Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngChùa Viên Quang - Nghệ AnNghệ An: Khóa tĩnh tu - thuyết giảng tại chùa Viên Quang

Nghệ An: Khóa tĩnh tu – thuyết giảng tại chùa Viên Quang

-

Vào hai ngày 15 – 16/09/2018 (nhằm ngày 06 – 07/08/năm Mậu Tuất), chùa Viên Quang, xã Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An đã tổ chức thành công Khóa Tĩnh Tu – Thuyết giảng. Khóa tu đã diễn ra trong niềm hạnh phúc khi được đón Thượng tọa Thượng Chân Hạ Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu) về thăm và giảng Pháp.

Từ chiều ngày 15/09, hàng trăm Thiền sinh đã có mặt tại Chùa Viên Quang, bắt đầu thời khóa tu tập, tụng kinh, thực hành thiền và tập khí công. Các Thiền sinh trải đều độ tuổi từ các em nhỏ cho đến người cao tuổi, là những học sinh, sinh viên, người lao động hay công nhân viên chức. Họ đều chung nhau một mong muốn khi cùng tìm về mái già lam Viên Quang, đó chính là: Cùng tìm đến sự bình yên, hướng đến sự tu tập tâm linh bằng những lời kinh cao đẹp, bằng những thời tĩnh tọa tràn đầy trí tuệ và an lạc trong Thiền định. Bên cạnh đó, đại chúng còn được rèn luyện sức khỏe dẻo dai với những bài tập khí công cực kỳ hiệu quả.

Đặc biệt nhất, vào sáng Chủ nhật ngày 16/09/2018, Thượng tọa Thượng Chân Hạ Quang đã dành tặng gần 2000 thiền sinh và Phật tử đến từ Nghệ An cũng như từ các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình,… một bài Pháp thoại vô cùng ý nghĩa về khía cạnh niềm tin và trí tuệ trong Đạo Phật.

Tham dự buổi pháp thoại, về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Như Khôi – Phó phòng Nội vụ huyện Nam Đàn; ông Trần Đăng Khoa – UV BTV Đảng ủy, PCT UBND xã Nam Thanh; ông Võ Văn Thìn – UV BTV, Chủ tịch UBMTTQ Xã Nam Thanh; ông Hồ Nghĩa Dũng – PBT Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu, Thanh Giang, Thanh Chương, Phường Đông Vĩnh – Tp Vinh. Ngoài ra còn có các Ông, Bà nguyên là Giáo sư, Tiến sĩ, cán bộ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu và đại diện các Cơ quan Báo chí.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa đã chia sẻ niềm xúc động khi trở về thăm quê hương Nghệ An. Đồng thời, Thượng tọa đề cập đến vị trí, vai trò và ý nghĩa của Đạo Phật đối với Nghệ An nói riêng, cũng như với đất nước Việt Nam nói chung đã được chứng minh qua suốt chiều dài lịch sử. Một bằng chứng là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã nhìn ra tầm quan trọng của tôn giáo trong việc bảo vệ đất nước. Vì thế, khi ở miền Nam, cụ đã gửi thư về Nghệ An, và bôn ba khắp các chùa để kêu gọi chấn hưng Phật Giáo. Sau đó, khi Phật giáo lần lượt tại các miền đã được phục sinh, tâm hồn, tâm linh người dân được dựng lại, tinh thần dân tộc, yêu nước được dâng cao, điều này đã góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến.

Kế đến, Thượng tọa đã nêu lên sự thật rằng, như một tiến trình hiển nhiên, khi thế giới phát triển đến thời đại mới, nền Phật pháp ngày nay cũng đã khác với Phật pháp của mấy trăm năm về trước. Trong thời đại hội nhập này, con người được mở mang tầm nhìn hơn bao giờ hết. Cho nên, lối tu nào không đáp ứng được tri thức của thời đại thì sẽ dần không được quan tâm nữa. Cụ thể, con người của nền tri thức cao cấp hôm nay không thỏa mãn với một đạo Phật chỉ đề cao niềm tin mà thôi.

Đạo Phật, khác với nhiều tôn giáo khác, là cả một nguồn trí tuệ lớn lao. Trong khi đa phần các tôn giáo chỉ tập trung khai thác niềm tin, hình thành một nền tín ngưỡng vững chắc trong lòng con người, đồng thời cũng khóa luôn mặt lý trí của người đó; thì Đạo Phật cũng cho con người ta niềm tin, nhưng trong niềm tin đó, lý trí được cất cánh bay cao.

Đó là những niềm tin về ý nghĩa vô thường của cuộc đời; về cuộc sống khác sau khi chết; về quy luật công bằng, khách quan của cuộc đời khi ai cũng phải trả giá cho những điều mình làm (Luật Nhân Quả). Những niềm tin này buộc con người ta phải sống đúng, sống có đạo đức, có lý trí.

Lại nữa, những lời Đức Phật dạy vô cùng thâm thúy, sâu sắc và đầy giá trị về tình yêu thương mà con người cần lan tỏa đến nhau; hay đề cao việc chiến thắng chính bản thân mình, hoặc những lời đề cập của Ngài cách đây hơn hai ngàn năm về sự sống, thế giới, hay tinh cầu tồn tại ngoài trái đất, và những sinh vật mà phải đến hôm nay ta mới biết là vi khuẩn,… đã, đang và sẽ luôn đúng đắn, bất diệt, thậm chí dẫn đầu cho dù khoa học có tiến xa đến đâu chăng nữa.

Bên cạnh đó, Thượng tọa nhấn mạnh về công nghệ sẽ làm chủ thế giới chúng ta trong nay mai, công nghệ 4.0! Vì đất nước chúng ta, hay vì bản thân chúng ta, mà mỗi người, nhất là tầng lớp thanh niên phải làm quen, học hỏi và nắm bắt được.

Tuy nhiên, dù đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các đệ tử xuất gia hay tại gia được đào tạo, cùng học tập về lập trình vi tính, tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo, Thượng tọa lý giải một điều rằng: thực ra trí tuệ của mỗi người là hữu hạn. Và, để mở rộng cái hữu hạn đó, chúng ta vô cùng biết ơn Đức Phật đã mang đến cho chúng ta con đường tuyệt vời là “Thiền định”.

Nhân đây, Thượng tọa cũng đã nêu lên ba nguyên tắc trong kỹ thuật định tâm của Thiền định như trong kinh điển nguyên thủy, đúng với lời Phật dạy, cũng vô cùng phù hợp với khoa học, như sau:

Thứ nhất, TÂM và HƠI THỞ: Khi ta động tâm thì hơi thở ta rối loạn, khi tâm ta yên thì hơi thở ta êm. Ta giữ được hơi thở đúng kỹ thuật – hít vào ít, êm, nhẹ, thở ra dài, tâm ta sẽ yên.

Thứ hai, THÂN và TÂM: Khi tâm ta động thì thân ta động theo. Khi ta giữ được THÂN bất động, mềm mại, buông lỏng; TÂM cũng theo đó mà yên lắng.

Thứ ba, TÂM và SỰ CHÚ Ý của tâm: Khi tâm ta suy nghĩ thì tâm rời khỏi thân mà chạy về đối tượng ta suy nghĩ. Nếu ta để TÂM ta an trú nơi THÂN, nghĩa là tâm ta dừng mọi suy nghĩ lại, không còn phiêu lưu trôi nổi mà đi vào trong thanh tịnh.

Đến đây, bài Pháp thoại đã kết thúc. Cứ mỗi một lần được Thượng tọa về thăm, hướng dẫn, chỉ dạy, mỗi một lần được tắm mát trong những lời Pháp nhũ của Người thì tình cảm tôn kính Phật lại càng dâng cao trong lòng thính chúng. Đây là chánh nhân để gìn giữ đạo Phật được tồn tại lâu dài, bền vững, để chúng sinh có ánh sáng, có lối đi về và có nơi nương tựa.

Như chúng ta đã biết, bất kì tôn giáo nào, muốn tồn tại thì người đệ tử phải tôn kính bậc Đạo sư của mình. Lòng tôn kính càng cao thì tôn giáo càng phát triển. Cho nên, nếu tất cả đệ tử Phật đều có tình cảm tôn kính Phật tuyệt đối thì Phật pháp mới trường tồn.

Lành thay! Nói mà như không nói, Thượng tọa đã truyền cảm hứng được “Lòng tôn kính Phật” cho hàng chục vạn tín đồ Phật tử đã đến với những Pháp hội mà Người thuyết giảng. Cũng như nâng bước trên sự tu tập cho người Phật tử, khiến họ nhận biết tu như thế nào để thể có thể thành tựu con đường tâm linh của mình.

Khi ngọn lửa yêu “Đạo” trong tim đã bùng sáng lên, biểu hiện rõ nét nhất là tại những chùa có tổ chức khóa tu Thiền, chúng ta thấy một Pháp hội được trẻ hóa và có đông đảo các giới cùng tham gia tu tập. Đến đây, ai nấy đều hòa mình sống với nhau trên tinh thần lục hòa, cùng tinh tấn tu tập Thiền định, cùng cố gắng gây tạo công đức, rèn luyện thể chất và không quên giữ gìn hạnh “Khiêm hạ” để nối dài một đạo Phật cao đẹp mà Đức Phật đã đem đến an vui, hạnh phúc cho chúng sinh; cũng như để tiếp nối lý tưởng cao cả mà Thượng tọa Giảng sư đã vì chúng sinh bị quay cuồng trong sanh tử, trôi nổi trong ba cõi có thể giải quyết cái khổ này mà vượt lên, tức từ bỏ vị trí của phàm để bước lên vị Thánh ở tương lai./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa tu và buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất