Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTu trong đời sống hằng ngày

Tu trong đời sống hằng ngày

-

Chiều ngày 16/09/2017, TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN nhận lời mời của TT.Thích Phước Hạnh, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp tổ chức khóa tu thiền hàng tháng tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, Tp.Vĩnh Long).Lần này khóa tu diễn ra từ ngày 15 – 17/09/2017 và Thượng tọa đã thuyết giảng về đề tài TU TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY, với sự tham dự của chư tôn đức Tăng Ni tại các tự viện trong và ngoài thành phố Vĩnh Long, cùng với hơn 300 thiền sinh và hơn 1000 phật tử xa gần đồng tham dự.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa tán thán, khích lệ số đông các phật tử đã phát tâm về đây tham dự khóa thiền. Nhìn khắp hội chúng, để kêu gọi sự tinh tấn tu tập và gieo niềm tin vững chắc đối với các thiền sinh, Thượng tọa nhẹ nhàng nhắc nhở: Chúng ta phải hiểu rằng việc “tu thiền” không phải là vui thì đến, buồn thì bỏ đi. Không được phép nữa, vì khi phát nguyện tu thiền là đang đi vào cái lõi của đạo Phật, nên ta phải mang theo cái tâm của một dũng sĩ oai hùng bất khuất, chỉ có đi tới chứ tuyệt không lui bước, dù có chết cũng chỉ có đi tới chứ không quay đầu lại. Người nào có cái tâm đó thì mới tu thiền được.

Thiền định là con đường mà mười phương chư Phật đều đi qua, Đức Phật đắc đạo nhờ tu thiền, vô số Thánh tăng đắc đạo cũng nhờ tu thiền. Còn những điều khác chỉ là phương tiện mà thôi. Ta thấy vô số các vị Hòa thượng trong chùa tịnh độ đều là thiền sư. Ban đầu các vị đến với đạo bằng con đường tịnh độ, nhưng đến khi thực hành sâu, hiểu sâu kinh tạng thì cả đại tạng kinh của đạo Phật chỉ là thiền mà thôi. Thật vậy, sự tĩnh tâm hướng về vô ngã, giải thoát, giác ngộ để chứng thành đạo quả mới là con đường chính của đạo Phật. Như có một vị Thượng tọa vô cùng khả kính đã dám tự nhận mấy mươi năm qua mình đã tu sai rất nhiều khi thấy rằng con đường thiền mới là cái gốc, là giá trị đỉnh cao của đạo Phật.

Đạo Phật có nhiều pháp môn tu tập, pháp môn nào cũng có cái ưu thế, có cái đáng quý của mình, nhưng thiền định là một pháp môn quan trọng, vì pháp môn này vừa có tính khoa học, tính trí tuệ và vừa có tính giải phóng rất cao. Có thể nói, đến lúc nào đó thiền định sẽ thoát khỏi đạo Phật để trở thành tài sản chung của nhân loại. Thượng tọa nhấn mạnh: ngày nào đó nhân loại sẽ hiểu rằng Thiền của đạo Phật là kết tinh trí tuệ của nhân loại, thúc đẩy loài người tiến lên một bước tiến bộ mới, một sự tiến hoá mới, một sự văn minh mới, phát triển mới. Vì vậy, mọi người, mọi chốn, mọi nơi đều phải biết tu tập thiền định. Do đó, việc các phật tử về đây không phải tu cho mình nữa, mà là xây dựng thiền cho Phật giáo miền Tây, công đức không phải nhỏ. Nên chí nguyện phải kiên cường, trí tuệ phải sâu xa.

Đi vào nội dung bài Pháp thoại, Thượng tọa cho biết, thiền định là con đường khó khăn và lâu xa của nhiều kiếp. Tuy nhiên, trên thực tế, tính ra thời gian ta ngồi kiết già tu thiền rất ít. Vì vậy, nếu chỉ ngồi thiền mới tu, còn lại không tu thì bao giờ đắc đạo? Câu trả lời là không bao giờ, vì thời gian tu quá ít, không đủ thành cái nhân để đắc đạo. Do đó chúng ta buộc phải tu cả trong đời sống hàng ngày. Không phải hễ buông chân ra là không tu nữa, để cho tâm loạn động như thường, mà dù ta vẫn đi đứng nói năng, nhưng thật sự cái tâm bí mật bên trong vẫn đang tu thiền. Đó mới là chân tu. Trong đời sống, nếu luôn giữ được công phu tu tập như thế, sẽ giúp ta càng ngày càng gần đến Thánh quả Tu Đà Hoàn.

Dịp này, liên quan đến việc tu thiền, Thượng tọa gợi mở, giúp các thiền sinh tạm chia cuộc đời họ ra làm những trạng thái đối lập nhau như sau:

– Lúc thức và lúc ngủ (mà lúc ngủ thì xem như không tu được gì)
– Lúc thức lại chia làm hai: lúc bắt chân tọa thiền và lúc không tọa thiền.
– Lúc không tọa thiền cũng chia làm hai trạng thái: làm việc và ở không.
– Lúc ở không cũng chia làm hai: ở không mà thanh thản vô tư nhẹ nhàng, và ở không rồi tìm cách hưởng thụ.
– Lúc làm việc cũng chia ra làm hai: lao động trí óc và lao động chân tay. Hoặc có thể chia theo tính chất thiện hay ác, tức là đang bận tâm làm việc thiện hay việc ác.

Và công phu tu tập phải được giữ gìn trong mọi lúc, dù khi làm việc hay khi nghỉ ngơi. Tâm ta lúc nào cũng an trú, biết rõ toàn thân, biết thân vô thường. Chẳng hạn khi ta hái một trái cây, từ lúc cầm cây gậy cho đến lúc hái trái xuống tâm không bao giờ rời xa thân. Khi gặp một vị Thầy, từ lúc mỉm cười cho đến lúc cúi đầu chào Thầy, tâm cũng không bao giờ rời xa thân. Công phu này phải do tập luyện lâu dài chứ không tự nhiên mà có.

Khi quan sát một người, ta cũng có thể đoán được họ có tu thiền hay không. Người tu thiền thật sự thì trong đời sống họ vẫn giữ chánh niệm, tâm thanh thản, ít chạy theo những câu chuyện lao xao bên ngoài. Rồi nhờ công phu âm thầm đó mà cái ‘chấp thân’ của họ mỏng nhạt dần. Bắt đầu họ thấy mình như đất như bụi, chỉ thích cúi mình để phụng sự con người, chấp nhận làm những việc hèn mọn nhất mà ai cũng chê. Chẳng hạn khi vào chùa, họ cứ lặng lẽ vào dọn nhà vệ sinh, không sợ cái bẩn thỉu hay mùi khó chịu. Đời sống thay đổi, quan điểm thay đổi, tâm hồn thay đổi một cách rất tự nhiên. Cho nên, nếu tu cho đến chốn rồi ta sẽ hiểu thì ra đạo là đẹp, là hạnh phúc, an lạc như vậy… Chỉ từ việc an trú biết rõ toàn thân, nhớ thân là vô thường mà bao nhiêu điều đẹp đẽ mở ra.

Nên nhớ lúc lao động tay chân đơn giản ta sẽ dễ tu hơn so với lao động trí óc. Khi đó ta chia tâm ra, 3 phần lo cho công việc, còn lại hết 7 phần biết rõ toàn thân. Còn khi lao động trí óc phức tạp thì khó an trú toàn thân hơn lao động chân tay rất nhiều. Khi đó, nếu ai chia tâm ra, 9 phần xử lý công việc, còn 1 phần an trú nơi thân (chỉ mới để tâm nơi thân thôi, chưa nói đến quán thân vô thường) thì đã là người rất tinh tấn rồi. Khó như vậy.

Có những trường hợp ta không an trú tâm nơi thân được vì mãi lo tập trung cho công việc, nhưng nếu đó là việc thiện thì ta không có lỗi. Thêm nữa, cái phước tích lũy được từ việc thiện sẽ giúp ta dễ nhiếp tâm hơn khi bắt chân ngồi thiền. Tương tự, người xuất gia cũng vậy, nếu bản thân mình thúc liễm trong chùa, ngoài ra còn lo giáo hóa độ sinh thì nhiều khi mình chưa nhiếp tâm được nhưng công đức đã có, đến khi gặp được thiền sẽ nhiếp tâm rất nhanh. Chỉ sợ là trong chùa không có quan điểm tu tập về vô ngã, khi lễ lạy thì cho xong thời khóa chứ không trọn lòng kính Phật, không có lòng thương phật tử, không hóa độ chúng sinh… thì người xuất gia đó dù sống trong mái già lam mà công đức lại không thành tựu.

Cho nên việc thiện dù làm ta bận tâm nhưng vẫn mang đến cái phước, giúp ta nhiếp tâm vào định. Ngược lại, những điều bất thiện sẽ khiến tâm càng lúc càng ray rức bất an, thậm chí đi đến điên loạn. Vậy tại sao rất nhiều người tạo ác cả đời mà vẫn không điên? Nếu không điên vào hiện đời thì qua đời sau họ cũng sẽ đầu thai vào loài thú, tâm cực kì si mê loạn động. Cái tâm của loài thú và của người điên cách nhau không xa, bởi luôn động loạn căng thẳng, không có giây phút thảnh thơi.

Đối với vấn đề làm việc, vì lao động trí óc phức tạp hơn, khó an trú tâm nơi thân hơn là lao động tay chân, nên người lao động trí óc phải quyết tâm rất cao trong việc tu thiền, đồng thời công việc mình làm phải cống hiến phụng sự cho đời nhiều hơn người khác. Cái phước đó sẽ bù lại cho sự bận tâm của ta, để đến khi tu thiền ta mới đạt được sự tiến bộ.

Do đó, chúng ta cũng đừng vội kết luận rằng hễ làm việc thì bận tâm nên khó tu, còn hễ nhập thất tránh duyên thì dễ tu, không hẳn như vậy. Vì đúng là có những bậc thượng căn, sau thời gian nhập thất sẽ được kết quả cao về tâm linh. Tuy nhiên, cũng có những người không đủ phước nên càng ở trong thất chừng nào phước càng cạn chừng nấy, nên tâm càng loạn hơn. Vì sao phước cạn, vì thời gian đó họ hưởng sự cúng dường của người khác trong khi bản thân hầu như không làm được điều gì lợi ích cho chúng sinh. Khi đó, chỉ cần ngày ăn ba bữa cơm thôi cũng đủ làm tiêu tan cái phước của họ. Cho nên cái phước ảnh hưởng rất nhiều vào công phu tu tập.

Chúng ta nói đến những lúc ở không, cũng chia làm hai loại là ở không mà vẫn giữ đạo đức, lòng thanh thản nhẹ nhàng và ở không rồi kiếm chuyện hưởng thụ cho vui. Người tìm chuyện hưởng thụ là người không có duyên tu tập, đạo đức kém. Còn chúng ta biết tu tập, những lúc rảnh rỗi (nhưng không phải lúc ngồi thiền) thì hãy làm một trong hai điều: Một là đi kinh hành tới lui, an trú toàn thân; hai là ngồi tựa vào chiếc ghế bố, ngả lưng hơi nghiêng nghiêng cho khỏe, mà lợi dụng lúc ngồi bất động đó để điều hòa hơi thở giống như khi ta đang ngồi thiền kiết già. Tuy ta không nhiếp tâm sâu như khi ngồi kiết già được nhưng vẫn rất tốt, vì ta có điều hòa hơi thở, an trú nơi đan điền nên vẫn kích thích nội lực phát sinh.

Trong khi tu tập, có lúc ta nhớ thân, có khi ta quên thân. Nếu cứ bị quên thân quá nhiều, ta biết rằng đó là do nghiệp và hãy quỳ trước Phật mà sám hối. Và hãy nhớ rằng có ba yếu tố bí mật giúp cho ta luôn nhớ an trú toàn thân, ít bị quên:

– Thứ nhất là nội lực
– Thứ hai là phước
– Thứ ba là sự gia hộ của chư Phật

Đầu tiên, người nào tích được khí lực nhờ tập nội công, người đó rất dễ nhớ toàn thân. Đó là lý do người tu thiền phải tập khí công, đặc biệt là âm dương khí công. Mỗi ngày ta dành ra ít nhất một giờ đồng hồ để tập, chia ra nhiều lần (sáng nửa tiếng, tối nửa tiếng; hoặc sáng chiều tối mỗi lần 15 phút v.v…). Khi tập khí công ta tập êm nhẹ nhu nhuyễn, ban đầu không thấy gì, nhưng dần dần khi khí lực đã phát sinh rồi ta sẽ nhớ toàn thân, ít bị quên.

Thứ hai là phước. Ai sống hy sinh vị tha phụng sự sẽ giữ được công phu tu tập trong đời sống hàng ngày. Cho nên dần dần từ cái bận rộn lo cho đời cho đạo, nơi họ tự nhiên xuất hiện phong thái ung dung đĩnh đạt, oai nghi tế hạnh, từng bước đi dáng đứng đều tinh tế sâu sắc, nhờ công phu tu tập âm thầm bên trong.

Yếu tố thứ ba là sự gia hộ của chư Phật. Người nào được yếu tố thứ ba này là người công đức rất lớn. Họ thường mang cái tu ban rải cho mọi người, đem đạo pháp hóa độ khắp nơi, thường xưng tán Phật, lễ Phật với tâm tôn kính tuyệt đối, và lòng hiếu kính dâng lên Đức Phật là tuyệt đối… Người như thế sẽ được sự gia hộ bí mật của chư Phật. Mỗi khi họ quên thân thì cái ý niệm biết rõ toàn thân lại tự nhiên xuất hiện trở lại, không mất được. Tâm họ trong đời sống lao xao hàng ngày luôn an trú nơi thân và biết rõ sự vô thường của thân xác.

Chúng ta đã nói rằng người tu thiền chỉ được đi tới, không đi lui. Mà để có ý chí sắt đá này thì ta phải rèn luyện, bằng cách tìm những việc từ thiện cực nhọc mà làm. Bên cạnh đó, nếu ai quyết tâm tu tập thiền định thì hãy phát lời thề độc, hứa tinh tấn tu, nếu không tinh tấn ta sẽ chịu một hình phạt đau khổ nào đó. Ta tự buộc mình phải quyết tâm như vậy.

Tóm lại, với phương pháp thực hành thiền định ngay trong đời sống hằng ngày đã được Thượng tọa giảng dạy một cách tận tình, rõ ràng, đầy đủ căn bản, dễ hiểu, sẽ giúp cho người có nhiều thời gian hay người có ít thời gian đều thực tập được dễ dàng hiệu quả. Quan trọng là chúng ta phải hiểu: tu thiền thì cần ý chí sắt đá, không ngọn gió nào làm lung lay được, và sự tinh tấn phải tràn ngập ngay cả trong đời sống bình thường của chúng ta.

Đồng thời, đây cũng là chủ ý của người giảng dạy nhằm nâng cao trình độ tu tập tâm linh của người phật tử, cho nên Thượng tọa đã tạo ra một sinh khí tu học mới với phương pháp giảng dạy sinh động, hấp dẫn, thiết thực. Do vậy, ở những khóa tu thiền do Thượng tọa hướng dẫn đều thu hút đông đảo người tham gia, đặc biệt là một lượng lớn giới trẻ, giới trí thức. Ngoài ra, một cảm giác rất thoải mái an lạc trong khi nghe Thượng tọa thuyết giảng cũng là một nhân tố tạo nên sức hút lớn đối với người muốn tìm cầu học đạo.

Ước mong ngày càng có nhiều vị Giảng sư, có nhiều ngôi chùa, có những khóa tu có sức hút hàng nghìn phật tử câu hội về tu tập, cùng nhau đi trên con đường tu tập giải thoát giác ngộ, để góp phần tạo cho sinh hoạt tín ngưỡng đạo Phật ngày thêm khởi sắc./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng của TT. Thích Chân Quang:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất