Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễ4 vạn lượt người tham dự Đại lễ Phật Thành đạo PL.2564...

4 vạn lượt người tham dự Đại lễ Phật Thành đạo PL.2564 – DL.2021 tại Thiền Tôn Phật Quang

-

Vừa qua, từ ngày mồng 07 – 08/12/ năm Canh Tý (nhằm ngày 19 – 20/01/2021), Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, Thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BR – VT) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thành Đạo PL. 2564 – DL.2021 với một chương trình thật phong phú gồm nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa thiết thực, hữu ích, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, đạo đức của người Phật tử, vừa là những điều thiêng liêng để dâng lên cúng dường Đức Phật. Đây là dịp để các Phật tử không chỉ tưởng nhớ về đêm thành đạo mà còn tưởng nhớ về cuộc đời giáo hóa vĩ đại của Đức Phật.

Năm nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để công tác phòng, chống dịch bệnh của nhà nước có hiệu quả và để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho các Phật tử khi tham gia Lễ hội Phật giáo, nhà chùa đã chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.

Ngay từ cổng chùa bước vào khu vực bên trong, đi bộ xuống con đường bậc thang dài chừng 2km dẫn vào Chánh điện đã có lắp máy phun sương khử khuẩn; đồng thời trước khi vào chùa, tất cả quý chư Tôn đức, Khách chính quyền và các Phật tử phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, và có cả khẩu trang dự phòng để trang bị cho những Phật tử không có khẩu trang khi đến chùa.  

Đến với Đại lễ Phật Thành Đạo, chương trình được diễn ra xuyên suốt từ ngày mùng 07 – 08/12 ÂL tại Thiền Tôn Phật Quang với các hoạt động như sau:

Đúng 8h00” sáng ngày mùng 07, TT Thích Chân Quang, Phó Ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Trụ Trì Thiền Tôn Phật Quang đã làm Lễ thế phát xuất gia cho 13 thiện nam tín nữ, đã kinh qua một thời gian dài công quả, rèn luyện tập sự, thực hành đời sống phạm hạnh tại Bổn tự. Đây là những Phật tử xuất thân từ các Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang, trong số đó có một Phật tử đã tốt nghiệp tiến sĩ ngành vật lý. 

Buổi Lễ được diễn ra trong không khí thiêng liêng dưới sự chủ trì của TT Thích Chân Quang; TT Thích Thông Ngộ; chư Tôn đức Tăng Ni tại Bổn tự. Ngoài ra, còn có trên 6.000 người tham dự là Phật tử thuộc các đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trên cả nước, cùng cha mẹ, thân nhân và bằng hữu của những hành giả sắp xuất gia.

Tiếp theo, quý Thầy tại Bổn tự hướng dẫn các Phật tử tụng kinh cầu an.

Kế đến, thiết Lễ cầu siêu, cúng thí thực và tổ chức Khóa lễ Quy Y Tam Bảo cho gần 1.000 thiện nam, tín nữ phát tâm chính thức trở thành đệ tử của Đức Phật (trong ngày mùng 7 – mùng 8/12 al).

Đặc biệt vào lúc 14h00” cùng ngày, tại Lễ đài chính đã diễn ra chương trình giao lưu với Ban Chỉ Huy Quân Sự tỉnh BR-VT, vị khách mời là anh Nguyễn Thế Thắng, Chính ủy Phó Ban chỉ huy Quân sự huyện Long Điền về chủ đề “VINH DANH CHIẾN SĨ OAI HÙNG” .

Năm 2020 là một năm đầy biến động đối với Việt Nam. Không chỉ đại dịch Covid mà ta còn chứng kiến những diễn biến thiên tai rất bất thường, xảy ra nhiều vùng miền trên cả nước. Chính trong những lúc nguy khó ấy, chúng ta lại thấy ấm lòng khi nhớ lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng tinh thần tương thân tương ái của đồng bào, tiêu biểu là hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam luôn bước trên đầu sóng ngọn gió để bảo toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Để hiểu rõ hơn về tính chất công việc và những cống hiến, hy sinh thầm lặng của người lính, Ban tổ chức đã mời anh Nguyễn Thế Thắng, Chính ủy Phó Ban chỉ huy Quân sự huyện Long Điền đến chia sẻ và giao lưu với các Phật tử.

Chứng minh và tham dự buổi giao lưu, về phía GHPGVN có: HT. Thích Như Tín, Thành viên HĐCM TƯ GHPGVN; HT. Thích Tịnh Hạnh, Thành viên HĐCM TƯ GHPGVN; HT Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Kiểm soát TƯ, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM; cùng chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức trong TT BTS GHPGVN tỉnh BRVT, tỉnh Long An, TP Đà Nẳng, TP HCM, TP Vĩnh Long; và chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh.

Về phía chính quyền có sự tham dự của: Ông Trần Tấn Hùng, Nguyên Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng phòng Dân tộc Tôn giáo, Ban Dân vận tôn giáo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; Ông Lê Xuân Lâm, UV TT UBMTTQVN tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; Ông Trần Văn Cư, Phó phòng Nội vụ thị xã Phú Mỹ; Ông Bùi Thủy Tinh, Chủ tịch UBMTTQ xã Tân Hải; Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa,  Phó Chủ tịch Kiêm Trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Thế Giới Võ cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Kiêm Trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh; Võ sư Nguyễn Bá Thọ, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật Cổ truyền tỉnh BRVT. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành thị xã Phú Mỹ, xã Tân Hải và TP Thủ Đức, TP HCM

Về phía Bộ Chỉ huy Quân sự của tỉnh có: Thượng tá Nguyễn Thành Trung,  Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Đại tá Nguyễn Công Anh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7; cùng sự hiện diện của các Cán bộ chiến sĩ và đội văn nghệ xung kích Bộ CHQS tỉnh BR-VT.

Tại buổi giao lưu, anh Nguyễn Thế Thắng chia sẻ, đây là lần thứ 3 được  đến chùa Phật Quang tham dự Đại lễ với tư cách là người Cán bộ của quân đội, nhưng anh vẫn rất xúc động trước sự quan tâm của nhà chùa và bà con nhân dân. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ ấy mà anh và các chiến sĩ có thêm động lực, không quản ngày đêm, tiếp tục cống hiến, bảo bệ cho Tổ Quốc.

Trong phần chia sẻ, anh thuyết trình kèm với ứng dụng CNTT (có phim, Flash minh họa) đã truyền cảm hứng tới người nghe.

Anh nhấn mạnh, nhiệm vụ của người chiến sĩ Việt Nam trong thời bình là tuyên truyền kiến thức quốc phòng anh ninh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; chung tay cùng cộng đồng hỗ trợ các công tác xã hội, giúp bà con ổn định cuộc sống,… Dù làm việc gì, người lính cũng luôn đặt lợi ích của dân lên đầu, vì dân mà phục vụ. Vậy nên, tình quân dân lan tỏa khắp nơi, bộ đội đi đâu cũng được dân tin, dân mến.

Anh cho rằng, những nội dung tuyên truyền của mình không chỉ lan tỏa tại đây mà còn nhờ Ban truyền thông của chùa làm lan tỏa rất lớn trên mạng xã hội và các kênh truyền thông, cũng như gần 7.000 bà con Phật tử đang hiện diện trong buổi giao lưu này. Đó giống như những món quà vô giá của những người chiến sĩ quân đội khi lời nói, tình yêu của chúng tôi được truyền đi khắp nơi. Từ đó những đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi người.

Cũng giống như tình yêu, lòng từ bi của Đức Phật đang ùa vào khắp nơi trên thế giới này vậy. Dù không hiện diện, nhưng lòng tôn kính của chúng sinh với Ngài vẫn rực sáng khắp nhân gian. Phật tử khắp nơi đều một lòng hướng đến những giá trị tốt đẹp của đạo Phật, sống có trách nhiệm với nhân dân, Tổ quốc mình để nhân dân luôn hạnh phúc, xã hội luôn phát triển, đất nước luôn thái bình, thịnh vượng.

Qua các câu chuyện có thật, anh đã minh chứng nhiều tấm gương sáng ngời phẩm chất ‘Bộ đội Cụ Hồ’ trong phòng, chống dịch Covid-19 và thiên tai của năm 2020. Qua đó, chúng ta thấy rõ rằng dù ở thời chiến hay thời bình, anh bộ đội cụ Hồ luôn cống hiến, phụng sự, xả thân quên mình để bảo vệ nhân dân, đất nước. Đó cũng là quan điểm sống tốt đẹp mà Đức Phật vẫn dạy chúng sinh. Hôm nay chúng ta ngồi đây là để tưởng nhớ Đức Phật đến với trần gian cũng tỏa ngát cho đời biết bao điều cao đẹp. Người đã thắp sáng ngọn lửa khát khao giải thoát gieo khắp nhân gian, để chúng sinh thôi quay cuồng rong ruổi theo lợi danh, ái luyến, tham sân, ích kỷ. Từ đó chúng sinh có con đường để bước đi về nơi cao cả thiêng liêng. Nhưng đây cũng là dịp ta nhắc nhở nhau sống cho tử tế, yêu thương, vị tha. Chỉ cần biết đoàn kết, chia sẻ, sống có trách nhiệm thì dù có biến cố, khó khăn lớn cỡ nào chúng ta cũng vượt qua. Đất nước, thế giới từ đó cũng được an yên, hạnh phúc.

Nhân đây, cư sĩ Nhật Huệ Thái và cư sĩ Phúc Tín Giác đã đại diện cho Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang chia sẻ về chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Trung  bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Đầu năm 2020, Việt Nam liên tiếp đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Không ai có thể quên được những ngày bão lũ càn quét miền Trung, thật đáng ngại, nhưng dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Trụ trì, các thành viên của Hội từ thiện đã vượt qua bao gian khó, hiểm nguy, quyết tâm đến các xã miền núi chịu thiệt hại nặng nề để gửi những lời động viên và trực tiếp trao quà cho đồng bào bị ảnh hưởng ở 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Cư sĩ Nhật Huệ Thái cho biết, trong chuyến đi thực tế này, để những phần quà được đến tận tay bà con là nhờ vào sự trợ giúp nhiệt tình của các anh cán bộ, chiến sĩ biên phòng tại các xã miền núi mà đoàn đã đến. Các anh là những người có tình cảm gắn bó đặc biệt với đồng bào các dân tộc nơi phên dậu của Tổ quốc. Nhờ mối quan hệ gần gũi của bộ đội biên phòng với đồng bào biên giới, nên công việc trao quà cho bà con theo đó mà thuận lợi hơn cả mong đợi.

Cư sĩ Phúc Tín Giác chia sẻ thêm: những chuyến đi từ thiện vừa qua không chỉ giúp người nghèo vơi bớt nhọc nhằn, khó khăn, sớm ổn định cuộc sống mà đi cùng các anh, chúng tôi thật sự cảm động bởi sự ân cần, nhiệt tình và trách nhiệm của những người Cán bộ, chiến sĩ biên phòng (những người chiến sĩ mang quân hàm xanh). Cũng từ đó thấu hiểu hơn về nỗi vất vả của những người lính công tác nơi tuyến đầu xa xôi, sóng gió. Thế nên, chúng tôi càng thêm yêu đất nước, con người cùng sinh ra từ trăm trứng.

Sau buổi giao lưu, nhân dịp Đại Lễ quan trọng của Phật giáo, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân Khu 7 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh BRVT đã gửi tặng lẳng hoa tươi thắm đến cho Thiền Tôn Phật Quang.

Đáp lại tấm chân tình ấy, TT Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã trao bằng vinh danh “CHIẾN SĨ OAI HÙNG” cho Bộ Chỉ huy Quân Sự tỉnh BRVT”.

Buổi giao lưu kết thúc, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng quý Tăng Ni, Phật tử đang hiện diện. Qua đây càng hiểu thêm về những hy sinh của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuộc sống của chúng ta hôm nay được bình yên, trong đó có biết bao sự vất vả hy sinh của những trái tim vì dân vì nước. Từ đó mỗi người Phật tử, đặc biệt là giới trẻ tự nhắc nhở bản thân mình phải nỗ lực nhiều hơn để cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam và thế giới ngày càng trở nên tốt đẹp, an vui.

Lại nữa, vừa kết thúc buổi giao lưu, phóng viên Đài truyền hình Quân đội tỉnh BRVT có phỏng vấn ghi hình với TT Thích Chân Quang.

PV: Kính thưa Thầy, hôm nay Thiền Tôn Phật Quang kết hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh BRVT tổ chức buổi tọa đàm nói về hai ‘cuộc chiến’ là chống thiên tai bão lũ và dịch Covid-19 năm 2020 vừa qua. Xin Thầy cho biết mối thân thuộc này?

Thượng tọa đáp: Chúng tôi luôn ghi nhớ phương châm của Giáo hội là Đạo pháp – Dân tộc –  CNXH, yêu đạo phải yêu nước. Vì vậy bao nhiêu năm qua, chúng tôi luôn xây dựng lòng biết ơn Đảng – Nhà Nước – Quân đội nhân dân VN cho tất cả những người Phật tử. Đó là những điều chúng tôi làm xuyên suốt trong bao nhiêu năm qua. Tất cả những người Phật tử đều thấm nhuần tư tưởng đó qua sự tu hành của họ.

Trong năm qua chúng ta có hai sự kiện: một là lũ lụt đã đi qua và hai là dịch bệnh chưa chấm dứt. Để giúp dân đối phó với cả hai sự kiện đó thì hình ảnh của người Cán bộ chiến sĩ nhân dân nổi lên rực rỡ. Qua buổi giao lưu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh BRVT, chúng ta càng thấy rõ công lao vất vả, tấm lòng vô bờ bến của các Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúng ta về đây với nhau trong buổi Lễ ấm áp, yêu thương này, chỉ bởi đang có những người đang cực khổ đâu đó… nơi biên giới, nơi tuyến đầu, nơi hải đảo, nơi chỗ nguy hiểm, v.v..

Sự vất vả của các anh là tột cùng, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình vì Tổ quốc vì nhân dân. Do đó trong buổi giao lưu này chúng tôi không cầm được nước mắt. Chúng tôi yêu cầu các Phật tử của mình: hãy nguyện lòng không được sống ích kỉ, phải sống từ bi, vị tha, xây dựng đất nước này để xứng đáng với sự hy sinh, công lao, tấm lòng của các chiến sĩ nhân dân Việt Nam.

Tiếp theo chương trình, đúng 18h30” cùng ngày, Đại lễ Phật Thành Đạo chính thức bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm và thành kính nhất, ĐĐ Thích Khải Tạng đại diện cho Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể Phật tử ngồi thiền 30 phút.

Tiếp đến, nhằm giúp cho các Phật tử hiểu rõ hơn về Thiền định, Thượng tọa Trụ trì đã có bài Pháp thoại dành cho Hội chúng với tựa đề TỨ NIỆM XỨ. Đây là một trong những hoạt động chào mừng ngày Thành đạo của Đức Phật.

Tham dự buổi Pháp thoại có sự chứng minh của: HT Thích Minh Thiện, Trưởng BTS PG tỉnh Long An; TT Thích Huệ Vinh, Trưởng Ban Văn Hóa GHPGVN TP Đà Nẵng; Thích Phước Hạnh, Phó/Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; cùng chư tôn đức TT BTS PG tỉnh Long An và đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni Trụ trì các Tự viện, Tịnh xá, Niệm Phật đường. Ngoài ra còn có sự tham dự của 4 vạn Phật tử đến từ các tỉnh thành trong cả nước.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa nhấn mạnh: Đức Phật đắc đạo nhờ Thiền định, suốt cuộc đời Ngài cũng tọa thiền. Cho nên Thiền thật sự là cốt lõi của đạo Phật. Ngày nào còn có người tu tập Thiền định thì ngày đó đạo Phật còn tồn tại. 

Điều khó khăn nhất trong Thiền là tiêu diệt vọng tưởng, và Phật đã nói về Tứ Niệm Xứ là bốn chỗ ta luôn phải ghi nhớ trong tu tập Thiền định, như bốn cánh quân giúp tiêu diệt thành trì vọng tưởng.

Tứ Niệm Xứ gồm quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp.

Nhưng trước khi muốn dùng bốn cánh quân đánh vào thành thì phải cho quân ăn no đã. Nên trước khi tu tập Tứ Niệm Xứ, trước khi quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp… thì hãy thực hành hơi thở. Chưa tu tập hơi thở thuần thục thì tu tập Tứ Niệm Xứ không hiệu quả. 

Ta ngồi kiết già, giữ thân mềm mại bất động và cảm giác toàn thân, biết rõ toàn thân. Biết cả trên và dưới, trước và sau, trong và ngoài… Phải biết đến tận những nơi rất thấp của cơ thể, những chỗ phía sau phía dưới của cơ thể. Khi biết toàn thân đúng rồi thì lập tức ta biết luôn hơi thở, đó là trình tự không thể khác được. Hơi thở vào biết vào, hơi thở ra biết ra, hơi thở dài biết dài, hơi thở ngắn biết ngắn. Biết mà không điều khiển. Căn bản là vậy.

Hơi thở phản ánh nội tâm. Người tâm tư điềm tĩnh thì hơi thở sẽ êm dịu, người tâm tư vụt chạc xao động thì hơi thở sẽ dồn dập, gấp rút. Ta nắm hơi thở cũng thật sự là đang nắm vào nội tâm của mình. Ban đầu do tâm ta còn xao động nên hơi thở không đều, không êm ái, không ổn định. Sau khi tâm ta trầm hòa lại thì hơi thở bắt đầu êm ái và chậm dần lại.

Quán thân, nghĩa là biết rõ sự thật về thân tứ đại của mình: trong thân gồm có da, thịt, gân, xương, bao tử, dạ dày, máu, mủ, tóc, não, mắt, tai… Thân là mong manh tạm bợ, rồi sẽ già, bệnh, chết, tan hoại. 

Quán thọ, thọ là cảm xúc. Cảm xúc được chia làm ba loại: cảm thọ khổ, cảm thọ vui và cảm thọ trơ. Nhưng rồi cảm thọ nào cũng chóng qua, niềm vui nào rồi cũng hết. Để tìm cảm giác vui ta phải trả giá quá lớn. Cho đến khi không còn đủ sức trả giá cho những cuộc vui đó nữa thì cảm thọ khổ lấp đầy ngay, ta cảm thấy buồn khổ tuyệt vọng. Người biết quán thọ là biết tâm mình đang có những cảm thọ nào nhưng không xao động chạy theo.

Quán tâm, tâm thế nào ta biết rõ như thế đó, không can thiệp. Thông thường chúng ta hoặc là chạy theo tâm, hoặc là can thiệp thô bạo, dằn ép tâm mình. Cả hai đều sai. Người quán tâm chỉ nhẹ nhàng biết tâm đang tĩnh hay đang động, đang thiện hay bất thiện, sáng suốt hay ngu si mà thôi.

Giữa hai tính chất động và tĩnh, ta biết tâm mình còn đang rất động.

Giữa thiện và bất thiện, ta biết mình còn bất thiện.

Giữa trí và ngu, ta biết tâm mình còn ngu si.

Thượng tọa cho biết, đây đều là những chìa khóa cực kỳ quan trọng của Tứ Niệm Xứ. Dù cho tâm có thanh tịnh trong Thiền định thì ta vẫn phải nhắc mình chút thanh tịnh này chưa là gì, thật ra tâm còn rất động loạn. Hay dù ta có làm được việc tốt thì vẫn biết tâm mình chưa phải là thiện, còn rất nhiều điều bất thiện ẩn tàng trong đó.

Quán pháp, chân lý như thế nào, sự thật như thế nào thì biết như thế đó, đây gọi là quán pháp trên pháp. Sự thật đầu tiên là Luật Nhân Quả. Tiếp đến là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Vô Ngã… Đặc biệt, khi hiểu sự thật về nhân quả tội phước thì ta cũng hiểu luôn mình còn rất tội lỗi. Đây cũng là chìa khóa của Tứ Niệm Xứ.

Sau cùng, Thượng tọa kết lại, ai trong cuộc sống thường ngày vẫn luôn nhớ quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp thì người ấy đã thực hành Tứ Niệm Xứ, sẽ có ngày đắc đạo.

Buổi chia sẻ đạo lý của Thượng tọa diễn ra hết sức gần gũi, thân tình, chứa đựng nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú. Đây là những lời giảng dạy được nói ra từ kinh nghiệm tu hành vất vả của Người nên có một sức mạnh làm lay chuyển người nghe. Là vì “Chân lý Người dạy là từ cái tâm tu hành chứ không phải từ cái hiểu biết”.  

Nhân đây, tại buổi Lễ, HT Thích Minh Thiện cũng có vài lời khuyến tấn các Phật tử. Hòa thượng cho biết: Chúng tôi cảm thấy mình rất là hạnh phúc và cũng rất là có phước được về dự Đại lễ Phật Thành đạo ngày hôm nay. Mong rằng tất cả Phật tử có mặt hôm nay là những người được học giáo lý, được trải nghiệm tu tập một cách nghiêm túc, xem thiền định như là chất liệu để hướng về giải thoát. Và trong tương lai sẽ là những ngọn đèn lớn giúp cho Phật pháp được trường tồn. 

Nhằm tạo tín tâm cho người Phật tử, TT Thích Huệ Vinh chia sẻ thêm: được về dự Lễ Phật Thành Đạo trong đêm nay với bốn vạn Phật tử đều hướng về Đức Phật,  cùng hoài niệm ghi nhớ ngày Đạo Phật được khai sinh trên thế giới này, cùng với Giáo pháp vi diệu, Đạo Phật đã mang lại cho mọi người trên thế giới con đường thoát khổ và niềm an vui chân thật làm tôi rất là xúc động và thán phục. Chúng ta biết rằng bên cạnh công đức cùng lời đại nguyện từ vô lượng kiếp thì Đức Phật đã đắc đạo bằng con đường Thiền định. Vậy noi gương Đấng cha lành, người con Phật nào cũng cần có công phu Thiền định. Tinh tấn hành Thiền là quay về nguồn cội của đạo Phật.

Quả thật, đạo Phật có được phát triển rộng rãi, có được lưu truyền hay không là nhờ vào Thiền định. Xin cảm kích đức độ và sự hoằng hóa của Thượng tọa trụ trì, bởi nhờ đó mà có hàng vạn Phật tử với tâm đạo thuần thành, đã cùng góp sức cho buổi Lễ Phật Thành Đạo được long trọng, ấm cúng như thế này.

Sau phần thuyết giảng là chương trình văn nghệ kính mừng Phật thành đạo, mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc – tâm linh,  Đêm văn nghệ với sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng đã để lại nhiều ấn tượng khó quên và nhiều tình cảm thân thương trong lòng thính giả Phật tử.

Sáng hôm sau (ngày mùng 08/tháng Chạp), vào lúc 04h00” sáng, khi sương mù còn bao phủ quanh những ngọn núi cao thì nơi Thiền Tôn Phật Quang đang diễn ra nghi thức Lễ Phật Thành Đạo thật trang nghiêm, thật lắng đọng, với sự tham dự của chư Tôn đức Tăng Ni và đông đảo Phật tử.

Khoảng thời gian này, ai nấy đều ngồi tĩnh toạ bất động, không một tiếng động nhỏ chung quanh. Mọi thứ đều ngưng lại chỉ để dành sự thiêng liêng này trong trái tim mỗi người. Khuya hôm nay, sương khói núi rừng còn giá lạnh nhưng lòng nhiệt thành của đại chúng hướng về ngày Phật thành đạo thì ấm áp thành kính:

Vì đã có lần dưới cội cây

Người ngồi tĩnh lặng cả trời mây

Vũ trụ thu vào trong ánh mắt

Chúng sinh mãi mãi hướng về đây.

………………………..

Nguyện sẽ theo Người đến vô biên

Dẫu muôn triệu kiếp chẳng ngại phiền

Miễn được bước chân trên chánh đạo

Sá gì khổ nhọc với truân chuyên…

Tiếp theo, TT Thích Huệ Vinh và TT Thích Chân Quang dẫn dắt các Phật tử đọc theo những lời cảm niệm Phật thành đạo, làm thành sự trang nghiêm cực kì xúc động cho ngày Đại lễ này, rằng:

Chúng con cúi lạy Người với tất cả niềm tôn kính vô biên, Người là cả vũ trụ vô hạn yêu thương, Người là cả không gian mênh mông trí tuệ, Người là ánh sáng giác ngộ tuyệt đối vô cùng, Người là Đức Phật Bổn Sư Sakiya Muni của chúng con.

Ai có chút suy nghĩ đều mơ ước vượt lên thân phận của mình để tìm đến những gì cao cả. Tuy nhiên, điều cao cả mà họ mong đợi cũng chỉ là hữu hạn nhỏ bé. Phật đã đến với trần gian để mở ra một ước mơ chói lọi huy hoàng cho chúng sinh về một sự giác ngộ cao siêu không còn giới hạn. Khoảng cách giữa Phật và chúng sinh xa quá nên hầu như chúng con không hiểu nổi sự vĩ đại tột cùng của Phật. Chúng con bấy lâu nay chỉ hình dung về Phật bằng đầu óc non nớt nông cạn của mình, nên đã vô tình làm giảm đi giá trị mầu nhiệm phi thường của Phật.

Chúng con mong ước cả nhân loại sẽ sớm hiểu ra sự vĩ đại vô cùng nơi sự giác ngộ của Phật, hiểu ra loài người phải tiến hóa cao hơn bằng cách thực hành lời Phật dạy. Chỉ vì chìm đắm trong vô minh chấp ngã mà chúng sinh vừa tự làm khổ mình, vừa làm khổ lẫn nhau. Chỉ vì vùi chôn trong vị kỷ ác độc mà chúng sinh vừa tự đày đọa mình, vừa đày đọa nhau trong luân hồi sinh tử. Đêm Thành đạo chính là bình minh của nhân loại vì kể từ đó thế giới này có ánh sáng chân lý huy hoàng. Chúng con cúi lạy Đêm Thành đạo thiêng liêng, lạy Đấng Thế Tôn siêu việt.

…………………………………..

Xin Phật từ bi gia hộ cho chúng con, dù chưa có nhiều trí tuệ, nhưng sẽ luôn cảm nhận sự cao siêu trong từng lời Phật dạy, để chúng con hiểu mình phải cố gắng rất nhiều. Xin Phật gia hộ cho chúng con, dù cách Phật đã xa, nhưng sẽ luôn hướng về nguồn cội thuở ban đầu để hiểu cho đúng lời Phật dạy, và tìm lại một đạo Phật chung cho tất cả…

Rồi từng tiếng kinh thiêng của hàng vạn người cất lên hòa quyện nhau qua bài Sám Phật Thành Đạo. Giọng tụng của quý Ngài chắc, khỏe, truyền cảm đã lột tả hết ý nghĩa sâu xa trong từng câu sám, cuốn mọi người cùng trôi theo dòng cảm xúc hình dung lại khung cảnh đêm thành đạo ngày xưa… Và thấp thoáng trong lời kệ là những lời nhắc nhở, sách tấn các Phật tử trên bước đường tu tập, tuy rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc.

Cứ thế, năm nào cũng vậy, Đại lễ Phật Thành Đạo tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, long trọng mà ấm áp, thiêng liêng, đã tạo được niềm tin, kết nối được tình thương yêu tương kính lẫn nhau của hàng Phật tử cùng ngồi chung dưới một mái chùa, cùng hoài niệm ghi nhớ về đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Sau cùng, Đại lễ Phật Thành Đạo hoàn mãn bằng nghi thức dâng hoa cúng dường. Tuy mọi người trở lại với cuộc sống đời thường, nhưng dư âm như mãi còn vang đọng trong tâm hồn của những ai khi nhớ nghĩ về Phật, về Thiền Tôn Phật Quang./.

 Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất