Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangCác hoạt động Phật sự khácCông viên văn hóa tâm linh Phúc An Viên tổ chức trai...

Công viên văn hóa tâm linh Phúc An Viên tổ chức trai đàn chẩn tế cầu siêu cho các hương linh

-

Nhân đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL.2561 – DL.2017 cùng lễ Cầu siêu cho các hương linh được an táng và lưu tro cốt tại đây, chiều ngày 09/09/2017 (nhằm ngày 19/07/năm Đinh Dậu), nhận lời mời của ông Nguyễn Minh Tâm – Tổng giám đốc Công ty Điền Phúc Thành, TT Thích Chân Quang đã quang lâm Pháp tòa thuyết giảng đề tài CÕI SỐNG – CÕI CHẾT, với sự tham dự trên 9000 người, bao gồm phật tử từ các nơi câu hội về, những nhà trí thức là Giáo sư, Tiến sĩ, các đối tác thân thiết của Công ty Điền Phúc Thành, các vị mạnh thường quân là các Doanh nhân Doanh nghiệp, quần chúng nhân dân tại địa phương và thân nhân của những vị quá cố.

Tham dự buổi thuyết Pháp có : TT Thích Thông Nguyên; cùng Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang; Chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện.

Về phía chính quyền có: ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM; ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch UBND quận 9, Tp.HCM.

Về phía Ban lãnh đạo Công viên văn hóa tâm linh Phúc An Viên có: ông Nguyễn Minh Tâm – Tổng giám đốc Công ty Điền Phúc Thành, ông Nguyễn Minh Thông – Phó giám đốc Công ty Điền Phúc Thành, cùng Ban Giám Đốc và toàn thể công nhân viên Phúc An Viên.

Từ lâu, đại lễ Vu lan Báo hiếu đã trở thành ngày hội truyền thống của dân tộc. Cũng như các Chùa, đến với đại lễ Vu Lan tại Phúc An Viên (đường 35, khu phố Long Hòa, P.Long Thạnh Mỹ, Q9, Tp.HCM) lần này, chúng ta sẽ có cơ hội để hiểu thêm về đạo lý của Phật dạy, hiểu thêm về quan điểm của việc đầu thai, hiểu thêm ý nghĩa Lu lan, và hiểu hơn nữa việc siêu độ cho thân nhân của mình ở trong cõi âm ra sao.

Nói về CÕI SỐNG – CÕI CHẾT, Thượng tọa cho biết, vũ trụ này ẩn chứa rất nhiều bí ẩn mà khoa học chưa bao giờ khám phá được hết. Nhưng có một sự kiện từ nghìn xưa ai cũng biết, đó là sự tồn tại của các vong linh (ta hay gọi là “ma”). Nhiều người phủ nhận các vong linh, chỉ bởi vì khoa học chưa chứng minh được, tuy nhiên chưa chứng minh được không có nghĩa là không có.

Thế giới đã ghi nhận quá nhiều trường hợp về sự tồn tại của người cõi âm. Và thế giới của người cõi âm và thế giới của chúng ta tuy tách biệt nhưng cực kì gắn bó, có ảnh hưởng qua lại với nhau. Ví dụ khi người thân ta mất đi, họ trông thấy ta nhưng ta không thấy họ. Ta khóc lóc trước cái xác lạnh lẽo vô hồn, còn người kia đứng bên cạnh lay gọi thì ta lại không hay. Cả hai đều cực kì đau khổ. Âm dương tách biệt là vậy.

Tuy nhiên, người cõi âm cũng thường tìm cách chứng tỏ sự hiện diện của mình, hoặc để gửi thông điệp gì đó cho người sống. Có những người đã tác động vào vật chất, làm đồ vật tự nhiên di chuyển, hoặc gây ra tiếng động lạ… Ta không thấy, không biết nên sợ, mà họ càng muốn chứng tỏ sự hiện diện chừng nào thì ta càng sợ hãi chừng nấy. Và hai bên càng xa cách nhau trong cái tâm tình, ta càng sợ, họ càng đau khổ. Thế giới này sự đau khổ là như vậy.

Thật sự những vong linh cũng từng là con người, và cần được yêu thương giống như người sống vậy. Đừng tưởng họ là một giống loài gì khác lạ, ghê rợn. Hãy yêu thương họ bằng hai cách: thứ nhất là cúng cơm cho họ ăn, thứ hai là tụng kinh cầu siêu để họ nương nhờ thần lực của chư Phật mà sớm được siêu thoát. Tuyệt đối không xa lánh, ghét bỏ hay trấn ếm, vì sẽ càng làm cho mọi chuyện phức tạp thêm.

Ta thương họ, và nâng tâm hồn họ lên bằng lời kinh tiếng kệ của Phật dạy để chuyển tâm họ dần dần. Lời kinh của ta phải làm sao gửi vào tâm họ đạo lý:

– Thứ nhất là lòng tôn kính Phật. Khi họ khởi được chút tâm tôn kính Phật thì bỗng nhiên nghiệp họ giảm, phước tăng lên.

– Thứ hai là lòng thương yêu chúng sinh. Họ cũng không đủ đạo đức để khởi lên lòng thương yêu chúng sinh không bờ bến vì đó là cái tâm phi thường, nhưng mỗi ngày ta cứ tụng, thế là tâm họ bắt đầu có chuyển biến, bắt đầu có ý niệm thương yêu con người chút chút. Đến khi tâm họ đủ tốt rồi, một ngày nào đó sẽ có một Sa môn ở cõi giới khác hiện đến thuyết phục họ và đưa họ về chùa tu tập.

– Thứ ba là niềm tin với luật nhân quả.

thượng tọa Thích Chân Quang
thượng tọa Thích Chân Quang

Rồi còn bao nhiêu điều khác như: đừng giận hờn, đừng ích kỷ, hãy sống vị tha… những câu kinh tiếng kệ cứ nói về đạo đức mãi, thấm dần thấm dần trong tâm họ, sẽ giúp họ được siêu thoát, có người vài tháng, có người một năm sau.

Dịp này, Thượng tọa phân tích cho thấy cõi sống của chúng ta thì gắn liền, lệ thuộc nhiều vào thế giới vật chất. Ví dụ ta không thể sống mà không có cơm ăn, nước uống, ta cũng cần manh áo, chiếc bàn, đường xá, phương tiện… Dĩ nhiên ta cũng có tư duy, kiến thức, trí tuệ, nhưng bản chất chính của chúng ta thực sự gắn liền với vật chất.

Còn người âm thì gắn với tinh thần. Chẳng hạn trong ba năm, dù không ăn chút gì họ cũng vẫn tồn tại chứ không chết vì đói như con người ở cõi này. Tuy nhiên cảm giác đói cứ dày vò, làm họ khổ sở vô cùng. (Thực sự qua cõi chết rồi cái nghiệp của mỗi người vẫn kéo dài. Như người cụt tay cụt chân khi chết rồi vẫn là một linh hồn không có tay, chân, người có cái nghiệp đói rồi qua cõi kia vẫn là một linh hồn đói thê thảm).

Và trong cõi âm, cái tinh thần ảnh hưởng đến cái phước của họ rất nhiều, hơn hẳn người sống chúng ta. Ví dụ người sống phải vất vả giúp người giúp đời thì mới có phước, còn người cõi âm không có nhiều vật chất để chia sẻ như ta, nhưng cái phước của họ chính là suy nghĩ của họ. Tức là nếu họ cứ tác ý những điều tốt: kính Phật, thương yêu chúng sinh, không sân hận… cứ như vậy, họ được chuyển nghiệp rất nhanh, rồi sẽ có người đến dắt họ về một nơi tốt đẹp hơn để tu tập.

Người cõi âm mà biết tu tập rồi thì khi trở lại cõi này, họ thường là những con người đặc biệt. Nên trên thế giới có những con người phi thường, ta thắc mắc họ đến từ đâu mà có uy lực đặc biệt như thế, thật sự có khi họ đã gieo cái nhân tu tập trong cõi âm chứ không phải trong cõi sống này.

Người cõi âm thường tác động đến tinh thần của người sống, rồi mới đến vật chất. Ví dụ họ tác động vào suy nghĩ, làm cho người sống gây gổ nhau, gia đình xào xáo, hoặc họ tác động vào tâm trí khiến một người đi lạc bỗng tìm được lối về… Chúng ta tưởng ý nghĩ đó là của mình, nhưng thật sự nhiều khi đã được người cõi âm tác động vào.

Và có những trường hợp họ nhập luôn hẳn vào xác của người sống. Hãy nhớ rằng người âm rất thèm khát cuộc sống vật chất này, hay thèm khát thể xác vật chất đây, vì vậy nếu ai có duyên, có chút nợ với họ thì họ thường tìm cách nhập vào xác để giao tiếp với người cõi sống, đôi khi chiếm luôn cái xác đó. Ta nhìn vẫn tưởng là cha, mẹ, là người thân mình, nhưng có khi đó chỉ là cái xác, còn bên trong cái xác đó là một linh hồn, một vong linh khác rồi.

Lại nữa, trong khi các tôn giáo nói về cõi âm hay cõi trời rất đơn giản thì Phật giáo chia ra làm vài chục cõi khác nhau. Địa ngục cũng có nhiều tầng lớp và cõi trời cũng vậy, cũng có nhiều tầng trời khác nhau. Có cõi trời hiện ra mọi điều sung sướng giống trần gian này, có cõi trời là cõi Thánh với những vị Bồ tát thuyết pháp, có tu tập… Tùy theo nghiệp duyên mà mỗi người sẽ có một cõi để đi về.

Để hiểu về những bí ẩn cuộc đời, Thượng tọa đã phân tích diễn giải vấn đề đầu thai – đây là vấn đề cực kì phức tạp.

Không phải ai chết đi rồi cũng được đầu thai ngay. Có khi ta phải vất vưởng ở một cõi trung gian, gọi là cõi âm, đợi đến khi đủ điều kiện tái sinh rồi mới đầu thai được. Vì sao phải đợi? Vì lúc sống ta đã làm việc gì, đã cống hiến, hưởng thụ ra sao – tất cả đều vẽ nên đời sống kiếp sau, chẳng hạn: kiếp sau ta phải có cha mẹ như thế, có bao nhiêu người anh em, phải giàu sang, hay nghèo hèn như thế, phải làm đến chức vụ nào… Khi những cái duyên này chưa hội tụ đầy đủ thì ta phải đợi. Đến khi nào khung cảnh đúng như nhân quả của mình thành hình thì mới đầu thai được.

Có những trường hợp mà khi não vừa chết, sự sống cũ vừa chấm dứt thì đời sống mới xuất hiện ở phôi thai mới ngay lập tức (khi tinh cha lọt vào noãn mẹ).

Cũng có trường hợp đặc biệt, dù cái thai đã thành hình, vẫn phát triển theo sinh lý bình thường nhưng thật sự chưa có ai nhập vào đó cả. Đợi đến vài tháng sau mới chính thức có một linh hồn nhập vào. Đây là điều rất lạ. Ví dụ có một người phật tử có cái phước sinh ra làm người giàu ở kiếp sau, có cha mẹ như thế, đúng giờ đó ông sẽ tắt thở và tinh cha noãn mẹ gặp nhau, một phôi thai sẽ thành hình cho ông bắt đầu đời sống mới… Nhưng sự tình thay đổi bất ngờ, bỗng một người đến gặp ông xin ông sống thêm một thời gian nữa để hoàn thành việc phước thiện đang dang dở (mà không có ông thì không ai đủ tín tâm làm). Thế là ông sống thêm ít lâu nữa (người có đức lớn, có phước lớn họ không muốn chết thì tử thần không được đem đi). Sau vài tháng khi công việc kia vừa hoàn thành thì ở đây ông lập tức tắt thở, nhập vào cái thai trong bụng mẹ ở bên kia.

Nên có trường hợp thai đã thành hình, vẫn phát triển bình thường nhưng chưa có ai nhập vào, phải đợi vài tháng sau mới có người nhập vào vì một số nhân duyên lạ lùng đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, ta thấy rằng người có đạo đức, có uy đức thật sự có thể thay đổi số phận của mình.

Như ngày xưa khi ngài A Nan khóc xin Phật đừng nhập Niết Bàn, Phật đã nói: “Này A Nan, nếu muốn Như Lai có thể sống thêm một kiếp nữa”. Một kiếp mà Phật nói có nghĩa là thời gian từ khi trái đất được thành hình cho đến khi tận thế (trái đất này đã đi qua nhiều lần tận thế, mà mỗi chu kì sinh ra rồi hoại diệt đó đạo Phật gọi là ‘một kiếp’). Tuy nhiên Phật không trụ thế thêm nữa, vì đạo lý Phật dạy cho con người trong thời đại đó đã vừa, nếu dạy thêm nữa người ta không hiểu, mà lặp lại thì gây ra sự nhàm chán. Thế nên, đúng ba tháng sau Phật đã nhập Niết Bàn.

Kiếp sống con người tuy lệ thuộc vào nhân quả rất nhiều, nhưng nhân quả không cố định cứng nhắc mà rất linh hoạt uyển chuyển. Trong đó, người có tội là người không được quyền chọn lựa, muốn ăn món nào, muốn ở nhà nào, làm công việc gì theo ý mình cũng không được, vì không có tiền, không có quyền v.v…

thượng tọa Thích Chân Quang
thượng tọa Thích Chân Quang

Còn người phước nhiều chừng nào thì được chọn lựa nhiều chừng nấy. Họ được chọn lựa trong cõi sống này, chẳng hạn muốn ở nhà tranh vách đất hay ở nhà lầu năm tầng đều được. Họ cũng được chọn lựa cả trong các cõi giới cao hơn, ví dụ như thời Đức Phật, ông Cấp Cô Độc có phước đến nỗi khi ông sắp lâm chung, những Thiên tử ở các cõi trời khác nhau đã đến mời ông về cõi trời của các vị, và ông được chọn sẽ về cõi nào. Cho nên nếu lúc sống ta có công đức, có cống hiến rất nhiều thì cái ý ta muốn thế nào trời đất sẽ xoay chuyển theo thế. Đó là nhân quả.

Nhưng rồi người cõi nào cũng phải tu hành và làm phước, vì một giây phút nào ta quên tu hành, quên làm phước thì dòng đời, phương trình cuộc sống của ta thay đổi theo chiều hướng đi xuống ngay. Cho nên lúc nào ta cũng gắng tu, gắng làm phước, hai điều này không bao giờ quên.

Tóm lại, nhân đại lễ trai đàn chẩn tế cầu siêu, nhân dịp Vu lan, Thượng tọa đã gợi mở cho mọi người nhiều ý nghĩa cuộc sống:

Thứ nhất là ai cũng phải chết, nên từ bây giờ ta hãy chuẩn bị, đừng khờ dại sống không biết ngày mai, sống vô minh, ngu si, bởi như vậy những đau khổ chờ đợi ta ở cõi chết mới thật đáng sợ.

Ý nghĩa thứ hai là người thân ta có thể đã mất, nhưng ân nghĩa thì ta không được quyền quên lãng. Dù ai chỉ một lần đi qua cuộc đời mình nhưng để lại ân nghĩa, ta cũng không bao giờ được quên, đó là đạo đức. Ngoài ra, có những người không phải thân nhân của ta nhưng ân nghĩa cũng rất lớn, đó là những anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu vì quê hương này. Nên trong ngày Vu lan mọi người hãy dành thời gian viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nén hương, dâng một mâm cơm và tụng kinh cầu siêu cho các anh.

Ý nghĩa thứ ba mà Vu lan nhắc ta là cuộc đời này vốn dĩ vô thường, ai cũng phải chết, rồi cứ tái sinh luân hồi mãi, như vậy không có hạnh phúc. Cho nên, sự vô thường càng làm ta nhớ đến mục tiêu giác ngộ. Vì vậy, ta sống với cái tâm lặng lẽ hi sinh buông xả cống hiến phụng sự, nhưng thầm hướng đến mục tiêu cuối cùng là thành tựu sự giải thoát viên mãn mà thôi.

Được biết, nghĩa trang Phúc An Viên đi vào hoạt động đến nay đã được hơn 4 năm, với đội ngũ Cán bộ nhân viên nhiệt tình, chu đáo đã luôn mang đến cho khách hàng sự hài lòng, và hơn hết là tạo cho họ được sự an tâm, tin tưởng khi chọn đây là nơi an nghỉ cho người thân của mình.

Đáp lại, nhằm tri ân tới khách hàng có thân nhân đang lưu giữ tro cốt hay an táng tại đây, Ban giám đốc Công viên Văn hóa Tâm linh Phúc An Viên hàng tháng đều có tổ chức lễ cầu siêu cho các hương linh. Riêng trong mùa Vu lan Báo hiếu thì tổ chức lễ Cầu an – Cầu siêu lớn nhất, có thỉnh Ban Kinh Sư thiết lễ Trai đàn Kỳ siêu rất trang nghiêm, đồng thời cung thỉnh Chư tăng thuyết Pháp và thiết đãi tiệc chay.

Không chỉ vậy, nhân dịp lễ Vu lan, theo tinh thần từ bi Phật dạy, BTC còn trao tặng 600 suất quà cho các hộ nghèo tại địa phương. Mà ở đây, các hoạt động như như lễ cầu an, cầu siêu, thuyết Pháp, tiệc chay, chương trình từ thiện đều diễn ra trong sự trang nghiêm, trật tự, không có hiện tượng ồn ào, nói chuyện riêng khi nghe Pháp, hay chen lấn, xô đẩy, tranh giành khi nhận quà từ thiện, mà đồng bào nghèo được trao quà mời đến một cách trang trọng. Điều này cho thấy Lễ hội tại Phúc An Viên thực sự là nét văn hóa văn minh hiện đại mà không xa rời truyền thống.

Chính vì Lễ hội tại đây có văn hóa nên tự nhiên người về dự có phẩm giá. Cái phẩm giá thể hiện ở chổ ta được mời ăn mời uống đàng hoàng và những người nghèo nhận quà của BTC thì được mời đến một cách trang trọng, chứ không giống như cúng cô hồn (theo nghĩa đen). Điều đó cho thấy nơi đây đúng thật là địa chỉ văn hóa tâm linh của người sống và cả người mất. Đó là lý do chúng ta thấy niềm hoan hỷ vỡ òa trên từng gương mặt khi đại lễ Vu lan và nghi thức cầu an cầu siêu tại đây đã thành công viên mãn. Đồng thời, khu đất nghĩa trang này ngày càng thu hút nhiều khách hàng tìm mua mộ phần cho người thân, vì nó vừa đáp ứng nhu cầu tất yếu của thị trường và vừa có tính văn hóa tâm linh cao.

Hiện nay, khu nghĩa trang văn hóa tâm linh Phúc An Viên đang là địa điểm được nhiều khách tìm mua nhất. Đây là nghĩa trang mới, với diện tích lớn, được thiết kế theo kiểu công viên nghĩa trang, thoáng mát, sạch sẽ, phục vụ chu đáo, nên thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng, đặc biệt là những khách “VIP”, sẵn sàng bỏ hàng chục tỷ đồng để mua đất xây dựng lăng mộ cho họ tộc./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh buổi lễ trai đàn chẩn tế cầu siêu tại công viên Phúc An Viên:

Phúc An Viên
Phúc An Viên
Phúc An Viên
Phúc An Viên
Phúc An Viên
Phúc An Viên
Phúc An Viên
Phúc An Viên
Phúc An Viên
Phúc An Viên

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất