Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTứ Niệm Xứ - Bài giảng đêm giao thừa Tết Tân Sửu...

Tứ Niệm Xứ – Bài giảng đêm giao thừa Tết Tân Sửu 2021

-

Theo thông lệ, trong giây phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thường có hàng ngàn Phật tử các giới tề tựu về Thiền Tôn Phật Quang (ấp Chu Hải – xã Tân Hải – thị xã Phú Mỹ – tỉnh BRVT) để cùng nhau đón năm mới trong đạo tình ấm áp.

 Trong thiền môn, tình nghĩa Thầy trò thiêng và cao đẹp vì Thầy là người cho trò pháp thân huệ mạng, Thầy là người khai sáng con đường trí tuệ giải thoát cho một kiếp nhân sinh. Cho nên đối với các Phật tử, việc được nhận món quà đạo lý đầu xuân từ Sư Phụ Thượng Chân Hạ Quang chính là điều rất ý nghĩa và hơn hết chính là sự may mắn khi tìm về Chánh Pháp.

Ngày 30 Tết, một số Phật tử và các bạn trẻ cùng về Chùa đón giao thừa. Và cũng có rất nhiều người sau khi đón giao thừa ở nhà đã về chùa lạy Phật, chúc Tết Thầy, đồng thời gửi gắm những lời cầu nguyện cho một năm mới nhiều điều may mắn, an lành.

 Để đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh, nhưng cũng được vui đón xuân mới, nhà chùa đề nghị người muốn vào viếng chùa phải khai báo y tế theo quy định, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách nhất định, đeo khẩu trang trước khi đi vào khuôn viên chùa.

Trong giây phút giao thừa đang đến gần, để đáp lại tấm lòng mong mỏi của rất nhiều Phật tử ở xa và do dịch bệnh không thể về Chùa, tối ngày 11/02/2021 (nhằm ngày 30/12 AL), TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết Pháp trực tuyến về chủ đề TỨ NIỆM XỨ – phần II. Bài pháp thoại đã giúp cho quý Phật tử có thể theo dõi tại nhà mà tu học. Riêng số Phật tử về chùa đón giao thừa, nghe giảng thì ai cũng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh như ngồi giữ khoảng cách nhất định, đeo khẩu trang trong suốt thời Pháp thoại,…

Trong đêm đại lễ Phật Thành Đạo PL.2564 – DL.2021 tại Thiền Tôn Phật Quang, Thượng tọa đã thuyết giảng bài Pháp thoại với tựa đề TỨ NIỆM XỨ – phần I với một nội dung vô cùng sâu sắc và phong phú. Đây là những lời giảng dạy được nói ra từ kinh nghiệm tu hành vất vả của Thượng tọa, nên có một sức mạnh làm lay chuyển người nghe trước một bài kinh quan trọng nhất về phương pháp thực hành thiền Phật giáo.

Thượng tọa khẳng định Đức Phật đắc đạo nhờ thiền định, suốt cuộc đời Ngài cũng tọa thiền. Cho nên thiền thật sự là cốt lõi của đạo Phật. Ngày nào còn có người tu tập thiền định thì ngày đó đạo Phật còn tồn tại. 

Điều khó khăn nhất trong thiền là tiêu diệt vọng tưởng, và Phật đã nói về Tứ Niệm Xứ là bốn chỗ ta luôn phải ghi nhớ trong tu tập thiền định, như bốn cánh quân giúp tiêu diệt thành trì vọng tưởng.

Tứ Niệm Xứ gồm quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp.

Nhưng trước khi muốn dùng bốn cánh quân vào thành để đánh giặc thì phải cho quân ăn no đã. Nên trước khi tu tập Tứ Niệm Xứ, trước khi quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp… thì hãy thực hành hơi thở. Chưa tu tập hơi thở thuần thục thì tu tập Tứ Niệm Xứ không hiệu quả. 

Ta ngồi kiết già, giữ thân mềm mại bất động và cảm giác toàn thân, biết rõ toàn thân. Biết cả trên và dưới, trước và sau, trong và ngoài… Phải biết đến tận những nơi rất thấp của cơ thể, những chỗ phía sau, phía dưới của cơ thể. Khi biết toàn thân đúng rồi thì lập tức ta biết luôn hơi thở, đó là trình tự không thể khác được. Hơi thở vào biết vào, hơi thở ra biết ra, hơi thở dài biết dài, hơi thở ngắn biết ngắn. Biết mà không điều khiển. Căn bản là vậy.

Hơi thở phản ánh nội tâm. Người tâm tư điềm tĩnh thì hơi thở sẽ êm dịu, người tâm tư vụt chạc xao động thì hơi thở sẽ dồn dập, gấp rút. Ta nắm hơi thở cũng thật sự là đang nắm vào nội tâm của mình. Ban đầu do tâm ta còn xao động nên hơi thở không đều, không êm ái, không ổn định. Sau khi tâm ta trầm hòa lại thì hơi thở bắt đầu êm ái và chậm dần lại.

Quán thân, nghĩa là biết rõ sự thật về thân tứ đại của mình: trong thân gồm có da, thịt, gân, xương, bao tử, dạ dày, máu, mủ, tóc, não, mắt, tai… Thân là mong manh tạm bợ, rồi sẽ già, bệnh, chết, tan hoại. 

Quán thọ. Thọ là cảm xúc. Cảm xúc được chia làm ba loại: cảm thọ khổ, cảm thọ vui và cảm thọ trơ. Nhưng rồi cảm thọ nào cũng chóng qua, niềm vui nào rồi cũng hết. Để tìm cảm giác vui ta phải trả giá quá lớn. Cho đến khi không còn đủ sức trả giá cho những cuộc vui đó nữa thì cảm thọ khổ lấp đầy ngay, ta cảm thấy buồn khổ tuyệt vọng. Người biết quán thọ là biết tâm mình đang có những cảm thọ nào nhưng không xao động chạy theo.

Quán tâm. Tâm thế nào ta biết rõ như thế đó, không can thiệp. Thông thường chúng ta hoặc là chạy theo tâm, hoặc là can thiệp thô bạo, dằn ép tâm mình. Cả hai đều sai. Người quán tâm chỉ nhẹ nhàng biết tâm đang tĩnh hay đang động, đang thiện hay bất thiện, sáng suốt hay ngu si mà thôi.

– Giữa hai tính chất động và tĩnh, ta biết tâm mình còn đang rất động.

– Giữa thiện và bất thiện, ta biết mình còn bất thiện.

– Giữa trí và ngu, ta biết tâm mình còn ngu si.

Thượng tọa cho biết, đây đều là những chìa khóa cực kỳ quan trọng của Tứ Niệm Xứ. Dù cho tâm có thanh tịnh trong thiền định thì ta vẫn phải nhắc mình chút thanh tịnh này chưa là gì, thật ra tâm còn rất động loạn. Hay dù ta có làm được việc tốt thì vẫn biết tâm mình chưa phải là thiện, còn rất nhiều điều bất thiện ẩn tàng trong đó.

Quán pháp.  chân lý như thế nào, sự thật như thế nào thì biết như thế đó, đây gọi là quán pháp trên pháp. Sự thật đầu tiên là Luật nhân quả. Tiếp đến là Tứ diệu đế, Mười Hai Nhân Duyên, Bát chánh đạo, Vô ngã… Đặc biệt, khi hiểu sự thật về nhân quả tội phước thì ta cũng hiểu luôn mình còn rất tội lỗi. Đây cũng là chìa khóa của Tứ Niệm Xứ.

Ai trong cuộc sống thường ngày vẫn luôn nhớ quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp thì người ấy đã thực hành Tứ Niệm Xứ, sẽ có ngày đắc đạo.

Tiếp đến phần II của Tứ Niệm Xứ, Thượng tọa nhấn mạnh: trong việc tu tập, quan trọng nhất là thấy được lỗi mình. Thường tất cả chúng sinh đều bị khuynh hướng tự nhiên là chối bỏ, phủ nhận lỗi lầm. Nhưng khi ta học Tứ Niệm Xứ của Phật dạy thì buộc phải thấy mình sai, vì không thấy mình sai, không thấy mình dở thì không thể tiến tu được, đó là nguyên tắc.

Tuy nhiên cái sai của chúng ta có nhiều góc độ khác nhau. Người phạm tội nặng mà chân thành nhận lỗi thì luôn xuất hiện tâm lý đau khổ, còn nếu không nhận lỗi thì không có tâm lý đó diễn ra. Mỗi một tội mà ta chân thành nhận lỗi thì lập tức trả giá bởi tâm lý đau khổ của mình (quả báo vẫn có nhưng họ biết nhận tội nên nó gột rửa đi rất nhiều quả báo). Còn người không nhận tội, không phải trả giá bằng tâm lý đau khổ thì khi quả báo tới nó làm cho ta đau khổ gấp ngàn lần, sự đau khổ là tột cùng không thể tưởng tượng, giống như rớt xuống địa ngục bị lửa đốt dao đâm là có thật. Quả báo khác nhau là tùy ta thấy lỗi mình tới đâu. Khi ta biết nhận lỗi mà lỗi nhẹ hơn chút thì tâm lý đau khổ ít hơn một chút, nó sẽ giảm dần theo mức độ tội lỗi, đó là công thức của tâm lý tự nhiên như vậy.

Trong Tứ Niệm Xứ, Phật đã dạy để đạt được sự giác ngộ thì tâm như thế nào ta phải biết như thế đó. Và sự thật là tâm của tất cả chúng sinh đều đầy lầm lỗi. Như vậy ta phải biết lỗi mình rất rõ. Đây là chìa khóa, là nguyên tắc tu hành.

Người tu tốt là người biết đau khổ, hổ thẹn, ngượng ngùng, hối hận, dằn vặt, ray rứt, tự trách mình khi phạm lỗi. Những tâm lý đó tuy xao động nhưng cần thiết để tu hành. Người nào chưa bao giờ thấy lỗi thì đó là người không trí tuệ, không tiến bộ, có nói đạo lý hay thế nào cũng chỉ là giả dối mà thôi.

Thuở xưa, vì hội chúng của Phật rất thanh tịnh, bao gồm cả những bậc Thánh đã trong sạch tuyệt đối nên trong lời dạy về Tứ Niệm Xứ ở giai đoạn đó, Ngài không nói điều gì căng thẳng. Ngài chỉ bảo rằng: “Thân thế nào biết như thế đó; Thọ thế nào biết như thế đó; Tâm thế nào biết thế đó; Pháp thế nào biết thế đó”. Nhưng lời dạy đó nếu được mang vào thời đại ngày hôm nay thì phải thành những lời quở trách nặng nề hơn, vì sao vậy, vì chúng sinh đều lầm lỗi quá nặng. Thời nay, chúng ta phải hiểu cụ thể rằng tâm ta còn nhiều lầm lỗi nên ta phải biết lỗi rất rõ.

Đừng tránh né mà hãy ôm lấy lỗi lầm, đối diện lỗi lầm mà sống. Như thế lỗi sẽ tan. Đây là nguyên tắc mà nghìn lượng vàng cũng không mua được. Phải rất thông minh, có ý chí và có phước thì mới dám an trú ngay lỗi lầm của mình. Ví dụ một người hay sân hận thì cứ lặng lẽ an trú nơi cái sân đó, đối diện với nó và biết nó là sai. Nhờ vậy mà tâm sân dần dần tan biến, không bị tái lại. Với cái thân mình cũng vậy, ta không bao giờ bỏ trốn khỏi cái thân này, an trú nơi thân mà biết nó là vô thường tạm bợ. Hoặc ta an trú nơi tâm mình, biết rõ nó là loạn động, kém đạo đức. Với cảm thọ khổ vui của mình ta cũng biết nó, đối diện với nó chứ không lẩn trốn.

Từ thời Đức Phật cho đến bây giờ đã mấy nghìn năm, hôm nay nghe lại qua những bản dịch, ta không hiểu được hết thâm ý của Phật. Có những điều chất chứa trong Tứ Niệm Xứ là cực kỳ sâu xa. “Niệm” nghĩa là nhớ, ở đây là nhớ thường xuyên, an trú thường xuyên, không rời. Nơi đau khổ ta biết trú ngay đó, không khuếch đại, không tô vẽ. Với lỗi lầm cũng vậy, ta an trú ngay nó, không rời nó, vậy mà từ từ nó tan vỡ luôn.

Trên con đường tu hành, nhìn lại mình ta phải thấy được nhiều điều bất toàn:

– Thứ nhất là dung mạo, thân thể của mình. Nếu so sánh với dung mạo cực đẹp của các tiên nữ hay thiên tử cõi trời thì ta chỉ là hạt bụi mà thôi.

– Thứ hai là sức khỏe.

– Thứ ba là trí tuệ. Nếu so sánh với trí tuệ của các bậc Thánh thì ta chỉ là giun dế, chẳng đáng gì cả.

– Thứ tư là phước lành.

– Thứ năm là thiền định.

– Thứ sáu là đạo đức. Ta không phá được các kiết sử như những bậc Thánh.

– Thứ bảy, về mức độ chấp ngã, chúng ta đều chưa đạt được vô ngã.

Xét qua một loạt tiêu chuẩn đó chúng ta đều còn rất kém dở.

 Và chữ “niệm” nghĩa là đối diện với cái kém dở đó, an trú trong cái kém dở đó. Đây chính là tu. Cho nên người hiểu “Tứ Niệm Xứ” không bao giờ là người kiêu mạn cả, họ rất khiêm hạ vì luôn biết mình còn kém dở. Và chính nhờ cái tâm khiêm hạ này mà dần dần tạo được rất nhiều phước, đường tu không bị gãy đổ.

Vậy những bậc Bồ tát có còn tu Tứ Niệm Xứ không? Chính Bồ tát là người thực hành cực kỳ thuần thục Tứ Niệm Xứ. Các Ngài luôn thấy mình còn hai điều: một là chưa đủ công đức, hai là chưa hết vô minh. Cho nên các Ngài tu hành rất bình an thanh thản, và hóa độ chúng sinh cũng trong cái khiêm hạ đó.

An trú nơi cái lỗi của mình thì lỗi sẽ tan, vậy muốn tan chấp ngã thì phải làm sao? Phải an trú nơi bản ngã, đối diện với bản ngã. Nhưng bản ngã là gì? Là chính mình. Ta không biết cái chính mình đó ở đâu mà an trú vì nó quá trừu tượng, không dùng ngôn ngữ để diễn tả được. Sau đây là vài gợi ý để an trú nơi chính mình:

– Một là biết hơi thở, biết hơi thở vào, biết hơi thở ra mà không điều khiển.

– Hai là biết toàn thân.

– Ba là biết tới mảnh xương cùng.

Mảnh xương cùng cũng thuộc cái thân này nhưng là một điểm đặc biệt trên thân. Dùng ba yếu tố trên để hy vọng tìm thấy chính mình (chứ ba yếu tố đó cũng không phải là chính mình).

Ai biết hơi thở ra vào rõ ràng, biết toàn thân rõ ràng, biết mảnh xương cùng rõ ràng thì người đó gần tới cái chính mình, chứ chưa phải “biết chính mình”. Nhưng nếu người nào “biết được chính mình” thì người đó sẽ chắc chắn phải biết ba điều trên: biết hơi thở ra vào rõ ràng, biết toàn thân, biết mảnh xương cùng. Và đương nhiên tâm cũng đã thanh tịnh.

Chính mình là gì? Là bản ngã. Bản ngã có rất nhiều lớp, mà cứ càng vào sâu bản ngã, càng vào sâu cái “chính mình” đó thì càng có vô số điều màu nhiệm mở ra. Và nhiều người ngừng ngang đây, tự cho đây là Phật tánh, là tự tánh thanh tịnh, tưởng nó là cứu cánh của đạo Phật. Vì vậy trong nhà Thiền nhiều người dám tuyên bố là “kiến tánh thành Phật”, vì thấy nó quá vi diệu, tin chắc rằng cứu cánh nằm ngay đây, Phật pháp nằm ngay đây.

Ngày xưa khi học đạo với hai vị đạo sư Alara Kalama và Udaka Ramaputta, Đức Phật cũng đạt được những mức định rất sâu, đều vào trong cái tự tánh rất thanh tịnh. Hai vị đạo sư xem đây đã là xong rồi. Riêng Đức Phật bằng trí tuệ siêu đẳng từ nghìn kiếp của mình đã cảm thấy vẫn còn cái gì là chính mình, vì vậy Ngài đã hỏi hai vị thầy rằng chỗ này còn bản ngã hay hết bản ngã? Họ đều không trả lời được, thế là Ngài đành từ giã ra đi.

Sau này Ngài nhập Tứ thiền, đi hết con đường của bản ngã và đến được chỗ cuối cùng của bản ngã là vô ngã – hết chấp ngã vô minh, thành tựu được tam minh lục thông, thấy rõ được Tứ Diệu Đế và Ngài thành một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. 

Phật thấy rằng kể cả những người chứng Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm đều bị còn bị mắc lại nơi chính mình. Chính vì vậy nên Phật mới nói là các vị A Na Hàm vẫn còn kiêu mạn, còn giải đãi, còn sắc ái, vô sắc ái, vô minh.

– Sắc ái là vẫn thích cõi trời, từ Phạm thiên trở lên.

– Vô sắc ái là vẫn còn thích cõi trời Vô sắc giới.

– Giải đãi vì tự nhiên nó có sự tự mãn.

– Kiêu mạn vì cái chính mình chưa hết được.

– Cuối cùng, dĩ nhiên là chưa hết vô minh.

Khi tìm được cái “chính mình” rồi người ta cảm nhận được sự yên tâm giống như có con đường rồi, không còn sợ bị lạc lối. Mà chính vì cái yên tâm đó nên sinh tự mãn, phải đi qua mất cả mấy trăm nghìn năm tu hành nữa. Nếu may mắn gặp được những bậc Thánh cao siêu giáo hóa thì mới vượt qua được 5 thượng phần kiết sử, cố gắng đi cho hết con đường để đạt được vô ngã.

Vậy nên từ đây, hàng ngày hàng giờ ta đều phát nguyện hướng về mục tiêu vô ngã Phật dạy để dù cho sau này ta có ngộ ra được chính mình, có đối diện với trạng thái vi diệu kỳ lạ nào thì vẫn không đứng lại giữa đường, vẫn tiếp tục đi tìm mục tiêu vô ngã. 

Xin cho con đi mãi

Không đứng lại giữa đường

Đến tuyệt đối vô biên

Tâm đồng tâm Chư Phật”.

Trong thời Chánh Pháp, mọi người đều tu thiền hướng về vô ngã. Thời tượng pháp, người ta nhờ thiền mà an trú được chính mình rồi mừng quá xem đó là tự tánh thanh tịnh. Đến thời mạt pháp thì bỏ thiền luôn. Vì vậy, để dựng lại thời Chánh Pháp, tất cả chúng ta phải quyết tâm hướng về vô ngã.

Trong tâm chúng ta phải có sự ray rứt tìm lại chính mình, thông qua 3 điều:

  • Một là, hơi thở ra vào biết rõ.
  • Hai là, biết toàn thân.
  • Ba là, biết mảnh xương cùng.

Khi ta biết được ba điều này, tâm ta có trạng thái thanh tịnh. Tuy nhiên xin đừng đắm chấp nơi cái thanh tịnh đó, đừng tự xưng mình đã có tự tánh thanh tịnh, đã kiến tánh, đã ngộ được Phật tánh… Hãy tiếp tục khiêm tốn đi tiếp. Từ nay chúng ta phải phát nguyện đi đến tận cùng, tìm cho ra vô ngã để sau này ta đặt chân được lên con đường thiền, an trú nơi chính mình, đi sâu dần, bao nhiêu điều màu nhiệm mở ra dần thì ta cũng không dừng lại giữa đường.

Tóm lại, căn bản ban đầu của Tứ Niệm Xứ là thấy được lỗi, nhớ lỗi mình. Ta sống với lầm lỗi, đối diện với nó… vậy mà lỗi sẽ tan. Trong đó ta có một cái lỗi lớn nhất là chấp ngã vô minh. Và ta cũng phải nhớ đến cái chấp ngã này, đối diện với nó, an trú nơi nó cho đến ngày nó tan. Nguyên tắc của Tứ Niệm Xứ, tột cùng của Tứ Niệm Xứ chính là chỗ này.

Mỗi ngày hãy lễ Phật với lòng tôn kính tuyệt đối để được cái phước theo Phật cho tới tận cùng con đường vô ngã, như vậy buộc lòng ngày nào đó ta tìm thấy chính mình, và an trú chính mình để đi đến vô ngã.

Còn làm sao để tìm thấy chính mình thì phải có phương pháp, có kỹ thuật, có sự siêng năng, có lý luận và cũng phải có công đức.

– Công đức của chúng ta là gì? Là làm mọi điều gì lợi ích cho chúng sinh mà không chấp công, từ việc nhỏ đến việc lớn đều làm và mong cho chúng sinh điều được giác ngộ.

–  Lý luận là gì? Là về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, về lý tưởng vô ngã.

– Và kỹ thuật là gì? Là thiền gồm ba điều, ba điểm để cố gắng tìm được chính mình.

– Chính mình là một điều trừu tượng, không dùng ngôn ngữ để nói được, không chỉ là một vị trí nào trên thân hay một ý niệm nào của tâm cả. Dù vậy nó vẫn liên quan đến thân và tâm ở ba điều: biết hơi thở, biết toàn thân, biết được mảnh xương cùng. Khi biết ba điều đó ta đã đến gần với cái chính mình.

Còn khi ta thật tìm được chính mình rồi thì đương nhiên:

  • Tâm được thanh tịnh
  • Biết được toàn thân
  • Biết được hơi thở
  • Biết được mảnh xương cùng.

Mỗi người chúng ta cố gắng thực hành để tìm được chính mình, và phải đi suốt con đường an trú chính mình đó trong không biết mấy trăm năm, mấy ngàn năm mới vượt khỏi chính mình, tìm thấy vô ngã, dựng lại chánh pháp huy hoàng.

Chúng ta thấy phương pháp Thiền Tứ Niệm Xứ này do chính Ðức Phật xưa kia đã trực tiếp chỉ dạy cho các đệ tử. Nhờ hành theo đó, các đệ tử của Ngài đã giải thoát, đã đắc quả A La Hán. Do vậy, ngày nay những ai đang đi tìm giải thoát, và nhất là thích tu thiền thì hãy nghe thật kỹ bài Pháp thoại Tứ Niệm Xứ này, sẽ giúp định hướng được con đường đi của mình.

Thượng tọa Thích Chân Quang đã trẻ hóa được ngôn ngữ Phật giáo, đào sâu phân tích ra những khía cạnh mở, giảng giải thật chi tiết, dễ hiểu, giúp ta thấy ra được vấn đề thiền Tứ Niệm Xứ một cách rõ ràng, tiếp thêm sức mạnh trí tuệ vào sự tu tập giác ngộ của mỗi người. Từ đây quý Phật tử có đủ chánh kiến, không bị lạc lối khi mới bắt đầu bước vào con đường tu.

Quan điểm tu hành, giáo hóa của Thượng tọa là tìm lại đạo lý gốc từ thời Đức Phật. Chúng ta còn có cơ may để tu lại từ đầu hay đi tiếp dưới sự dìu dắt của Thượng tọa và trên có Đức Phật, có các vị Thánh A La Hán, có các vị Bồ tát âm thầm gia hộ, chở che. Vì vậy hãy xem Thiền như là thức ăn mà mỗi ngày chúng ta không thể không ăn và hãy nên chia sẻ với nhiều người hơn.  

Không có một sự giác ngộ nào có thể có nếu chính ta không chịu thực hành. Dù chúng ta tu đang còn kém cỏi, nhưng hãy phát nguyện tinh tấn thực hành pháp thiền Tứ Niệm Xứ để chánh pháp của Đức Phật được lan tỏa ngàn phương. Hơn nữa, ngày nào còn có người tu thiền thì ngày đó Phật Pháp còn tồn tại; ngày nào còn nhiều người tu thiền thì ngày đó Phật Pháp còn hưng thịnh. Cầu mong tất cả những người con Phật đều tu hành đi tới được cái đích vô ngã.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất