THIỀN 15 – KỸ LƯỠNG TỪ NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN
Ban đầu ta tập BIẾT hơi thở ra hơi thở vào rõ ràng, nhưng không can thiệp điều khiển. Phật đã dạy như thế, hơi thở vào ra thế nào thì biết thế ấy mà thôi. Kỹ thuật theo dõi hơi thở như thế để trị bệnh thích thở mạnh của chúng sinh. Chúng sinh có bệnh tự nhiên là hễ để ý đến hơi thở liền cố gắng thở mạnh, mà thở mạnh làm căng thẳng thần kinh não thêm.
Khi đã quen không cố gắng thở mạnh nữa thì ta tập điều chỉnh hơi thở theo mức độ vọng tưởng ít hay nhiều. Vọng tưởng hơi mạnh thì ta cho hơi thở mạnh thêm để đủ sức giữ được Sức tỉnh giác không bị vọng tưởng che mất. Khi vọng tưởng yếu đi hay tạm yên thì ta chỉnh hơi thở nhẹ nhàng lại liền. Cứ tùy theo vọng tưởng mà điều chỉnh hơi thở mạnh yếu cho thật vừa vặn khéo léo.
Cách thở của Khí công 1-3-5 cũng hỗ trợ rất nhiều cho thiền định. Hít vào ít và nhẹ. Hầu hết thiên hạ thích hít vào nhiều và mạnh nên bị sai đường rồi không nhiếp tâm được. Tập hít vào ít và nhẹ, thì tâm hồn ta cũng bắt đầu có sự trầm tĩnh dần.
Hít vào ít và nhẹ xong, ta giữ lại một chút cho nguyên khí thấm vào da thịt, thời gian giữ lại khoảng gấp 3 lần thời gian hít vào. Hít vào xong mà không vội vàng thở ra liền, cũng khiến tâm hồn ta thanh thản trầm tĩnh lại hơn nữa.
Sau đó thở ra chậm chậm, dài gấp 5 lần hít vào. Bình thường ai cũng thở ra cho nhanh để còn hít vào. Ở đây, ta thở ra chậm, lại càng tập được tính kiên nhẫn trầm tĩnh hơn. Nhưng chìa khóa nằm ở chỗ, Hơi thở ra chậm làm khai mở tâm linh. Hơi thở ra chậm giúp tâm dễ yên hơn.
Nhưng Hơi thở phải đặt trên cái nền của Biết toàn thân. Phải Biết toàn thân, biết sát vào da thịt, biết mà không gồng cứng, biết không cho nhúc nhích, biết giữ thân mềm mại. Cái Biết toàn thân kỹ lưỡng như thế chính là nền tảng vững chắc của kỹ thuật thiền định. Đó là chỗ thấp nhất, căn bản nhất, của kỹ thuật thiền định. Khi tâm vọng động, thì việc đầu tiên là quay về Biết toàn thân. Biết sát da thịt. Sau đó mới Thở đúng cách tiếp tục.
Trong cuộc sống lúc nào cũng cứ Biết toàn thân nhẹ nhàng. Bận trăm công ngàn việc cũng cứ Biết toàn thân.
Nhưng biết toàn thân mãi thì sẽ chấp thân. Cái Biết toàn thân khiến ta phát sinh nhiều điều thú vị về khí lực, an tâm, nên cũng khiến ta chấp thân. Vì thế, Phật dạy ta phải Biết thân này vô thường. Quán vô thường cho thấu đáo vài lần thì cái trí quán đó tồn tại mãi trong tiềm thức của ta. Lâu lâu nhắc lại để củng cố. Nhờ trí quán đó mà ta không bị chấp thân khi ta phải thường xuyên Biết toàn thân.
SP