Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangCác hoạt động Phật sự khácVĩnh Long: Lễ Vu Lan báo hiếu và an vị 18 tôn...

Vĩnh Long: Lễ Vu Lan báo hiếu và an vị 18 tôn tượng La Hán tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi

-

Vừa qua, sáng ngày 01/09/2017 (nhằm ngày 11/07/năm Đinh Dậu), hòa trong không khí bồi hồi, lắng đọng của mùa Vu lan trên khắp cả nước, chùa Phật Ngọc Xá Lợi (287A ấp Vĩnh Hòa, Tân Ngãi, Tp. Vĩnh Long), đã long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu và an vị 18 tượng La Hán.

Buổi lễ có sự tham dự và chứng minh của: HT Thích Như Tước, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; HT. Thích Thiện Thanh và HT. Thích Phước Tú – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; HT Thich Viên Giác, UV BHP T.Ư GHPGVN ; TT Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN; TT. Thích Phước Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; cùng toàn thể Chư tôn đức Tăng Ni là Trưởng/phó các Ban, Viện trong BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; Chư tôn đức trong tông môn chùa Phật Ngọc Xá Lợi; Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang. Ngoài ra còn có sự tham dự của 1600 người, bao gồm phật tử tại Bổn tự, phật tử các tỉnh thành, quý Công ty, Doanh nghiệp, Doanh nhân tại TP HCM.

Nội dung chương trình đại Lễ, bao gồm các nghi thức Phật giáo như: thuyết Pháp, lễ khánh tuế và tri ân thầy tổ nhân mùa Vu Lan, nghi thức cúng dường trai tăng, cúng dường dâng Y Casa, v.v… Tất cả diễn ra một cách trang nghiêm thành kính, đã mang lại nhiều cảm xúc trong dòng chảy tâm linh, hướng lòng tri ân và báo ân đối với các bậc Thầy tổ, cha mẹ hiện tiền, phụ mẫu quá vãng, cùng các bậc tiền bối hữu công, anh linh chiến sĩ đã vị quốc vong thân, đồng bào phật tử đã gian khổ cống hiến trọn đời cho dân tộc và đạo pháp.

Mở đầu chương trình, nhằm tạo sinh khí cho buổi Lễ và tạo duyên lành cho phật tử đến chùa được am hiểu giáo lý, có thể đứng vững trên con đường Phật đạo, đầu tiên HT. Thích Viên Giác đã tản mạn về đạo lý tứ trọng ân với các phật tử, trong đó nhấn mạnh tinh thần hiếu đạo trong Phật giáo.

Theo Hòa thượng, “Vu lan” không chỉ là ngày lễ lớn của Phật giáo, mà còn trở thành Lễ hội của dân tộc, bởi nó tích hợp nhiều ý nghĩa trọng đại, nhất là về lòng biết ơn.

Trong xã hội thật giả khó lường này người tốt người xấu lẫn lộn, ta khó đánh giá được lòng dạ con người. Mà nơi chính chúng ta cũng vậy, có những lúc ta đã không sống thật, đã khéo che đậy bản chất thật bên trong của mình. Vậy ta dựa vào đâu để đánh giá? Có nhiều tiêu chí, trong đó có lòng biết ơn.

Đức Phật đã dạy rằng người thật là người có cái hạnh biết ơn và báo ơn, còn người giả là người vô ơn; người thiện là người biết ơn, người ác là người không biết ơn. Như vậy ta hãy lấy cái đức tính biết ơn hay không để nhận biết người tốt người xấu. Như vậy, những nền giáo dục, nền văn hóa nào đưa đến sự biết ơn, báo ơn cho con người, đó là nền giáo dục rất tốt.

Theo Phật giáo, trong cuộc đời con người luôn mang nặng “tứ trọng ân”, tức là bốn công ơn sâu nặng trong đời mình:
+ Thứ nhất là ơn cha mẹ
+ Thứ hai là ơn thầy tổ
+ Thứ ba là ơn quốc gia
+ Thứ tư là ơn Tam Bảo

Mà nếu không có ơn thứ tư này thì dù được ba cái ân kia, con người vẫn chỉ luẩn quẩn loay hoay trong tham sân si, trong khổ vui tầm thường của cuộc đời. Nếu không biết ơn bốn ân nghĩa này thì chúng ta chưa có giá trị của một con người. Nên ý nghĩa của mùa Vu lan Báo hiếu tích hợp rất nhiều như vậy.

Đầu tiên là lòng biết ơn cha mẹ. Con người cần có một nền giáo dục, một nền văn hóa về hiếu đạo, mà đạo lý này thì đã có sẵn trong chùa. Theo Phật giáo, tâm hiếu là một đức hạnh căn bản đầu tiên của con người. Một người con có hiếu với cha mẹ mới là người đệ tử có lòng đối với Đức Phật. Còn nếu chưa có cái tâm hiếu này thì chưa là người phật tử đúng nghĩa được. Trên đời, chỉ có mái chùa là nơi con người được dạy dỗ về hiếu đạo một cách đậm đà sâu sắc. Đó là giá trị văn hóa cao đẹp mà Phật giáo đã cống hiến cho dân tộc ta.

Vì vậy, nếu ta chỉ đi chùa một mình, nghĩ rằng để con cái tự lựa chọn, đó là một sai lầm lớn. Ta phải hướng con mình về con đường tươi sáng, về mái chùa có đạo lý, còn thế gian ngoài kia là đầy rẫy những điều sai lầm, tội lỗi. Thả cho con cái muốn làm gì thì làm, bản ngã chúng sẽ tăng trưởng, chúng đi vào con đường tối và chính cha mẹ sẽ là người khổ nhất.

Để tiếp lời HT. Thích Viên Giác, nhằm giúp cho các phật tử hiểu thấu đáo vì sao ta có ngày Vu lan tự tứ, TT Thích Chân Quang đã nêu ra một quan điểm rằng: Vào ngày này, nhờ uy đức, đạo lực của cộng đồng chư Tăng mà ta nhờ các vị chú nguyện cho người thân, tức là cha mẹ ông bà, cửu huyền thất tổ ở cõi âm được siêu thoát. Như vậy trách nhiệm báo ân, báo hiếu, xá tội vong nhân đặt hết lên vai của chư Tăng.

Nếu chư Tăng không có tu hành trong ba tháng thì lời cầu nguyện là vô nghĩa, không có tác dụng gì cả. Chính vì phật tử tin rằng chư Tăng có đạo lực thật sự nên mới tìm đến chùa vào ngày lễ Vu Lan, từ đó ta có lễ hội Vu Lan diễn ra khắp nơi. Vào tháng 7 âm lịch này, kể cả những người, những công ty, cơ quan không theo đạo Phật họ cũng đều cúng cho người cõi âm cả. Cho nên, tháng 7 trở thành tháng xã hội hóa. Mà suy cho cùng đó là nhờ chư Tăng tu hành nghiêm túc trong 3 tháng.

Vậy trong ba tháng chư Tăng làm gì để đạo lực tăng tiến khiến trời đất kiêng dè, quỷ thần kinh sợ, các vong linh được siêu thoát?

HT Thích Viên Giác cho rằng: Thật ra người xuất gia thì phải nỗ lực tu hành không ngưng nghỉ cả đời mình, chứ không phải chỉ trong ba tháng an cư. Tuy nhiên ba tháng này đặc biệt hơn vì đó là khoảng thời gian chư Tăng tụ họp lại gần nhau, tạo nên cái động lực, sự tinh tấn hơn hẳn khi tu một mình.

Và thiền định là công phu tu tập quan trọng trong ba tháng an cư. Vì sao vậy? Con đường tu tập Phật vạch ra đều nằm trong ba điều: Giới – Định – Tuệ. Một khi có 3 điều này thì có giải thoát. Mà làm sao để có Tuệ? Phải có thiền, không có thiền thì không có trí tuệ.

Một tâm hồn loạn động, ô nhiễm, rối ren phức tạp, đầy tham sân si thì làm sao có trí tuệ.

Như thế, để đi đến sự tĩnh lặng, tăng trưởng trí tuệ thì chỉ có con đường thiền định mà thôi.

Tâm ta nhiều loạn tưởng, phiền não, ô nhiễm, ví dụ: một mái tóc tổ quạ, một đôi mắt chớp chớp qua cái tâm tưởng loạn động đó có thể trở thành lung linh, đều là cám dỗ cả. Thiền định sẽ bảo vệ tâm hồn ta khỏi ô nhiễm loạn động. Thiền định là con đường ngăn ngừa diệt trừ mọi vọng tưởng. Từ đó, đạo lực ta tăng trưởng dần, ta đi dần đến giải thoát. Do vậy, đời sống chư Tăng bền vững, giáo hội ổn định lâu dài và ánh sáng Phật pháp mới trường tồn.

Dịp này, để các phật tử có niềm tin vào Tam bảo và tạo cho họ một tâm linh an ổn, Hòa thượng đã phân tích kỹ hơn cho các phật tử hiểu trong ba tháng an cư, chư Tăng làm gì để có được Giới – Định – Tuệ.

Nhân đây, nhằm giúp mọi người có sự quan tâm đúng mức về tâm linh, TT Thích Chân Quang đã nói về sự hình thành, và vai trò của pháp môn Tịnh độ. Theo Người, ngày nay các chùa tu theo Tịnh độ tông rất nhiều. Nhưng vào thuở ban đầu khi Phật giáo hóa, Ngài không bao giờ nói mọi người hãy gọi tên một Đức Phật nào đó để được cứu thoát. Chỉ Bát Chánh Đạo là con đường lâu xa, khó khăn nhưng sẽ đưa con người đến giải thoát mà thôi.

Vào thời Đức Phật người ta chứng đạo rất nhiều, tuy nhiên sau khi Phật nhập Niết Bàn rồi thì số người chứng đạo thưa thớt, hiếm hoi dần. Lúc đó, sau mấy trăm năm bị yếu thế, ngoại đạo đã trỗi dậy mạnh mẽ để cạnh tranh ảnh hưởng với đạo Phật. Họ củng cố lý luận, nói rằng tu theo đạo Phật không thấy ai đắc đạo, còn tu theo chúng tôi thì được lên cõi trời sung sướng hạnh phúc hơn, mà lúc sống cũng không cần tu gì nhiều. Tức là lời hứa hẹn về một cõi thiên đường sau khi chết. Nó đánh đúng vào tâm lý tham của con người, vì vậy khi ấy quần chúng đổ xô theo ngoại đạo.

Trước tình hình này, có vị Tổ đã đưa kinh Di Đà và sau đó là kinh Vô Lượng Thọ vào trong Phật giáo, nội dung cũng hứa hẹn về một cõi Tịnh độ sau khi chết, cõi này được diễn tả còn vi diệu hơn cõi trời. Và đạo Phật bắt đầu lấy lại ảnh hưởng của mình trong quần chúng.

Nhiệm vụ của Tịnh độ lúc đó là giữ tín đồ cho đạo Phật, chứ chưa hướng dẫn người ta tu tập Bát Chánh Đạo. Chỉ cần giữ tín đồ, vì còn là đệ tử Phật thì còn cái duyên tu hành giác ngộ giải thoát, còn nếu không may trôi lạc ra ngoại đạo rồi thì trôi lăn luôn.

Và Tịnh độ tông đã thành công với nhiệm vụ giữ tín đồ lại cho đạo Phật trong suốt một nghìn năm qua. Những người không biết nhiều chữ nghĩa, chỉ niệm danh hiệu Phật A Di Đà cũng thấy lòng họ được thanh tịnh.

Nhưng rồi khi đi sâu vào đạo, ta buộc phải tu thiền để nhiếp tâm trong thanh tịnh, đó mới là công phu tu tập thật sự, không còn con đường khác. Vì vậy ta thấy các bậc Hòa thượng, những bậc tôn túc của ta mặc dù ở chùa Tịnh độ tông nhưng đều là Thiền sư cả, cuộc sống của các vị đầy thiền vị. Cánh cửa mở ra cho quần chúng là cánh cửa Tịnh độ, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn các vị đều là Thiền sư.

Do vậy trong chùa, Thiền và Tịnh không có biên giới. Thiền là Tịnh độ, Tịnh độ là Thiền. Bản chất của Tịnh độ chính là Thiền. Niệm Phật vãng sanh có nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là đối phó với ngoại đạo để lấy lại tín đồ, còn nghĩa bóng đều là thiền cả. “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”, chứ không phải ngộ vãng sanh. Ngộ vô sanh nghĩa là giác ngộ tâm linh, nên bản chất giấu sâu trong Tịnh độ chính là Thiền.

Nếu niệm Phật mà có Thiền thì còn là đạo Phật, còn nếu chỉ niệm Phật mà không còn biết gì khác, thì đó là “ngoại đạo chánh tông”. Ví dụ chư Tổ có dạy niệm Nam Mô A Di Đà Phật, sau này có người đổi thành Nam Mô A Mi Đà Phật, rồi dần dần bỏ từ “nam mô”, chỉ còn để lại chữ A Di Đà, trong khi “nam mô” có nghĩa là kính lễ. Rồi họ bỏ luôn Phật Thích Ca (Phật bảo), khuyến khích không học giáo điển, không cần giáo lý, không cần biết nhân quả (Tăng bảo), không cần đến chùa gặp Tăng Ni (Tăng bảo). Có những hội niệm Phật họ bỏ luôn Phật Pháp Tăng như vậy. Ta nghe họ có chữ “Phật” nhưng thật ra là ngoại đạo đang diệt dần dần Tam Bảo, tức diệt đạo Phật.

Nên niệm Phật cực đoan không phải là đạo Phật mà là ngoại đạo trá hình để diệt đạo Phật, diệt trừ Tam Bảo.

Còn niệm Phật thật sự đều ẩn chứa trong đó Thiền định cả. Mà chính nhờ công phu Thiền định ta mới có giá trị tâm linh của đạo Phật, để sau ba tháng an cư ta nương nhờ uy đức chư Tăng mà cầu siêu cho cửu huyền thất tổ của mình. Cái tâm thanh tịnh trong Thiền định tạo thành giá trị tâm linh, mà đó chính là chìa khóa của sức mạnh trong đạo Phật. Ngày nay, thiền định Phật giáo đang từng ngày, từng giờ được mọi người, mọi dân tộc trên thế giới ứng dụng. Sau này một đất nước hay xã hội con người có phát triển hay không thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng trong đó Thiền có thể nói là một yếu tố cực kỳ cốt lõi, đặc biệt đối với lớp trẻ.

Kế đến, nói về “Tứ ân” trong Phật pháp, Thượng tọa nhấn mạnh đến ân quốc gia. Hiện tại mọi người ngồi dự lễ Vu lan trong ngôi chùa đầm ấm, trong một đất nước yên bình, nhưng nếu nhìn rộng ra sang Trung Đông một chút, ta sẽ thấy các nước Hồi giáo đang đánh nhau, Châu Âu thì đang bị khủng bố liên miên, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc đang căng thẳng không biết chiến tranh nổ ra lúc nào, Phillipine khốn đốn vì Hồi giáo cực đoan ở phía Nam, nước Mỹ cũng điêu đứng vì cơn bão…. Riêng ở Việt Nam ta bình yên.

Ta bình yên đón Vu lan, bình yên tu tập, bình yên đi về, bình yên tưởng nhớ ông bà cha mẹ… Là nhờ đâu? Nhờ quốc chủ anh minh, nhờ lãnh đạo quốc gia. Đất nước ta tiến lên từ từ là nhờ ơn của quốc chủ, ơn của người lãnh đạo quốc gia, mà đó là điều ta không nhìn thấy. Trong tứ trọng ân có ân quốc gia là vậy.

Chỉ trừ người ngu si hoặc người biết mà cố tình phớt lờ, còn người có trí tuệ, có lương tâm khi nhìn vào một thế giới bất ổn này thì phải biết về sự lãnh đạo khéo léo của quốc chủ ở nước mình, phải biết ơn và báo ơn. Báo ơn bằng cách nào?

Đó là mỗi người khi làm một việc gì đừng nghĩ vì cá nhân mình nữa, mà là vì đất nước. Ta hướng tâm xây dựng từ gia đình, cho đến xã hội, dân tộc. Ta hướng tâm về cả đất nước thân yêu của mình. Đồng thời, lòng ta luôn trân trọng sự lãnh đạo của chính quyền, trong tâm ta luôn có đạo đức của sự trung thành đối với tổ quốc mình.

Thật vậy, nhân mùa Vu lan, những đạo lý thiết thực phù hợp với nếp sống tu tập tại gia do hai vị Thầy khả kính trao truyền đã làm cho các phật tử vỡ lẽ, sáng ra. Các Thầy không những dạy đạo lý mà còn để ý quan tâm chuyện thời sự, cũng nhằm giúp cho bài giảng đối với phật tử thêm phần cụ thể sinh động, dễ nghe, dễ nhớ và thiết thực, đi từ triết lý đạo Phật đến trách nhiệm đối với con người, đối với xã hội.

Tiếp đến, nhân ngày mãn Hạ, hàng đệ tử tại Bổn tự chùa Phật Ngọc Xá Lợi quây quần quỳ dưới chân Chư tôn đức đảnh lễ kính mừng khánh tuế.

Sau đó, tại trai đường đã diễn ra lễ dâng Pháp y và cúng dường Trai tăng sau ba tháng an cư.

Đồng thời, nhân mùa Vu lan về, nhằm thể hiện tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật với đồng bào, nhân dân trong vùng, chùa Phật Ngọc xá Lợi cũng đã trao hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo và những hoàn khó khăn hoạn nạn trên địa bàn thành phố Vĩnh Long./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là một số hình ảnh lễ Vu Lan tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất