Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Gián tiếp kiểm soát tâm

-

Vào ngày 08/09/2018 (nhằm ngày 29/08/năm Mậu Tuất), nhân Khóa tu thiền lần thứ VI năm 2018 tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long ( QL80, xã Tân Hoà, Tp.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT), đã chia sẻ bài Pháp thoại có tựa đề GIÁN TIẾP KIỂM SOÁT TÂM cho hơn 500 thiền sinh, và gần 1000 phật tử gần xa. 

Bài Pháp thoại này nói về phương pháp nhiếp tâm trong Thiền theo sát với lời Phật dạy từ nghìn xưa. Khi chúng ta nói đến giá trị của thiền là nói đến tâm thanh tịnh, tức phải biết nhiếp tâm diệt trừ vọng tưởng, nhưng làm sao để tâm không vọng tưởng, đây là bài toán cực khó.

Có hai cách để đạt được cái “không vọng tưởng” này:

– Một là lo canh chừng vọng tưởng, hễ có vọng tưởng là đuổi đi, diệt đi. Đó là cách “trực tiếp”.- Hai là sử dụng hơi thở có ý thức để diệt vọng tưởng (cách gián tiếp), bởi giữa hơi thở và hoạt động não luôn luôn có liên quan với nhau. Đó là lý do mà từ ngàn xưa cho tới ngày nay ai tu tập thiền định đều phải biết rõ về cách tu tập hơi thở cả, từ thiền của Phật giáo nguyên thủy cho đến Phật giáo đại thừa. 

Có người sẽ hỏi: muốn diệt vọng tưởng, tại sao không đi thẳng (canh chừng vọng tưởng để diệt), mà phải đi vòng (dùng hơi thở)? Hãy biết rằng “đi vòng một khắc đi tắt một năm”, đây là kinh nghiệm của ông bà tổ tiên ta. Có những mục tiêu nếu ta đường vòng thì đến được, còn đi thẳng tưởng là nhanh nhưng không bao giờ đến vì những chướng ngại giữa đường. Cũng vậy, nếu ta canh chừng vọng tưởng để diệt (đi đường thẳng) thì vọng tưởng sẽ không bao giờ chấm dứt; còn nếu ta theo dõi hơi thở, biết rõ toàn thân… tức là bắt đầu từ thân, từ hơi thở để tu cái tâm (đi đường vòng) thì sẽ có ngày nhiếp được tâm, có ngày chứng đạo. Đó là lý do mà Đức Phật nói rằng: “Ai an trú được trong hơi thở, người đó là tịnh trú, người đó là phạm trú, người đó là Như Lai trú”.

Dịp này, Thượng tọa khẳng định, đi con đường gián tiếp, lòng vòng không đánh trực tiếp vào vọng tưởng, nhưng lại giúp diệt trừ vọng tưởng, đưa tâm vào an định. Khi đã tu tập thuần trong thiền rồi, đã hiểu thật cặn kẽ về nguyên tắc này chúng ta mới cảm thấy trí tuệ của Đức Phật quả là tuyệt đối, lời Phật dạy tuy giản dị mà cao siêu, không chút sơ hở dù cho khoa học có tiến bộ đến đâu. 

Có một thực trạng là cách Phật đã xa, lời dạy ban đầu của Đức Phật đã bị lãng quên, bị bẻ cong đi ít nhiều. Rất nhiều Thiền sư, Đạo sư xuất hiện sau này đã phát triển những lý thuyết, những lối tu mới với ngôn từ bay bổng, nên thu hút rất đông tín đồ, nhưng xét cho cùng đã khác xa so với thiền của Phật. 

Lý giải thêm về quan điểm này, Thượng tọa phân tích: ai cũng biết tu thiền là phải định tâm, lắng bớt suy nghĩ vọng tưởng. Và nhiều Thiền sư, Đạo sư đã dạy người tu phải cố gắng can thiệp, điều chỉnh, đè nén vọng tưởng, đâu ngờ đi trực tiếp như thế không mang lại kết quả lâu bền, thậm chí còn gây điên loạn. 

Đức Phật đã dạy về con đường “gián tiếp”, cực kì trí tuệ. Dù không đánh trực tiếp vào vọng tưởng, chỉ dùng đến những phương tiện trung gian nhưng lại giúp hành giả điều phục vọng tưởng, kiểm soát tâm thức, đưa tâm vào an định. 

Con đường gián tiếp này gồm 3 nguyên tắc chính:

– Thứ nhất là dùng hơi thở để định tâm (bời vì hơi thở và tâm luôn tác động qua lại lẫn nhau, hơi thở yên thì tâm cũng yên). Phật dạy: “Thở vào ta biết ta đang thở vào, thở ra ta biết đang thở ra…”. Cứ theo dõi một cách thụ động như vậy, và thở một cách êm ái nhẹ nhàng, tự nhiên, không dằn ép, không cố gắng. Vậy mà nội tâm sẽ dần yên lắng. Không chỉ Đức Phật mà những người tập luyện yoga, nội công cũng đã biết nguyên tắc này – sử dụng hơi thở để đưa tâm vào định. 

– Thứ hai là dùng thân để định tâm (bởi vì trạng thái của thân cũng ảnh hưởng đến tâm, thân yên thì tâm sẽ yên). Trong đó, ta giữ thân vừa bất động, vừa buông lỏng nhẹ nhàng. Đặc biệt phải ngồi trong tư thế kiết già, bởi đây là tư thế ngồi siêu việt nhất của loài người.

– Thứ ba là cảm giác toàn thân, an trú toàn thân, biết rõ toàn thân, tâm không bao giờ rời xa thân, mà Phật đã nói là: “Cảm giác toàn thân tôi thở vào, cảm giác toàn thân tôi thở ra”.

Sau khi lý giải về tính logic, khoa học của ba nguyên tắc cốt lõi trên, Thượng tọa tiếp tục trình bày thêm nhiều nguyên tắc độc đáo khác của việc nhiếp tâm trong thiền,… 

Có thể thấy rằng ngày nay khoa học kĩ thuật đã tiến bộ quá xa, nếu chùa không có sức mạnh tâm linh, đạo Phật lập tức bị cuộc đời bỏ lại phía sau ngay. Mà sức mạnh tâm linh này phải được lấy từ thiền. Nên người đệ tử Phật bất luận là xuất gia hay tại gia cũng đều phải thực hành thiền, không thể không biết về thiền. Người tu mà không biết thiền là ta đi rất xa cái gốc của đạo Phật. Khi biết thiền rồi, ta muốn tu tông nào thì tu. Giống như một người phải tốt nghiệp trung học phổ thông thì muốn học ngành nghề nào đều được.

Tuy nhiên chúng ta hãy quay lại với con đường thiền mà Phật đã dạy từ xa xưa, vốn cực kì chuẩn xác, ưu việt hơn vạn lần so với những lối tu xuất hiện sau Phật. Đó là con đường nhiếp tâm một cách gián tiếp, phải đi lòng vòng qua nhiều trung gian, nhưng sẽ mang lại kết quả chân thật vững bền, Tu theo con đường này là ta góp phần làm cho đạo Phật trường tồn, hưng thịnh./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất