Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápSống Siêng Năng - bài giảng mùng 3 Tết 2020

Sống Siêng Năng – bài giảng mùng 3 Tết 2020

-

Như thường lệ của những ngày đầu năm mới, sáng mùng 3 Tết Canh Tý, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng đề tài: SỐNG SIÊNG NĂNG, với sự tham dự của trên 5.000 Quý Phật tử đầu năm đi viếng chùa, lễ Phật và chúc tết Thầy.

Theo Thượng tọa thẳm sâu trong tất cả chúng ta đều có bản năng lười biếng, và người biết tu là người cố gắng đi ngược lại bản năng này. Hãy nhìn hình ảnh dòng sông nào cũng phải chảy mãi để nuôi nấng ruộng đồng, chim thú, con người,… Chỉ cần sống ngơi nghỉ một phút cũng làm xáo trộn mọi thứ. Cũng vậy, con người sống trên đời thì đừng ngưng cống hiến cho đời. Ai nuôi ý nghĩ muốn sống sao cho khỏe, đừng bận tâm điều gì thì người đó đã đi ngược lại với quy luật của vũ trụ, chắc chắn sẽ tổn phước và tâm hồn sụp đổ lúc nào không biết.

Tại sao tâm hồn sụp đổ? Vì chỉ cần ở không, chẳng làm gì cả thì điều bất thiện tự khắc sinh sôi nảy nở. Giống như một căn nhà bỏ hoang lâu ngày rêu mốc sẽ tự mọc, tường nứt, dột nát,… Cũng vậy, nếu ta có phút giây nào muốn sống nhàn hạ thì ngay đó bất thiện pháp cũng trỗi dậy, và ta bắt đầu làm bậy, bắt đầu tạo nghiệp. Ông bà xưa đã nói “Nhàn cư vi bất thiện” cũng vì thế.

Tuy nhiên, sự siêng năng của một người đã biết đạo thì đặc biệt ở chỗ siêng mà thanh thản. Hãy nhìn một người không biết đạo phải bám víu lấy cuộc sống, vất vả mưu sinh, miễn sao được sống mà thôi… tâm họ thật căng thẳng lo lâu. Nếu có phước thì còn thảnh thơi một chút, nếu kém phước thì vô cùng cực nhọc. Ngược lại, người đã hiểu đạo lý thì không xem miếng ăn, miếng mặc là mục tiêu tối quan trọng. Họ vẫn làm việc, vẫn mưu sinh nhưng gói trong đó là sự tận tụy, tận tâm phụng sự cho đời, là ước mơ xây dựng bao điều tốt đẹp cho xã hội, cho đất nước, thậm chí cho cả nhân loại. Dù là giáo viên, bác sĩ hay là người lao công quét lá trên đường, họ đều mang tinh thần phụng sự rất cao. Chỉ thay đổi một tâm niệm mà cuộc sống họ bỗng đẹp đẽ và thanh thản hơn rất nhiều.

Trong tu tập, siêng năng là một thiện pháp và giải đãi lười biếng là một bất thiện pháp. Cái bất thiện pháp này có vẻ như chẳng hại gì nhưng nó sẽ giết ta trước, khiến tâm hồn ta sụp đổ trước, và về lâu dài nếu lan rộng ra thì nó sẽ giết cả một dân tộc. Một dân tộc lười biếng chắc chắn sẽ mau chóng sụp đổ, tan rã, bị ngoại bang thôn tính.

Dịp này, Thượng tọa cũng nhắc nhở thính chúng rằng, dù siêng năng nhưng vẫn phải khôn ngoan sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Đừng tưởng rằng siêng năng là lao động quần quật cho đến kiệt sức, gục ngã.

Chúng ta nghỉ ngơi không phải để hưởng thụ mà là để tái tạo năng lượng làm việc tốt hơn. Còn với bậc chân tu thì ngay cả lúc nghỉ ngơi cũng là lúc tu hành, âm thầm nhiếp tâm. Họ không bao giờ cho phép mình một giây lơi lỏng. Lúc buông công việc ra là lo tu tập, lắng tâm trong Thiền định. Nhờ sức tu mà làm việc tốt, nhờ làm việc mới có phước để tiến tu,… tất cả đều là vì Phật pháp.

Vậy phải chăng, Chư Phật hay các vị A La Hán đã nhập Niết Bàn thì không làm gì? Chúng ta phải hiểu rằng các vị càng tuyệt đối không bao giờ không làm lợi ích cho chúng sinh bởi vì các vị không còn bản ngã và cũng trở thành toàn thể vũ trụ. Các vị ở khắp mọi nơi, âm thầm dõi theo gia hộ cho chúng sinh, lòng đại bi phủ tràn cả pháp giới. Chỉ cần ta có tấm lòng thì sự cảm ứng luôn hiện hữu.

Quả thực, siêng năng không phải là đề tài mới nhưng những khía cạnh mà Thượng tọa phân tích lại rất mới mẻ và thú vị. Dưới lăng kính Phật pháp, những điều giản đơn nhất vẫn được gói trọn đạo lý thật sâu xa. Hy vọng tất cả chúng ta đều nỗ lực siêng năng, tinh tấn trong từng giây phút để vun bồi phước đức cho đường tu hành lâu xa, mà cũng góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội. 

Tổ truyền thông

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất