Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápSự an toàn tối thượng: NIẾT BÀN - giảng mùng 4 Tết...

Sự an toàn tối thượng: NIẾT BÀN – giảng mùng 4 Tết 2020

-

Vừa qua, sáng ngày mùng 4 Tết Canh Tý, khi đất trời còn đang tràn ngập sắc xuân, TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã có buổi thuyết Pháp cho gần 10.000 Quý Phật tử du xuân với chủ đề: SỰ AN TOÀN TỐI THƯỢNG – “NIẾT BÀN” tại khuôn viên Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ, BR-VT). 

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Quý Phật tử và du khách thập phương đã từ bỏ mọi thú vui ngày Tết để về chùa nghe Pháp. Nhờ vậy, ngày Tết tại Thiền Tôn Phật Quang thêm phần đông vui, giáo lý nhà Phật cũng được gìn giữ, lưu truyền mãi.

Người nhấn mạnh, năm nay ở chùa ngoài có Phật, có Pháp, có Chúng Tăng, còn có một nghi thức rất đặc biệt là Thánh Độ Mệnh để thay thế việc cúng sao giải hạn. Thực sự, việc GHPGVN nghiêm cấm các chùa cúng sao tuyên truyền mê tín dị đoan, khiến Phật tử hơi hẫng hụt, nhưng đây lại là hành động đúng đắn.

Lý giải về điều này, Thượng tọa cho biết trong Phật giáo, không có nghi thức cúng sao giải hạn, dù ta rất thành tâm lễ cúng, tốn thời gian và tiền bạc mà không mang lại lợi ích cho cuộc sống.

Việc điều chỉnh của Giáo Hội là hướng mọi người về đúng các nghi thức của Chánh Pháp. Những gì có đạo lý, nguồn gốc, công lao thì mới có quả lành được. Vậy nên, ta phải tìm những điều đúng đắn để nương tựa sẽ tốt cho cuộc sống và tâm hồn của mình. Lúc ấy, nghiệp xấu sẽ chuyển thành tốt, cái tốt thành tốt hơn.

Đi vào nội dung chính của bài Pháp, Thượng tọa khẳng định đầu năm chúng ta hay chúc nhau bình an, vui vẻ bởi đó là điều mà ta khó đạt được. Phật đã dạy cuộc đời là đau khổ, là bấp bênh, ta không thể đoán trước điều gì. Vậy nên, buộc ta phải cầu xin những gì mà bản thân đang thiếu.

Ví dụ, hiện nay dịch Corona, tức dịch viêm phổi cấp xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang trở thành đại dịch, số người chết ngày một tăng nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch bệnh đã lây nhanh ra nhiều nước trên Thế giới, nhiều hoạt động bị đóng băng. Nếu không ngăn chặn kịp thời, đại dịch này có thể trở thành một sự tận thế của nhân loại và thêm một lần nữa cảnh báo cho ta biết rằng: Thế giới thật bất an, không gì lường trước được.

Năm nay, Chính phủ ban hành nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông. Nhờ đó mà số vụ tai nạn giao thông giảm hẳn. Vậy nhưng, số người chết vì tai nạn giao thông trong dịp Tết năm nay lại cao hơn so với Tết năm ngoái. Lý do bởi vì họ yên chí rằng không có người say rượu tham gia giao thông nên cứ thoải mái đi nhanh.

Ngoài ra, còn rất nhiều việc khác nữa khiến ta thấy thế giới thay đổi chóng mặt trong tích tắc. Vậy làm thế nào để ta xoay sở, đối phó được với sự bấp bênh của thế giới?

Sau khi nêu ra rất nhiều cách của mọi người đang làm hiện nay, Thượng toạ khẳng định không có một cách nào là chắc chắn. Dù chúng ta có làm gì thì biến cố cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vậy nên, ta hãy chọn cách ứng xử của đạo Phật là chấp nhận mọi sự bấp bênh, vô thường của cuộc đời. Dù gặp phải biến cố, nghịch cảnh cũng đừng hoảng loạn. Hãy thanh thản, dũng cảm đối diện. Nỗi sợ lớn nhất của loài người là cái chết, nhưng Phật tử khi ngồi Thiền, ai cũng biết quán thân này là vô thường, nên ai cũng can đảm và đối diện với cái chết. Đây là điều đầu tiên.

Tức là ta phải bình tĩnh, đừng sợ hãi. Sau đó, dùng phước để xử lý mọi việc. Theo Nhân quả, việc gì đến với ta cũng đều là nghiệp xưa phải trả, nên dù muốn trốn tránh cũng không được. Ta chỉ còn cách làm phước trước để kịp thời ngăn chặn hoặc giảm bớt nghiệp đó lại.

Nói về làm phước, chúng ta có thể phóng sinh, tặng tranh Nhân quả,… Dù là hành động thiện nhỏ bé cũng sẽ mang lại phước giúp ta hoá giải được nghiệp quá khứ. Ngoài ra, cái phước còn mang lại may mắn cho tương lai.

Ban đầu, ta chăm chỉ, siêng năng làm phước vì hai mục đích trên. Nhưng đến một ngày, ta sẽ ngộ ra đạo lý hạnh phúc với ta không phải là hoá giải nghiệp ở quá khứ hay có được sự may mắn, tốt lành trong tương lai, mà đó là được sống vì mọi người, sống một đời sống có ích. Lúc này, ta cực kỳ thanh thản, không còn lo sợ tai hoạ gì, cũng chẳng cầu mong điều gì, chỉ cần được phục vụ, cống hiến cho cuộc đời, cho con người là hạnh phúc.

Thực vậy, bình an của cuộc đời là được cống hiến, phụng sự, không phải để đối phó với tai hoạ. Ta đã chiêm nghiệm được một điều rằng mọi biện pháp đối phó với tai hoạ đều vô ích. Và chấp chận bất an chính là sự bình an trong thế giới này. Từ đây, ta yên tâm sống để phụng sự rồi hạnh phúc sẽ đi lên từ chỗ bất an ấy.

Thực sự, chẳng có nơi nào tuyệt đối bình an nhưng trong đạo Phật có một nơi duy nhất, đó là Niết Bàn – là nơi một bậc đắc đạo chứng đạt được. Vậy nên, Niết Bàn vượt ngoài sinh tử, vượt ngoài Tam giới. Niết bàn vừa là không có một nơi nào mà vừa là tất cả mọi nơi và không gì có thể xâm phạm được. Vậy làm sao để chứng đạt được?

Thượng tọa khuyên dạy rằng: ta hãy đi chùa, lễ kính Phật, yêu thương chúng sinh, khiêm hạ tột cùng, làm nhiều việc công đức và Thiền định. Khi tâm ta lắng đọng từ từ, dần dần vượt qua khỏi bản ngã, đến khi nhập được những từng bậc Thiền định rất sâu, tâm thức và bản ngã tan biến, lúc đó ta sẽ trở thành toàn thể vũ trụ. Niết Bàn là như vậy – nơi bình an tuyệt đối.

Nếu ta còn tiếp tục đi trong luân hồi sinh tử thì còn tiếp tục đi trong sự bất an của cuộc đời. Ngay cả lúc ta đủ phước sinh lên cõi Trời, sống rất sung sướng thì cũng không phải là bình an mãi mãi, bởi khi hết phước cõi Trời ta lại rơi xuống cõi người. Nên cõi Trời cũng chỉ là tạm thời. Bởi vậy, Phật đã dạy tất cả Tam giới này là vô thường, đau khổ, nên ai cũng phải có chí nguyện tu hành giác ngộ giải thoát, tìm đến nơi bình an tuyệt đối, đó là Niết Bàn.

Trong suốt bài Pháp thoại, những lời dạy của Thượng tọa đã làm tim ta rúng động, ta cảm thấy xúc động thật sự vì yên tâm rằng mình có một nơi bình an tuyệt đối để hướng đến. Dù khó khăn, vất vả thế nào nếu nỗ lực, cố gắng làm phước đến vô tận, tu hành tinh tấn, nhất định ai cũng sẽ về được nơi ấy. Nơi Niết Bàn, mọi người không cần lo sợ tai họa, dịch bệnh, đố kỵ,… bởi nơi ấy tuyệt đối an toàn, dứt nghiệp báo luân hồi, thanh tịnh tuyệt đối. Tuy nhiên, khi chưa chứng đạt được Niết Bàn, ta phải học cách chấp nhận, can đảm đối diện với sự bấp bênh, bất an trong cuộc sống. Chỉ có vậy, ta mới thấy bình an trong sự bất an.

Đây thực sự là những đạo lý hết sức quý giá trong những ngày đầu năm, khi mà liên tục những điều bất an ập đến với cuộc sống của con người. Nhờ bài Pháp này, mọi người biết gạt bỏ những lo âu, sợ hãi, sát lại gần nhau để yêu thương, phụng sự, giúp đỡ nhau, tạo nên giá trị thực của cuộc sống.

Phải chăng, khi con người thực sự đoàn kết, biết yêu thương đùm bọc, che chở, bên cạnh những gian truân của cuộc sống mà sẵn sàng chia sẻ thì chẳng có khó khăn nào có thể đánh bại được loài người.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất