Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngĐạo tràng Phật QuangVĩnh Long: Các em khóa sinh tham gia lễ cầu siêu anh...

Vĩnh Long: Các em khóa sinh tham gia lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ

-

Tối ngày 14/07/2017, nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2017), chùa Phật Ngọc Xá Lợi và Thiền Tôn Phật Quang tổ chức khóa lễ kỳ siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long trong không khí trang nghiêm thành kính kính chứa chan niềm biết ơn sâu sắc đối với những người con anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự sống của nhân dân.

Chứng minh và tham dự buổi Lễ có: TT Thích Phước Hạnh – Phó ban thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, cùng Chư tôn đức Tăng tại Bổn tự và chư Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang. Ngoài ra còn có gần 100 em học sinh khóa sinh hoạt hè chùa Phật Ngọc Xá Lợi, và đông đảo phật tử.

Mở đầu buổi Lễ, trong lời đạo từ TT Thích Phước Hạnh đã giúp mọi người, đặc biệt là các em học sinh nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của Lễ cầu siêu. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, đồng thời khơi dậy trong lòng các em tình yêu quê hương đất nước.

Tiếp đến, ĐĐ Thích Khải Thành đọc lời cảm niệm sâu lắng, truyền cảm đến từng dòng, khiến người nghe ai cũng xúc động. Trong đó, nhấn mạnh: Lễ cầu siêu này không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, mà còn thể hiện sâu sắc tinh thần “Tri ân và báo ân” của giáo lý đạo Phật đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước.

Đại đức bộc bạch: chúng con sinh ra khi quê hương không còn tiếng súng, khi đất nước không còn bóng giặc ngoại xâm, cả cõi đất yên bình tĩnh lặng… Bởi giữa lòng đất của Tổ Quốc đang ôm ấp các anh – những người con anh hùng của dân tộc. Mỗi tấc đất giấu trong mình cả một ký ức về lịch sử khốc liệt của chiến tranh mà bao đời ông cha đã kiên cường giữ lấy. Đất đã nhận lấy những gì đau thương của chiến tranh để chúng con được yên lành bước đi. Đất đã đón các anh trở về, để các anh được nằm yên nghe tiếng gió, được nhìn ngắm bầu trời xanh vời vợi.

Chúng con… chỉ cần nhắm mắt lại… sẽ nghe tiếng của đất trời, cả một trang sử hào hùng mà cha anh đã trải qua, những con người hy sinh không tiếc máu xương mình, là những người thanh niên, là những người thiếu nữ tuổi đôi mươi, với đôi mắt cháy lửa tình yêu quê hương đất nước, với trái tim dũng cảm kiên cường bước lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng. Với những năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, vác trên mình súng đạn vận chuyển cho chiến trường, đắp lại từng con đường để xe pháo đi qua. Khí thế của tinh thần tất cả vì độc lập của dân tộc, quyết chiến và quyết thắng. Những con đường hầm, những trận chiến dành lấy từng tấc đất, có người lính đã nằm xuống để đồng đội mình được tiến lên.

Than ôi! Chẳng bút mực nào tả hết nỗi đau thương. Các liệt sĩ đã chấp nhận hi sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc. Sự hi sinh vì nước, vì dân thì không bao giờ chết được.

Có những cái chết mãi thành bất tử

Chiến công này lịch sử dấu còn ghi

Hào khí non sông chung đúc thật diệu kỳ

Toả rạng để vang lừng bốn bể.

Thật vậy, khi sống hiếu trung, nay thác đi với tâm thức anh hùng, nguyện các đấng thiêng liêng, nguyện hồn thiêng sông núi, tấn phong các anh hùng liệt sĩ, thành những Phúc thần, để trợ giúp những công trình ích nước lợi dân.

Hương linh các anh sẽ sống mãi với non sông đất nước Việt Nam, trong tâm tư, ký ức của bao thế hệ dân tộc Việt Nam luôn nghìn trùng thương nhớ. Xin kính cẩn nguyện cầu các anh mãi thanh nhàn nơi cõi tịnh.

Xin nguyện cầu Mười phương Chư Phật gia hộ để các anh được bình an trong cõi yên lành, rồi một ngày bước đi trong niềm an lạc của sự giải thoát. Giờ đây:

Tình nghĩa kia làm sao bày tỏ

Đền ơn anh còn có tấm lòng

Hướng về Phật Pháp mênh mông

Những mong anh sẽ mở lòng kính tin.

 Cầu Chư Phật hiển linh tế độ

Đưa các anh xa khổ về vui

Trải lòng thương khắp nơi nơi

Từ bi vô lượng đất trời chuyển theo.

 Ngày nào đó phước trời đã đủ

Rời cõi này về chỗ cao hơn

Chung quanh Bồ Tát ân cần

Dắt dìu dạy dỗ nghìn lần thẳm sâu.

Tiếp đến là nghi thức tâm linh bao gồm cúng thí thực cho hương linh, dâng hương tưởng niệm, tụng kinh cầu siêu.

Lễ tưởng niệm đã kết thúc nhưng dư âm thiêng liêng, ấm cúng, thân thiện của nó thì vẫn còn đọng lại trong tâm mỗi người Phật tử. Ngẫm lại: Đất nước đã được giải phóng, hòa bình đã đi qua hơn 40 năm, nhưng vẫn còn biết bao đau thương, mất mát khi vẫn còn rất nhiều những gia đình, thân nhân liệt sĩ khát khao, mòn mỏi đi tìm kiếm người thân hy sinh trên khắp các chiến trường. Nguyện cầu cho những ai xương cốt còn lưu lạc sẽ về lại với đất mẹ, với quê hương của mình./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh các em khóa sinh tham gia buổi lễ cầu siêu:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất