Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT.TS. Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài Tứ Diệu Đế

TT.TS. Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài Tứ Diệu Đế

-

Nhân Khóa tu thiền từ ngày 12 – 14/05/2023 (nhằm ngày 23 – 25/03/năm Qúy Mão)   tại chùa Từ Tân (số 90/153, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình), sáng ngày14/05/2023 Thượng tọa Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm thuyết giảng đề tài “TỨ DIỆU ĐẾ – Bản Tuyên Ngôn Của Phật”. Đây là bài giảng đầu tiên trong loạt bài TỨ DIỆU Đế vô cùng quan trọng và sẽ được Thượng toạ thuyết giảng xen kẽ giữa Khóa thiền chùa Từ Tân (TP. HCM) với Khóa thiền chùa Pháp Vân (TP. Hà Nội). Buổi thuyết Pháp đã đón hơn 3.500 Phật tử thập phương về thính Pháp. Ngoài ra còn có hàng nghìn Phật tử theo dõi livestream qua kênh Youtube Pháp Quang – Sen Hồng.

 Bài Pháp thoại đã chỉ thẳng nguồn gốc, đặc điểm, cách vượt qua nỗi khổ. Cả Hội chúng được dịp tiếp thu những kiến thức tu học bổ ích qua sự trình bày tổng quát về TỨ DIỆU ĐẾ thật sinh động. Nhờ đó, mọi người có đủ cam đảm đối diện, an trú trong lỗi lầm, nỗi khổ của mình, để rồi vững vàng trước mọi nghịch cảnh, kiên trì đi đến bờ giác ngộ.

Trước khi đi vào nội dung bài Pháp, Thượng tọa và quý Phật tử đã tiến hành tưởng niệm công đức của cố Cư sĩ Nhật Thiện Tâm – Nguyên Tổng Thư kí Tổng Đạo tràng Phật Quang, Chúng trưởng Đạo tràng Phật Thịnh (TP.HCM) đối với việc tu học, cũng như xây dựng Đạo tràng. Có thể nói, những thành công hôm nay của Tổng Đạo tràng Phật Quang nói chung và Đạo tràng Phật Thịnh nói riêng, cũng như Khoá tu thiền chùa Từ Tân được ổn định lâu dài là có sự đóng góp, cống hiến rất lớn từ cố Cư sĩ Nhật Thiện Tâm. Dù ở xa nhưng khi nghe tin buồn, rất nhiều huynh đệ đã thu xếp công việc, lặn lội tìm đến tận nhà, hỗ trợ gia đình anh lo chu toàn công việc hậu sự. Cuối cùng, anh đã thực sự yên nghỉ trong vòng tay ấm áp của gia đình và huynh đệ.

Giữa một thế giới càng lúc càng đông mà con người lại càng lúc càng cô đơn. Vào Đạo tràng rồi, được sống trong tình đạo, ta mới thực sự hết cô đơn bởi trên ý nghĩa tinh thần, chúng ta có cùng một đạo lý để tu hành, cùng một Đức Phật để tôn thờ nên tự nhiên chúng ta thương yêu nhau. Trong quá trình cùng làm việc thiện, cùng làm Phật sự, cùng tu tập, tình thương yêu ấy ngày một lớn. Để rồi khi gặp khó khăn, chúng ta có thể nhờ vả, giúp đỡ lần nhau. Tình huynh đệ coi vậy còn đậm sâu hơn tình gia đình ruột thịt. Ai tu lâu sẽ thấy không phải gia đình, mà huynh đệ mới là nơi ta nương tựa.

Đi vào đầu bài Pháp, Thượng toạ nhấn mạnh: đây là bài kinh quan trọng giống như một tuyên ngôn của đạo Phật, của Đức Phật, là nền tảng để chúng ta mở ra vô lượng những giáo nghĩa khác trong đạo Phật. Tứ Diệu Đế có tính hàn lâm và có tính phân tích học thuật nên rất khó nghe. Đức Phật đã dùng bài kinh Tứ Diệu Đế này độ cho không biết bao nhiêu người đắc đạo. Vì vậy, chúng ta là một người đệ tử Phật thì phải thông hiểu bài kinh này. Bởi, không ai làm gì đi ra khỏi Tứ Diệu Đế cả. Tất cả mọi triết thuyết, tất cả mọi đạo lý nếu đúng đều phải nằm gọn trong Tứ Diệu Đế. Vậy nên, dù có khó nghe, mọi người cũng nghiêm túc, cố gắng hiểu cho đầy đủ, chính xác.

Lúc mới đầu, khi trí tuệ kém, chưa thông hiểu, nghe đi nghe lại Tứ Diệu Đế ta sẽ thấy nhàm chán, không cảm xúc. Người nghe không kĩ, người giảng không hết ý thì ta chỉ thấy trong bài kinh đó có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, lòng không mảy may rung cảm. Nếu có duyên được nghe giải thích kĩ, lại thêm việc tu tập chuyên sâu, ta sẽ hiểu được cái lõi của bài kinh. Khi hiểu rồi, ta mới thấy sự bao la, vĩ đại, vô tận của kinh Tứ Diệu Đế, mà về sau nhân loại phải tôn thờ bài kinh này.. Ví dụ như chân lý đầu tiên Đức Phật nói là Khổ Đế, thế giới này là đau khổ.

Để chia sẻ một cách kĩ lưỡng, cụ thể tất cả những đạo lý có trong Tứ Diệu Để tại khóa tu là một điều không thể bởi nó quá mênh mông, vô tận. Vậy nên, Thượng toạ đã tóm gọn những ý chính, để mọi người có cái nhìn tổng quát, đẩy đủ nhất. Đặc biệt, Người tập trung vào chân lý đầu tiên, bởi ai có bản lĩnh hiểu và thực hành một cách kĩ lưỡng, mới có thể đi sâu vào những chân lý tiếp theo.

Cụ thể, chân lý đầu tiên của Đức Phật là Khổ Đế – thế giới này là đau khổ. Nghe câu nói kỳ lạ này ta thấy ngỡ ngàng, tưởng Phật nói về cái gì lớn lao, sáng rực, không ngờ lại là cái khổ. Trong khi các tôn giáo khác, để kêu gọi mọi người đến với mình, họ đều bày ra những cái vinh quang của thiên đường, Thần Thánh, chói lọi giữa hư không. Nhiều người bắt đầu so sánh và nói đạo Phật bi quan- đây thực sự là một sự hiểu lầm rất lớn.

Phải biết rằng, Phật dạy ta đạo lý đầu tiên là khổ bởi sau khi đắc đạo, Ngài mới phát hiện một sự thật rằng chúng sinh rất khổ. Và chỉ những bậc đắc đạo mới nhìn thấy được điều này, còn chúng sinh không tự thấy mình khổ, ngược lại còn cảm thấy hạnh phúc, vui mừng. Đây là sự khác nhau giữa tâm trạng của một người giác ngộ và một người chưa giác ngộ.

Ví dụ: Con hổ rượt đuổi, ăn thịt con nai. Lúc ấy, con hổ sẽ cảm thấy sung sướng vì nó được thỏa mãn cơn đói. Nhưng nhìn bằng con mắt của người văn minh, ta thấy cảnh cắn xé, giết hại nhau quá đau khổ. Chúng ta cũng vậy, mưu tính, giành giật, hãm hại nhau để có miếng ăn. Khi đạt được mục đích thì thấy sung sướng, hạnh phúc. Nhưng với cái nhìn của bậc Thánh, đây là chúng ta đang lặn lội trong tội lỗi, đau khổ. Tội lỗi tưởng là sung sướng, thật ra là đau khổ. Với cái nhìn của Phật, Ngài phân ra 8 loại khổ căn bản là: sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc và ngũ ấm xí thạnh (điên loạn). Từ 8 loại căn bản này, ta có thể phân tích ra hàng tỉ loại khổ khác.

Cái khổ đầu tiên trong 8 cái khổ đó là sinh. Thì sinh ở đây có 2 nghĩa: sinh ra và cuộc sống. Ta sinh ra là đau khổ và cuộc sống này đầy đau khổ. Dù nhìn ở góc cạnh nào thì nó đều đúng.

Như ở khía cạnh đầu tiên, được sinh ra là đau khổ. Trước tiên, đứa trẻ lọt lòng mẹ là cái khổ bởi điều kiện sống lúc này rất mong manh. Nếu không có phước, không có điều kiện được chăm sóc thì có khi mới sinh ra, sự sống đã vụt tắt. Cái khổ nữa là mới sinh ra mà mẹ chết, bản thân mình trở thành đứa trẻ mồ côi. Hay được sinh ra nhưng sau đó mắc bệnh rồi chết yểu. Có khi lại bị vong tiếp cận, nhập vào cơ thể,… Phải có phước lắm, ta mới vượt qua giai đoạn sơ sinh, sau đó củng cố lại cơ thể mình.

Qua giai đoạn trẻ sơ sinh, chúng ta bắt đầu lớn dần. Mỗi giai đoạn, chúng ta lại gặp những nguy cơ, cái khổ khác nhau như: chiến tranh, xung đột, tai nạn, bệnh tật, học dốt,. Nhìn rõ điều này nên Phật mới nói” Vũ trụ này đâu phải chỗ để ta sống”. Nghĩa là Phật thấy chúng ta lớn lên trong một môi trường, xã hội, không gian thiếu thốn, khổ sở. Vì chưa ngộ đạo nên chúng ta không thấy điều này.

Thực sự, chỉ người ngộ đạo, khôn ngoan, can đảm, có trí tuệ mới dám nhìn thấy cái đau khổ của cuộc đời. Thấy khổ rồi, sẽ biết tu. Ngược lại, người nào tự huyễn hoặc bản thân bằng những ý tưởng không có thật, khổ mà vẫn nói tôi an lạc, thảnh thơi, nhẹ nhàng thì đó là hèn nhát, giả dối. Họ sẽ không bao giờ thấy cái sai để sửa; không thấy cái khổ để tu. Sau này, họ sẽ trở thành người ăn hại, cứ mãi lặn ngụp trong đau khổ, tội lỗi.

Thượng tọa nhấn mạnh, nếu có một người dám nêu thẳng ra cái sai dở, xấu tệ (chê đúng) đánh thức ta dậy từ cái si mê, tội lỗi thì đó là một người thầy, một ân nhân vĩ đại của cuộc đời ta. Ngược lại, người thấy ta sai mà khen, vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta. Và Đức Phật chính là một bậc thầy vĩ đại vì dám nói thẳng nỗi đau khổ của chúng sinh. Ngay cả Chư thiên, dù sống trên thiên đường cực kì sung sướng, Ngài vẫn nói là đau khổ. Đây là sự thật bởi sâu thẳm trong nội tâm các vị ấy còn vô minh, chấp ngã. Chỉ khi nào đi đến vô ngã, chúng ta mới hạnh phúc thực sự.

Hiểu về chân lý khổ mà Phật nói ta mới thực sự thấy cái vĩ đại siêu tuyệt vời của Ngài. Từ đó, ta mạnh dạn sửa lỗi của chính mình, tu hành để vượt qua mọi đau khổ. Đặc biệt, ta phải có cái phước hỗ trợ. Nếu không có phước, chúng ta dễ quẫn trí dẫn đến tự tử bởi không chịu nổi sự dày vò, cô đơn, khổ cực của cuộc đời.

Sống được giữa thế gian đầy hơn thua, ích kỉ, đố kị, tham lam, thù hận này thật sự vất vả, đau khổ. May mắn, chúng ta được bước vào môi trường đạo, biết yêu thương, nhường nhịn, độ lượng, giúp đỡ nhau. Không có hơn thua, ích kỉ nên lúc nào cũng thoải mái, hạnh phúc. Chỉ có môi trường đạo làm cho ta lắng lòng lại. Dù ngoài kia cuộc đời có đau khổ thế nào, khi trở về với môi trường đạo, nơi có những người cùng một lí tưởng tu hành, dù ta lỡ có phạm lỗi gì, huynh đệ cũng bao dung, tha thứ, giúp ta sửa lỗi chứ không chỉ trích, phơi bày, hạ nhục, bỏ rơi ta. Một ngày nào đó, lỡ ta có ốm bệnh, huynh đệ cũng sẽ ở bên chăm sóc, hỗ trợ. Hay khi ta nhắm mắt xuôi tay, huynh đệ cũng xúm lại đông đủ, lo lắng, chu toàn cho ta.

Còn môi trường khác như cơ quan, công ty, chúng ta không còn tâm thế thoải mái đó nữa. Đặc biệt, khi mọi người đứng trước một lợi ích nào đó, nhìn bên ngoài thì ai cũng thân thiện, vui vẻ, thực chất bên trong là một cuộc ganh đua, giành giật, bon chen, làm sao để cái lợi đó thuộc về mình. Những người như vậy dù sống hay chết, lúc nào cũng lẻ loi, cô độc.

Thượng tọa khẳng định, nếu chưa đắc đạo thì không ai thực sự sung sướng, hạnh phúc. Dù có phước, thì ta cũng chỉ đỡ khổ một chút thôi. Nên nói về cái khổ là Đức Phật để ta đối diện với một sự thật không tốt đẹp. Người dám đối diện thì mới có thể vượt qua khó khăn. Người không dám đối diện sẽ không thể vượt qua khó khăn. Tu thiền cũng vậy. Ta quán tội trên tội, đối diện với lỗi lầm của mình thì tâm mới được yên. Không thấy cái lỗi của mình từ vô lượng kiếp thì tâm mãi loạn động, không thanh tịnh được. Đây là nguyên tắc.

Hầu hết người tu thiền đều xem vọng tưởng là đối tượng phải trừ diệt, bằng cách này hay cách khác, nhưng trong phép quán tội trên tội, ta xem vọng tưởng là báo hiệu của tội lỗi từ vô lượng kiếp mà bây giờ ta phải đối diện và sám hối những tội lỗi đó. Ta không tìm cách diệt trừ vọng tưởng, mà nhờ vọng tưởng để nhắc mình đã từng tạo nhiều nghiệp bất thiện trong quá khứ.

Tức là, ta phải nhìn và thấy mọi phương diện của cái khổ trong cuộc đời này thì sẽ có ngày hết khổ. Cứ mãi tránh né, không dám đối diện thì cái khổ sẽ mãi theo ta đến vô lượng kiếp. Ngày ta đối diện với cái khổ một cách toàn diện từ thân tới tâm, thẩm sâu trong cái vô minh chấp ngã, tới tận nội tâm loạn động, tới cả thế giới, Pháp giới, vũ trụ bao la thì đó là ngày ta đặt một bước chân đầu tiên lên trên lộ trình giải thoát. Đừng ai ru ngủ, vỗ về mình bằng hạnh phúc, an lạc giả dối bởi nó chỉ làm ta ngày một chìm sâu vào đau khổ mà thôi.

Tóm lại, “Bản chất của cuộc đời là đau khổ” là câu ai cũng được nghe ít nhất một lần khi đặt chân vào đạo. Tuy nhiên, đau khổ là gì? Đau khổ đến từ đâu? Làm thế nào để vượt qua đau khổ?.. thì có lẽ với nhiều người, đây là lần đầu họ được nghe.

Như ánh sáng từ ngọn hải đăng chiếu xuyên màn đêm, cũng vậy, qua trí tuệ, kinh nghiệm cùng lối diễn giảng gần gũi, logic, dễ hiểu, Thượng tọa đã phân tích về những nỗi khổ trong cuộc đời một cách sâu sắc, kĩ lưỡng, qua đó thính chúng có được cái nhìn bao quát hơn về cái khổ, cũng như được tiếp thêm tâm thế, nghị lực để bước trên hành trình tu học, dám đối diện với lỗi lầm, cái sai của mình. Từ đó, không bị hoang mang, bất ngờ trước những thử thách, sóng gió cuộc đời.

Một khi chúng ta được chỉ dạy đúng đắn, dù có vấp ngã ta vẫn biết phương pháp vượt qua, cố gắng dụng công hành trì, rồi ngày nào đó, tự cái khổ sẽ biến mất, chúng ta lại được sống hạnh phúc, an vui ngay trong đời sống này, căn cứ trên nền tảng đạo đức, trí tuệ và từ bi. Đó là kết quả tâm linh mà ai tu cũng phải có, nhằm góp phần phát triển đời sống đạo đức và làm nền tảng cho sự giác ngộ giải thoát.

Có thể thấy, qua bài Pháp thoại này, Thượng toạ định hướng con đường tu tập đúng đắn ngay từ đầu cho những ai mới bắt đầu vào đạo và củng cố thêm niềm tin, sự kiên định cho các Phật tử đang tu.

Thực sự, chỉ có Phật mới dạy ta về cái khổ, cũng chỉ có đạo Phật mới có đạo lý về cái khổ. Nhìn có vẻ bi quan, buồn tẻ nhưng phải thực sự hiểu về những đạo lý này, ta mới thấy hết những cái tích cực mà nó mang lại. Không phải người chỉ ra cái sai cho ta là người xấu, cũng không phải nghịch cảnh đến với ta là khổ. Ta phải biết nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, đúng đắn cái khổ đó để thấy thực lực tu hành của bản thân đến đâu mà tinh tấn hơn nữa trên con đường đạo.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất