Thứ Tư, Tháng Tư 17, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang thuyết giảng về "Trí Nhớ"

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về “Trí Nhớ”

-

Vừa qua, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã có bài thuyết giảng về chủ đề TRÍ NHỚ dành cho các thiền sinh tham dự khóa tu tại chùa Pháp Vân (Hà Nội), và đông đảo phật tử từ các nơi xa gần tựu về.

Đây là đề tài tiếp theo trong loạt bài nói về “Năm ấm”. Năm ấm là cấu trúc của thân và tâm theo cái nhìn của Đạo Phật. Trong phạm vi đề tài này, Thượng tọa muốn nhấn mạnh, phân tích khía cạnh kí ức, tức là trí nhớ. Theo đó, Người nhận định: ai học, hiểu được về năm ấm này một cách cặn kẽ, thì ngoài việc đóng góp, xây dựng lại cho Phật giáo, họ còn trở thành một nhà tâm lí học sắc bén.

Đi vào nội dung bài Pháp thoại, Thượng tọa mượn hình ảnh chiếc máy tính để diễn tả tầm quan trọng của trí nhớ. Ví dụ chiếc máy tính không có bộ nhớ thì không hoạt động được, cũng vậy, con người sẽ không bao giờ có những hoạt động của tâm thức nếu thiếu trí nhớ. Và tất cả chúng ta đều đang thiết lập cuộc sống này bằng trí nhớ.

Đầu tiên, ta nhớ mình là ai, rồi nhớ người khác là ai với mình…. Hoặc muốn ngồi thiền, ta cũng phải nhớ thân vô thường, nhớ hơi thở. Trí nhớ cần để đối tiếp, nghiên cứu, học hỏi, mở mang. Có trí nhớ, hay có dữ liệu được khơi lại, đối chiếu, so sánh, tổng hợp thì mới có con người, có thế giới này. Thiếu trí nhớ thì tất cả đều sẽ vô nghĩa.

Có thể nói, mặc dù trí nhớ là của quá khứ, nhưng nếu không có dữ liệu của quá khứ thì ta không có hiện tại, chẳng có tương lai. Nên có những người lớn tuổi bị mất trí nhớ thì họ tuy vẫn sống nhưng không còn tồn tại giữa cuộc đời này nữa, do không còn trí nhớ để thiết lập quan hệ với bất kì ai. Đó cũng là một nỗi khổ trên đời.

Cho nên để tiến xa vào tương lai, ta lại dựa vào quá khứ nhiều. Mà quá khứ lại được lưu giữ ở kí ức, trí nhớ. Trí nhớ vô cùng quan trọng là vậy.

Nhiều người sở hữu trí nhớ đặc biệt, điều gì đã xảy ra trong đời họ không bao giờ quên nữa. Đó là người có lợi thế rất lớn trong đời. Còn việc hay quên, ít nhớ cũng là một thiệt thòi của con người.

Trí nhớ là gì? Ta rất khó định nghĩa. Trí nhớ gồm 2 phần:
– Một là những “dữ liệu” mà ta tiếp nhận, lưu trữ lại được.
– Hai là “khả năng truy xuất” dữ liệu.

Người có trí nhớ tốt thì tiếp nhận, lưu trữ dữ liệu giỏi, và truy xuất dữ liệu cũng trong chớp mắt. Trong Đạo phật có một nhân vật được ca ngợi là siêu cường trí là Ngài Ananda. Hể nghe điều gì qua tai rồi Ngài không bao giờ quên chữ nào, đặc biệt như vậy. Nhiều người đã cho rằng kinh Phật đã cường điệu, nhưng thật sự trên thế giới ngày nay vẫn xuất hiện nhiều trường hợp như Ngài Ananda.

Trong sự tu tập, trí nhớ cũng hết sức cần thiết. Chẳng hạn, nếu không nhớ được đạo lý của sự nhẫn nhục, ta dễ tự ái, sân hận khi bị xúc phạm. Mà không nhớ được đạo lý thì ta không tu hành được, giữa cuộc đời lao xao tâm ta loạn lên không yên.

– Chúng ta nói đến phần đầu tiên của trí nhớ là “lưu trữ dữ liệu”. Dữ liệu này lại được chia ra làm hai phần:
+ Một là lấy từ bên ngoài vào.
+ Hai là dữ liệu do chính nội tâm tạo ra.

Nội tâm ta có thể tạo ra một ý tưởng, như người nhạc sĩ có thể nghĩ ra điệu nhạc vậy. Nội tâm ta cũng có thể tạo ra tình cảm, như sự thương mến, ghét bỏ ai đó. Cả ý tưởng hay tình cảm đều là dữ liệu do tâm tạo ra. Nhưng ta không lưu giữ chúng được mãi mãi. Người nhạc sĩ có thể quên mất điệu nhạc vừa xuất hiện trong đầu mình (nếu không kịp ghi chép lại), hoặc ta có thể quên người mà mình từng thương mến…

Một ý tưởng, một điệu nhạc, một bức phát họa, một tình cảm đều là dữ liệu do chính ta tạo ra, lưu lại. Còn đa phần ta tiếp nhận dữ liệu bên ngoài, tức là lượng kiến thức rất lớn từ cuộc sống. Và điều gì làm ta chú ý, ấn tượng, gói theo tình cảm, điều đó sẽ in rất sâu vào tâm thức, ta khó quên được, sau này khi cần truy xuất dữ liệu ra cũng rất nhanh. Cho nên đã có những tình thương yêu hay mối thù mà người ta nhớ mãi, ôm theo suốt cuộc đời là vì vậy.

Nhưng dữ liệu (kí ức) được cất giữ ở đâu? Thông thường ta cho rằng chúng nằm tại não bộ. Nếu vậy thì với người đã mất, kí ức được lưu giữ ở đâu? Có những linh hồn vẫn nhớ chuyện quá khứ và tìm cách báo cho người sống biết. Như thế, rõ ràng dữ liệu được cất ở nơi nào đó tinh vi hơn, không chỉ là não bộ. Nói nôm na, “ổ cứng” để ghi nhớ của ta là một ổ cứng siêu hình, không phải là bộ não vật chất này.

Còn khi ta chưa thoát khỏi sự sống của cái thân này thì não bộ là trung gian của thế giới vật chất và linh hồn. Nếu vì bệnh tật, tai nạn nào đó mà não bộ bị tổn hại thì linh hồn cũng điên đảo theo. Cho nên muốn lưu trữ, bảo vệ dữ liệu thì ít nhất ta phải bảo vệ bộ não trước bằng cách tập luyện khí công, ăn uống thích hợp, hoặc ngồi thiền, nhất là nuôi dưỡng những ý nghĩ thiện. Còn nếu thường khởi những suy nghĩ sai lầm thì bộ não ta bị ảnh hưởng ngay.

Có nhiều người về già bỗng phạm những cái tội tày trời về sắc dục, nguyên nhân là do lúc trẻ đã suy nghĩ bậy quá nhiều hoặc xúc phạm Thần Thánh nặng nề, cũng không biết sám hối. Khi ấy, toàn bộ cấu trúc não của họ bị đảo lộn khiến họ xuất hiện những ham muốn thấp hèn bậy bạ. Cho nên suy nghĩ sai cũng có thể phá hư bộ não của ta.

Ý nghĩ sai còn khiến ta đãng trí mau quên. Vì vậy, hãy bảo vệ bộ não bằng những tư tưởng tốt lành. Ai suốt đời nuôi dưỡng những tư tưởng thiện, thường làm việc thiện, thường tôn kính bậc Thánh, lễ kính Phật, tọa thiền thì sẽ được minh mẫn tinh anh lúc tuổi già.

Nói về phần thứ hai của trí nhớ là “truy xuất dữ liệu”, Thượng tọa cho biết: công cụ truy xuất dữ liệu trong chớp mắt thuộc về Hành ấm.

Hành ấm là nơi điều khiển những hoạt động, suy luận, sáng tạo, tính toán, truy xuất trí nhớ… cực kỳ nhanh. Như hai võ sĩ giao đấu phải tung ra đòn thế trong chớp mắt, khi ấy họ không có thời gian để suy nghĩ, giống như tự động, vậy điều gì đã điều khiển tay chân họ? Chính là Hành ấm.

Nếu ta có công phu thiền định thì tâm càng yên chừng nào, Hành ấm càng mạnh chừng ấy, khiến ta sáng tạo nhanh, phản ứng nhanh, hoặc lục tìm kí ức (truy xuất dữ liệu) cũng rất nhanh.

– Còn về linh hồn, linh hồn là một cấu trúc siêu nhiên, mà trong cấu trúc siêu nhiên đó dữ liệu vẫn được ghi lại. Đến khi nào dữ liệu mới xóa đi? Khi ta đầu thai. Khi ấy linh hồn biến mất và đời sống mới hình thành trong một phôi thai nhỏ bé, không có chỗ nào để lưu trữ dữ liệu. Vì vậy đứa trẻ sinh ra sẽ không nhớ gì cả, toàn bộ ký ức cũ bị xóa sạch.

Vậy tại sao có những đứa trẻ vẫn nhớ lại tiền kiếp? Thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp như vậy. Có hai dạng nhớ tiền kiếp. Một là bậc Thánh nhớ bằng thần thông, hai là phàm phu nhớ bằng Hành ấm. Một bậc Thánh tuyệt đối thì thành tựu một loại thần thông gọi là “túc mạng minh”, cho phép vị ấy nhớ lại vô lượng kiếp của mình. Còn người bình thường thì có những người siêu kí ức, bộ nhớ họ cũng giống ta, dữ liệu của họ cũng giống ta nhưng Hành ấm (tức là công cụ truy xuất dữ liệu) của họ lại nhanh nhạy gấp trăm nghìn lần chúng ta. Khi cần nhớ lại điều gì đó, họ truy xuất cực kì nhanh.

Và Thiền định là công cụ hỗ trợ cho việc lưu trữ và truy xuất dữ liệu. Thứ nhất, Thiền làm ta không bị xao lãng bởi vọng tưởng lăng xăng nên khi tiếp nhận vấn đề gì, tâm ta có sự chú ý tự nhiên mà hiệu quả. Thứ hai, người ngồi thiền cho tâm thanh tịnh thì năng lực của Hành ấm vượt lên, tự nhiên khi gặp vấn đề họ truy xuất dữ liệu, phản ứng rất nhanh nhạy.

Lại nữa, trí nhớ tốt hay kém là do phước. Vì vậy nếu ta có tu tập, sống đời thiện lành, đặc biệt là tích lũy ý nghĩ thiện lành qua nhiều năm tháng thì ta được cái quả báo có trí nhớ rất tốt, không bị bệnh hay quên lúc tuổi già. Đó cũng là một hạnh phúc trong cuộc sống này. Bởi một trong những nỗi khổ của tuổi già là trí nhớ giảm mất, bỗng nhiên ta bị cắt đứt mối liên hệ với người thân, họ biết ta nhưng ta không còn biết họ nữa. Đó là một nỗi khổ của con người.

Tóm lại, qua bài Pháp thoại này, chúng ta thấy vai trò của trí nhớ rất là quan trọng, chỉ bởi từ trong cuộc sống, đến trong giao tiếp, đạo đức, sự nghiệp, tài năng, công ăn việc làm, thậm chí trong việc tu tập đều phải cần trí nhớ. Do vậy, Thượng tọa đã tổng hợp những phương pháp phù hợp và hữu hiệu về cách rèn luyện bộ não để tiếp thu nhanh và ghi nhớ tốt hơn.

Có thể nói với cách diễn đạt khác nhau, cứ mỗi chủ đề kế tiếp là Thượng tọa giúp cho mọi người nhìn sâu vào nội tâm, hiểu mình hơn và còn hiểu cả người khác. Điều đặc biệt, Thượng tọa luôn luôn có cách lý giải rất sáng suốt, tinh tế để người phật tử không bị nhàm chán mệt mỏi, không rơi vào sự hiểu nhầm, không nhìn đạo Phật bằng định kiến, tà kiến hoặc hiểu bằng khái niệm.

Bằng nhiều đạo lý thấy cũ nhưng không hề cũ, nhờ sự sáng tạo Người đã làm cho con đường của Phật dạy trở nên mở rộng, trở nên lung linh trong tâm của họ. Đây là lý do mà mỗi thời thuyết Pháp của Thượng tọa đều thu hút sự quan tâm của hàng nghìn phật tử trở lên, đặc biệt là giới trẻ, cũng như thiện hữu tri thức. Có nhiều người nhờ cảm xúc từ đạo ý mang lại, được nhiều lợi lạc cho bản thân mà họ sớm bén duyên với đạo Phật. Đây là cơ hội rất tốt cho mỗi người, chúng ta hãy cùng tham khảo bộ Năm ấm này (hay còn gọi là Quy luật tâm lý), được Thượng tọa thuyết giảng hàng tháng tại chùa Pháp Vân (Hà Nội) nhân Khóa tu Thiền, sẽ rất có ích cho chính mình./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh của buổi giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất