Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài: Tình cảm

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài: Tình cảm

-

Vừa qua, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã có bài thuyết giảng về chủ đề TÌNH CẢM dành cho hơn 1000 thiền sinh tham dự khóa tu tại chùa Pháp Vân (Hà Nội), và khoảng 2000 phật tử các nơi xa gần đồng tham dự.

Vào đầu đề tài, Thượng tọa nhận định: Khi ta ngồi thiền, nghiệp xưa mang đến những chướng ngại cả thân lẫn tâm, làm ta đau chân, hôn trầm, vọng tưởng không yên. Nhưng nếu ta cứ ngồi mãi cho đến khi hết đau, bớt vọng tưởng thì khi đó nghiệp xưa đã nhẹ, và dù chưa chắc sẽ chứng được Thánh quả, nhưng sẽ được cái chết an lành không đau đớn vào cuối đời. Còn những người không ngồi thiền chịu đau thì cái nghiệp vẫn còn nằm đó, chờ cơ hội để xảy ra, thường đến lúc già, bệnh, chết trong đau đớn bệnh tật.

Nói về đề tài “Tình cảm”. Tình cảm là gì? Vĩnh viễn không bao giờ định nghĩa được. Giống như trọng lực, sức hấp dẫn vậy, ta biết là có tồn tại đấy nhưng đến ngày nay vẫn chưa ai có thể định nghĩa. Nhưng chỉ cần con người biết và chấp nhận thôi là đã mở ra một chân trời khoa học. Thế giới cõi âm hay hiện tượng luân hồi tái sinh cũng vậy, không cần định nghĩa, không cần chứng minh, ta ghi nhận, biết rằng có tồn tại, chỉ như vậy cũng đủ trở thành một môn khoa học.

Tình cảm, dù không định nghĩa được nhưng ta biết là có, căn cứ vào những biểu hiện của nó như: thương yêu ai thì ta vui khi được gần bên, nhớ nhung khi xa cách, thích chăm sóc v.v… Và con người có rất nhiều loại tình cảm như: thương, ghét, chán chường, sợ hãi, đam mê, giận dữ, si dại, nhớ nhung, thù hận, chán nản, khinh thường, kính trọng, trung thành, phản bội…

Trong các loại tình cảm, tình yêu nam nữ là bản năng tự nhiên rất mạnh, đi vào vô số trong thơ, văn, nhạc, họa. Vì thuộc về bản năng nên tình cảm này không cần được giáo dục. Cũng có những loại tình cảm do giáo dục mà thành, ví dụ như tình yêu nước, hay như người phật tử đã hiểu đạo sâu thì lòng tôn kính Phật là sâu đậm thiết tha vô cùng.

Đa phần chúng ta bị nhầm lẫn tình cảm (động từ) với cảm giác (danh từ). Tình cảm có thương có ghét, còn cảm giác là cảm giác khổ, cảm giác vui, cảm giác dễ chịu, cảm giác khó chịu, cảm giác thoải mái, bực bội, đau đớn….

Tình cảm là một loại “hành động” nên nó thuộc về Hành ấm của tâm hồn – nơi khởi lên các hoạt động suy luận, tính toán, truy tìm, sáng tạo khác.

Tình cảm (ái) là một mắt xích trong giáo lý Mười Hai Nhân Duyên (giáo lý quan trọng của đạo Phật). Trong Mười Hai Nhân Duyên, “Ái sinh thủ – thủ sinh hữu”. Để mọi người hiểu rõ điều này, Thượng tọa giải thích:

“Ái”: tình cảm; “Thủ” : hành vi tạo nghiệp cho đời sau. “Ái sinh thủ” tức là khi có tình cảm, ta bắt đầu tạo nghiệp cho đời sau. “Hữu”: đời sống kiếp sau được vẽ lên, tạo ra. “Thủ sinh hữu”, tức là từ mỗi hành vi tạo nghiệp, ta sẽ vẽ lên một bức tranh cho đời sống kiếp kế tiếp. Ví dụ, ta làm một điều bất thiện, bức tranh đó có thêm một nét của sự đau khổ. Làm một điều thiện, bức tranh đó thêm một nét hạnh phúc.

Mà điều gì sinh ra “ái” (tình cảm)? đó chính là “thọ” (cảm giác). Con người bình thường thấy cảm giác và tình cảm đi sát bên nhau, vậy mà Phật vẫn tách chúng ra làm hai. Ví dụ khi được ai khen, ta có cảm giác vui (thọ), rồi mới có tình cảm thích lời khen, thích luôn người khen (ái). Hoặc ai gây ra cho ta cảm giác khổ (thọ), ví dụ sỉ nhục ta, thì ta bực bội, ghét bỏ, ghét người đó, ghét luôn sự tình đó (ái).

Nhưng vì cảm giác (thọ) và tình cảm (ái) xuất hiện dường như đồng thời nên chúng ta hay nhầm lẫn chúng với nhau. Chúng ta thấy Đức Phật vĩ đại là vậy, Ngài tinh tế, sâu sắc, từng điều nhỏ như sợi tóc Ngài vẫn chia chẻ ra, ta phải tư duy rất nhiều mới hiểu được. Khi hiểu rồi ta sẽ biết nhìn tâm mình một cách tinh tế hơn. Ví dụ hãy quan sát cái tâm của mình khi ngồi thiền, sẽ thấy:

Chân ta bắt đầu đau (xúc)
Ta “khó chịu” (thọ)
Ta “ghét” ngồi thiền (ái)
Ta bỏ chân ra không ngồi nữa (thủ)
Tạo cái nghiệp lười biếng, giải đãi cho đời sau (hữu)

Còn khi tâm đã thanh tịnh, cái đau cũng xuất hiện (xúc) nhưng cảm giác khó chịu (thọ) đã bị tiêu diệt, bị khống chế. Vì thế ta không ghét ngồi thiền (ái), không kéo chân ra (thủ), và như vậy ta tiếp tục ngồi, tiếp tục tinh tấn và tạo được thiện nghiệp cho đời sau (hữu).

Đó là trường hợp có “xúc” mà không có “thọ” của những người có tâm thanh tịnh. Trong cuộc sống cũng vậy, ví dụ khi bất ngờ bị ai tông xe vào, họ ngã xuống, mình mẩy trầy xước (xúc), nhưng tâm họ không hề khó chịu (thọ), nên không có giận (ái). Rồi mới chủ động xin lỗi trước, không mắng lại người kia (thủ) nên không tạo nghiệp (hữu). Hay khi được tặng món quà giá trị (xúc) lòng họ cũng bình thản, không bị cảm giác vui sướng khởi lên, chỉ biết ơn chừng mực mà thôi (thọ).

Và giá trị của thiền là chặn cảm xúc (thọ). Nghĩa là ta vẫn tiếp xúc với cuộc đời, nhưng giữa mọi buồn thương giận ghét, giữa thiện ác tốt xấu đan xen ta không bị cảm xúc chi phối sai xử nữa, chỉ còn lại lý trí, đạo lý, đạo đức để ứng xử với nhau mà thôi.

Một tính chất nữa của tình cảm là nếu kéo dài sẽ gây mệt mỏi. Tình cảm là một hoạt động của tâm, nên luôn làm tâm hao năng lượng như những hoạt động đi lại, làm lụng, suy tính khác. Ta không thể thương ai, nhớ ai, ghét ai mãi được vì tâm sẽ mỏi mệt, đó là quy luật.

Hiểu quy luật này rồi ta đừng đòi hỏi người khác phải thương mình mãi, hãy giữ khoảng cách vừa chừng, đừng đòi hỏi, để cho người kia tránh được cảm giác mệt mỏi và đôi bên còn giữ lại được cái duyên với nhau. Hoặc lòng kính Phật là một tình cảm mãnh liệt hơn mọi tình yêu trên đời này, và tất nhiên không tránh khỏi làm tâm hao năng lượng. Vì vậy, khi lễ kính Phật, ta đừng khờ dại khởi lên cảm xúc, chỉ cần ý niệm tôn kính Phật tuyệt đối mà thôi. Vậy mà lại bền.

Trên đời có những người có năng lượng nội tâm tràn đầy làm người khác thấy cuốn hút lạ kỳ. Ngược lại có những người mờ nhạt, năng lượng yếu ớt, người khác không chú ý lắm. Và chúng ta đều mong mình có năng lượng nội tâm để có thể kết nối với mọi người, mang ảnh hưởng của điều thiện đến, tạo nên cái phước. Vậy năng lượng này được tạo nên bằng cách nào?

Bằng những tình cảm chân chính. Đối tượng ta đặt tình cảm rất quan trọng, nếu đặt sai ta mất năng lượng ngay, cũng giống như khi ta mang tiền cho người không xứng đáng thì ta mất tiền, hết phước vậy. Cũng vậy, tình cảm nếu được đặt đúng đối tượng sẽ khiến cho phước ta tăng lên, năng lượng nội tâm cũng tăng thêm. Đối tượng đó có thể là những con người thiện lành, có tu tập trên cuộc đời này, hoặc là bậc Thánh với đức hạnh thanh tịnh sáng chói, nhất là Đức Phật. Ai mỗi ngày lễ Phật với lòng thương kính tuyệt đối (chỉ cần ý niệm, không cần cảm xúc quay quắt) sẽ dần dần tăng cái phước, năng lượng nội tâm tràn đầy. Còn nếu đặt nhằm người giả dối, không tu tập, không có thiện pháp, như thế năng lượng của ta cũng giảm dần, gương mặt héo hắt, đời sống cứ bớt may mắn dần.

Ta đã nói rằng người tu thiền thì có cái tâm thanh tịnh đủ để diệt cảm giác khó chịu, khổ sở (thọ) trước ngoại cảnh. Đến mức độ định sâu hơn, cái tâm thanh tịnh đó sẽ diệt luôn cả tình cảm (ái). Họ không thương ghét lặt vặt, chỉ sống bằng đạo lý, đạo đức, trí tuệ mà thôi. Nhưng như vậy có khô khan quá chăng, bởi lòng từ bi của một người tu thì làm cho người đó đẹp như một cánh hoa, mềm như một làn sương, êm dịu như cơn gió.

Thật ra, nếu sống gần một bậc Thánh nhân, ta sẽ hạnh phúc vô cùng vì vị đó yêu thương ta, nhưng không phải thương vì tình thương ghét lặt vặt thông thường, mà vì đạo đức, đạo lý mà thôi. Họ cao xa vời vợi nhưng vẫn rất đỗi gần gũi bình dị ấm áp.

Lại nữa, với người kém bản lĩnh thì tình cảm lấn át lý trí, còn người bản lĩnh luôn dùng lý trí kiểm soát tình cảm. Sự khác biệt này là do “phước” mà thành. Với người vừa tạo phước, vừa tu tập thiền định thì dù vẫn còn thương ghét, nhưng họ vẫn có sức mạnh của lý trí giúp họ kiểm soát tình cảm, kể cả với người từng có ân nghĩa đời trước. Họ có bày tỏ tình cảm đấy nhưng vẫn trong chừng mực, không bị mù quáng cuốn theo nghiệp xưa rồi thương yêu quay quắt cuồng nhiệt, tạo thêm nghiệp mới.

Phải hiểu rằng có ba nguồn tạo ra tình cảm.
+ Một là “nghiệp xưa” (oán thù quá khứ tạo ra sự ghét bỏ căm thù trong đời này, ân nghĩa quá khứ tạo ra tình thương hiện tại).
+ Hai là “bản năng” (ta say mê, muốn chiếm hữu người có sắc đẹp, ngoại hình, tài năng…).
+ Ba là “đạo đức”. Ta vẫn tử tế với cuộc đời, vẫn trải tình thương bao la, sâu sắc nhưng là vì đạo đức, chứ không phải vì nghiệp duyên, cũng không vì bản năng.

Và bậc Thánh là bậc có nhiều Thánh tính cao đẹp, trong đó có tính chất là cư xử rất tình cảm, nhưng lòng thanh thản và đầy lý trí. Các Ngài không rơi vào cái cảm tính như phàm phu, tức là hay động tâm thương ghét lặt vặt không đáng. Mà hãy nhớ rằng, khi tình cảm thương ghét khởi lên rồi, chắc chắn ta không đánh giá đúng về con người, không xử lý thỏa đáng về mọi việc được. Vì vậy mới có câu: tình sanh thì trí cách, nghĩa là hễ tình cảm nổi dậy thì trí tuệ lập tức bị che lấp.

Thông thường tình cảm tiêu cực như giận ghét, tham lam, thù hận, khinh bỉ, phản bội v.v… luôn khiến ta dễ tạo nghiệp. Tuy nhiên không phải luôn luôn như vậy. Ví dụ nghe ai xúc phạm Đức Phật, nếu ta giữ lòng bình thản thì lại không đúng, lúc đó ta đang gieo cái nghiệp trở thành cây đá, bởi chỉ cây đá mới vô tâm đến mức độ như thế. Dù ta không manh động, không hồ đồ, không sôi trào, vút vắt, loạn động, nhưng cũng không được trơ trơ, bỏ mặc.

Tình cảm thương hay ghét, nếu được sử dụng đúng đều sẽ tạo thành phước, và tạo nên năng lượng nội tâm tràn đầy mạnh mẽ.

Tóm lại, từng câu từng chữ trong bài Pháp thoại này đều chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc. Qua bài Pháp thoại mà Thượng tọa thuyết giảng với nội dung thật logic, thật kĩ lưỡng, chặt chẽ. Vấn đề chính được chia chẻ nhỏ ra, cộng với việc gợi ý, có nhiều ví dụ thực tiễn làm sáng tỏ từng vấn đề, từng nhận định hay quan điểm mà Người đưa ra, khiến mọi người hiểu được sâu hơn về khía cạnh của tình cảm.

Đây là đề tài nói về tâm không phải dễ hiểu, nhưng với biện tài, Thượng tọa đã giúp cho mọi người đều có khả năng nhìn nhận, hiểu ra nhiều khía cạnh của tình cảm thông qua nhiều điều đáng suy gẫm. Từ đó giúp mọi người có động lực để tu, tránh tạo nghiệp.

Với sự nghiệp hoằng Pháp của mình, Thượng tọa đã nâng bước trên sự tu tập cho người phật tử, khiến mọi người nhận biết tu như thế nào để có thể thành tựu con đường tâm linh của mình. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chúng ta có tinh tấn nổ lực tu tập hay không thôi. Sự mong muốn của chúng ta dù tốt đẹp đến đâu mà chính mình không siêng năng, không nổ lực thực hành sống đúng đạo lý và tu tập những công phu về tâm linh một cách liên tục, đầy đủ thì không ai giúp mình thoát khổ được./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa tu thiền chùa Pháp Vân:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất