Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangTin tức Phật QuangCủ Chi: Pháp thoại "Thật ra con không hiểu tình thương của...

Củ Chi: Pháp thoại “Thật ra con không hiểu tình thương của cha mẹ”

-

 Sáng ngày 24/07/2016 (nhằm ngày 21/06/ năm Bính Thân), nhân lễ An vị tượng đài Quán Thế Âm Bồ Tát tại Thiền Thất Hương Vân (Xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) do HT. Thích Viên Giác làm Viện chủ, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã quan lâm đạo tràng thuyết giảng về đề tài THẬT RA CON KHÔNG HIỂU TÌNH THƯƠNG CỦA CHA MẸ, với sự tham dự trên 1000 phật từ các giới.

Được biết, Thiền thất Hương Vân mới được thành lập để bà con phật tử địa phương, và du khách xa gần đến vãn cảnh, đảnh lễ và chiêm bái. Với khuôn viên rộng 1,5 hecta, một cảnh quanêm đềm, tĩnh mịch hiện ra. HT Thích Viên Giác chia sẻ: Đây là một ngôi chùa cổ, cổ từ cái cột cho đến viên ngói. Nhìn từ bên ngoài vào, Hương Vân cổ tự không có gì hoành tráng cả, nhưng ẩn sâu trong đó là sự ấm áp, sâu sắc. Với một chánh điện vừa trang nghiêm (chỉ thờ duy nhất Đức Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni), vừa thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, con  người…nơi đây thường xuyên có mặt của 400 phật tử đến để sinh hoạt và tu tập một ngày theo thời khóa biểu rất phong phú.

Phía sau và trước chánh điện, một khung cảnh có cây xanh bát ngát khắp mọi nơi. Ấn tượng hơn cả là tượng Phật Bổn Sư Thích Ca ngồi trên bờ hồ chữ Tâm. Cảnh tượng đập vào mắt, cho chúng ta mường tượng như Phật ở trong Tâm. Cái cảm xúc này cũng giống bài thơ được khắc trên đá bên cạnh tượng Phật do một vị Tổ sáng tác.

Phật là vầng trăng mát/ Ngang qua trời thái không

Hồ tâm chúng sinh lặng/ Trăng hiện bóng trong ngần.

Ngoài ra, phía sau chùa còn có một cốc nhỏ mang tên Cốc cuối trời (tức là hết đường rồi).

Cho nên,đây là nơi thực sự đáng để cho mọi người đến để tu, để thư giãn tinh thần sau những ngày làm việc, mưu sinh vất vả. Đặt chân đến đây rồi, tự nhiên ta sẽ cảm thấy cõi lòng mình như dịu lại, bình an hơn.

Trở lại nội dung chính của bài Pháp thoại, Thượng tọa đã lấy cảm hứng từ hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm và những câu chuyện có thật trong cuộc sống để thuyết giảng về đề tài “Thực ra con không hiểu tình thương của cha mẹ”, nhằm khơi dậy lòng hiếu kính, sự thức tỉnh những người con đang còn lãng quên nhiệm vụ và trách nhiệm của mình với cha mẹ, từ đó biết sống cho trọn đạo làm con. Bên cạnh đó, bài Pháp cũng chỉ ra tình yêu thương bao la của Đức Phật đối với chúng sinh. Đồng thời, Thượng tọa đã gợi mở một cái nhìn sâu hơn về đời sống tu hành của các phật tử. Từ đó, giúp họ có những bước đi đúng đắn để đến gần hơn với mục tiêu tu tập.

Mở đầu, Người khẳng định: Khi còn nhỏ, tâm lí của những đứa trẻ chưa biết và cũng chưa định hình được thế nào là tình yêu thương, đó là do bộ não trẻ em chưa phát triển đủ để có tình thương yêu hiện diện trong đó. Vì vậy, tình thương yêu là một dạng tâm thức cao cấp khi tâm hồn, tinh thần, não bộ con người đã phát triển đầy đủ, chứ còn trước đó không có. Những biểu hiện của đứa trẻ như: khóc, la, đòi ẩm, mừng rỡ, v.v… sự thật là từ một bản năng đầu tiên của con nít là sợ thôi. Con nít chỉ có sợ chứ không biết suy nghĩ, không biết thương yêu, không biết đúng sai. Đó là lý do dạy con nít người ta cũng khai thác cái sợ mà dạy: một là roi, hai là hù ông kẹ.

Và cái bản năng sợ đó sẽ theo ta suốt cuộc đời, mà tâm lý sợ là tâm lý của con nít. Một người được gọi là trưởng thành, được gọi là đạo đức thì cái tâm lý sợ này phải hết. Còn nếu ta mang cái tâm lý sợ tới tuổi nào thì phải hiểu rằng ta vẫn còn con nít ở tuổi đó. Hãy kiểm tra lại mình xem còn sợ gì không (ví dụ: sợ ma, sợ đòn roi, sợ bị chửi mắng, sợ bị bỏ rơi, sợ đói, sợ bị ai nói xấu, v.v…). Qua đó, Thượng tọa muốn nhắc nhở là ta phải tu thế nào đó để tâm lý sợ này biến mất thì mới gọi là ta đã trưởng thành trong cuộc đời, ta trưởng thành trong giáo pháp Như Lai.

Theo nghiên cứu, khi đứa trẻ lớn lên, não phát triển dần dần, theo đó tình cảm cũng phát triển. Khi nó biết yêu thương, lạ lùng là những người nó yêu thương đầu tiên không phải bố mẹ mà là người dưng trước. Cho nên, nó hướng ra bên ngoài, nghe lời người ngoài hơn gia đình. Cái niềm vui nó tìm là ở bên ngoài gia đình. Đây là lý do khiến đứa trẻ ngang tuổi 18 – 20 bắt đầu bướng bỉnh, cha mẹ cứ than trời! không biết tại sao.

Lý giải về điều này, Thượng tọa cho rằng: Đó là do cơ chế phát triển của bộ não và của sinh lý con người. Trường hợp, những đứa trẻ nào mới hơn chục tuổi đã biết thương bố mẹ, đó là những đứa trẻ thần đồng, có bộ não phát triển khác hơn những đứa trẻ bình thường. Người cha mẹ nào có con thần đồng, thật là một phước lành lớn, vì đúng ra phải hơn 30 tuổi, khi bộ não phát triển đầy đủ, con người mới bắt đầu biết yêu thương cha mẹ.

Trong xã hội này, chuyện con không hiểu tình thương của bố mẹ và con không thương bố mẹ là chuyện có thật. Để rồi, lúc ta hiểu ra, ta biết yêu thương thì nhiều khi không còn cơ hội để thể hiện tình thương đó nữa. May mắn cho ta là trong đạo Phật có lễ Vu Lan – một ngày lễ nhắc về lòng hiếu thảo – giúp những đứa trẻ được gieo ý niệm yêu thương bố mẹ sớm hơn một chút, bộ não phát triển vượt bậc hơn một chút, nhân cách cũng nảy nở một cách nhanh chóng so với những đứa trẻ bình thường. Điều này chính là phước của nhân loại.

Ngoài lễ Vu Lan, các khóa tu mùa hè cũng là nơi giáo dục đạo đức hiếu kính, giúp trẻ phát triển nhân cách bộ não sớm hơn 20 năm. Nhờ vậy, đứa trẻ trở nên thông minh, có điều kiện trở thành công dân ưu tú của xã hội, đây cũng là một đóng góp rất lớn cho cuộc đời của đạo Phật.

Thượng tọa khẳng định tình yêu thương cha mẹ khác hoàn toàn so với tình yêu thương người dưng, người khác giới. Nếu tình yêu thương cha mẹ giúp trẻ trở nên thông minh, sâu sắc, chu toàn hơn trong mọi việc thì tình yêu với người khác giới chỉ là ảo tưởng, khiến trẻ trở nên mù quáng. Nhiều người, khi vướng vào tình yêu nam nữ thì không còn biết phân biệt đúng sai, không biết sự tồn tại của cha mẹ mình, thậm chí quên đi bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình, Tổ quốc, có khi tự kết thúc cuộc đời mình một cách hoài phí.

Chúng ta biết rằng, mỗi người khi sinh ra đều gánh trên mình trách nhiệm, bổn phận với cuộc đời, với những người xung quanh. Trách nhiệm, lí tưởng đó còn lớn hơn tình yêu dành cho một con người. Chúng ta còn một đất nước để yêu thương, một đạo Pháp để cống hiến thì hãy dành mạng sống của mình cho những điều cao cả đó, chứ không phải dành cho một cá nhân vẫn còn tham, sân, si.

Xét về tâm lý, từ khi sinh ra, chúng ta luôn nhận được rất nhiều thứ từ cha mẹ, nhưng phải qua hơn 30 tuổi, chúng ta mới hiểu được tình yêu thương đối với cha mẹ mình. Còn với Phật pháp, chúng ta quỳ trước Phật và Bồ tát cầu nguyện, rồi xin đủ thứ trên đời, nhưng đã bao giờ ta khởi được lòng tôn kính tột độ với Đức Phật, với Bồ tát chưa? Nếu ai trả lời là chưa thì người đó giống một đứa trẻ mới 7, 8 tuổi vậy, chỉ biết nhận mà chưa biết khởi lòng mang ơn. Ngược lại, ai mà khi quỳ trước Phật, khởi lên được lòng tôn kính với Phật, đây là người trưởng thành trong đạo Phật. Để được điều này chúng ta phải tu chứng Thánh giống như Ngài Phổ Hiền Bồ tát đã nói trong 10 hạnh nguyện: “Nhất giả lễ kính chư Phật, …”.

Lễ kính Phật là chìa khóa, là đạo lộ, là công hạnh, là đạo đức đầu tiên của một bậc Bồ tát. Người biết lễ kính Phật là người bước một bước đi dài trong Chánh Pháp, nâng tâm hồn mình lên một vị trí khá cao trên con đường tu tập, bắt đầu chứng Thánh. Những người bắt đầu biết kính Phật thì cảm xúc giống như đứa trẻ biết rằng mình phải yêu thương bố mẹ, bộ não bắt đầu phát triển đầy đủ và hoàn thiện.

Nói thì vậy nhưng thực ra việc yêu kính Phật không hề đơn giản, chỉ những người hiểu và thực hành được đạo lí sâu xa, có bước tiến dài trong đạo Pháp mới làm được điều này. Nó cũng giống như việc chỉ có những đứa trẻ thần đồng mới biết yêu thương bố mẹ mình sớm hơn 20 năm so với những đứa trẻ bình thường khác. Vậy nên, vị thầy nào khi dạy ta, cứ nhắc đi nhắc lại, truyền cho ta cảm xúc về lòng yêu kính Phật, nâng tâm hồn ta lên một bước tiến dài thì đó là vị thầy chân chính giữa cuộc đời này.

Khi quỳ trước tượng Phật, chúng ta không bao giờ nhìn ra, cũng không thể hiểu hết tình yêu thương của Ngài dành cho chúng sinh. Thậm chí có người quỳ trước Phật nhưng chỉ nhìn Ngài như một pho tượng đứng im, bất động, tâm hồn họ không khởi một chút lòng tôn kính nào hoặc lòng tôn kính khởi lên chỉ là tạm bợ, cưỡng ép thì đó là những người thấp kém. Đức Phật thương ta bằng trí tuệ siêu việt nên Ngài không bao giờ chiều theo mọi ý nguyện của ta, để ta không bị dựa dẫm, ỷ lại rồi sinh hư. Ngài lúc nào cũng muốn ta đạt được sự giải thoát, giác ngộ, nên cách mà Ngài thương ta càng khó hiểu.

Ngày ta quỳ trước Phật làm lễ quy y là ngày ta chính thức trở thành con của Ngài thì Ngài đã lên chương trình hóa độ một ngàn năm cho ta rồi. Để hiểu tình thương của Phật đến với chúng sinh là như thế nào, Thượng tọa vừa phân tích, chia chẽ ý  Pháp ra thành từng khía cạnh dưới góc độ đạo học từ thấp đến cao, vừa dùng nhiều ví dụ thực tiển để làm rõ. Qua đó, Người giúp cho các phật tử nghiệm lại cuộc sống, tâm hồn, tình cảm của mình.

Và trước khi kết thúc bài giảng, một lần nữa Thượng tọa nhấn mạnh “Con người khi còn trẻ thì nông nổi, chưa hiểu hết tình thương của cha mẹ cũng như của Đức Phật dành cho mình. Nhưng sau hôm nay, khi biết được những tình yêu thương đó, mọi người phải biết yêu thương cha mẹ, biết khởi lòng tôn kính với Đức Phật để bước thêm một bước dài trên con đường tu tập tâm linh.

Nên nhớ, cuộc đời mỗi con người là một hành trình được lập trình sẵn dựa trên phước nghiệp của mỗi người. Vậy nên, trước những thử thách, khó khăn, thay vì buông bỏ thì ta hãy cố gắng vượt qua để đi tiếp. Mỗi lần vượt qua đó là một lần chúng ta có thêm niềm hạnh phúc, thêm công hạnh và phước báo để đi đến gần hơn với mục đích tu hành.

Tiếp lời, HT Thích Viên Giác chia sẻ: Hôm nay được nghe Thượng tọa giảng Pháp là một công đức, một sự may mắn của tất cả các phật tử nơi đây. Đạo lí mà Thượng tọa nói không có một sự hở nào, thậm chí có nhiều điều khiến chúng ta phải ghi nhớ, chiêm nghiệm, tư duy và cảm nhận. Đó là lý do tại sao Thượng tọa có nhiều phật tử ngưỡng mộ. Những ai có duyên lành, được đạo lí chiếu soi vào cõi tâm của mình, mở ra cái trí tuệ sâu sắc bên trong, mới có thể cảm nhận hết những cái hay của đạo lí trong những bài Pháp mà Thượng tọa thuyết giảng. Thậm chí, nhiều đạo lí chúng ta phải cảm nhận bằng cả cuộc đời tu của mình.

Quả thực có những vấn đề Phật dạy vì đối Pháp, đối cơ cho chúng sinh thì phù hợp với tầm hiểu của chúng sinh. Còn những vấn đề cốt lõi, mang tính nguyên lí thì chỉ có Phật hiểu. Vậy nên, khi ta nghe Pháp, ta chiêm nghiệm, suy ngẫm mà càng ngày càng hiểu, đó là ta tiến thêm được một bước nữa trên con đường tu tập.

Lành thay! Lời dạy của quý Thầy thật quý báu, chữ đâu nghĩa đó, đã khơi sáng tầm nhìn của các phật tử, giúp họ có niềm tin với chánh pháp, đưa họ vào dòng Thánh bằng cách này, phương tiện nọ mà không nản lòng, mặc dù chúng sanh cõi ta bà vốn rất cang cường khó điều phục./.

Tuệ Đăng

Hình ảnh tại thiền thất Hương Vân:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất