Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápChánh Pháp bắt đầu từ Chánh Kiến

Chánh Pháp bắt đầu từ Chánh Kiến

-

Vừa qua, nhân Đại lễ Khánh thành Tăng xá và khởi công xây dựng Chánh điện, tối ngày 17/03/2019 (nhằm ngày 12/02/ năm Kỷ Hợi), nhận lời mời của TT Thích Quảng Tiến – Trụ trì chùa Thiên Chánh – Tp HCM, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã quang lâm đăng toà thuyết giảng về đề tài CHÁNH PHÁP BẮT ĐẦU TỪ CHÁNH KIẾN cho hơn 4.000 Phật tử xa gần.

Đây cũng là món quà Người cúng dường lên Tam Bảo với hy vọng ước nguyện trùng tu Chánh điện, tạo dựng chốn tu học cho Phật tử của Thượng tọa Trụ trì được thành hiện thực.

Bài pháp thoại với tựa đề “CHÁNH PHÁP BẮT ĐẦU TỪ CHÁNH KIẾN” như hồi chuông ngân giữa đêm thâu, cảnh tỉnh về hậu quả khôn lường nếu chánh pháp lụi tàn, cũng như thắp lên nguyện ước cao siêu dựng lại thời chánh pháp huy hoàng như thời Đức Phật,

Trong phạm vi đề tài này, Thượng tọa đã đưa ra khái niệm, ý nghĩa, lợi ích của việc tu học đúng theo Chánh pháp. Nhờ đó, các Phật tử biết siêng năng tu học, giữ trọn niềm trung thành, một lòng xây dựng đạo Pháp, để đạo Pháp mãi trường tồn, đi cùng thời đại, hỗ trợ thời đại. Khi đủ phước đức, đủ trí tuệ, đủ bản lĩnh thì đạo Phật dẫn dắt thời đại đi cho đúng hướng luôn.

Theo Thượng tọa, chánh pháp có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là một “chân lý khách quan” của vũ trụ, không lệ thuộc tôn giáo nào cả, dù đạo nào cũng phải chấp nhận chân lý đó (ví dụ chân lý về lòng thương yêu, về luật nhân quả công bằng). Ai may mắn tìm được chân lý như vậy, người ấy có con đường sống an vui hạnh phúc.

Nghĩa thứ hai của chánh pháp là “đúng với lời Phật dạy”. Nếu sai lời Phật dạy, chúng ta lập tức ra ngoài chánh pháp, dù có thể vẫn mang hình thức của đạo Phật. Thật sự trải qua nhiều nghìn năm, qua trung gian các vị Tông sư, Tổ sư, lời Phật dạy đã không còn được giữ nguyên vẹn ý nghĩa như thuở ban đầu.

Cho đến thời đại hôm nay chúng ta đã bước vào thời mạt pháp, tức là các Bậc chứng đạo thì vô cùng hiếm hoi, mà lời dạy của Đức Phật bị hiểu sai, thực hành sai rất nhiều. Và hậu quả của việc không đi đúng chánh pháp thì thật là khôn lường. Dẫu vậy, vì tấm lòng sắt son thương kính Phật, với cả tim và máu của mình, chúng ta quyết tâm tìm lại thời chánh pháp của Phật, không để đạo Phật rơi vào thời mạt pháp. Nguyện ước đó chúng ta sẽ mang theo trong tim mình hết kiếp này đến kiếp khác.

Tuy nhiên, muốn làm được như thế chính ta phải tu đúng chánh pháp trước. Còn nếu ta tu sai với chánh pháp thì bản thân ta không lợi ích gì, càng tu càng thấy tâm mình loạn động, đạo đức suy kém, tâm linh không tiến bộ, công đức vơi cạn, hoàn cảnh may mắn mất dần, ta làm đâu thất bại đó, niềm tin của mọi người với ta cũng không còn. Quan trọng là tu sai chánh pháp khiến chúng ta không dựng lại được thời chánh pháp, hơn nữa còn đẩy Phật pháp vào chỗ suy tàn mau hơn.

Tiếp theo, Thượng tọa phân tích về sức mạnh kì diệu của chánh pháp, đó là giúp đạo Phật đi bên cạnh thế giới, thậm chí đi trước thế giới, dù cho thế giới có tiến bộ đến đâu. Ví dụ, nếu tu đúng chánh pháp, ta có các quan điểm văn minh của thời đại (như bảo vệ môi trường), ta sử dụng được những phương tiện kĩ thuật hiện đại, hoặc ta cũng có những thay đổi trong nghi thức tụng niệm mới phù hợp với tâm tình con người trong thời đại mới.

Đến đây, Thượng tọa nhấn mạnh: hiện nay các chùa đa phần đều sử dụng các lối tán tụng xuất hiện cách đây đã vài trăm năm. Ngày nay âm nhạc của nhân loại đã phát triển rất xa, ít ai còn cảm thụ được những cách tán tụng xưa cũ như thế. Vì vậy đúng chánh pháp nghĩa là phải “đặt tâm mình vào tâm chúng sinh” để có sự thay đổi kịp thời. Cụ thể, những bài kinh tụng ở chùa vẫn là những đạo lý cốt lõi Đức Phật đã chỉ dạy, nhưng được Việt hóa cho dễ hiểu, không còn những cổ ngữ bí hiểm xa xăm, hơn nữa còn có thêm âm nhạc hiện đại. Sự thay đổi như thế sẽ phù hợp với tâm tình chúng sinh, giúp chúng sinh tiếp cận với đạo lý dễ dàng hơn.

Tức là, cái lõi Phật dạy về Nhân quả, về lý tưởng giác ngộ, về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo là bất biến. Tuy nhiên hình thức, ngôn ngữ, văn phong, điệu tụng, cách truyền đạt phải thay đổi.

Dịp này, Thượng tọa chia sẻ: hơn 20 năm trước Người đã bắt đầu việt hóa nghi thức tụng niệm ở Bổn tự để mọi người hiểu được nghĩa lý trong kinh điển, tụng đến đâu hiểu đến đấy, tụng đến đâu phát khởi cảm xúc thiêng liêng với đạo đến đấy. Và cho đến ngày hôm nay, Thượng tọa đã bắt đầu Anh hóa nghi thức tụng niệm với ước mong giới thiệu Phật giáo Việt Nam cho thế giới. Đó cũng là một chút đóng góp trong việc cải cách nghi thức tụng niệm.

Thời đại đi đến đâu, chúng ta song hành được đến đó. Hơn nữa còn dẫn trước thời đại, định hướng thời đại. Đây mới là cái khó. Mà chỉ chánh pháp mới cho ta được bản lĩnh này.

Còn nếu tu sai chánh pháp thì chúng ta trở nên lạc hậu, không đủ sức đồng hành cùng thời đại. Tu sai chánh pháp cũng khiến năng lực, phước đức, đạo đức, tâm linh của ta đều kém đi. Đó là hậu quả rất đáng buồn.

Phần tiếp theo của bài giảng, Thượng tọa nêu ra một số ví dụ để dẫn chứng cho ý: thế nào là đi trước thời đại?

Cuối cùng, làm thế nào để biết mình đã đi đúng với chánh pháp hay chưa? Theo Thượng tọa, ta phải căn cứ vào các chánh kiến sau: có hiểu về luật nhân quả rất kĩ, có mục tiêu vô ngã, có lòng kính Phật, có lòng từ bi, có tác ý khiêm hạ, không chấp công, thích chia sẻ đạo lý, v.v.. Và những chánh kiến này được đưa ngay vào trong thời khóa tụng niệm hàng ngày, để chánh kiến dần trở thành viên kim cương rực sáng bất hoại trong lòng mọi người đọc tụng.

Có thể nói, vì cách Phật đã xa nên càng ngày đạo Phật càng đi lệch ra khỏi những chân lý ban đầu mà Đức Phật đã chỉ dạy. Chúng ta không khỏi đau lòng khi chứng kiến biết bao người vì không có chánh pháp mà cuộc đời thê lương đau khổ, vì tu sai với chánh pháp mà sự tu hành bị gián đoạn, gãy đổ. Ước nguyện dựng lại thời chánh pháp – đó là ước nguyện chân chính – là điều mà những Bậc tôn túc chân tu cũng như Thượng tọa luôn đau đáu trăn trở.

Vì thế, một điều rất dễ hiểu, tại sao Thượng tọa lại chia sẻ cái hoài bão với những lời sắc son, đanh thép tỏ rõ cho mọi người thấy được khát vọng và quyết tâm bảo vệ Phật pháp, rằng: “Ngày hôm nay, chúng ta quỳ trước Phật, chúng ta biết rằng dù cách Phật đã xa, Chánh Pháp phai mờ, sự ngưỡng mộ về Đạo Phật cũng phai nhạt dần, nhưng Thầy trò chúng ta thề dựng lại Chánh Pháp của Đức Phật, hiểu đúng lời dạy của Đức Phật và làm Phật Pháp vĩnh viễn trường tồn trên thế gian này.”

Xin cầu nguyện cho một ngày bóng tối sẽ lui dần, chánh pháp thắp huy hoàng, phủ bóng nơi nơi trên khắp cõi đất này.

Đích thực, đây là một bài Pháp thoại hết sức ý nghĩa. Bằng việc đưa ra những đạo lí, Người đã khéo léo đề cập đến vai trò, trách nhiệm của người Phật tử trong quá trình hoằng dương đạo Pháp. Đúng là đạo Pháp mang đến cho con người nhiều lợi ích cả về tâm linh và cuộc sống. Nhưng nếu không có sự chung sức, chung lòng trong việc xây dựng, bảo vệ Phật pháp của những Tăng Ni, Phật tử thì đạo Pháp khó có thể tồn tại lâu dài được.

Bên cạnh đó, bài Pháp cũng thể hiện trí tuệ vượt bậc, đi trước thời đại của Thượng tọa Thích Chân Quang. Rất nhiều lời tiên tri của Người về khoa học, xã hội, con người đang dần linh ứng, chính xác đến kì lạ, giống như Người có thể nhìn trước được tương lai vậy. Điều này càng thể hiện rõ trong việc thay đổi nghi thức tụng hóa cả về hình thức và ngôn ngữ thể hiện. Trong khi nhiều chùa vẫn đang mắc kẹt trong nghi thức cổ ngữ, sử dụng tiếng Việt để tụng niệm thì Người lại tiên phong trong phong trào Anh hóa, nhằm giới thiệu Phật giáo Việt Nam ra ngoài thế giới.

Thật khó có thể hiểu hết những khó khăn mà Người gặp phải, những sự chống phá mà Người phải đối mặt. Nhưng ta có thể thấy một điều, sự can trường, nỗ lực không biết mệt mỏi của Thượng tọa đã và đang tạo cảm hứng cho rất nhiều người khác. Khi những trăn trở của những Người con Phật chân chính được cộng đồng thấu hiểu, hưởng ứng, chắc chắn mong muốn để Phật Pháp dẫn dắt thời đại cho đúng hướng sẽ thành hiện thực./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất