Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTrí tuệ diệt trừ sự chấp công của Bồ Tát

Trí tuệ diệt trừ sự chấp công của Bồ Tát

-

Sáng ngày 09/09/2018 (nhằm ngày 30/07/năm Mậu Tuất), nhân Khóa tu thiền hàng tháng tại chùa Từ Tân (90/153 Trường Chinh, Phường 12, Quận Tân Bình, Tp. HCM) tiếp nối loạt bài giảng về Bồ tát Đại thừa, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã chia sẻ bài Pháp thoại với tựa đề “TRÍ TUỆ DIỆT TRỪ SỰ CHẤP CÔNG CỦA BỒ TÁT”,  cho gần 1.000 thiền sinh, cùng hơn 1.500 phật tử xa gần đồng tham dự.

Đây là trí tuệ siêu việt của bậc Bồ tát mà phàm phu khó lòng hiểu nổi. Qua bài giảng, Thượng tọa đã làm sáng tỏ những điểm khó hiểu: tại sao một bậc Bồ tát phi thường mà vẫn còn chấp công, cái tâm chấp công của Bồ tát có thô thiển giống phàm phu hay chăng, và sẽ được diệt trừ bằng cách nào, v.v…

Với trí tuệ của Người, Thượng tọa đã làm thỏa mãn người nghe, khiến họ nghe được, hiểu được những điều chưa từng biết. Từ đó, các phật tử biết định hướng cho đường tu của mình, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ trong tâm linh, trong đạo đức của mỗi người.

Phân tích đề tài này, Thượng tọa nhận định: một bậc Bồ tát luôn có sự giằng co giữa một bên là tâm chứng quá cao siêu, công đức độ sinh quá vĩ đại – và một bên là cái tâm kiêu mạn chấp công cũng theo đó phát khởi. Mà tâm chấp công của bậc Bồ tát thì rất sâu kín bí mật, trong vũ trụ này ngoài Đức Phật ra không ai đủ sức thấy nổi.

Cho nên Bồ tát vẫn tiếp tục tu chứng, vẫn tiếp tục tạo công đức nhưng phải quyết diệt trừ chấp công. Quá trình này mãi mãi đi theo một bậc Bồ tát trong vô lượng kiếp.

Kế đến, Thượng tọa tọa lý giải về công đức vĩ đại của một bậc Bồ tát. Bồ tát là bậc có ước mơ chứng ngộ cao siêu và dệt ước mơ đó bằng hành trình lang thang trong luân hồi sinh tử hóa độ chúng sinh, không chỉ ở cõi này mà còn rất nhiều cõi khác trong vũ trụ bao la.

Từ lúc một chúng sinh phát tâm tu hành, chư Bồ tát đã bắt đầu dõi theo, tác động ngầm trong tâm, dẫn dắt chúng sinh ấy tu tập. Có khi ta làm công đức này, gặp được vị thầy kia… là do chư Bồ tát bí mật sắp xếp chứ không phải do ý mình. Có khi ta rất đau khổ và lầm lỗi, thật ra Bồ tát vẫn luôn bên cạnh mình, nhưng vẫn để cho mình phạm lỗi để mình rút được bài học, phát được đại nguyện lớn lao. Mọi đau khổ đều là chất liệu cho sự tu hành.

Và Bồ tát kiên nhẫn âm thầm dìu dắt như thế, từ khi một chúng sinh mới phát tâm cho đến khi chúng sinh ấy đắc đạo, quá trình này có thể kéo dài đến nhiều triệu năm. 

Qua vô lượng kiếp, các Ngài mang theo tâm chứng cao siêu cùng công đức độ sinh vĩ đại. Chính vì vậy mà xuất hiện một hệ quả tất yếu, đó là tâm kiêu mạn, chấp công, dù rất sâu kín bí mật.

Nhân đây, Thượng tọa lưu ý là khi một vị chứng A La Hán thì kiêu mạn mới chấm dứt, còn lại chứng đến tam quả A Na Hàm vẫn còn kiết sử “kiêu mạn”. Chính vì vậy mới xuất hiện 600 quyển Bát Nhã ghi lại lời Phật dạy cho các vị Bồ tát, chỉ nhắm vào một điều là diệt trừ kiêu mạn bằng cách xem tất cả là “không”.

Nhìn lại bản thân mình, chúng ta thấy rằng nếu đã đổ mồ hôi công sức, tiền bạc, tâm huyết, thời gian, sức khỏe vào điều gì đó thì ta không quên được, tất cả đều in sâu trong tâm thức mình. Còn một bậc Bồ tát công lao để lại cho chúng sinh là vô biên vô tận, vậy mà vẫn phải quên, phải xem tất cả như không. Vì thế, trí tuệ diệt trừ tâm chấp công của Bồ tát là vô cùng sắc bén, siêu việt hơn phàm phu gấp vạn lần.

Nhân đây, Thượng tọa cho biết, chấp công hay không chính là sợi chỉ ngăn cách làn ranh giới mong manh giữa Bồ tát và ma vương. Cho nên Đức Phật phải dạy chư Bồ tát diệt trừ tâm chấp công, để cho Bồ tát mãi là Bồ tát, còn nếu chấp công thì vẫn dung nhan đẹp đẽ, vẫn hào quang sáng chói đó, nhưng đã ra ngoài Phật đạo, bước vào cõi ma, trở thành ma vương.

Ngoài ra, trong phạm vi đề tài này, Thượng tọa còn phân tích, chứng minh cho thấy trên hành trình giáo hóa độ sinh Bồ tát còn phải đối diện với rất nhiều thử thách, trong đó có sự tiến bộ quá nhanh của khoa học kĩ thuật.

Và ở cuối bài giảng, Thượng tọa đã trình bày về nguy cơ hủy diệt mà trí tuệ nhân tạo mang đến; cũng như chìa khóa để đưa giá trị con người vượt lên trên trí tuệ nhân tạo là như thế nào.

Cứ mỗi bài giảng trong loạt bài “Bồ Tát Đại Thừa”, Thượng tọa luôn gieo vào lòng thính chúng niềm xúc động sâu xa trước hành trình giáo hóa độ sinh gian nan vĩ đại, cùng lòng đại bi mênh mông của chư Bồ tát. Theo đó, các phật tử được dịp mở tâm hồn mình ra đến vô tận  khi họ tin sâu – hiểu kỹ  về  hành trạng, cảnh giới, đại nguyện, công đức, tâm chứng… của các vị Bồ tát.

Thật ra, loạt bài giảng về Bồ tát đại thừa dù Thượng tọa đã cố gắng diễn giải bằng nhiều cách, nhưng không phải chỉ một ngày, một tháng hay một năm mà mọi người có thể hiểu và vận dụng hết được, vì cảnh giới của Phật, Bồ tát quá mênh mông, kỳ vĩ, vô tận. Tuy nhiên, chỉ cần chúng ta có niềm tin tuyệt đối vào Phật pháp, tu tập tinh tấn, đúng đắn thì Phật sẽ gia hộ cho mình sớm tiếp cận được với những giáo lý cao siêu hơn, có công năng mở tâm hồn mình đến vô biên, và lúc nào đó quả vị Thánh sẽ hiển bày ra.

Riêng bài Pháp thoại này, chúng ta thêm ý thức rằng: kiêu mạn – chấp công là thử thách mãi mãi trên đường tu, chỉ cần sảy chân chúng ta đã lọt vào lưới ma. Vì thế, chúng ta nguyện lòng giữ gìn tâm khiêm cung cẩn trọng như giữ gìn từng hơi thở của mình, thường âm thầm cầu nguyện chư Phật gia hộ cho mình:

“Bao công đức làm nên/ Nhưng tâm sẽ tìm quên/ Như bóng mây lặng lẽ…”./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi giảng:

Thông báo

Tài khoản cúng dường Chùa Phật Quang

0
Kính gửi Quý Phật tử thông tin tài khoản cúng dường của TT. Thích Chân Quang - Viện chủ Chùa Phật Quang: 1. Vietcombank -...

Tin mới nhất