Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTương lai ta sẽ trở thành người như thế nào

Tương lai ta sẽ trở thành người như thế nào

-

TƯƠNG LAI TA SẼ TRỞ THÀNH NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO, đó là đề tài Thượng tọa Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN đã thuyết giảng cho hơn 100 em Khóa sinh tại Tu viện Liên Hoa (ấp Bà Nhì, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), nhân Lễ khai giảng khóa Sinh Hoạt Hè 2019 tại đây vào ngày 06/06/2019 (nhằm ngày 04/05/ năm Kỷ Hợi), theo lời mời của Ni Sư Trụ trì Thích Huệ Tâm.

Bài Pháp thoại đã giúp các em nhận ra giá trị sống của mình. Từ đó, các em biết sống có đạo đức và làm lợi cho chúng sinh.

Mở đầu buổi nói chuyện, Thượng tọa hết lời tán thán công đức tu hành, giáo hóa của HT Thích Tâm Tính. Dù sức khỏe không tốt nhưng Hòa thượng vẫn luôn lo lắng, chu toàn mọi công việc, không bao giờ ngừng con đường hành đạo, lúc nào cũng vì chúng sinh, vì đạo Pháp. Bên cạnh đó, Người cũng bày tỏ sự cảm kích trước công đức mở khóa Sinh Hoạt Hè của Ni Sư Thích Huệ Tâm. Hoạt động này giúp các em có cơ hội học hỏi, rèn luyện, hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn.

Tuy nhiên, Thượng tọa nhận định Khóa tu mà chỉ tổ chức có 3 ngày thì không đủ thời gian cho các em học hỏi, thấm nhuần các đạo lí. Ít nhất phải là 10 ngày thì các em mới được lợi ích. Thậm chí, kéo dài cả tháng như ở Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu) thì càng tốt.

Người nhấn mạnh, khóa Sinh Hoạt Hè muốn thuận lợi, thành công thì công tác chuẩn bị, lên kế hoạch phải tỉ mỉ, chu đáo. Làm sao phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện cho các em.

Ngoài ra, phải đa dạng hóa chủ đề học tập. Bên cạnh đạo đức, quý thầy cô cũng phải trang bị cho các em thêm nhiều kĩ năng sống khác nữa. Ví dụ như kĩ năng đoán trước nguy hiểm để phòng tránh. Đây thực sự là kĩ năng quan trọng hiện nay, bởi tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm không chỉ là ngu, là ẩu mà còn là sự vô trách nhiệm với bản thân và gia đình.

Tiếp đến, chúng ta phải chỉ cho các em thấy bổn phận thiêng liêng của con người hiện nay là trồng cây để cứu Trái đất. Bỏ qua bổn phận này là ta đang buông cho Trái đất đi vào cái chết. Bản thân chúng ta cũng không tránh khỏi cái kết thảm đó.

Ngoài việc tự tay mình trồng, ta còn phải tuyên truyền để mọi người xung quanh cùng làm. Nhưng phải làm sao để vận động được mọi người cùng trồng cây? Câu hỏi này của Thượng tọa đã nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau từ phía các em học sinh. Tuy nhiên, chưa câu trả lời nào trọn vẹn, đầy đủ hết.

Người giải thích, khi ta vận động không được thì ta phải lập ra từng nhóm, tổ chức, vận động cá nhân, tập thể, vận động luôn vào trong quyền lực nhà nước để nó thành mệnh lệnh, nghĩa vụ luôn. Tiếp đến là vận động đến cả Liên Hợp Quốc để nó trở thành nghị quyết cho cả thế giới.

Ở tuổi của các em, học tập thực sự là việc rất quan trọng. Nhưng để việc học có hiệu quả, đúng trọng tâm, khai thác được hết điểm mạnh của từng em, người lớn chúng ta cũng phải quan tâm đến ước mơ của các em sau này. Vậy tương lai các em muốn làm gì và trở thành người như thế nào?

Câu hỏi đó của Thượng tọa khiến cả Pháp hội trở nên sôi nổi. Các em rất hào hứng, tích cực giơ tay, trình bày ước mơ của mình. Tuy nhiên, câu trả lời mà Người cho là đúng nhất, được mong đợi nhiều nhất chính là các em sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Điều này không chỉ đúng với cái tâm của các bậc cha mẹ, mà nó còn đúng với cả đạo đức nhà Phật.

Với chủ đề hôm nay, Người hi vọng các em biết định hình lại con đường đi của mình. Cuộc sống hôm nay đầy đủ quá nên các em cứ hồn nhiên hưởng thụ nó, không hề nghĩ tương lai ngày mai mình sẽ như thế nào. Thậm chí, có em 20 tuổi rồi vẫn sống vô định, không có lập trường, ai dụ gì cũng làm. Điều này rất nguy hiểm.

Chúng ta thấy rằng, xã hội vật chất phát triển quá nhanh, giúp cuộc sống của con người trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Phát minh khoa học nào cũng tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của con người. Vì cái tiện lợi đó mà chúng ta phải trả giá bằng sự ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính,… Và đây chính là sự công bằng của trời đất. Nghĩa là, ta được cái này thì phải chấp nhận mất cái kia.

Trong cái khuynh hướng phát triển ấy của xã hội, ước mơ của con người cũng theo đó mà chia thành 2 loại:

– Một là thích hưởng thụ cho bản thân.

– Hai là thích được cống hiến cho cuộc đời.

Nếu theo khuynh hướng hưởng thụ, chắc chắn ta phải dẫm đạp, làm tổn thương đến cuộc sống, ước mơ, sinh mạng của những chúng sinh khác. Còn nếu theo khuynh hướng cống hiến, ta phải hi sinh lợi ích của bản thân cho lợi ích chung. Vậy chúng ta sẽ chọn con đường nào?

Người khẳng định, nghĩ cho bản thân là không xấu. Nhưng vì bản thân mà gây tổn hại đến chúng sinh khác thì ta trở thành người ích kỉ, độc ác, rồi mang nghiệp. Hy sinh lợi ích của bản thân để nghĩ cho người khác, nghĩ cho dân tộc rất khó, đòi hỏi ta phải chiến thắng được những cám dỗ bên ngoài và ham muốn của bản thân nhưng bù lại ta được cái phước lớn.

Vậy nhưng, trong số chúng sinh trên thế giới, có bao nhiêu người từ bỏ được lợi ích của bản thân mà nghĩ cho người khác. Rất khó. Dù có thì ý nghĩ đấy cũng dễ thay đổi bởi bị nhiều yếu tố bên ngoài tác động vào.

Để thực hiện được lí tưởng sống cao đẹp ấy, Thượng tọa chỉ dạy rằng chúng ta phải siêng năng. Đầu tiên là giúp đỡ bố mẹ công việc nhà; giúp đỡ thầy cô, bạn bè công việc trường lớp; đến chùa thì phụ mọi người dọn dẹp, bưng bê,… Dù việc nhỏ hay việc lớn ta cũng không từ nan. Phải lao động chân tay thì cái lười mới vỡ ra được, giúp ta có cái nhân trở thành người siêng năng sau này. 

Bên cạnh đó, chúng ta phải biết yêu thương, nhường nhịn, nghĩ cho lợi ích của những người xung quanh mình. Quan trọng nhất là phải biết siêng năng đi chùa, lễ Phật, xin Phật gia hộ cho mình giữ được lời hứa, giữ được cái tâm vị tha, mãi mãi yêu thương mọi người.

Đây cũng là lí do mà các em có mặt ở chùa hôm nay. Tham dự khóa hè cho các em cái nhân lành, giữ được tâm mình để đi hết kiếp này và cả những kiếp sau. Nếu không làm vậy, chúng ta rất dễ bị gục ngã trước thử thách, cám dỗ, rồi gây ra biết bao sai lầm. Tất cả cũng bởi tâm ta chưa vững do thiếu đi lễ chùa, thiếu tôn kính bậc Thánh.

Người lí giải, lễ kính bậc Thánh cho ta cái phước để giữ tâm mình sau này bớt lỗi lầm, biết làm nhiều việc tốt, dễ hi sinh, phụng sự, giúp đỡ mọi người. Dần dần, tâm ta có đạo đức. Đây là nguyên tắc của nhân quả. Tức là, khi ta kính bậc Thánh thì tâm mới có phẩm chất của bậc Thánh. Dù nhỏ thôi nhưng cũng giúp ta tránh được vô số điều sai trong cuộc đời.

Trong khóa tu lần này, các em sẽ được học cách lễ Phật. Mỗi ngày đều lễ Phật, sám hối thì đạo đức thăng tiến, trí tuệ dần mở ra, ta gặp được vô số điều may mắn trong cuộc đời.

Cuối cùng, Thượng tọa gửi lời cảm ơn đến BTC khóa hè đã tạo dựng một không gian học tập bổ ích cho các em trong những ngày hè; cảm ơn những bậc cha mẹ đã có quyết định sáng suốt khi để các em đến chùa. Đặc biệt, cảm ơn các em đã tham gia sinh hoạt tại khóa hè lần này. Người hi vọng các em sẽ học được nhiều điều bổ ích tại đây, sau đó lan tỏa ra xã hội để mọi người cùng được lợi ích.

Trước sự tận tình của Thượng tọa, Phật tử và các em Khóa sinh rất hoan hỉ, xúc động. Nhờ bài Pháp của Người mà ai cũng nhận ra được giá trị sống của mình; biết cách bảo vệ Trái đất khỏi thảm họa hủy diệt; biết sống có đạo đức, làm lợi cho chúng sinh.

Người như cây đại thọ cho mọi người nương tựa, như ánh đuốc sáng dẫn dắt chúng sinh khỏi bóng tối vô minh. Dù cuộc đời đầy giông bão nhưng Người vẫn vững tay chèo, đưa Phật pháp, chúng sinh qua bến bờ giải thoát. Công đức này thật không gì đong đếm nổi.

Công Thầy đổ xuống đất này

Cho hoa đạo pháp ngày ngày xanh tươi.

Tuy bận nhiều việc Phật sự, nhưng Người vẫn thu xếp đến tham dự, giảng giải cho các em rất nhiều đạo lí quan trọng, tốt đẹp. Vậy mới thấy tấm lòng của Thượng tọa không chỉ hướng đến Phật pháp, mà còn hướng đến giá trị xây dựng đạo đức, nhân cách cho con người, nhất là các em nhỏ – chủ nhân tương lai của đất nước. Đây cũng là cách mà Người lựa chọn, âm thầm cống hiến, phụng sự, hi sinh cho sự phát triển lâu bền của đất nước từ nay cho đến muôn đời.

Quả thực, bài Pháp của Thượng tọa đã thức tỉnh mọi người, nhất là những bậc làm cha, làm mẹ. Chúng ta quá nuông chiều con trẻ, đáp ứng mọi yêu cầu của con cái. Đồng thời, chúng ta lại quá áp đặt suy nghĩ, mong muốn của mình lên con trẻ. Điều này khiến các em không tự định hướng được tương lai của mình, mãi chìm đắm trong sự mơ hồ, mông lung, vô định.

Tuy nhiên, từ hôm nay trở đi, người lớn đã biết hướng dẫn, định hướng, cổ vũ, khích lệ con đường, ước mơ tương lai cho các em. Các em cũng tự biết xây dựng lí tưởng sống cao đẹp cho bản thân mình, biết sống vị tha, yêu thương, tử tế với tất cả mọi người. Bài học đạo đức này sẽ là hành trang, giúp các em đi vững bước trước mọi chông gai, cám dỗ để đi đến những điều tốt đẹp./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất