Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápThiện nhân - Vĩ nhân - Thánh nhân

Thiện nhân – Vĩ nhân – Thánh nhân

-

Vừa qua, vào ngày 05/05/2019 (nhằm ngày 01/04 năm Kỷ Hợi), nhận lời mời của Sư cô TN Diệu Nhẫn – UV HĐTS, Phó BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã hỗ trợ tham gia tổ chức Đại lễ Phật Đản Vesak 2019 tại chùa Cần Linh (Phường Cửa Nam – Tp Vinh – tỉnh Nghệ An). Đồng thời, Thượng tọa có buổi thuyết giảng về chủ đề: THIỆN NHÂN – VĨ NHÂN – THÁNH NHÂN, với sự tham dự của hơn 3.000 Phật tử xa gần.


Tham dự buổi thuyết giảng còn có: TT. Thích Châu Phong – UV thường trực BTS, Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Nghệ An, Trụ trì chùa Hồng Phúc, cùng Chư tôn đức Tăng, Ni Thiền Tôn Phật Quang.

Ngoài ra, còn có gần 1.000 thanh niên tham gia công quả phục vụ cho Đại lễ.

Mở đầu bài giảng, Thượng tọa có đôi lời nhắc nhở thính chúng về ân đức vô bờ của Đức Phật đối với tất cả chúng sinh, vì thế lòng thương kính Phật của chúng ta phải mãi mãi là đậm sâu.

Đi vào nội dung bài giảng, Thượng tọa phân tích từng hạng người Thiện nhân – Vĩ nhân – Thánh nhân.

Theo Thượng tọa, “thiện nhân” là người mà trong tâm điều tốt chiếm ưu thế, tương đương 70%, tức là 7 phần tốt, 3 phần xấu. Họ sống rất tử tế, thường giúp đỡ, hi sinh. Không dừng tại đó, họ còn thường khuyên người khác sống đời nhân ái, vị tha. Sự xuất hiện của họ luôn mang ảnh hưởng tốt đẹp cho cộng đồng. Dù vẫn còn tâm bất thiện nhưng không nhiều và họ kiềm chế được, vì thế họ giữ mình không làm điều gì sai.


Còn “vĩ nhân” là người mà phần tốt trong tâm đã tăng lên đến khoảng 85%. Từ 70% lên đến 85% để trở thành vĩ nhân là cực kì khó. Người như thế đã rất vĩ đại. Tâm họ ngập tràn điều thiện, tài năng xuất chúng và ảnh hưởng của họ để lại cho đời rất lớn. Họ thay đổi số phận của nhiều người trong thời đại của mình. Họ giúp đất nước hoạn nạn vượt qua khó khăn, đất nước nô lệ đi đến độc lập, thế giới chiến tranh trở thành hòa bình… Ảnh hưởng của họ không phải trong cộng đồng mà trong cả đất nước, cả thế giới.

Chúng ta thường ca ngợi Đức Phật là vĩ nhân vì giáo lý Ngài để lại cũng thay đổi được cả thế giới này. Có những triết gia đã âm thầm đưa giáo lý của Đức Phật vào trong triết thuyết của mình. Có những giáo sĩ cũng bí mật vay mượn lời dạy của Đức Phật để truyền dạy tín đồ. Đạo Phật là nguồn đạo lý chưa bao giờ cạn, luôn hợp lý với khoa học, thậm chí đi trước khoa học. Có thể nói, Đức Phật đã dựng đứng những gì bị quăng ngã, phơi bày những điều bị che giấu, chỉ đường cho người lạc lối, đem ánh sáng vào nơi tăm tối. Đối với thế giới này, Ngài là một vĩ nhân phi thường.

Đi vào phân tích về “Thánh nhân”, Thượng tọa khẳng định trong tâm Thánh nhân thì 98% là thiện. Ngoại trừ Đức Phật ra, không một chúng sinh nào có thể tìm thấy bất cứ một tì vết nào về đạo đức của vị ấy cả. Chính vì đạo đức gần như tuyệt đối mà trí tuệ của vị ấy cũng cực kì sáng tỏ, tài năng rất siêu việt. Thêm nữa, vì lòng từ bi vô bờ mà vị ấy luôn trăn trở phải làm điều có lợi cho chúng sinh và ảnh hưởng vị đó để lại cho đời là cực kì lớn.

Đôi khi vì cái duyên chưa tới nên ngay trong thời đại đang sống vị ấy chưa làm được gì nhiều, nhưng rồi cuối cùng cả thế giới đều được ảnh hưởng tốt đẹp từ vị ấy.

Một yếu tố giúp phân biệt giữa Thánh nhân và vĩ nhân là nội tâm thiền định. Bậc Thánh nhân thì có thể nhập sâu trong định, tâm linh mở ra thênh thang. Với đạo đức hoàn hảo, trí tuệ sáng chói và tâm linh thiền định sâu xa, vị ấy xuất hiện giữa đời rực rỡ như nghìn ánh mặt trời mà chúng sinh trông thấy đều phát tâm quy ngưỡng, kính trọng.


Tuy nhiên, từ thiện nhân trở thành vĩ nhân phải mất vài trăm kiếp phấn đấu, còn từ vĩ nhân thành Thánh nhân thì mất vài nghìn kiếp, thật không hề dễ dàng. Vậy làm sao để điều thiện trong tâm ta lớn dậy, lấn át, kiềm chế, tiêu diệt được điều xấu, để chúng ta đi dần đến vị trí thiện nhân – vĩ nhân? Câu hỏi này đã được Thượng tọa phân tích chi li, rõ ràng trong phần nội dung bài giảng.

Cuối bài giảng, Thượng tọa còn nhắc nhở thính chúng hãy sống tử tế và hi sinh như những bậc Thiện trên cuộc đời này, nhưng tâm buông xả không bao giờ chấp công, chỉ một lòng hướng về vô ngã mà thôi.

Thật sự không ai muốn mình xấu cả, nhưng đã bao lần chúng ta đã mãi lặn hụp trong tham sân si, là một chúng sinh tầm thường, tội lỗi… Tất cả bởi vì chúng ta đã lỡ gieo những nghiệp nhân sai lầm. Vì thế, ta cần điều chỉnh lại những hạnh nghiệp trong đời mình, kiên nhẫn gieo nhân lại cho đúng. Đó phải chăng là ý nghĩa mà Thượng tọa gửi gắm trong bài giảng này.

Mong rằng, tất cả chúng sinh đều chiến thắng được cái xấu ác trong tâm mình và cùng nhau mãi mãi bước đi trong điều thiện mà thôi./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất