Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủChia sẻPhật phápTrí tuệ biết lỗi mình

Trí tuệ biết lỗi mình

-

Điều quan trọng là khi được nhắc nhở, chúng ta phải chân thành nhận lỗi và phải sám hối ngay, tuyệt đối không được chối cãi. Vì đây chính là chỗ mà chúng ta không đủ trí tuệ để nhìn thấy chính mình.

“Tâm của con người rất phức tạp, thường có 2 phần: ý thức và vô thức.

Ý thức là phần tâm mình thấy được. Vô thức là những hoạt động của tâm mà mình không tự thấy được.

Ví dụ, những suy nghĩ, hình ảnh mà chúng ta có thể tưởng tượng, hình dung được, biết được đều thuộc về ý thức. Hoặc một người nào đó nói một câu nặng làm mình buồn. Cái buồn đó chúng ta có thể thấy được, cảm được nên thuộc về ý thức.

Ngoài ra, trong con người còn có nhiều tâm phức tạp của vô thức. Hoạt động của vô thức rất nhiều, rất bí mật, chúng ta không thể nhìn thấy được. Muốn thấy được hoạt động của vô thức, chúng ta phải vào trong định rất sâu.

Bình thường, ranh giới giữa ý thức và vô thức trong con người chúng ta không rõ ràng. Điều này tùy thuộc vào trí tuệ bẩm sinh của mỗi người. Có người, sự ý thức rất hạn chế, nghĩa là tâm nào rất thô mới nhìn thấy, còn tâm hơi tế một chút, họ sẽ không nhìn thấy được.

Trong khi đó, có người trí tuệ rất sáng, ý thức rất sâu, nên có thể thấy được nhiều tâm bí mật trong lòng họ. Người ta gọi đây là người có trí tuệ. Những người này, khi phạm lỗi, họ sẽ thấy ngay hoặc chỉ cần người khác nhắc nhẹ là họ nhận ra ngay lỗi của mình. Vì họ nhìn rất sâu vào trong tâm họ, những lỗi lầm tiềm ẩn họ đều nhìn thấy. Đây là người có căn cơ tu hành.

Ngược lại, những người kém trí tuệ, chỉ nhìn thấy tâm thô, thường khó nhìn thấy lỗi mình. Những người này căn cơ thấp, rất khó tu. Có khi kiêu mạn phát ra thành hành động. Trong mỗi trường hợp, hành động phát ra sẽ khác nhau. Nhờ hành động, chúng ta sẽ biết mình đã bị kiêu mạn chi phối.

Ví dụ, một người mới vào chùa để làm điệu tu hành. Trong chùa có một ông già vốn là trí thức nhưng thất cơ, lỡ vận phải vào nương chùa ở để sống qua ngày. Cứ một, hai ngày, đứa con gái của ông ta lại vào thăm cha và tiện thể nhờ cha giảng bài cho. Một hôm, chú tiểu đang nằm võng ở nhà kho xem Kinh, ông già đến hỏi một bài Hoá Học (có lẽ cô con gái lại vào nhờ cha giảng giúp bài vở). Chú tiểu thấy bài quá dễ nên vẫn nằm trên võng, tay cầm lấy cuốn vở của ông già và giải thích cho ông ta. Khi hiểu ra được, ông rất vui, vội cầm vở chạy về phòng mình để giảng lại cho con gái. Sau đó, một Thầy lớn thấy vậy đã nhắc chú tiểu rằng hành động của chú đã sai. Vì chú là người mới tu, còn nhỏ, nhưng khi nói chuyện với một người lớn tuổi như thế vẫn nằm trên võng. Rõ ràng, trong tâm người ấy có sự kiêu mạn tiềm tàng và đã bộc lộ bằng hành động. Điều ấy không chối cãi được. Nhờ bộc lộ bằng hành động và được người khác nhắc nhở mà người ấy biết rằng mình đã kiêu mạn mà bản thân không nhìn thấy được.

Trong cuộc sống có nhiều trường hợp tương tự như vậy. Điều quan trọng là khi được nhắc nhở, chúng ta phải chân thành nhận lỗi và phải sám hối ngay, tuyệt đối không được chối cãi. Vì đây chính là chỗ mà chúng ta không đủ trí tuệ để nhìn thấy chính mình. Một khi đã nhận ra được lỗi và cố gắng sửa, có tâm nguyện sửa, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được”.

Trích bài “Kín đáo”, bộ sách “Tâm lý Đạo Đức”

– Thượng tọa Thích Chân Quang.

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất