Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài "Phí Phạm" tại chùa...

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài “Phí Phạm” tại chùa Tương Mai

-

Vừa qua, tối ngày 22/09/2017, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm đến chùa Tương Mai (Trương Định, Hà Nội) thuyết Pháp cho các phật tử về chủ đề “PHÍ PHẠM”. Bài Pháp thoại đã chỉ ra mối nguy hiểm của hành động này, cũng như những dấu hiệu để nhận biết mà vượt qua. Đồng thời, đưa ra một số phương pháp để các phật tử tránh vung phí, không bị tổn phước. Buổi thuyết Pháp đã thu hút được sự tham gia của trên 5000 phật tử đến từ nhiều tỉnh phía Bắc.

Theo Thượng tọa, trên nhân quả những gì chúng ta có trong đời mình đều đến từ cái phước. Tuy nhiên, dù nói là của mình nhưng không phải mình muốn dùng thế nào cũng được. Sử dụng sai điều gì ta sẽ mất điều đó ngay. Sử dụng sai có hai nghĩa, một là bỏn xẻn, hai là phung phí. Trong phạm vi đề tài này Thượng tọa muốn nhấn mạnh về hành động phung phí, để mọi người cẩn thận không phí phạm từ điều rất nhỏ cho đến điều rất lớn trong đời mình. Thật sự đã có những người đã sống hoài phí cả kiếp người, đến khi chợt hiểu được thì không còn nhiều thời gian để chuộc lại cái lỗi đó nữa.

Để hiểu đúng mức “phí phạm” là thế nào, Thượng tọa đã định nghĩa:

– Đầu tiên, phí phạm là “dùng không hết công năng, công suất” của thứ gì đó.
Có nhiều vật dụng vì quá nhỏ nên ta xem thường, ta dùng phí phạm, ví dụ mẩu khăn giấy mới lau được một góc đã vò lại quăng mất, hay một ly nước chưa uống hết ta đã bỏ đi, hoặc bát cơm ta chừa lại, đổ bỏ v.v… Những điều ta cho là nhỏ nhặt, nhưng tích lũy nhiều cái nhỏ nhặt như vậy sẽ thành cái lớn. Tức là, cái tội phung phí tích lũy lâu ngày sẽ thành quả báo nghèo khó, cơ cực thiếu thốn, chứ không đơn giản. Vì vậy, có những người dù gương mặt phúc hậu đẹp đẽ mà vẫn nghèo, thì ra cái nghèo không đến từ cái nhân bủn xỉn hà tiện bóc lột mà đến từ cái nhân phí phạm những thứ rất bé từ đời trước.

– Thứ hai, phí phạm nghĩa là “dùng không đúng chỗ, cho không đúng người”. Chẳng hạn vì cảm tình, ta thoải mái vung tiền cho người khác nhưng người được cho lại mang tiền đi hưởng thụ phung phí, hoặc làm những chuyện rất bậy bạ. Như vậy số tiền của ta cho họ xem như sự lãng phí cực kì. Cứ tích lũy nhiều lần như vậy, chắc chắn sau này chính ta sẽ chịu quả báo thiếu hụt tiền bạc, thậm chí rất khốn cùng. Hoặc như ta đãi mọi người ăn một bữa tiệc thịnh soạn, chi phí rất cao, nhưng chỉ để giải trí và thể hiện sự sang trọng của mình… Cái tội này cũng đánh vào nhân quả tội phúc của ta ngay.

Trường hợp dùng để hưởng thụ nhiều hơn cống hiến cũng là dùng không đúng chỗ. Chẳng hạn ta có căn nhà rộng lớn nhưng ta dùng không hết công suất, chỉ để cho mình mình sống, hưởng thụ tiện nghi mà thôi. Như vậy, lúc nào đó ta sẽ mất đi căn nhà này (ta phải bán đi hoặc mua căn khác nhỏ hơn). Còn nếu ta tận dụng căn nhà rộng của mình để cống hiến, như làm chỗ tạm trú cho sinh viên, hoặc làm chỗ đón tiếp mọi người, đón tiếp chư Tăng, cất trữ đồ từ thiện… thì căn nhà “nở ra”, tức là dần dần những điều thuận lợi may mắn sẽ đến khiến ta có được căn nhà thứ hai.

– Thứ ba, phí phạm nghĩa là “sử dụng món đồ gì đó với ý khoe khoang, mà sự khoe khoang này vượt qua khỏi cái phước của mình”. Ta mau hết phước, thậm chí lụn bại hoàn toàn là vì cái lỗi này. Chẳng hạn dù cái phước của mình đang thiếu, ta vẫn vay mượn mua một chiếc xe rất sang để đi giao dịch làm ăn. Chiếc xe sang đó vượt qua cái phước của ta, vì vậy ta đã phạm lỗi phí phạm. Hoặc cố tạo ra vẻ bề ngoài đạo mạo, tốt đẹp hơn cái tâm, cái phước thật sự bên trong của mình, đó cũng là lỗi phí phạm.

Thật ra, khi ta trưng bày, ta chứng tỏ một điều vượt hơn cái phước của mình thì chắc chắn sự sụp đổ cũng đến, dù ta có khôn khéo, có mưu tính cách mấy. Nhân quả luôn vận hành hiệu quả hơn sự mưu tính của con người. Cho nên người hiểu nhân quả là người rất thanh thản, dù vẫn làm ăn nhưng họ luôn biết rằng sự tính toán của mình chỉ là một phần bé, còn phần quan trọng là nhân quả nghiệp báo. Họ cũng thoát khỏi sự chủ quan, tự cao vì biết rằng sự thành bại bắt nguồn từ nơi khác, chứ không phải từ cái tài của mình.

Tóm lại, tất cả những điều ta có như tiền bạc, sức khỏe, danh vọng, nếu ta phí phạm thông qua hành động: dùng không hết công suất, cho không đúng người, hưởng thụ nhiều hơn cống hiến, dùng để khoe khoang điều vượt hơn cái phước của mình… Tất cả đều sẽ biến mất.

Để cái phước không bị tổn mà còn tăng trưởng lên thêm thì ta phải làm sao sử dụng cho đúng tất cả những thứ mà mình có trên đời, hay còn gọi là tàn sản của mình. Tài sản này có khi hữu hình, có khi vô hình.

Nói về tài sản vô hình, dưới đây là một số dẫn chứng để các phật tử hiểu rõ, chẳng hạn tình cảm, thiện cảm của con người với nhau cũng là một loại tài sản vô hình. Nhưng nhiều khi ta đã rất phí phạm. Biết người nào thương mình, ta tìm cách nhờ vả, đòi hỏi, vòi vĩnh – tức là khai thác, lợi dụng niềm tin, tình cảm của họ. Và dĩ nhiên lúc nào đó tình cảm sẽ phai nhạt, biến mất. Vậy làm sao để không rơi vào cái lỗi này? Có hai điều, đầu tiên hãy tận dụng tình cảm thương mến của người khác với mình để rủ họ tu tập, đưa họ đến với đạo lý. Thứ hai là không nhờ vả cho cá nhân, mà nhờ người kia trong công việc từ thiện, chẳng hạn giúp đỡ cho nhiều người qua cơn khốn khó.

Cho nên khi biết ai thương mình, hãy hết sức cẩn thận, hết sức giữ gìn để tình nghĩa với nhau còn mãi. Nếu buộc phải dùng đến tình cảm đó thì đừng bao giờ dùng vì mình, mà hãy dùng vì đạo pháp, vì đạo tâm của họ và vì những việc từ thiện chính đáng. Làm được như thế, ta sẽ không mắc phải lỗi phí phạm.

Hoặc trí khôn cũng là một loại tài sản vô hình, và cũng bị phung phí rất nhiều. Thế nào là phí phạm trí khôn? Là dùng trí khôn để chơi đùa nghịch ngợm, bày mưu tính kế phá hoại, trục lợi, lừa gạt… Gây những cái nghiệp này, quả báo trở lại với ta là mất trí, không còn trí nhớ, hoặc sự ngu độn u tối vào đời này hoặc đời sau.

Có những người dùng trí óc của mình vào những việc vô bổ, chẳng hạn bài bạc, chơi game… Tưởng là sự giải trí đơn thuần, là cái lỗi nhỏ không đáng kể, nhưng thật ra họ vừa lãng phí trí khôn, vừa lãng phí thời gian. Nếu cái nghiệp này được tích lũy rất nhiều thì quả báo sẽ trở lại trên hai phương diện: cái trí của họ dần tối đi, và thời gian mà họ được sống trên đời sẽ bị rút ngắn lại.

Trí khôn chỉ không bị phí phạm khi ta dùng nó để tìm cách giúp người, học hỏi đạo lý, xoay lại tìm lỗi mình, hướng dẫn huynh đệ cùng tu v.v… Kết quả là trí khôn phát triển thành trí tuệ, càng lúc càng lớn cho đến mức đặc biệt, như có những điều không cần học mà chỉ cần nghe thoáng qua tai là đã nắm bắt được.

Gia thế cũng là một loại tài sản, một ưu thế của con người. Nếu ta dựa vào gia thế để lấn hiếp, khoe khoang, hống hách, kiêu ngạo, đó gọi là phí phạm về gia thế. Và quả báo sẽ đến: Một là ta phải rời bỏ gia thế đó, tức là không ai chấp nhận mình trong gia đình nữa. Hai là vì sự hống hách của ta mà gia đình suy sụp, gia thế tan vỡ, mất hết danh dự tiếng tăm. Vì vậy, để giữ gìn cho gia đình mình, cha mẹ hãy dạy con, cháu, kể cả người làm trong nhà không bao giờ có thái độ hống hách xấc xược, khinh thường ai cả. Hơn nữa, ta còn khéo lợi dụng cái gia thế của mình để khuyên người tu hành, làm điều phúc thiện. Ai sống được như thế sẽ thọ quả báo được cao sang quyền quý đời này và đời sau.

Hoặc người có nhiều thuộc hạ, có quyền sai bảo nhiều người – đó cũng là một loại ưu thế, tài sản, một tài sản rất lớn. Chính vì vậy ta phải hết sức cẩn thận, sẩy tay một chút ta mang tội ngay. Vào thời La Mã cổ đại, quyền lực của Hoàng đế trùm phủ khắp nơi, mọi người phải quy phục rất nhiều, người ta đã bày ra một trò vui là cho các đấu sĩ đấu với nhau, đến lúc một người gục chết thì trận đấu mới được kết thúc. Triều đại đó diệt vong cũng vì cái nghiệp này.

Cho nên càng có nhiều người vâng lời thì ta càng cẩn trọng, chỉ sai bảo những điều cực kì hợp lý mà thôi. Mà thế nào là sai bảo những điều cực kì hợp lý? Ví dụ như buộc người dưới của mình phải tu, phải nghe pháp, lễ Phật, tọa thiền v.v… Mặc dù có thể không thích nhưng họ vẫn phải theo lệnh, vì đang trong cái nghiệp duyên phải vâng lời người ta. Cho đến khi họ thấm đượm đạo lý rồi thì họ được rất nhiều lợi ích, tâm hồn thăng hoa, tự họ sẽ bước tới trong đạo lý. Ban đầu họ vâng lời ta một cách bình thường theo nguyên tắc, nhưng nếu ta đưa ra những mệnh lệnh hợp lý, chính đáng thì người dưới mình càng lúc càng mẫn cán, tận tụy. Và cái ân nghĩa với nhau càng lúc càng lớn, sự vâng lời càng lúc càng đậm sâu.

Hoặc khéo ăn nói cũng là một loại ưu thế, một loại tài sản vô hình vì khi ấy những điều ta nói ra được người khác tin, người khác thích. Nếu ta dùng cái tài đó để trục lợi, gieo rắc điều tà vạy thì tài sản đó biến mất, sau này miệng ta nói không lên lời. Còn nếu ta dùng nó để khuyên bảo điều thiện, uốn nắn tâm hồn, hàn gắn những chia rẽ… thì sẽ có nhiều quả báo lành trổ ra, thậm chí được lên đến cõi trời tiếp tục thuyết pháp cho chư Thiên nghe.

Sắc đẹp cũng là một loại tài sản. Có những người đã lợi dụng sắc đẹp của mình để chiếm trọn cảm tình, thâu đạt tiền của, phá vỡ hạnh phúc của kẻ khác, trong lòng luôn tự mãn vì nhan sắc của mình. Với người như thế, sắc đẹp của họ lại là cái họa, sẽ đưa họ đến quả báo khổ đau về sau. Cũng có những người dù xinh đẹp nhưng không bao giờ kiêu ngạo, cẩn thận phòng hộ tâm ý mình, hễ biết ai có cảm tình với mình thì khéo léo khuyên người những lời đạo lý. Người sống được như vậy sẽ càng lúc càng đẹp ra.

Cho nên khi về già, nếu ta thấy gương mặt mình u tối, xấu xí hơn ngày xưa thì hãy hiểu rằng mình đã sử dụng sắc đẹp một cách sai lầm. Còn nếu gương mặt mình phúc hậu, quang minh đẹp đẽ hơn thì sắc đẹp của ta đã được sử dụng một cách chính đáng.

Hoặc sức khỏe cũng là một loại tài sản, mà nếu phí phạm ta sẽ thọ quả báo ốm yếu, bệnh tật khổ sở. Thế nào là phí phạm sức khỏe? Thượng tọa cho biết tất cả mọi người đều phạm lỗi này, nhưng Người không nêu ra, mà để cho mọi người tự suy nghiệm mình đã phí phạm sức khỏe như thế nào.

Cuối cùng, ai cũng có một tài sản cực kì lớn, đó là thời gian. Nhiều khi ta đã tàn nhẫn giết thời gian, mà giết thời gian rồi thì ta không có nhiều thời gian nữa. Chỉ người nào tiết kiệm từng giây từng phút, không dám sống uổng phí thì mới xứng đáng được có nhiều thời gian: tức họ sống thọ, hoặc sẽ sinh về cõi cao siêu.

Trong đạo Phật có phương pháp gọi là “thiền định”, mà người tu thiền thì trong đời sống lúc nào cũng kiểm soát, an trú nội tâm từng giây từng phút, không dám buông lung. Công phu tu hành âm thầm như thế cũng là sự trân quý tận dụng thời gian rất đặc biệt.

Do vậy, trong đời mình, ta đừng để một giờ, một ngày, một năm nào đi qua mà không làm điều tốt đẹp. Thật ra, tất cả chúng ta đều bị ảo tưởng là mình sẽ sống lâu, ít ai nghĩ rằng năm sau, tháng sau, thậm chí ngày hôm sau mình có thể không còn được sống nữa. Mà vì nghĩ cuộc đời còn rất dài nên ta đã sống rất thong thả, không tiết kiệm từng giây phút trôi qua và vô tình ta phí phạm cuộc đời mình, cho đến khi chợt nhận ra thì cũng đã muộn, đã đi qua mất một đoạn đời khá dài rồi.

Tóm lại, với một nội dung sâu sắc, qua bài Pháp thoại, Thượng tọa muốn gửi đến các phật tử thông điệp: nếu ta phí điều gì thì ta sẽ mất điều đó. Cuộc đời ta cũng vậy, nếu ta phí phạm cuộc đời mình vào những điều sai lầm tội lỗi thì hoặc là ta chết sớm, hoặc là ta không đáng sống trên cuộc đời này nữa, ta sẽ phải trả giá một cách đầy đủ cho từng lỗi lầm và từng hành động sai trái của mình – tức là khi chết đi sẽ đọa làm loài quỷ đói lang thang vất vưởng. Còn nếu ta sống một đời xứng đáng, có ý nghĩa thì sẽ được đền đáp một cách xứng đáng cho mọi cố gắng và mọi việc làm tốt đẹp của mình – tức là ta được sinh vào cõi giới cực kì hạnh phúc, được sống lâu, được vinh quang rực rỡ, đầy trí tuệ, quyền uy.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh của buổi giảng ở chùa Tương Mai:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất