Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻCảm xúc tụng kinh nhạc

Cảm xúc tụng kinh nhạc

-

Tình cờ trong lúc lần lướt mạng internet tìm kiếm thông tin, chúng tôi đọc được bài báo với tiêu đề “Nhà sư dùng công nghệ, âm nhạc để giới trẻ đến với Phật” đăng tải ngày 18/04/2017 trên báo giacngo.vn.

Bài báo nói về một vị sư ở Nhật đã có những sáng tạo trong việc dùng công nghệ và âm nhạc hiện đại để truyền tải giáo lý đạo Phật cho các Phật tử, đặc biệt là người trẻ tuổi.

Đọc xong, chợt chúng tôi nhớ rằng đã có một vị sư ở Việt Nam đã áp dụng điều này vào những bài kinh tụng Phật Giáo từ cách đây hơn 20 năm. Đó không ai khác, chính là Thượng Tọa Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế tài chính Trung Ương GHPGVN, trụ trì chùa Phật Quang (núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu).

Những kỷ niệm trong lần đầu tiên được tham gia một thời tụng niệm với những giai điệu âm nhạc hiện đại,  gần gũi mà rất thiêng liêng tại đạo tràng Chúng Thanh Niên Phật tử Phật Quang do Thương Tọa sáng lập, như vẫn còn in sâu trong lòng chúng tôi.

Lúc đó, trước khi bắt đầu thời kinh, ngay lập tức hình ảnh của những lời kinh ê a, khô khan, khó hiểu mà chúng tôi đã từng chứng kiến hoặc được tham dự một vài lần hiện ra trong đầu và trong tâm chúng tôi chỉ có ý nghĩ “chịu đựng cho qua”.

Nhưng khi lời kinh vang lên, thật bất ngờ, lời kinh kết hợp với âm thanh từ nhiều nhạc cụ: piano, guitar, violon… tạo nên âm điệu du dương trầm bổng được Thượng Tọa Thích Chân Quang viết theo thể “thất cung (7 nốt)” , vừa dễ tụng, vừa phù hợp với âm nhạc hiện đại làm tăng thêm tính trang trọng và thiêng liêng của thời kinh. Đồng thời, những lời lẽ trong kinh thật dễ hiểu và tạo nhiều cảm xúc cho người tụng lẫn người nghe. Chúng tôi đã từng tham dự các thời kinh ở nhiều nơi nhưng đây là lần đầu điên chúng tôi có những ấn tượng sâu sắc và dâng trào cảm xúc như thế này.

Cứ thế, cứ thế từng lời kinh, tiếng nhạc trôi qua mà chúng tôi như nuốt từng lời, uống từng chữ. Và chúng tôi như vỡ òa trong cảm xúc khi lời bài hát “Vì đạo thiêng” cất lên: “Vì đạo pháp ta đi gieo rắc ngàn nơi. Với con tim bao la như ánh mặt trời. Giữa cuộc đời Phật Đạo bừng lên nắng tươi, vui bên nhau hạnh phúc thênh thang rạng ngời”.  Buổi tụng kinh kết thúc mà mắt chúng tôi cay xòe, nhòe đi. Chợt nhìn sang những người bạn trẻ cũng lần đầu tiên tham dự thời kinh được phổ nhạc này, chúng tôi chợt nhận ra cảm xúc đó không chỉ của riêng mình. Những giây phút thiêng liêng ấy có lẽ sẽ được khắc sâu trong tâm khảm mỗi người tham dự.

Phải chăng vì thế mà hàng năm, mỗi Đại lễ tổ chức tại Thiền tôn Phật Quang đã thu hút rất đông các bạn trẻ tham gia. Ngoài niềm vui hòa trong không khí lễ hội, các bạn còn được tiếp cận với những bản kinh dễ hiểu được phổ nhạc với âm điệu trầm hùng, du dương để rồi bùng lên ngọn lửa của sự yêu kính thiết tha dành cho Phật pháp.

Theo chúng tôi được biết, những điệu tụng, tán ngày nay được sử dụng trong các Chùa Việt Nam chính là điệu nhạc của cha ông ta ngày xưa: điệu ru của Nam Bộ, điệu hò Huế hay một số lễ nhạc cung đình. Có thể nói, nghi lễ trong Phật giáo cũng đồng thời là sự nghệ thuật hóa triết lý; còn âm nhạc thì như dòng suối ngọt làm tuôn chảy đạo lý vào trái tim con người.

Tuy nhiên,những điệu nhạc từ vài trăm năm trước đã không còn phù hợp với tư duy và sở thích của nhân loại trong thời đại ngày nay, đặc biệt là thế hệ những người trẻ được tiếp xúc với dòng âm nhạc hiện đại. Thiết nghĩ, chân lý là tuyệt đối, bất biến nhưng nghi lễ, những điệu tụng tán là tương đối, cần phải được thay đổi để phù hợp với tâm tình của con người trong mỗi quốc gia, mỗi thời đại. Vì thế việc đưa âm nhạc hiện đại vào trong những bài kinh trong đạo Phật là điều rất cấp thiết. Tại Việt Nam, Thượng tọa Thích Chân Quang chính là người đã mạnh dạn đổi mới nghi lễ tụng niệm của Phật giáo khi ‘khoác chiếc áo mới’ cho những bài kinh tụng. Vẫn từng lời pháp âm mà Đức Phật truyền dạy, nhưng đã được Thượng tọa viết lại bằng ngôn ngữ thuần Việt, dễ hiểu, hơn nữa còn được kết hợp cùng âm nhạc hiện đại. Nhờ vậy, đạo lý được mọi người tụng đọc trong sự hiểu rõ, trong niềm xúc động, trong không khí trang nghiêm và đầy tính nghệ thuật. Bên cạnh đó, những bài kinh được Việt hóa như thế đã làm sáng tỏ những điểm còn mịt mờ, những đạo lý xa xôi, những điều tưởng chừng như rất khó lý giải, giúp giúp cho giáo lý đạo Phật đến với đông đảo quần chúng, đặc biệt là giới trẻ. Và sau hơn 20 năm áp dụng nghi thức đổi mới này, những thành quả mà Thượng Tọa đạt được chắc hẳn nhiều người đã nhìn thấy hoặc tự mình cảm nhận được.

Cuối cùng, nếu xem chân lý, lẽ phải là kho tàng quý giá thì lời Phật dạy hay kinh điển chính là tấm bản đồ dẫn đến kho tàng ấy. Khi tấm bản đồ đầy rẫy các kí hiệu bí hiểm, việc tìm về đích đến cuối cùng dường như vô vọng.  Khi kinh điển trong đạo Phật được diễn đạt, viết lại một cách khó hiểu, chân lý vĩ đại mà Đức Phật đã tuyên giảng dường như mờ mịt với chúng sinh. Mong rằng trong tương lai Phật giáo Việt Nam sẽ còn rất nhiều sự cải cách về nghi lễ để quần chúng, nhất là giới trẻ sẽ hiểu sâu đạo lý, nhờ đó mà có được niềm kính ngưỡng, tình yêu đạo pháp tha thiết, vô biên.

                           “Canh khuya văng vẳng tiếng chuông

                            Chỉ cần kinh tụng luôn luôn rõ ràng

                            Những lời Phật dạy như vàng

                            Dễ nghe, dễ hiểu thênh thang con đường”

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất