Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang thuyết giảng về đề tài "Người có trí"

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về đề tài “Người có trí”

-

Vừa qua, vào ngày mùng 05/06/năm Đinh Dậu (nhằm ngày 28/06/2017), tại Chùa Tường Quang – xã Định An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng đề tài NGƯỜI CÓ TRÍ, với sự tham dự rất đông đảo phật tử xa gần.

Đây là đề tài quan trọng trong Phật giáo. Thông qua bài Pháp thoại này Thượng tọa đã gợi mở, đưa ra nhiều quan điểm mới về sự phát triển trí tuệ. Từ đó, qua sự thực hành, mỗi người sẽ tự nâng trí tuệ biến nó thành tuệ giác để nâng thân phận mình lên thành bậc Thánh giữa cuộc đời.

Được biết, nhân lễ giỗ Sư Bà Long Sơn, Ni sư Trụ trì đã thiết lập đàn tràng Dược Sư, lễ Trai đàn Chẩn tế và tổ chức buổi thuyết giảng dành cho phật tử về dự lễ giỗ… Tất cả công đức ấy hướng đến người âm kẻ dương đều được lợi lạc.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa giải thích:giữa các giống loài trên hành tinh này, nhờ có trí thông minh mà con người đã leo lên làm chủ thế giới. Rồi giữa con người với nhau, người có đầu óc, có kiến thức, có trí tuệ hơn cũng được nể trọng hơn. Như vậy, tính ra trong pháp giới vũ trụ này, đẳng cấp của chúng sinh khác nhau là do trí tuệ sai biệt nhau. Nếu ta ngu dốt, khờ khạo, vô minh thì tự nhiên ta thuộc đẳng cấp thấp trong các giống loài của vũ trụ.

Ta thấy rằng trên luật pháp thì con người là bình đẳng nhưng các giống loài lại không bình đẳng. Ví dụ người ta chỉ truy tố kẻ đã giết một mạng người, chứ không ai truy tố kẻ đã giết một con bò, con nai cả. Do đó, khi ta rơi vào những đẳng cấp thấp dần thì thật sự ta không còn bình đẳng với các loài khác, sự sống chết của mình không quan trọng nữa. Mà những chúng sinh thiếu phước, thiếu trí tuệ thì buộc phải thuộc đẳng cấp thấp. Ngay cả giữa con người với nhau cũng không phải là bình đẳng, có người được quan tâm, tôn trọng, có người thì bị hắt hủi, xem thường. Sự chênh lệch này là chênh lệch phước, mà cũng có nghĩa là chênh lệch trí. Vì vậy, khi ta tu hành cũng có nghĩa là ta tu cả hai, vừa tu phước vừa tu trí.

Để hiểu quan điểm này, Thượng tọa giải thích thêm: tu phước bằng cách gieo nhân kính trọng bậc Thánh, giúp đỡ người nghèo khó, hỗ trợ cho người khác thành công… Còn ta tu trí bằng cách học. Nhưng học cái gì? Kiến thức thế gian là vô tận, ta có học cả đời cũng chỉ học được một phần nào đó mà thôi. Còn khi đã vào đạo, ta phải học điều gì để mở mang trí tuệ? Đó là học đạo lý tu hành mà Phật dạy.

Thật sự có những đạo lý có khả năng nâng con người lên một đẳng cấp khác, ví dụ Luật Nhân Quả. Người hiểu sâu về nhân quả tự nhiên biết điều chỉnh mọi điều trong cuộc sống, điều chỉnh tâm hồn, hành vi, lời nói của họ… Dần dần cái đạo đức của họ làm mọi người phải nể trọng, thậm chí cả chư thiên, thánh thần cũng phải yêu mến. Vì tin hiểu nhân quả mà tự nhiên họ được bước lên một đẳng cấp mới giữa loài người này.

Hoặc một đạo lý nữa là vô ngã. Chúng sinh vì si mê nên đều thấy cái ta là quan trọng, từ đó sinh ra tham lam, thù hận, ích kỷ, hơn thua, tỵ hiềm… Còn bậc Thánh là bậc diệt trừ cái chấp ngã cho mỏng nhẹ dần, và đến khi nào ngã chấp hoàn toàn tan biến thì vị đó trở thành một Đức Phật. Nên trên đời này, nếu người nào hướng về đạo lý vô ngã, biết tu tập để nhẹ bớt chấp ngã thì người đó đã có trí tuệ của bậc Thánh, không còn thuộc đẳng cấp của loài người nữa. Người hiểu nhân quả là người hiền lành, thánh thiện giữa cuộc đời, nhưng vẫn là con người. Còn người diệt trừ chấp ngã rồi thì vượt khỏi loài người ngay, lập tức có trí tuệ của bậc Thánh.

Như thế khi đến với Phật pháp, nếu ta học được ít nhất hai đạo lý: một là đạo lý về nhân quả, hai là mục tiêu vô ngã thì ta đã thuộc một đẳng cấp cao hơn trong vũ trụ. Tuy rằng người càng hiểu nhân quả, càng hướng về vô ngã chừng nào thì càng thấy mình nhỏ bé tầm thường chừng nấy, nhưng người ngoài nhìn vào thì lại thấy họ là một bậc cao cả giữa đời.

Theo đó, Thượng tọa cho biết có ba dấu hiệu của người có trí tuệ như sau:

+ Thứ nhất là đánh giá, suy luận, phán đoán được từ những chi tiết rất nhỏ.

+ Thứ hai là nhìn thấy những điều rất xa mà người khác chưa nhìn đến được (nhìn xa về quá khứ và nhìn xa về tương lai). 

+ Thứ ba là nhìn ra được điều khuất kín mà mắt người khác không thấy nổi.

– Đầu tiên là đánh giá, suy luận, phán đoán từ những chi tiết rất nhỏ. Ví dụ có người đến một ngôi nhà nhìn thấy trong nhà chỉ có một thùng rác duy nhất, rác không được phân loại để tái chế và cũng chỉ có một nhà vệ sinh, lại không thơm, không sạch thì người đó biết rằng gia đình kia có mức độ văn minh thấp. Rồi khi nghe những người trong gia đình nói chuyện với nhau bằng những câu thô bỉ, họ đánh giá gia đình đó kém văn hóa. Rồi cách người khác dọn mâm cơm lên, hay thái độ, cử chỉ khi tặng một món quà… đối với họ đều là dấu hiệu gì đó tương đối lớn để nhận định cả. Do đó, ta nói người thông minh họ để ý đến những chi tiết rất nhỏ là vậy.

Mặt khác, chỉ qua một ánh mắt rất nhỏ, họ có thể đọc được cả nội tâm của người khác. Thật ra, tất cả chúng ta đều sống theo khuynh hướng “Tốt khoe xấu che”, ta luôn bày tỏ thái độ tử tế lịch sự với mọi người, và kiềm giữ lại khuynh hướng hung dữ, tham lam, ích kỷ, nhỏ nhen. Chỉ những ai thật lòng tu dưỡng lâu năm thì thái độ bày tỏ bên ngoài với bụng dạ bên trong mới thu ngắn khoảng cách dần. Nhưng người chân tu như vậy thì thật là ít ỏi giữa thế gian này. Với người có trí tuệ, họ có thể đọc được nội tâm của người khác qua ánh mắt, dù cho nội tâm đó có khéo được che đậy bằng nụ cười chăng nữa.

Trên cuộc đời này có ba hạng người cười nhiều, thứ nhất là người không sâu sắc; thứ hai là hạng người hiểm ác cười để che đậy; thứ ba là bậc Thánh cười độ lượng bao dung, cười như ôm cả đất trời, mà nụ cười như vậy thì thật là hiếm có. Và người có trí tuệ thì chưa cần nhìn người khác cười, chỉ cần nhìn vào ánh mắt thôi là họ ít nhiều biết được bản chất tâm hồn của người đối diện.

Nói về tính chất thứ hai của trí tuệ, Thượng tọa dùng nhiều ví dụ để giúp mọi người hiểu rõ hơn thế nào là nhìn thấy xa hơn những điều mà mọi người thấy. Ví dụ khi nghe tin ông già 70 tuổi xâm hại đứa bé 8 tuổi, nếu ai chỉ mở miệng mắng cho hả giận thì người ấy chưa có trí tuệ. Người có trí tuệ sẽ nhìn ngược lại quá khứ xem ông đã gây những nhân gì mà hiện tại mắc một tội lỗi tày trời như vậy, tức để cho cái muốn bậy bạ khởi lên trong tâm, không kiềm chế được.

Bình thường trong đời ai cũng có những cái muốn thúc đẩy mình làm chuyện này chuyện kia, và chúng ta thường cân nhắc để quyết định làm hay không. Nhưng có những người khi cái muốn bậy bạ khởi lên, họ không kiềm chế được mà nhắm mắt làm theo, lý do là vì sao? Vì từ bé đến lớn họ thường xúc phạm bậc Thánh, thường châm biếm bậc đáng kính, thường chê bai nói xấu mọi người. Chỉ vậy thôi mà cái phước bị tổn sạch, cho đến cuối đời khi cái muốn xấu ác khởi lên đã thúc đẩy họ làm chuyện bậy – đó chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước tội lỗi mà họ đã tích lũy cả đời. Họ mất hết danh dự, rơi vào vòng lao lý rồi khi chết sẽ rơi luôn xuống địa ngục.

Thật ra mỗi ngày hầu hết chúng ta đều tích lũy mỗi giọt tội mà không hay. Ta tích lũy chỉ bằng ý nghĩ của mình, ví dụ ta nghĩ sai về con người hay suy luận bậy về đạo lý, thì sẽ có ngày giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Do đó hãy hết sức cẩn thận với từng ý nghĩ của mình. Đó là người có trí tuệ biết nhìn ngược lại quá khứ để thấy nguyên nhân sâu xa của rất nhiều điều trên đời là vậy.

Rồi từ cái thấy đó, họ biết đề phòng rất xa cho tương lai. Ví dụ trong một đất nước được cho là bình yên thế này, họ vẫn biết rằng mỗi ngày nếu người dân cứ gây nghiệp bất an từng chút thì sẽ có ngày “giọt nước tràn ly”, là ngày mà chuyện bất an (như thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh) sẽ đến. Cái nghiệp bất an đó đến từ đâu? Từ mỗi miếng thịt, mỗi lát cá mà ta ăn hàng ngày. Thấy ngày ngày mỗi người chỉ ăn mặn một chút, nhưng sẽ có ngày cả người bán, người mua, và người ăn đều phải chia nhau trả nghiệp, trả lại sự đau đớn của những con vật bị giết hại. Đó là ngày mà sự bất an ập đến trên phạm vi rất rộng.

Thế giới ngày nay cứ bất ổn, chiến tranh, bệnh tật, ly tán, có những phe phái xung đột liên miên vì sắc tộc, tôn giáo… nguyên nhân sâu xa trong quá khứ là từ cái miệng (việc ăn mặn của chúng ta). Nên dù đang sống trong ngôi làng, một đất nước bình yên thì ta vẫn phải đề phòng có một ngày sự bất an đến, đề phòng bằng cách ăn chay ngay từ bây giờ.

 Hoặc nhìn về tương lai, người có trí tuệ thấy rằng, nếu rừng biến mất thì sự sống trên hành tinh này cũng bị tận diệt, mỗi người cưa một cái cây là góp phần đẩy thế giới vào chỗ tận thế. Vì ý thức điều đó mà từ bây giờ họ lo trồng cây chung quanh nhà mình, tạo ra từng mảng xanh để góp phần gìn giữ sự sống cho trái đất.

Người có trí cũng biết rằng việc thọ ơn, nhận tiền bạc của người khác là một món nợ, mà khi đã mắc nợ rồi thì ta bị lệ thuộc, ta phải nghe lời, làm theo sự sai bảo của người đã ban phát ân nghĩa cho mình. Nếu chẳng may đó là kẻ xấu thì thật là thê thảm, có người vì món nợ trong kiếp quá khứ mà kiếp này phải nghe lời người xấu để cướp của, giết người. Do đó người có trí tuệ rất cẩn thận dè dặt khi thọ ân ai, vì họ biết cân nhắc đến hậu quả khôn lường về sau.

Hoặc khi thấy tâm mình khó chịu trước sự thành công của người khác, người có trí biết ngay mình đang gieo cái nhân để mười kiếp sau mình không còn tài năng nữa.

Tóm lại, người có trí tuệ trên đời là người nhìn rất xa ngược về quá khứ, và nhìn rất xa đến tương lai.

– Một tính chất khác nữa của người có trí là họ nhìn được những điều khuất kín mà người khác không thấy được.

Thử hỏi, điều gì mà người khác không nhìn thấy? Rất nhiều, chẳng hạn là nội tâm con người, hay những âm mưu của những tổ chức, thế lực ngầm. Hiện nay có những tổ chức chính trị đội lốt tôn giáo thường cho người len lỏi vào những Pháp hội đông đúc để tung tin đồn, ví dụ họ ca ngợi về phép lạ phi thường của một đạo sư nào đó do họ dựng lên, rồi lôi kéo quần chúng. Người có trí khi nghe những tin đồn như thế thì biết ngay đó không phải là chuyện đơn giản, mà ẩn chứa phía sau là âm mưu của cả một tổ chức, một đường dây lớn đang ngấm ngầm phá hoại Phật pháp.

Hoặc có những người ca ngợi một pháp tu mà không cần Phật, không cần Pháp, không cần Tăng, không cần học kinh, không cần tu nhiều, chỉ cần niệm một câu bốn chữ thôi là được siêu thoát. Người không có trí nghe những điều như vậy thấy vui vui, hay hay, còn người có trí tuệ thì lập tức cảnh giác ngay, biết rằng đằng sau đó có thể là một âm mưu cực kì lớn nhằm phá tan đạo Phật, vì phủ nhận luôn ba ngôi Phật – Pháp – Tăng, chỉ khuyến khích người tín đồ tụng một câu bốn chữ nào đó để được siêu thoát. Đó là chuyện phá hoại Phật pháp cực kì trầm trọng.

Hoặc hiện nay có các tổ chức chính trị vin vào những tai nạn, sự cố rồi đổ lỗi cho nhà nước, họ xuyên tạc, khếch đại nhiều sự việc lên cho trầm trọng để người dân bất mãn, có ác cảm với chính quyền. Cho tới ngày toàn dân đã chán ghét nhà nước rồi họ mới tổ chức nổi loạn. Tóm lại, khi nghe những câu chuyện, những tin đồn có vẻ bâng quơ, người có trí tuệ luôn cảnh giác vì họ biết rằng khuất phía sau đó có thể là cả một âm mưu hiểm độc.

Người có trí cũng nhìn được những điều quan trọng sẽ đến phía sau lời nói của mọi người. Ví dụ có những tài xế hay buộc miệng mắng những người chạy xe máy đánh võng trước xe mình: “Tao tông chết mày bây giờ”, người có trí nghe vậy biết rằng một cái nhân đã được gieo xuống, sau lời nói đó là một tai nạn đang đợi chờ, sẽ có ngày người tài xế gây cái nghiệp tông chết người thật sự.

Ngoài ra, người có trí cũng đánh giá được nhân quả của từng việc làm nhỏ nhặt. Ví dụ có người phật tử khi vào nhà vệ sinh trong chùa thì thấy mẩu tàn thuốc bị ai vứt lại trên sàn, người này mới nghĩ rằng tuy mình không phải là người đã vứt nhưng nếu mình không dọn thì người vào sau sẽ khó chịu vì cái dơ, cái hôi, như vậy mình cũng có tội. Họ tự nhận trách nhiệm về mình nên nán lại chùi dọn cho sạch sẽ rồi mới đi dùng cơm. Đây là việc bình thường, nhưng người có trí thấy biết rằng phía sau đó là chuyện vô cùng lớn: người phật tử kia chắc chắn phải ở địa vị tôn quý trong cõi người hay cõi trời, bởi tinh thần trách nhiệm của họ quá cao.

Tóm lại, người có trí tuệ thì có ba cái nhìn: một là nhìn được những chi tiết rất nhỏ; hai là nhìn rất xa ngược vào quá khứ và vượt đến tương lai; ba là nhìn được cả những điều khuất kín không ai thấy. Và ba tính chất này đều liên quan đến Luật Nhân Quả cả.

Nên ngay từ buổi đầu đến với Phật pháp, chúng ta được học về một đạo lý tưởng như đơn giản, kỳ thực nó làm cho trí tuệ ta lớn dần, đưa ta bước lên một đẳng cấp vượt khỏi loài người – đó là Luật Nhân Quả. Có một điều đặc biệt là bằng trí tuệ hiểu sâu về nhân quả, ta phải nhìn tới cả trăm kiếp sau của mình chứ không phải một vài kiếp, tức là ta sẽ phát những lời đại nguyện cho cả trăm kiếp sau (những lời đại nguyện thì phải trải qua thời gian rất lâu xa mới thành tựu được).

Trong quá khứ, vào thời Đức Phật Ca Diếp đã có hai vị phát nguyện sẽ trở thành người thống lãnh Tăng đoàn cho một Đức Phật để hỗ trợ Phật giáo hóa chúng sinh. Hai vị ấy chính là tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Mãi đến đời Đức Phật Thích Ca thì nhân duyên mới thành tựu, hai vị được Phật giao cho quyền thống lãnh Tăng đoàn. Mà thời gian từ đời Đức Phật này đến đời Đức Phật kia là vô cùng lâu xa. Như vậy, phải rất lâu sau lời đại nguyện của hai vị mới thành hiện thực.

Chúng ta cũng vậy, nếu ta phát những lời đại nguyện thì cũng phải hiểu rằng lời nguyện đó sẽ chưa thành ở kiếp này hay kiếp sau, mà có khi phải qua đến ba mươi, năm mươi, cả trăm kiếp sau. Ví dụ có người nguyện rằng sau này mình sẽ làm vua để xây dựng một đất nước tràn ngập Phật pháp. Nếu người đó đủ phước thì ba kiếp sau, còn không đủ phước thì ba mươi, có khi phải đến ba trăm kiếp sau mới thành tựu, nhưng miễn là lời nguyện được phát nguyện long trọng, nghiêm trang trước Phật đài thì sẽ có ngày thành hiện thực.

Hoặc có người phát nguyện trở thành bậc xuất gia đắc đạo để đi khắp nơi thuyết pháp giáo hóa độ sinh. Thật ra, để được xuất gia đã khó, mà để thuyết pháp hay lại càng khó hơn, người thuyết pháp khiến thính chúng động lòng, cả chư Thiên cũng động lòng thì trên đời này không có nhiều. Nên lời nguyện trên có khi mười kiếp, có khi mười nghìn kiếp mới thành, nhưng đã phát nguyện rồi thì cái nhân quả của ta đã định hướng về đó, còn lâu hay mau là do sự dụng công của mình.

Hiểu điều này rồi ta sắp đặt mọi điều cho vô lượng kiếp sau của mình. Ta vừa tinh tấn tu hành, vừa làm công đức, vừa phát nguyện, và lường trước con đường đi lâu xa mà mình phải đi, phải trải qua bao nhiêu kiếp sau. Đó là trí tuệ nhìn xa đến tương lai. 

Cũng nhờ cái trí tuệ nhìn xa vào tương lai này mà trong việc giáo hóa độ sinh, có những bậc Thầy đã nhìn ra căn cơ của từng người rồi khéo léo dẫn dắt cho người đó thực hiện những công hạnh nào, gieo những nhân lành gì để người đó mau trở thành bậc Thầy mà nối tiếp con đường hóa độ chúng sinh. Bậc Thầy cũng dồn người đó vào cực khổ để thời gian rút ngắn lại, thay vì  100 kiếp thì mới 5 kiếp sau đã thành tựu được đại nghiệp Phật pháp. Đó là lòng từ bi của các vị với đệ tử, các vị nghiêm khắc buộc đệ tử phải rất vất vả tạo nhiều công đức, phải rất tinh tấn tọa thiền… làm thời gian thành tựu đạo nghiệp rút ngắn lại. Chúng ta hay gọi đó là bày phương tiện để giáo hóa.

Lại nữa, sự thật nhiều khi là điều khuất sau mà mắt ta nhìn không thấy, tay ta cầm không đến. Người có trí là người nhìn ra điều này. Ngày xưa sau khi tìm ra được bộ xương người xưa nhất thế giới nằm ở Châu Phi, các nhà nhân chủng học, nhà sinh vật học, nhà khoa học bèn kết luận rằng: nguồn gốc tổ tiên loài người ở Châu Phi. Đây là kết luận ngây thơ và vội vã. Ta đặt vấn đề, nếu có những bộ xương người còn xưa hơn nữa nằm rải rác ở đâu đó trên thế giới, nhưng vì quá lâu nên đã bị mục mất rồi thì sao? Chỉ vì tìm được miếng xương còn tồn tại xưa nhất ở Châu Phi mà bèn kết luận là nguồn gốc loài người ở Châu Phi – kết luận đó có logic, có khoa học, có thông minh không? Không. Vì thế trên đời có những điều mắt thấy tai nghe nhưng chưa phải là sự thật.

Cuối cùng, cư xử có trí tuệ cũng tức là có đạo đức, ngược lại cư xử không trí tuệ cũng là kém đạo đức. Chẳng hạn có những người hay dùng mưu mô vặt vãnh để tranh giành phần lợi về cho mình, đó là người không trí tuệ mà cũng không đạo đức. Họ không biết rằng càng tranh giành thì ác nghiệp càng chồng chất. Hay có những người ỷ mạnh, ỷ thế rồi cứ lấn đường chung, không ngờ sau này con cháu hư hỏng, sự nghiệp tiêu tan. Còn có người luôn nhường nhịn, nếu làm nhà thì họ cũng lui lại một, hai mét để con đường chung được rộng, mọi người đi lại cho thoải mái. Đó là người trí vì hiểu nhân quả tội phước:

 “Xây nhà nhường rộng lề đường

Sau này con cháu thuận đường mưu sinh”

Cho nên, tột đỉnh của sự khôn ngoan thật sự rồi chính là đạo đức, còn cái khôn ngoan vặt vãnh, dở dở ương ương thì đưa người ta đến cái thủ đoạn, mưu mô thất đức. Đó là lý do mà một nhà nước khôn ngoan thì thường chọn con đường nhường nhịn, nhẫn nhục, ôn hòa với dân, dù cho nhà nước có công cụ vũ lực trong tay.

Tóm lại, để có trí thì đầu tiên ta phải học. Khi đến với đạo Phật ta được học hai đạo lý vi diệu: thứ nhất là luật nhân quả, thứ hai là mục tiêu vô ngã. Đó là hai đạo lý cực kì quý giá của pháp giới vũ trụ này để mở mang trí tuệ cho chúng sinh. Mà người có trí tuệ thì phải có ba tính chất:

– Nhìn được những chi tiết rất nhỏ

– Nhìn rất xa ngược về quá khứ và xa đến tương lai

– Nhìn được những điều khuất kín phía sau mà ít ai thấy nổi.

Cuối cùng, người cực kì khôn ngoan, trí tuệ cũng là người vô cùng đạo đức.

Chúng ta thấy, Thượng tọa đã dùng đạo lý để soi sáng vào các vấn đề đa dạng của sự tu hành nhằm thăng hoa tâm hồn người phật tử, giúp họ không chỉ biết tu hành, biết chuyển hóa nội tâm mình mà còn biết sống cuộc đời tràn đầy lợi ích và trách nhiệm đối với đạo pháp, dân tộc, hay thậm chí cả thế giới bao la này. Đây là bài Pháp thoại rất hay, có hướng mở thêm rộng lớn con đường tu học đến xóa bỏ dần cái ngã. Nếu ai học thấu đáo và thực hành được triệt để thì ắt hẳn có ngày sẽ đạt tới trí tuệ giác ngộ.

Chúng ta cần có trí tuệ xem xét, cân nhắc cẩn thận, khi thấy rõ điều tốt đẹp giúp mình lẫn tha nhân tiến hóa, nhưng nếu ta không thực hành thì sự biết (trí tuệ) này cũng vô ích. Ngược lại, ta có nỗ lực tinh tấn thực hành thì mới thấy được lợi ích thật sự đó./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất