo Phật, mà Yoga của Ấn Độ, những người tu tiên, những người tập võ công cũng đều nói đến tâm thanh tịnh. Nghĩa là cái tâm thanh tịnh rất quan trọng. Và nó là giá trị của thiền.

Người ngoài khi nhìn vào người tu thiền, lúc nào họ cũng để ý mọi cử chỉ, hành động xem còn sự bận tâm không. Do đó, người tu thiền phải diệt được vọng tưởng. Sau đó mới nhập định cao siêu. Nếu ở ngay kiếp này mình tu đúng, trong đời sống thực hành những công hạnh đầy đủ thì bảo đảm một điều ít nhất trong cuối đời này ta hưởng được sự an lạc của nội tâm thanh tịnh. Nếu tu sai, không đúng, hay tu đúng mà chưa đủ thì có khi 300 kiếp sau tâm mình được yên, có khi chưa được yên thì mình đã làm bậy mất rồi.

Để chứng được quả Thánh thì đòi hỏi công đức rất lớn. Bên cạnh việc tu thiền, ta cũng phải tích cực gây dựng công đức bằng cách làm nhiều việc thiện, đừng gây ác nghiệp. Nếu không, chúng sẽ phá sạch cái phước của ta. Tu đủ, đúng phương pháp hướng dẫn, cộng thêm đời sống tốt lành thì ngay trong kiếp này ta sẽ được hưởng sự an lạc trong tâm.

Người nhấn mạnh, muốn diệt được vọng tưởng, ta phải hiểu vọng tưởng là gì. Ta biết tu thiền là diệt trừ bản ngã, không chấp cái ta. Vậy nên, nếu nói người cầm gươm để diệt trừ bản ngã thì người cầm gươm chính là bản ngã, bởi khi ta diệt vọng tưởng thì ta chính là vọng tưởng, cái mà diệt trừ chấp ngã cũng chính là bản ngã. Vậy lấy gì để diệt vọng tưởng và ai sẽ diệt trừ vọng tưởng?

Thượng tọa lí giải, nghe thì ta thấy hoang mang, nhưng hoang mang như vậy là đúng phương pháp. Đến lúc tâm thanh tịnh ta mới hiểu câu nói của Tổ Bồ Đề Đạt Ma hay Tổ Huệ Năng “phiền não tức bồ đề”, tức cái tốt cũng là cái tâm đó, cái xấu cũng là cái tâm đó. Không có cái tâm khác.

Cái phức tạp, khó khăn là ở chỗ này, ta loay hoay tu hành để diệt trừ vọng tưởng thường là thất bại vì chính ta mới là vọng tưởng. Vậy nên, tu bao nhiêu pháp môn, bao nhiêu kiếp, hôm nay ta vẫn chưa diệt được nó. Đây là lí do mà khi vào thiền ta tụng bài kệ: “thân này không phải ta, tâm này chẳng phải ta, chẳng có gì là ta”. Cho nên, người tu cũng chính là bản ngã. Cái người diệt vọng tưởng cũng chính là vọng tưởng, nhớ như vậy. Vậy làm sao để tâm thanh tịnh?

Giá trị của thiền là tâm thanh tịnh, không vọng tưởng, không suy nghĩ. Dấu hiệu cho biết ta tu đúng là tâm thanh tịnh dù tu pháp môn gì. Tuy nhiên, cái diệt vọng tưởng cũng là vọng tưởng. Lấy vọng tưởng để diệt vọng tưởng thì không bao giờ hết. Do vậy mà mấy kiếp qua ta tu mãi không có kết quả. Hiểu điều này rồi, ta mới biết những người bắt chân kiết già, ngồi tu thiền thì hôm nay không phải là lần đầu mà nhiều kiếp trước họ cũng ngồi thiền rồi, nhưng chưa thành công. Bởi vì dùng vọng tưởng diệt vọng tưởng thì không hết vọng tưởng.

Lấy phân rửa phân thì không hết phân, lấy sình tẩy sình không hết sình. Đó là lý do ta hiểu tại sao ta tu mà tâm không thanh tịnh, vì bí mật là chỗ này. Hiểu điều này rồi, người tu thiền mà 30 năm không hết vọng tưởng ta đừng thắc mắc, vì dùng vọng tưởng diệt vọng tưởng không bao giờ hết. Yếu chỉ tu thiền là đúng và đủ. Hãy nhớ là để nhiếp tâm cần rất nhiều phương pháp, chứ không bao giờ chỉ một phương pháp mà nhiếp tâm được.

Ngay cả Đức Phật, Ngài ca ngợi pháp môn hơi thở, Ngài nói ai tu được pháp môn này thì được nhiều lợi ích, tức là Ngài không chỉ ca ngợi hơi thở mà còn ca ngợi nhiều pháp môn khác. Mà ta ca ngợi 4 vạn 8 ngàn pháp môn để bao vây nội tâm mới đủ sức chuyển hóa nó thành thanh tịnh.

Và trong nhiều phương pháp ta thực hành đồng bộ để bao vây vọng tưởng của ta đó, nó cần có phương pháp đầu tiên là lòng tôn kính Phật. Nó là nhân ban đầu để chuyển hóa bùn lầy thành sen. Thấy người khác tôn kính, lễ Phật ta cũng phải bắt chước, làm sao để gieo cái lòng tôn kính Phật vào trong cái tâm lầy lội của mình. Có lòng tôn kính Phật, ta mới khống chế, hóa giải được vọng tưởng. Vậy nên, ta thường nói hóa giải vọng tưởng, chứ không ai nói diệt trừ vọng tưởng. Vì diệt trừ vọng tưởng cũng chính là vọng tưởng. Cho nên tôn kính Phật là một phương pháp. Do đó, mỗi ngày ta đều lễ Phật là vậy.

Ta không chủ trương niệm Phật thường xuyên, nhưng phải có một thời lễ Phật nghiêm túc mỗi ngày. Nếu không có lễ Phật thì bùn không hóa thành sen. Tuy nhiên, tâm vọng tưởng mà ta nghĩ là vứt đi lại là một thứ vô cùng quý giá, là nguồn sống của ta. Giống như ta nghĩ tham là xấu nhưng tham tu hay tham làm phước lại là tốt. Ta từng nghe “phiền não là bồ đề”, hiểu rõ thì nó cũng giống cái sân của ta. Sân là xấu nhưng nếu nó quay ngược lại chính mình, giận lầm lỗi chính mình thì cái sân đó lại tốt vô cùng. Cũng là cái tâm vọng tưởng đó nhưng nó đã biến thành đạo đức trong tâm ta, không còn xấu xa, dơ bẩn nữa. Cho nên, đạo đức là bước kế tiếp để chuyển hóa nội tâm ta, đưa nó dần về thanh tịnh.

Cũng cái tâm đó, trước đây ta suy nghĩ hại người, ghét người thì giờ ta suy nghĩ giúp người, thương người. Trước đây ta chỉ yêu thương một vài người thì giờ ta trải yêu thương ra vô số chúng sinh. Và cũng chỉ cái tâm đó chứ không phải cái tâm nào khác, trước đây nó là sình lầy hôi tanh, nay đã trở thành phù sa màu mỡ.

Vậy nhưng, đây mới là chuyển hóa thôi chứ vọng tưởng vẫn còn. Bước đi từ tâm xao động cho tới tâm thanh tịnh rất dày công, chứ không phải một sớm một chiều, ngồi thiền vài ba buổi mà đã thành công. Trong rất nhiều bước đó, tôn kính Phật là bước đầu tiên. Ngoài ra, còn có vô số tâm hạnh, đạo đức ẩn sâu bên trong.

Nghĩa là có phù sa nhưng không phải tự nhiên sen mọc mà ta phải trồng thì mới có. Tức cái tâm đó phải biến thành hành động, cái đạo đức đó phải tác động vào cuộc sống chung quanh. Nó không nằm im mà phải lan tỏa, đi vào cuộc sống và tác động lên mọi người. Tốt hay xấu, thanh tịnh hay loạn động là việc của tâm, nhưng để khẳng định bản chất của tâm thì phải nhờ vào dấu ấn thể hiện ra bên ngoài với mọi người chứ không phải bên trong nội tâm.

Nên nhớ, ta phải đối xử với mọi người, phải góp sức xây dựng cuộc đời ra sao thì mới thể hiện được cái nội tâm tốt đẹp của ta. Còn chỉ ngồi nói tôi tốt lắm, vị tha lắm, thương người lắm mà chưa làm được điều gì thì cái tâm tốt đó cũng rất dễ sụp đổ. Thay vì nói, hãy làm những hành động cụ thể, đem lại lợi ích thực sự thì mới thành dấu ấn đánh vào tâm, cho thấy ta là người đạo đức.

Khi chuyển hóa nội tâm thành người đạo đức, làm lợi cho chúng sinh, giúp ích được cho đời thì ta được công đức. Vậy đạo đức là công đức đầu tiên ta chuyển hóa dần nội tâm của mình trên con đường diệt trừ vọng tưởng.

Nhân đây, Thượng tọa nhấn mạnh, không bao giờ có chuyện ngồi thiền, đóng hơi thở mà tắt được vọng tưởng. Không bao giờ có chuyện đó, vì theo công thức là đúng nhưng chưa đủ. Đủ là gì? Đủ thì phải là một quá trình rất sâu dày từ khi ta lễ Phật mỗi ngày, ta tư duy để chuyển hóa nội tâm, rồi hành động giúp đời, giúp người một cách thực tế để tạo nên công đức. Vậy nên, ở khía cạnh này, đạo Phật trở thành rất thực tiễn, rất thực tế chứ đạo Phật không còn là lý thuyết suông.

Không bao giờ có chuyện người chứng đạo lại chưa bao giờ làm việc thiện. Họ phải làm việc thiện ngập tràn, đó là nguyên tắc bắt buộc. Sống mà lan tỏa được lợi ích cho cuộc đời thì ta gọi là Thánh, dù không biết nội tâm họ thế nào, chỉ thông qua những hành động tốt đẹp họ làm thôi. Dần dần, họ cũng trở thành Thánh thật.

Trong lịch sử, rất nhiều người tự xưng là Thánh nhưng chưa chắc họ đã là Thánh theo tiêu chuẩn của đạo Phật, dù được đất nước, con người công nhận. Nhưng một ngày không xa, có thể họ cũng trở thành Thánh thật. Ta cũng vậy. Còn tu tập thiền định mà tâm chưa thanh tịnh thì làm gì chứng được quả Thánh.

Trên con đường tâm thanh tịnh, ta phải đi qua hai bước rất dày là đạo đức và công đức. Đạo đức là chuyển hóa nội tâm trở thành tốt đẹp. Công đức là từ nội tâm tốt đẹp ta đem lại vô số lợi ích cho mọi người xung quanh. Lúc đó, trong và ngoài tương ưng khế hợp, tâm tốt thế nào thì hành động tốt thế đó. Hành động tốt thế nào thì tâm bên trong cũng như vậy.

Nhìn những người như thế ta gọi là Thánh. Tuy nhiên, trong đạo Phật thì chưa bởi họ đang đi đúng đường nhưng chưa xong. Ta cần sức mạnh nội tâm và cơ thể nên phải luyện tập khí công. Giống như Đức Phật từng làm. Nghĩa là nội lực rất quan trọng trong việc tu thiền. Mà nội lực là gì?

Nội lực là sức mạnh bên trong, khác với sức mạnh cơ bắp. Sức mạnh cơ bắp hay còn gọi là ngoại lực, nó là sức căng của cơ và gân, giúp ta lao động, sống và bớt bệnh tật. Tuy nhiên sức mạnh cơ bắp chưa đủ tạo thành sức mạnh của bộ não. Não ta vốn dĩ rất mềm nên nó không thể gồng lên. Tay cứng có thể gồng lên, còn não gồng lên sẽ vỡ liền. Cơ cấu lực là lực lúc nào cũng chạy xuống bụng. Chân càng gồng thì tay càng cứng, não càng mềm thì càng trí tuệ, sáng suốt. Nên ta nhớ, cái cứng, cái mềm giữa bộ óc và chân tay ngược nhau. Lực là phải chạy xuống dưới, bộ não phải trống không mới tốt. Tức là, để nuôi dưỡng bộ não, ta cần một lực khác chứ không phải lực cơ bắp. Cái lực đó là nội lực.

Cách tạo ra nội lực cũng khác so với cách tạo ta lực cơ bắp. Nếu muốn có lực cơ bắp ta phải vận công. Còn để tạo ra nội lực, ta chỉ cần thở đúng cách. Lại thêm, nội công có hiệu quả lớn hơn nhiều ngoại công mà cách tập nó cũng nhẹ nhàng. Ta chỉ cần hít thở êm nhẹ. Thở chầm chậm dài gấp 5 lần hít vào. Làm đúng như vậy, một thời gian ngắn nội công sẽ xuất hiện.

Dấu hiệu cho thấy ta có nội lực là ngay trong ngày tập đầu tiên, lưng đã hết đau. Tập đều đều thì nội lực thấm dần vào người. Lúc nội lực dày lên, nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thiền định. Ta dù cố gắng lễ kính Phật, làm nhiều việc thiện nhưng tâm vẫn còn vọng tưởng. Tới khi tập khí công, nhất là âm dương khí công là tâm thanh tịnh liền.

Theo Thượng tọa, chỉ có hai loại khí công làm tâm thanh tịnh là khí công nguyên pháp (thụt dầu) và âm dương khí công. Còn khí công tâm pháp thì sát với thiền rồi. Mới đầu, chỉ là ngồi cho đúng, an trú và kiểm soát toàn thân. Sau đó quán thân này là vô thường, rồi biết rõ hơi thở vào ra. Đây là đúng theo quy trình Phật dạy. Ta thực hành như vậy không sai chút nào, tất cả điều đó giúp ta bao vây vọng tưởng. Thế nhưng tâm vẫn chưa yên được.

Người lí giải, dù làm đúng 5 bước: ngồi đúng tư thế; giữ thân mềm mại bất động; an trú biết rõ toàn thân; quán thân vô thường; theo dõi hơi thở, đáng lẽ tâm ta đã vào định. Tuy nhiên, 5 bước này chỉ có công dụng khóa vọng tưởng chứ không diệt được nó. Làm sao diệt được vọng tưởng? Đây cũng là bí quyết của đạo Phật.

Chỗ này Phật cũng không đụng tới. Nhưng rõ ràng, 5 bước trên giúp ta ngồi thiền, không nhắc đến vọng tưởng, vậy mà dứt luôn được vọng tưởng. Thực hành đúng 5 bước đó, tâm bắt đầu nhiếp trong thanh tịnh. Đây là kĩ thuật diệt trừ vọng tưởng mà không đụng vào vọng tưởng. Phương pháp này ứng dụng rất nhiều vào cuộc đời nên ta phải học và ghi nhớ để thực hành.

Để mọi người hiểu rõ điều này, Người giải thích, 5 bước đó đều không đụng đến nhưng lại có tác dụng làm lắng vọng tưởng. Cái đầu tiên, chưa biết gì nhưng ngồi đúng tư thế kiết già, giữ cho chân tay yên thì vọng tưởng bắt đầu bớt. Thứ hai là giữ thân mềm mại, bất động, chỗ nào gồng cứng thì buông ra, chỗ nào nhúc nhích thì giữ yên. Thứ ba là an trú, biết rõ toàn thân thì tâm ta bớt xao động, nội tâm trở nên bình tĩnh liền. Điều này rất quan trọng, dù không dập tắt được hoàn toàn nhưng nó lại là liều thuốc mạnh để tâm lắng xuống. Đây là giá trị của nội công.

Nghĩa là người có nội lực thì có lực toàn thân, giúp họ luôn nhớ toàn thân. Khi thiền mà hay quên kiểm soát toàn thân là thiếu nội lực. Người có khí công thì lực tỏa ra khắp người. Lúc nào họ cũng nương theo nội lực đó để biết rõ toàn thân. Giá trị khí công hỗ trợ thiền là ở chỗ này. Khí công làm ta có nội lực để dễ nhớ thân của mình. Trong kĩ thuật nhớ thân đó, dù chưa dứt được nhưng đã làm cho vọng tưởng lắng xuống. Vậy nên, để an trú toàn thân thì nội lực rất quan trọng.

Khi biết rõ toàn thân, tức là thân ta an ổn, nội lực xung mãn, tự nhiên sẽ xuất hiện cái chấp thân (tức là chấp ngã). Vậy nên, phải có bước thứ 4 là quán thân vô thường để đặt nền tảng đầu tiên, diệt trừ bản ngã. Phải có bước thứ tư này và nó đã được Đức Phật dạy đi dạy lại rất nhiều lần. Trong đó, có cuốn kinh chuyên nhắc về quán thân vô thường.

Trên thế giới không ai nói đến chuyện quán thân, riêng Đức Phật lại nói rất chi tiết, tỉ mỉ. Đến lúc tu, ta mới biết Phật đại từ đại bi, trí tuệ vô lượng không ai bằng. Nếu ta không quán tới mức xương thành bụi bay mất luôn thì cái chấp thân còn, chưa thể diệt tận gốc được.

Sau này, có người nhắc đến việc quán thân thì cũng chỉ là bắt chước Phật, nhưng không thể cặn kẽ, nói hết tận những điều sâu kín như Phật được. Vậy nên, ta mang ơn Phật sâu đậm. Hiểu điều này ta mới lễ Phật thiết tha, tôn kính.

Khi bớt chấp thân thì vọng tưởng của ta lắng sâu hơn nữa. Dù không đụng đến nhưng vọng tưởng đã yên rất nhiều. Lúc này, ta bắt đầu theo dõi hơi thở. Đến bước thứ 5 này mà tâm chưa dứt vọng tưởng là ta chưa đủ đạo đức, công đức cũng như khí công. Cho nên, ngoài việc tu đúng theo 5 bước này, ta phải tiếp tục trau dồi ba yếu tố: đạo đức, công đức và khí công nữa.

Tu đúng theo 5 bước, cộng thêm việc thực hiện đủ 3 yếu tố đó thì lúc ngồi thiền ta bắt đầu diệt được vọng tưởng. Khi đó, dù chưa nhập Sơ thiền, Nhị thiền nhưng tâm ta đã tỉnh giác, trống không, an lạc. Giai đoạn này chính là Chánh niệm tỉnh giác. Đi hết 30 kiếp trong Chánh niệm tỉnh giác một cách thuần thục rồi ta mới nhập Sơ thiền ở kiếp thứ 31. Nhập sơ thiền tương đương với Thánh quả A Na Hàm, dù chưa phải Thánh. Và phải tỉnh giác, thanh tịnh thì mới diệt được 5 triền cái.

Tóm lại, thiền là chủ đề quen thuộc, được Thượng tọa thuyết giảng nằm bàn bạc trong tất cả bài giảng của mình. Tuy nhiên, những giáo lí mà Người chia sẻ lần này hoàn toàn mới mẻ, lần đầu tiên mọi người được nghe đến. Vậy nên, Người đã lấy rất nhiều ví dụ gần gũi, gắn liền với sinh hoạt và văn hóa miền Tây Nam Bộ, giúp bài Pháp trở nên sinh động, dễ hiểu.

Qua bài Pháp thoại này, mọi người hiểu rõ hơn về vai trò của thiền cũng như cách thức tu tập thiền đúng đắn và đủ. Dựa vào đây, mọi người có thể tự tu tập, thực hành và uốn nắn, đốc thúc bản thân sao cho việc tu học được tiến bộ hơn. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ mọi người cùng tu tập, góp phần xây dựng cộng đồng Phật giáo phát triển.

Ngoài ra, bài Pháp mang đến thông điệp rằng thiền không chỉ là cái lõi của đạo Phật mà nó còn là công cụ, phương tiện mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chúng sinh. Do đó, phát huy thiền là vừa góp phần phát triển Phật giáo, vừa góp phần cống hiến, phụng sự cho đời. Vậy nên, không ai được đứng ngoài nhiệm vụ bảo vệ và phát huy thiền Phật giáo./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa thiền và buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất